Một bà trung niên chen ngang dòng người đang xếp hàng chờ mua bánh bao. Cô gái bị chen trước mặt nhắc bà trung niên nên ra phía sau xếp hàng, bà trung niên nói bà “Chỉ vô coi chớ không mua.” và cứ đứng đó. Cô gái chụp hình đăng lên Facebook. Bài đăng dấy lên nhiều luồng ý kiến tranh luận. Người nói nên nhường cho người già; người nói bà đó có già đâu, nhìn rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn; người nói nhường chỗ là tự nguyện, không ép buộc, người già phải làm gương cho người trẻ, phải xây dựng văn hóa văn minh cho người trẻ học tập; người nói phải có sự công bằng, không được tự cho mình cái quyền “ưu tiên” hơn người khác, nếu ai cũng đòi như vậy thì còn gì là văn minh nữa …

Tranh luận chưa ngã ngũ, nhưng nó làm tôi nhớ lại năm ngoái, mạng xã hội Trung Quốc “nóng” lên câu chuyện “nhường hay không nhường ghế cho người già” trên xe bus như sau: Một bà nọ tuổi quá sáu mươi bước lên xe bus, xe đã hết chỗ ngồi. Bà nhìn quanh, thấy một thanh niên đang ngồi cạnh cửa sau xe có vẻ như đang ngủ. Bà tiến tới, gọi thanh niên dậy nhường ghế cho bà, thanh niên không thức dậy, không trả lời. Bà quát to, mắng chửi thanh niên “Vô giáo dục”, “Trẻ không biết nhường ghế cho người già”. Thanh niên mở mắt nhìn bà một cách lờ đờ rồi lại nhắm mắt, ngồi im. Bà xông tới, dùng chiếc túi xách bự trên tay đập mạnh túi bụi lên đầu, lên người của thanh niên, vừa đập vừa mắng chửi ầm ĩ. Nhiều khách trên xe bus nhìn bà tỏ vẻ khó chịu nhưng không có ai bước ra can thiệp. Thanh niên vẫn ngồi, cố lấy hai tay che đầu. Một lúc sau, thanh niên ngã ra bất tỉnh. Lúc này, người trên xe bàng hoàng, náo loạn lên. Tài xế dừng xe bus, gọi xe cấp cứu. “Bà già” nọ nhân cơ hội nhốn nháo cũng xuống xe lẫn trốn khỏi đám đông. Sau đó báo chí điều tra biết được người thanh niên bị ung thư nặng và sức khỏe rất yếu nên không thể đứng lên được. Dư luận lại ầm ĩ lên án “bà già” và đòi xử hình sự bà ta. Đồng thời, cũng dấy lên tranh luận chủ đề: Nhường chỗ ngồi cho người già có phải là bắt buộc? Khi nào thì nhường và khi nào không cần phải nhường?

Xem thêm:   Chuyện 50 năm

Chuyện nhường chỗ ngồi cho người già, phụ nữ có thai, trẻ em không phải là mới. Người Việt “cũ” được trường học và gia đình dạy quy tắc lễ phép này từ thời xa xưa. “Đi thưa về trình,” “Kính già yêu trẻ” là những câu người Nam kỳ thuộc nằm lòng từ lúc nhỏ xíu. Không có gì lạ, người Nam kỳ được học chương trình giáo dục của nhà nước (bảo hộ) Đông Pháp, chương trình tiểu học phần lớn đều do các học giả người Việt soạn thảo.

Bảo Huân

Tôi không được may mắn học chương trình này, nhưng tôi có cái may mắn khác là tôi được đọc sách, và đọc bản gốc xuất bản từ thập niên 30 thế kỷ 20, nghĩa là tuổi cuốn sách đã gần 100 năm. Tôi không tin những cuốn sách mới tái bản sau này, vì tôi nghi sách bị cắt xén, sửa đổi câu chữ trong quá trình nhà nước cộng sản Việt Nam kiểm duyệt xuất bản. Xin trích bàiKính Trọng Người Già Cả” cho quý độc giả xem lại:

“Một lũ học trò ngồi xúm xít ở hàng nước, đang cười cười nói nói. Có một ông cụ lưng còng tóc bạc, cũng muốn vào hàng nước nghỉ. Nhưng mấy cái ghế chật ních cả rồi, cụ cứ loanh quanh (xa xẩn) (tôi nghĩ giống chữ tha thẩn) đứng ở ngoài.

Một cậu học trò ít tuổi nhất thấy thế, vội vàng đứng ngay dậy, nhường chỗ mời cụ ngồi. Sau lại cầm hộ cả cái điếu đưa cho cụ hút thuốc. Mấy cậu ngồi bên cạnh bấy giờ cùng bảo nhau ngồi dồn lại cho rộng chỗ.

Cụ già ăn thuốc xong, khen các cậu rằng: “Các cậu là học trò tràng (trường) nào, mà khéo học được những điều lễ phép như thế! Lão đây thật lấy làm quý hóa cái nết của các cậu.” (Trang 51, Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Dự Bị, Nha Học Chính Đông Pháp, 1933.)

Xem thêm:   Sài Gòn yêu em vì đó là em

Ông cụ trong bài học được mô tả là rất già, sức khỏe yếu (“tóc bạc, lưng còng”,) chính là điều kiện để được các học sinh nhường ghế ngồi nghỉ ngơi. Ông cụ khen các học sinh “khéo học được những điều lễ phép,” gián tiếp khẳng định việc nhường ghế cho người cao niên là xuất phát từ ý thức, tấm lòng nhân ái, sự có giáo dục và nó thuộc phạm trù lễ nghĩa, không phải bắt buộc và không có hình thức chế tài (chế tài là dùng pháp luật, quyền lực nhà nước để cưỡng chế bắt buộc phải thực hiện). Người được nhường chỗ phải tỏ thái độ trân trọng, biết ơn người đã nhường.

Người Trung Hoa xưa nói: “Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã, Lâm nguy bất cứu mạt anh hùng” (Thấy việc nghĩa không làm không phải là người dũng, thấy người nguy khốn không cứu không phải anh hùng.) Ừ, thì tôi nhát gan, tôi không có can đảm, tôi không phải anh hùng, nhưng đó không phải là tội. Luật pháp, đạo lý ở đời cũng không bắt ép ai phải xả thân nếu chính người đó không đủ khả năng làm hoặc không muốn.

Tuy nhiên, người Trung Quốc sau thời gian dài bị nhồi sọ “đạo đức cộng sản” thì họ bị mất hết sự hiểu biết về các khái niệm luân lý xưa cũ, nên khi “đổi mới” để “hội nhập quốc tế” thì họ lại dùng pháp luật bắt buộc dân chúng phải “lễ phép”, nếu không sẽ bị trừng phạt. Từ đó dẫn tới tình trạng dân TQ hễ bước qua tuổi 60 thì tự cho mình cái quyền ngồi lên đầu người trẻ, bất chấp hoàn cảnh cụ thể và tình trạng sức khỏe của đôi bên. Vì vậy đã xảy ra trường hợp “bà cụ” 60 tuổi “khỏe như vâm” tấn công thô bạo người thanh niên bệnh tật bắt buộc người thanh niên phải nhường chỗ ngồi cho mình. Quy tắc ứng xử lễ phép mà không có kiến thức văn hóa bỗng dưng trở thành man rợ, vô đạo đức và là công cụ áp chế người khác một cách bất bình đẳng.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/03/2025)

Nhường chỗ ngồi, nhường chỗ xếp hàng là cách ứng xử lịch sự (phái mạnh nhường phái yếu), thể hiện tình người một cách hợp lý hợp tình (người khỏe nhường người già cả, bịnh tật, đau ốm, có thai nặng nề, trẻ em). Một người có giáo dục sẽ cảm thấy áy náy nếu mình mạnh khỏe ngồi thoải mái mà để người già cả, bệnh tật phải đứng trên xe bus. Nhưng người khác có quyền nghĩ rằng ai tới trước thì được quyền lợi trước là bình thường (“First come, first serve.”) Nhường hay không tùy theo hoàn cảnh từng trường hợp cụ thể, và luôn có tính tự nguyện, không ai có quyền ép buộc ai phải nhường. Anh có công việc gấp thì tôi cũng có công việc gấp phải đi, không lẽ tôi phải nhường anh và đứng chờ hoài ở chỗ bán bánh, nếu anh muốn được phục vụ trước thì anh phải đi sớm để xếp hàng.

Việc nhường chỗ xếp hàng không phải chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người bị chen trước mặt, mà ảnh hưởng tới quyền lợi của “một dây người” xếp hàng đứng sau. Nếu người phía trước cứ cho chen hàng hoài, thì hóa ra người đứng cuối hàng cứ chờ hoài không biết bao giờ tới lượt mình? Vậy là quá bất công. Nguyên tắc nhường chỗ xếp hàng là người nào nhường, người đó phải ra đứng cuối hàng, vì mình đã “mất chỗ” khi thực hiện hành vi “nhường” rồi. Người nhường chỗ không có quyền tự ý “ăn bớt” quyền lợi của người đứng sau. Thực tế, tôi để ý, thấy đồng hương Việt Nam khi cho người khác chen hàng thì vẫn đứng đó mà không bao giờ bước ra xếp cuối hàng, vậy là không công bằng với người sau lưng mình, là ăn gian.

Nếu đã tỏ ra “văn minh” thì phải “văn minh” tới cùng, muốn thể hiện  “văn minh” mà xâm phạm quyền lợi người khác thì không nên.

TPT