Tôi ở Pháp đã coi như được 4 năm. Tiếng nói của tôi là “tiếng nước tôi”, ở đây họ không dùng.

Tiếng nói không còn thi vị, yêu kiều, sang trọng, được gán cho nhiều ý nghĩa cao xa như trong bài hát nổi tiếng của Việt Nam đã nói. Tiếng nói lúc này đối với tôi mộc và thiết thực như đôi nạng gỗ của một người bị què chân. Người bị què chân ở đây, nếu cần, họ có thể xướng lên tiếng nói để được người khác chạy tới giúp đỡ. Nhưng tôi thì không thể vì tôi không có tiếng nói của họ.

Qua đọc sách tôi đã biết con người càng có tuổi khả năng để lĩnh hội ngoại ngữ càng khó khăn. Song, thực tế của bản thân tôi cho thấy chữ «khó khăn» dùng trong trường hợp này cũng gần như một sự lừa gạt.

Có lẽ Ông Trời hay Chúa Trời để cho con người vài năm đầu đời được tuyệt đối hồn nhiên, «vô lo, vô nghĩ» cũng chỉ là để con người được toàn tâm toàn ý vào việc học tiếng nói mà thôi. Mà sự thành tựu về tiếng nói trong hoàn cảnh thư nhàn, sung sướng ấy cũng chỉ đạt với những người có được đôi tai bình thường.

Cả hai điều kiện ấy, ở tôi đều thiếu cả. Vì vậy, bất kỳ điều gì dù xa xôi đến đâu có thể giúp tôi học tiếng nói mới tôi đều hào hứng tìm cách để tham gia. Ðiều đặc biệt ở Pháp so với Việt Nam là tiếng Pháp dù đã thuộc một trong những thứ tiếng được yêu mến, được tìm hiểu và học hỏi nhiều nhất trên thế giới, song người Pháp lại rất chủ động, rất nhiệt thành để thúc đẩy, cổ xướng, giúp đỡ việc học tiếng Pháp cho người nước ngoài. Ở Pháp có vô số các tổ chức, các nhóm giúp đỡ người muốn học, muốn nâng cao khả năng dùng tiếng Pháp, trong đó có rất nhiều hoạt động mang tính từ thiện-miễn phí, và đôi khi hình thức học rất giản dị.

Xem thêm:   Tìm ra rồi!

Lần đó tôi nhận được tin nhắn của một người Pháp cho biết, «Ngày mai nếu rỗi, mày tới chỗ đó lúc 13h.»

«Chỗ đó» là dưới gầm một cây cầu bắc qua sông Sen ở trung tâm Paris, nơi chúng tôi đã có vài lần hẹn hò. Vào mùa Hè, trên những bờ sông Sen chạy qua Paris luôn là nơi lý tưởng cho những người thích có một không gian yên ắng giữa thiên nhiên mà lại sát ngay một chốn đô hội.

Khi có hẹn tôi thường tính phải đi sớm để tránh mọi bất trắc có thể. Một điều tôi cho là tối kỵ đối với một kẻ tha phương là lỡ hẹn.

Trước giờ mở cửa quán sách Shakespeare tại Paris vào một ngày thường. Ảnh: PHS

Khi tới gần chỗ hẹn vẫn còn sớm nên tôi muốn tạt qua quán sách tiếng Anh rất nổi tiếng mang tên Shakespeare nằm ở một con phố nhỏ bên tả ngạn sông Sen nhìn ngay sang Nhà Thờ Ðức Bà Paris. Quán sách này tôi tình cờ phát hiện ra trong những tháng đầu ở Pháp do lần đầu tiên tôi thấy, sao kỳ lạ, có sự kiện gì mà người ta lại xếp hàng dài trước giờ mở cửa của một hiệu sách không lấy gì làm to lớn so với nhiều hiệu sách khác. Hóa ra, gần như ngày nào cũng thế, luôn có nhiều người đến hiệu sách trước giờ mở cửa và việc đi vào là phải xếp hàng nối nhau theo thứ tự. Sau này tôi biết thêm, nhiều hiệu sách khác cũng có cảnh xếp hàng trước giờ mở cửa, như hiệu sách Gilbert Joseph trên đại lộ Saint Michel. Nhưng, hiệu sách Shakespeare vẫn luôn quyến rũ tôi đặc biệt. Nếu không có gì vội vã, tôi đều tạt qua hiệu sách mỗi khi đi vào trung tâm Paris, dù chỉ để lướt qua rồi về luôn.

Lần này tôi cũng chỉ dự định ngắm nhìn Shakespeare một chút rồi tới chỗ hẹn cách đó không xa.

Buổi trưa hè nơi đây thật đẹp và náo nhiệt. Khu vực này thuộc loại cổ kính nhất của Paris với những căn nhà nhỏ, một hoặc hai tầng giản dị, bên cạnh là một con phố lát đá rất nhỏ dẫn qua một chái nhà thờ nhỏ có từ cách đây 4-5 thế kỷ. Tôi mua một cốc cà-phê nhỏ truyền thống của Paris và tìm được một chỗ nhỏ đối diện với hiệu sách để nghỉ chân. Người Paris nói riêng, người Pháp nói chung, rất hay dùng tính từ «nhỏ» (petit) một cách khá cường điệu. Nhưng trong khung cảnh này từ «nhỏ» của tôi hoàn toàn đúng theo nghĩa đen của sự vật.

Xem thêm:   Tận thế vì hạch nhân trốn nơi nào?

Tôi ngồi bệt xuống đất và tự thưởng cảm giác thư thái trong một không gian rất dễ chịu. Uống hết cà-phê, tôi đặt chiếc cốc xuống đất ngay trước mặt mình để khỏi quên khi đứng lên. Tôi lặng lẽ ngắm nhìn cảnh vật, con người và hình dung ra nơi đây có lẽ cũng giống như một thánh địa hành hương của các tín đồ từ khắp thế giới – tín đồ sách. Bỗng dưng, một thanh niên từ bên kia đường đi sang phía tôi, rất nhanh, người này cúi xuống đặt như ném một đồng xu vào chiếc cốc trống không, liếc một tia mắt rất cảm thông và rời bước đi luôn. Tôi sững sờ không kịp phản ứng gì. Hóa ra người ta đã nghĩ rằng tôi đang ngồi để xin bố thí. Chữ «bố thí» đối với tiếng Việt có một nghĩa hơi nhục mạ nhưng việc ăn xin và cho người ăn xin ở Pháp, như tôi đã có lần viết, khác hẳn so với Việt Nam.

Cũng đã tới giờ hẹn, tôi đứng lên cầm lấy đồng xu (1 euro) bỏ vào túi. Trong lòng tôi thấy xúc động, bùi ngùi lạ thường vì sự việc nhắc lại cho tôi ít nhất hai điều: tôi đang sống ở một nơi, dù cùng trên một địa cầu, khác hẳn nơi tôi đã sinh ra; thân phận của tôi đã thay đổi hoàn toàn.

Tới chỗ hẹn đúng giờ nhưng tôi đã thấy người bạn Pháp cùng 5 người khác. Người bạn của tôi hôm nay muốn làm một buổi luyện tiếng Pháp ở ngoài trời cho một số người nước ngoài đang ở Paris. Buổi học rất sôi động vì thầy thì nhiệt tình còn trò toàn là kẻ đang đói tiếng Pháp. Nhưng điều thú vị nhất nằm ở việc khác.

Xem thêm:   Hy hữu "mướn học, mướn thi" ở Cali

Một cô gái trẻ da nâu đến từ Brazil nói rằng cô tới Paris để làm một nghiên cứu về dân tộc học (ethnologie). Khi được hỏi điều gì làm cô tự hào nhất về Brazil thì cô nói ngay rằng, đó là việc đất nước của cô đã được người Bồ Ðào Nha đô hộ. Cô nói nếu không có người Bồ tới thì có lẽ tới lúc này cô vẫn khoác bộ quần áo bằng lá cây.

Một chàng trai từ Anh quốc sang tự giới thiệu về mình rất gọn: sang Paris tìm hiểu nghệ thuật, sống bằng nghề rửa bát, lau dọn ở quán ăn.

Một phụ nữ Mỹ đứng tuổi là một giáo sư mới mất việc hy vọng sang Paris để thay đổi không khí. Bà cho biết, bà đang trông trẻ nhỏ cho một gia đình người Anh để sinh nhai.

Sự tự giới thiệu của 3 người gây cho tôi sững sờ không kém việc được quẳng một đồng xu trước đó. Ðối với người Việt Nam, khi nghe hay đọc những giới thiệu về bản thân, tôi thường chỉ nghe thấy những thành công, kỳ tích, những tự hào chiến thắng vĩ đại, những chức vụ, công việc rất quan trọng, to tát. Tôi đã chìm đắm trong cái nền văn hóa «to tát » này hơn nửa thế kỷ. Sự sững sờ bỗng trở thành nỗi e ngại và lo hãi về chính bản thân mình.

Tôi đã từng cảm thấy kiến trúc, phong cảnh ở Paris luôn gây cho tôi một cảm giác không dễ chịu vì sự quá đồ sộ và tráng lệ so với nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Song, chính trưa hè Paris này cho tôi thấy xứ người còn có những thứ đồ sộ và vĩ đại hơn nhưng rất khó nhìn thấy.

PHS

(những ngày cuối năm 2021)