(Kỳ 13b: The Federalist No 41)

Chúng ta tiếp tục theo dõi phần 2 của bản dịch The Federalist No 41 do James Madison chấp bút. Trân trọng giới thiệu:

The Independent Journal

19 tháng Giêng 1788*

Thưa Ðồng Bào Tiểu Bang New York,

… An ninh chống nguy cơ từ ngoại bang thuộc một trong những đối tượng nguyên thủy của xã hội dân sự. Ðây là một đối tượng được thừa nhận là sống còn của Liên Hiệp Mỹ. Các quyền lực tối cần thiết cho đối tượng này phải được giao phó đầy đủ cho các hội đồng liên bang.

Liệu quyền tuyên chiến có cần thiết không? Không ai phủ định câu hỏi này. Vậy, sẽ là phù phiếm khi đi sâu vào các lý do của câu trả lời khẳng định.

Liệu quyền xây dựng quân đội và trang bị các hạm đội có cần thiết? Quyền này nằm trong quyền vừa nói. Quyền này liên đới quyền tự-vệ.

Nhưng liệu trước đây có đúng là cần phải có một QUYỀN LỰC VÔ HẠN ÐỊNH để huy động BINH LÍNH, cũng như cung cấp hạm đội; và duy trì cả hai trong THỜI BÌNH, cũng như thời chiến?

Trả lời cho những câu hỏi này đã có từ lâu trong nhiều bài khác (xem The Federalist No 8, 24, 29. ND) nên chúng ta sẽ không bàn luận thêm nhiều ở đây. Sự trả lời thực sự đã quá rõ và khẳng định tới mức hiếm khi cần thêm bất cứ một cuộc bàn thảo nào nữa. Với sự đúng đắn nào để sức mạnh cần thiết cho tự vệ lại bị khống chế bởi những người không thể khống chế sức mạnh gây hấn? Nếu một bản Hiến Pháp liên bang có thể ghìm được tham vọng hay đặt ra được các ranh giới cho ý đồ và hành động của mọi quốc gia thì nó mới có thể thận trọng ghìm sự cẩn quyết  của chính quyền và đặt ra các giới hạn cho các phản ứng tự vệ của nó.

Chúng ta chỉ có thể an tâm cấm quyền sẵn sàng chiến tranh trong thời bình khi chúng ta có thể tin chắc cấm được các quốc gia thù địch ủ mộng và chuẩn bị chiến tranh? Các phương tiện an ninh chỉ có thể phụ thuộc vào các phương tiện và nguy cơ của sự tấn công. Chúng, vì vậy, sẽ mãi mãi được quyết định bởi các nguyên tắc này và không bởi bất cứ nguyên tắc khác. Vô vọng khi đặt ra các rào cản hiến định cho tâm thức duy trì sự sống còn của bản thân. Còn xấu hơn cả vô vọng; vì nó gieo vào ngay Hiến Pháp những tranh cướp quyền lực tất yếu và gia tăng không ngừng do cái trước là mầm cho cái sau. Khi một dân tộc liên tục duy trì một quân đội kỷ luật, sẵn sàng cho các tham vọng hay sự trả thù, dân tộc này sẽ buộc các dân tộc hòa hiếu nhất trong phạm vi với tới của nó phải có những hành động đề phòng tương đương. Thế kỷ XV là một kỷ nguyên bất hạnh của các huy động quân sự trong thời bình do Charles VII (Vua nước Pháp 1422-1461, nắm giữ quyền lực trong hoàn cảnh vua cha bị bệnh tâm thần và bị lật đổ, Charles VII đã thành công trong việc củng cố và duy trì quyền lực khi phải đối mặt với các lực lượng chống đối nội địa và sự can thiệp của Đại Anh. Charles VII, thắng quân Anh tại trận Castillon năm 1453, đã chấm dứt Cuộc Chiến 100 năm giữa hai quốc gia. ND) tại Pháp khởi xướng. Toàn châu Âu đều đi theo hoặc buộc phải theo tấm gương Pháp. Nếu các dân tộc khác không đi theo tấm gương này thì hẳn toàn châu Âu đã phải quàng trên cổ sợi xích của một nền quân chủ áp đặt cho tất cả từ lâu rồi. Nếu như mọi dân tộc trừ Pháp đã muốn hủy bỏ quân đội trong thời bình thì hẳn những nơi khác đã phải làm theo. Các binh đoàn kỳ cựu của La Mã đã là mối khiếp đảm cho các đội quân thiếu kỷ luật của mọi dân tộc khác và đã đưa La Mã thành lãnh đạo thế giới.

Xem thêm:   Hổ Trướng Khu Cơ & danh tướng Đào Duy Từ

Một sự thật không kém hiển nhiên, rằng các tự do của La Mã đã là những nạn nhân cuối cùng của các chiến công của nó; và rằng các tự do của châu Âu, cũng đã từng tồn tại từ lâu, đang phải hy sinh gần hết cho các huy động quân sự. Một lực lượng quân sự thường trực, do vậy, là một công cụ nguy hiểm, đồng thời lại cũng có thể là một công cụ cần thiết. Ở quy mô nhỏ, nó có những bất tiện. Ở quy mô lớn, nó có những hệ lụy hủy diệt. Ở mọi mức độ, nó là một đối tượng cho sự đề phòng và nghi ngờ đáng hoan nghênh. Một dân tộc khôn ngoan sẽ tổng hợp tất cả mọi phương diện này; và, trong khi nó không thể hấp tấp tự vất đi bất kỳ nguồn lực nào có thể trở thành mấu chốt cho sự tồn tại của nó, sẽ huy động tất cả mọi khôn ngoan nhằm giảm đi cả sự phụ thuộc lẫn nguy hiểm của việc phải trông cậy vào một nguồn lực có thể gây tổn hại cho các tự do của nó.

Các dấu ấn đậm nhất của khôn ngoan này đã hằn trên bản Hiến Pháp dự thảo. Bản thân Liên Hiệp do Hiến Pháp củng cố và bảo vệ đang triệt đi mọi lý cớ có thể đưa đến một huy động quân sự có thể gây tai họa. Nước Mỹ đoàn kết, với một nhúm quân, hoặc hoàn toàn không có binh lính, sẽ gây ra một vị thế đẩy lùi mọi tham vọng từ ngoại bang hơn là một nước Mỹ chia rẽ có trăm ngàn binh lính sẵn sàng lâm chiến (lúc này 13 Tiểu Bang của Mỹ có số dân chừng 3.9 triệu, không kể người Indians bản địa. ND). Trong một bài trước đây (xem The Federalist No 8. ND), chúng ta đã thấy rõ sự vắng bóng lý cớ vừa nói đã gìn giữ các tự do cho một dân tộc Âu. Tính chất quốc đảo và sức mạnh trên hải dương áp đảo so với các quân đội lân bang đã làm cho các nhà cai trị Ðại Anh chưa bao giờ đủ khả năng, thông qua các mối đe dọa thực hay giả, phỉnh gạt dân chúng để được phép huy động quân sự lớn trong thời bình. Khoảng cách giữa Hợp Chúng Quốc với các đại cường trên thế giới cũng cho họ một an ninh quý giá tương tự. Một cuộc huy động quân sự nguy hiểm có thể không bao giờ cần thiết hay đáng ủng hộ chừng nào các quốc gia này vẫn còn là một khối người đoàn kết. Nhưng đừng bao giờ quên, dù chỉ một thoáng, rằng lợi thế này có được chỉ là do tính chất Liên Hiệp. Thời điểm Liên Hiệp phân rã sẽ là dấu mốc cho một trật tự mới. Nỗi lo sợ của các Tiểu Bang yếu, hoặc tham vọng của các Tiểu Bang mạnh, hoặc của các Bang Liên (ý chỉ tập hợp của một số tiểu bang nào đó. ND), sẽ tạo gương xấu tại Tân Thế Giới giống như Charles VII đã gây ra ở Cựu Thế Giới. Rồi gương đó sẽ nối nhau ở đây do cùng một động lực như đã gây ra sự lan tràn khắp Cựu Thế Giới. Khi đó, thay vì có được lợi thế quý giá do hoàn cảnh của chúng ta như Ðại Anh đang hưởng từ hoàn cảnh của họ, bộ mặt của nước Mỹ rồi sẽ chỉ là bản sao bộ mặt của lục địa Âu châu mà thôi. Bộ mặt đó có tự do ở khắp nơi bị xay nghiền giữa các đoàn binh thường trực và các thuế khóa đời đời. Số phận của một nước Mỹ rã rời sẽ thảm khốc hơn châu Âu nhiều. Các ổ ác họa ở nơi cuối chỉ phát tán trong giới hạn của nơi này. Không còn cường quốc nào lớn hơn ở nơi khác để can thiệp trục lợi, để xúi bẩy giữa họ, và biến họ thành công cụ cho các tham vọng, ghen tỵ hay hiềm thù của ngoại bang. Ở Mỹ, những ác họa do ganh tỵ, cạnh tranh và xung đột nội bộ sẽ chỉ là một phần của số phận. Vô vàn ác họa khác sẽ nảy từ mối liên đới mà châu Âu đang bám vào vùng địa cầu này trong khi chẳng có nơi nào khác của địa cầu đụng được tới châu Âu. Không thể nào nói hết hay tả đủ viễn cảnh đầy hệ lụy do liên hiệp tan rã…

Xem thêm:   Kẻ ngốc

(còn tiếp)

PHS (11/04/2021)