Mùa nghỉ Hè của học sinh đã qua, tất cả các trường đều khai giảng đón học sinh trở lại trường, người Mỹ gọi là “Back to School”.

Học khu Los Angeles khai giảng sớm vào ngày 15 Tháng Tám, 2022. Tuy nhiên, tình hình khai giảng thật đáng lo ngại khi mà Los Angeles là học khu lớn thứ nhì toàn Hoa Kỳ mà số học sinh vắng mặt chiếm đến 11% toàn học khu, tức có đến 50,000 học sinh vắng mặt. (Theo đài KTLA) Báo cáo của Học khu nêu lý do có quá nhiều học sinh vắng mặt là do phụ huynh vẫn còn ngại về đại dịch COVID-19, các gia đình chuyển nhà đi nơi khác hoặc chuyển con qua học ở trường tư nhân, nhưng không nói rõ con số % của từng lý do.

Cũng theo đài KTLA, ông Alberto Carvolho- Giám đốc Học khu cho biết: “Trong thời gian dịch Covid-19, hàng ngàn học sinh của trường đã không ghi danh học trực tuyến các lớp tiếp theo và cũng không liên lạc trường.” Học khu cho biết sẽ huy động khoảng 600 nhân viên giúp đỡ những học sinh bỏ học, tìm cách cho các em trở lại trường.

Orange County khai giảng trễ hơn, phải tới ngày 22 Tháng Tám mới chánh thức đồng loạt trở lại trường nên ngày hôm nay chưa có báo cáo của Học khu Orange County.

Tuy nhiên, đối với các công ty buôn bán đồ dùng học tập, chiến dịch “dụ dỗ” khách mua hàng cho “Back to School,” “Off to College” đã bắt đầu từ tuần trước nữa, với sự xuất hiện các mặt hàng như: ba-lô (backpack) học sinh, các loại viết, giấy, tập học sinh, bình nấu nước nóng mini, bình pha cà phê mini, chai đựng nước uống, hộp đựng phần ăn trưa, gối lót lưng, loa mini, microphone, quần áo, giày, nón, và hàng loạt dụng cụ khác không thể liệt kê tên ra hết ở đây… được xếp trưng bày ở vị trí ưu tiên ngay “mặt tiền” cửa tiệm hoặc trên đầu website bán hàng. Khác với ở Ðông Lào cứ chờ tới dịp khai trường là tăng giá, “chém chặt” khách hàng, cách bán hàng của người Mỹ là bất cứ một dịp nào đó như các ngày Lễ, ngày nghỉ đặc biệt, ngày Father Day, Mother Day, v.v. đều là cái cớ “dụ khị” khách hàng bằng chiêu thức giảm giá cho từng món hàng hoặc giảm giá cho một “combo set” vài món (cách này người Việt kêu là “bán giá ép”.) Dù có khi món hàng chỉ giảm vài cents, nhưng cũng dán thêm miếng giấy “Roll Back” màu đỏ bự tổ bố để gây sự chú ý.

Xem thêm:   "20 ngày tại Mariupol"

Các trường cũng không chịu kém cạnh. Vừa kết thúc kỳ học Hè, lập tức xuất hiện dày đặc quảng cáo trên TV, mạng xã hội, website… mời gọi học sinh ghi danh vô trường của họ khóa mùa Thu tức thì, kể cả quảng cáo bằng tiếng Việt. Những khó khăn nhứt thời trong tình hình bệnh dịch và kinh tế suy giảm không làm giảm đi niềm vui tựu trường của các cháu học sinh nhỏ. Các Hội đoàn cũng tổ chức phát những phần quà nhỏ gồm có khẩu trang, thức ăn nhẹ, ba-lô trẻ em và dụng cụ học tập cho các em từ 18 tuổi trở xuống.

Tại trường tôi theo học, sắp kết thúc khóa mùa Hè, giáo viên đã gởi cho học sinh cả lớp tờ bướm mời tham dự “Night Family,” bất cứ ai cũng có thể tham dự để coi văn nghệ “cây nhà lá vườn,” tham khảo thông tin các lớp học mùa tới nhằm chọn lớp, ghi danh, với lời “dụ khị” ghi rõ trên giấy: Có quà tặng và “free food,” trường có cho học sinh mượn laptop đem về nhà học online. Ðúng ngày giờ, tôi rủ bạn tôi lò dò tới trường. Vừa vô khu vực sân tổ chức “Night Family,” tôi nhìn thấy nhiều người đang xếp hàng nhận quà. Tôi và bạn tôi cũng vô xếp hàng, mỗi người được phát một cái áo T-shirt màu đỏ hoặc đen, xám (màu đại diện của trường) có in logo trường, một cái túi đi chợ nhỏ bằng vải tái chế màu đỏ cũng có in logo. Các em nhỏ thì xúm xít quanh những gian hàng có đồ chơi, búp bê, bút màu, bút chì, cọ, giấy vẽ… được tặng, thích đem về nhà hay ngồi tại chỗ tha hồ tô vẽ đều được hoan nghênh.

Xem thêm:   Một đời lan

Trường còn gởi email mời nhận thẻ quà tặng nhằm khuyến khích học sinh chích ngừa Covid-19. Phàm cho cái gì tôi cũng đều nhận (trừ thức ăn) nên tôi cũng được một gift card $200 mà thời hạn sử dụng thì trên gift card không ghi. Tôi hỏi cô nhân viên trường, sau vài phút gõ gõ tra tra trên computer, cô trả lời cái gift card này thời hạn sử dụng tới… 90 năm (Viết ra chữ “chín chục” kẻo quý độc giả tưởng báo in lộn số,) tức là nếu tôi không xài mà truyền tới đời con, đời cháu tôi vẫn xài được. Lần đầu tiên tôi mới thấy một thứ gift card có hạn sử dụng dài xọc gần xuyên thế kỷ như vậy, thiệt vừa lạ mà vừa vui.

Tôi không biết trong các lớp học tại trường có bắt buộc đeo khẩu trang hay không, nhưng tôi nhìn thấy tất cả mọi người trong sân trường, bookstore, phòng hướng dẫn, phòng tiếp nhận… đều không có ai đeo khẩu trang.

Còn điều bất tiện cho mùa khai trường là xăng lên giá gấp đôi 2 năm trước nên tôi chỉ còn cách chọn các lớp học online, chớ không thể mỗi ngày lái xe vừa đi vừa về một tiếng đồng hồ để tới trường. Tôi đã nghiên cứu lộ trình xe bus miễn phí dành cho học sinh, sinh viên thì thấy nếu di chuyển bằng xe bus tôi phải ra khỏi nhà lúc 5:30 am đi bộ tới trạm thứ 1, chờ và lên xe; rồi chuyển qua xe bus thứ 2 đi một vòng mới được thả xuống trạm thứ 2, tiếp tục đi bộ một đỗi xa để tới trường, cộng thời gian tôi mất khoảng 2 tiếng đồng hồ cho từ nhà tới trường, và ngược lại 2 tiếng nữa, vị chi tôi mất khoảng 4 giờ đồng hồ mỗi ngày cho di chuyển nếu tôi dùng xe bus. Vậy là tôi đành ngậm ngùi giữ thẻ xe bus “làm kỷ niệm.”

 Những phụ huynh khác hẳn cũng méo mặt nếu phải đưa rước con đi học bằng xe nhà trong thời buổi “củi quế gạo châu xăng kim cương” này. Xe bus chỉ thích hợp với học sinh nào cư trú ở gần trường.

Có bạn Facebook thắc mắc ngày 20-11 hàng năm “học trò sống lâu năm” ở Ðông Lào thi nhau chúc mừng thầy cô giáo cũ, viết bài kể lể kỷ niệm cũ này nọ thời đi học, mà chưa bao giờ thấy Tạ Phong Tần đá động tới, cũng không “ý kiến ý cò” về cái gọi là “Biết ơn thầy cô giáo cũ nhân ngày 20-11.” Tôi trả lời rằng khai giảng năm học mới nào tôi cũng mất ăn mất ngủ, lo không có bộ đồ nào lành lặn coi được mặc đi học, lo không có tiền mua tập (vở,) mua viết mới, lo không có đôi dép nào để mang, lo không có tiền đóng tiền trường đầu năm, lo phải nghỉ học nửa chừng ra tôi biết làm gì để kiếm cơm khi ai cũng chê tôi quá nhỏ, quá ốm không có sức làm việc nên không mướn.

Xem thêm:   Vui buồn tháng Tư

Tôi đi học đầu trần chân đất tới trường, quanh năm chỉ có một bộ quần áo vải tám cũ xì, sách giáo khoa trường cho học sinh mượn thì được ưu tiên con nhà khá giả mượn trước hết rồi có đâu tới tôi. Tôi không có tiền nộp đi học thêm các môn chánh, không biết các bài tập được giải sẵn trong các lớp học thêm, nên tôi được điểm khá, điểm trung bình là may lắm rồi. Ðiều chi cuối tuần nào cũng bị “người ta” cạnh khóe xa gần, xỉ vả vì chậm nộp tiền trường, có lần tôi phải ra chợ trời đồ cũ bán cái áo sơ mi trắng (áo cũ nhưng mới nhứt của tôi) lấy tiền nộp tiền trường cho “người ta” khỏi xỉ vả. Vì vậy mà tôi làm gì có hình chụp cũ, kỷ niệm cũ êm đềm với ai mà khoe khoang, kể lể. Chợt nhớ các cháu tôi ở Ðông Lào giờ đây lại giống như tôi ngày trước.

TPT