Người Nam kỳ ngày trước thích đọc truyện Tàu, thích coi cải lương tuồng Tàu. Tôi nhấn mạnh chữ “truyện Tàu,” không phải “truyện Trung Quốc” như nhiều người nhầm lẫn. “Chú khách,” “chú chệt,” “thím xẩm,” “người Minh Hương,” là cách nói của người Nam kỳ gọi người Trung Quốc.
Truyện Tàu là truyện dã sử Trung Quốc, tức tiểu thuyết hư cấu viết dựa theo sử Trung Quốc, do người Trung Quốc viết và được dịch qua tiếng Việt, theo kết cấu chương, hồi, biền ngẫu. Còn “truyện Trung Quốc” do người Trung Quốc viết, thể loại đa dạng: dã sử, truyện cười, truyện ma, tình cảm xã hội, kinh dị, viễn tưởng v.v.
Vì vậy, nhiều khi người miền Tây rành những cái tên Tôn Tử Binh Pháp, Thái Công Binh Pháp, Long Trung Đối Sách, Thời Vụ Thập Bát Sách … mà quên rằng nước Đại Việt ta đã từng có Binh Thư Yếu Lược (Hưng Đạo Vương) Bình Ngô Sách (Nguyễn Trãi). Ngay cả các danh tướng vĩ đại như Lý Thường Kiệt, Lê Phụng Hiểu … cũng không thấy sử cũ chép rằng các Ngài có để lại thư tịch gì cho đời sau. Do đó, việc phát hiện, thu thập, dịch thuật tác phẩm Hổ Trướng Khu Cơ (của danh tướng Đào Duy Từ) là một công trình văn hóa – khoa học có ý nghĩa lớn đối với người Việt.
Trướng là cái màn, cái lều dựng tạm khi hành quân của viên tướng chỉ huy ngày xưa. Trong lều, sau bàn làm việc của viên tướng thường có căng tấm da nguyên con cọp (hổ,) “hổ trướng” cách nói ám chỉ phòng làm việc của viên tướng chỉ huy quân đội. Khu là tìm tòi, nghiên cứu. Cơ là mưu kế (cơ trí, huyền cơ). Xưa, Hán Cao Tổ nói: “Bàn mưu kế ở trong màn trướng, quyết định sự thắng lợi ở ngoài ngàn dặm, đó là công của Tử Phòng” (Trương Lương). Tên sách Hổ Trướng Khu Cơ cũng giống như ý câu trên.
Đào Duy Từ người tỉnh Thanh Hóa, văn võ song toàn, nên gọi ông là danh tướng, nhà quân sự, nhà chính trị, nhà văn hóa, nhà kinh tế thì đều đúng. Vì chúa Trịnh chê xuất thân ông hèn mọn (con nhà phường hát) nên ông phải trốn vô Đàng Trong để tìm kiếm cơ hội lập thân.
Tương truyền, chúa Nguyễn Hoàng (chúa Tiên) có hiềm khích với chúa Trịnh Kiểm, mà thế lực họ Trịnh mạnh hơn, sợ nguy cho gia tộc, bèn thỉnh giáo Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm kế vẹn toàn. Trạng Trình nói rằng: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Một dãy núi ngang có thể dung thân muôn đời, “hoành sơn” còn là tên của núi Hoành Sơn) Nguyễn Hoàng bèn giả vờ xin Trịnh Kiểm cho đi trấn thủ Thuận Hóa, chỉ chờ được sự đồng ý là vội vàng đem hết gia tộc họ Nguyễn chạy về phía Nam, nhưng vẫn chịu sự cai trị của họ Trịnh nên ngày đêm nơm nớp lo âu quân Trịnh tấn công. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi, đời thứ hai) mời được Đào Duy Từ về làm quan, bái họ Đào làm thầy, Đào Duy Từ nói gì chúa Sãi cũng nghe theo. Chúa Sãi thường nói với thuộc hạ: “Đào Duy Từ thật là Tử Phòng và Khổng Minh ngày nay.”

Bìa sách và đồ hình trong Hổ Trướng Khu Cơ
Đào Duy Từ xin Chúa cho đắp lũy Trường Dục từ núi Trường Dục đến Hạc Hải, lại đánh chiếm sông Gianh rồi đắp thêm một lũy khác ở bờ nam sông Nhật Lệ, nhằm bảo vệ lãnh thổ Đàng Trong không bị Đàng Ngoài tấn công, từ đó cắt đứt sự lệ thuộc của chúa Nguyễn đối với chúa Trịnh. Vì chúa Sãi gọi Đào Duy Từ là thầy, nên dân chúng Đàng Trong gọi lũy ven sông Nhật Lệ là Lũy Thầy. Ông còn bày mưu cho chúa Sãi mở rộng bờ cõi, đánh chiếm châu Nam Bố Chính (Quảng Bình ngày nay.)
Quả thật, quân Trịnh Đàng Ngoài không tấn công vô Đàng Trong được, chúa Trịnh chỉ còn cách lo thao luyện quân mã để phòng thủ mặt Bắc (Trung Hoa) lẫn mặt Nam. Trong khi đó, nhờ có hệ thống lũy, chúa Nguyễn ở Đàng Trong không còn bận tâm đối phó quân Trịnh, rảnh tay lo mở mang bờ cõi, phát triển kinh tế.
Thời đó, người Đàng Ngoài lưu truyền 2 câu: “Có tài vượt nổi sông Gianh/ Dẫu thêm hai cánh Trường Thành khó qua.”
Đào Duy Từ soạn sách Hổ Trướng Khu Cơ để dạy binh pháp cho các tướng sĩ của Đàng Trong. Tôi đã từng đọc Binh Thư Yếu Lược, nhưng phải thừa nhận là Binh Thư Yếu Lược rất “khó đọc,” đọc xong rồi không nhớ được bao nhiêu. Riêng sách Hổ Trướng Khu Cơ không nói nhiều về lý luận, mà viết rất cụ thể, nghiêng về phần thực hành về cách bố trí, đánh trận: thủy công, hỏa công, thiên bộ chiến, bày trận, chiến thuật, hành quân, kỹ thuật chế tạo binh khí, thủ trại. Sách chia làm 3 tập: Thiên, Địa, Nhân, đọc dễ hiểu.

Di tích Lũy Thầy (Hoành Sơn Quan) nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
Lại có 3 bài thuốc bổ được gọi là “Thuốc Tiên Chịu Đói” bào chế cho quân lính ngậm trong khi chiến đấu mà không dùng lương thực, nhưng vẫn không mất sức, khí sắc hồng hào. Lúc nhỏ tôi đọc truyện Tàu, thấy nhân vật Tiết Nhơn Quý, Lưu Kim Đính nhờ “linh đơn” sư phụ cho ngậm vô miệng mà có sức chạy vòng quanh 4 cửa thành đánh tan quân giặc giải vây cứu giá, cứ tưởng chuyện do tác giả bịa ra, ai dè “linh đơn” là có thật. Hoặc có phép “Dây Tiên Trói Giặc,” “Lưới Trời Yểm Trại” khác nào Khốn Tiên thằng hay Thiên la, Địa võng.
Chỉ dạy cách hành quân đi đường, sách Hổ Trướng Khu Cơ viết: “Nếu như đường cái dễ tiến, cũng sai du binh lên chỗ gò cao, tả hữu tiền hậu xem xét kỹ càng, nếu thấy chỗ nào chim chóc bay lên, vượn chồn chạy loạn, hoặc cây cỏ không gió mà động, và bụi đất mù trời, dưới chỗ ấy hẳn có phục binh, thì du binh quay về báo chủ tướng, dừng xe kết trận mà đóng lại để đợi xem thế giặc làm sao. Đấy là yếu lược xét nấp phục.” Kinh nghiệm “đường rừng” này, tôi nhận thấy hiện nay đem áp dụng thực tế cũng không hề lạc hậu.
Sách có vẽ đồ hình 19 kiểu bày trận. Tôi đọc truyện Tàu, thấy mô tả thời xưa mỗi lần tướng cầm quân ra giáp mặt đối phương thì mỗi bên đều bày trận, hai bên cho quân lính ra khiêu khích, mạ lỵ đối phương, rồi tướng điều khiển cho trận mình chuyển động tấn công vô trận đối phương, thật tình tôi không hình dung được tướng làm cách nào để “biến trận,” giờ nhìn đồ hình và đọc “Yếu luận về giáo trường diễn trận,” “Yếu Pháp Phá Trận” trong Hổ Trướng Khu Cơ