Lời Giới Thiệu:

Trong bài có bản dịch bức thư của bà Theresa O. Davis gửi người con trai cả đã tử trận tại Miền Nam Việt Nam. Bức thư được đọc trước điện Capitol-Quốc Hội Mỹ vào ngày 30 tháng Năm 1998 – Memorial Day. Bà Theresa O. Davis từng là Chủ tịch tổ chức National American Gold Star Mothers, Inc (Tổ chức Các Bà Mẹ Của Các Tử Sĩ Quốc Gia). Con trai của bà tử thương vào ngày 6 tháng Sáu 1968. Khi Trẻ phát hành số này, chỉ còn 3 ngày nữa là tròn 53 năm ngày mất của người chiến sĩ này.

Cách đây 5 năm, tháng Tư 2016, nhân dịp 41 năm ngày 30/4, tôi vô tình đọc được bức thư của một bà mẹ Mỹ gửi người con trai cả đã mất khi mới 19 tuổi. Lúc này con trai cả của tôi cũng vừa tròn 19. Nhưng con tôi đang tung tăng trong giảng đường đại học, còn con trai cả 19 tuổi của bà mẹ Mỹ đã qua đời trước đó 30 năm tại Việt Nam, chỉ vài tháng trước khi tôi ra đời cũng tại Việt Nam. Những trùng hợp ngẫu nhiên hay không ngẫu nhiên đó cứ khiến tôi suy nghĩ miên man về cuộc đời, kiếp người, những liên đới, tương tác, nhân quả có thể trong vũ trụ.

Chàng thanh niên Mỹ trẻ tuổi đó đã bỏ mạng trong một cuộc chiến mà thế giới hay gọi là Chiến Tranh Việt Nam (Vietnam War), trong đó Mỹ thường bị tố cáo, bị lên án với những thậm từ báng bổ. Phía Bắc Việt đương nhiên thuộc phía công kích thậm tệ nhất. Nhưng phía Nam Việt không là ngoại lệ. Chỉ cần xem lại một số phát biểu của bà Trần Lệ Xuân hay của ông Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, người ta không thể tránh được cảm tưởng Mỹ là một kẻ đểu cáng. Nhưng người ta quên mất kẻ “đểu cáng” đó đã cống hiến gần 6 vạn người con, số liệu thống kê quan liêu chính thức là 08 phụ nữ và         58216 đàn ông, để Việt Nam chống trả cuộc xâm lăng của cộng sản vào Nam Việt. Nhưng cuộc chống trả bất thành – ĐÃ THUA. Người Việt yêu tự do đớn đau, hiển nhiên. Nhưng cái đau của người Mỹ trong trường hợp này chỉ có thể diễn tả bằng chính thành ngữ của họ: to add insult to injury, sát nhục mạ vào đau thương.

Xem thêm:   Tại sao khách hàng phải luôn chịu thiệt?

Là một người lớn lên sau cuộc chiến, tôi muốn chia sẻ với quý vị một góc cạnh rất ít được người Việt chúng ta nghĩ tới khi chúng ta tổ chức các cuộc tưởng niệm ngày 30 tháng Tư.

Sau đây là bản dịch bức thư của bà Theresa O. Davis gửi người con trai cả đã tử trận tại Miền Nam Việt Nam. Bức thư được đọc trước điện Capitol-Quốc Hội Mỹ vào ngày 30 tháng Năm 1998 – Memorial Day, ngày vinh danh các quân nhân Mỹ tử trận. Bà Theresa O. Davis từng là Chủ tịch tổ chức National American Gold Star Mothers, Inc (Tổ chức Các Bà Mẹ Của Các Tử Sĩ Quốc Gia). Con trai của bà tử thương vào ngày 06 tháng Sáu 1968, khi Trẻ đăng bài này, chỉ còn 3 ngày nữa là tròn 53 năm. Bức thư nguyên văn có thể thấy trên Internet hoặc trong cuốn War Letters: Extraordinary Correspondence from American Wars do Andrew Carroll biên soạn. Trân trọng giới thiệu:

Dick yêu quý,

Con trai cả của mẹ. Ðôi mắt luôn cười và gương mặt tinh nghịch của con làm mẹ thắt lòng. Thằng con bé nhỏ, mẹ vẫn nhớ những pháo đài con lắp, những trò mạo hiểm con chơi, những chú dế được con “cứu thoát” và cả những bạn bè vui nhộn của con. Mẹ không bao giờ quên được khi mới 12 tuổi con đã rắn rỏi đứng thẳng bên mẹ trong tiếng kèn ly thương tiễn biệt Cha, một quân nhân hy sinh vì tổ quốc.

Con trai yêu, con đã thật can đảm, con đã cố hết sức để làm cha cho các em con.

Xem thêm:   "20 ngày tại Mariupol"

Con lớn quá nhanh. Xong phổ thông con đã xung phong ngay ra trận và vô cùng hân hoan khi được tiếp nhận. Gương mặt con đầy tự hào khi về phép với chiếc mũ xanh bê-rê trên đầu. Mãi mãi, mẹ không thể quên được lúc con ôm mẹ lần cuối rồi vội vã đi thẳng sang Việt Nam. Thư con không bao giờ viết nhiều, nhưng mẹ biết con luôn trong hiểm nguy vì con luôn nói rằng “Không biết thì không đau”. Sau này mẹ mới rõ: vào ngày 06 tháng Sáu năm 1968, trên đường hành quân cùng binh sỹ Việt Nam Cộng Hòa, toán của con tới tiếp viện cho một toán khác đang bị tập kích, con đã bị nã rất nhiều đạn. Con mới 19 tuổi.

Không điều gì nói được lòng mẹ khi đó. Tan nát hết cả, con ơi. Nhưng mẹ phải hết sức cố để các em con không đau buồn thêm. Kevin tí hon lúc đó mới lên 7. Nó luôn miệng nói rằng “Chả đúng tý nào, chả đúng tý nào!” – Anh Lớn của nó đã bỏ đi mất rồi. Càng gắng tỏ ra vững vàng lòng mẹ càng đau đớn nhiều hơn, con ạ.

Ðã hơn 30 năm rồi, phải không con trai. Mẹ vẫn nhớ con. Mẹ vẫn hằng nhớ con. Thi thoảng trông thấy các bạn học của con dạo ấy lòng mẹ tự hỏi nếu còn sống bây giờ con sẽ ra sao, những cháu nội của mẹ sẽ nghịch ngợm thế nào. Nhưng con sẽ không bao giờ trở về. Vĩnh viễn rồi.

Bà Theresa O. Davis

Tổ quốc đã ghi ơn con. Và nay mẹ được gọi là Bà Mẹ Can Ðảm. Mẹ đã chia sẻ nhiều với những Bà Mẹ Can Ðảm khác. Tối thứ Hai nào, nhóm của mẹ cũng đến thăm các trung tâm dành cho các cựu chiến binh từ chiến trường Việt Nam trở về. Mẹ nghĩ rằng nếu là con, mẹ cũng muốn con được ai đó quan tâm như thế. Ðó là điều nhiều bà mẹ hiện nay đang làm. Nhiều chàng trai vấp phải các hục hặc với gia đình. Từ Việt Nam trở về, họ không thể giãi bày và trở nên bất hòa với cha mẹ.

Xem thêm:   Cụ bà 103 tuổi lái xe giữa đêm…

Nhóm của mẹ cố gắng giúp đỡ các chàng trai đó. Trò chuyện với họ như mẹ với con. Một lần có một chàng còn đến nhờ mẹ đơm hộ cúc áo. Mẹ đơm xong rồi hỏi lại: “Cháu có hay điện hỏi thăm cha mẹ không?” Những chàng trai đó thường nghĩ rằng gia đình xa lánh họ. Nhưng không phải thế, nếu họ chủ động và năng thăm cha mẹ, mẹ tin, những vết thương rồi sẽ dịu lành.

Nhóm của mẹ cũng hay tới Bức Tường Việt Nam và mọi người tin cho nhau mỗi khi có một cựu binh gặp khó. Ngay cả đến nay, rất nhiều chàng trai vẫn cảm thấy có lỗi vì bản thân được trở về còn những người khác thì không thể. Nhóm của mẹ thường nói rằng đó không phải lỗi của các con, các mẹ rất mừng khi thấy các con đã trở về. Dick, mẹ tin chắc dù con đang ở đâu con cũng đồng ý với những gì mẹ đang làm. Con là một chàng trai nhân hậu, luôn luôn gắng giúp đỡ ai đó, đúng không.

Mỗi lần tới Bức Tường, mẹ lại cảm thấy như con vẫn đang ở bên mẹ. Khi ngón tay mẹ lần tìm và chạm được vào tên con trên mặt đá trơn lạnh, mẹ lại như được thấy nụ cười ấm áp của con, như nghe thấy tiếng con gọi: “Mẹ, con đây. Con ổn mà!”

Dù biết rằng sẽ không bao giờ được ôm con trong lòng nữa nhưng mẹ mãi mãi vẫn có con vì con vẫn là đứa con bé bỏng lớn nhất của mẹ – Ngôi Sao Sáng của đời mẹ.

Mẹ yêu con,

Mẹ

PHS (06/05/2021)