(Kỳ 12g: Đàn Hặc – Impeachment – The Federalist No 66)

Trân trọng giới thiệu bản dịch Việt ngữ (phần cuối) của The Federalist No 66 do Alexander Hamilton chấp bút:

Từ the New York Packet

Thứ Ba, 11 tháng Ba 1788*

Thưa Ðồng Bào Tiểu Bang New York:

… Cũng với lý do tương tự, phản đối loại này cho rằng sự ưu ái của những người sau sẽ luôn là chỗ trú ẩn cho các hành vi sai trái của những người trước. Nhưng tập tục vừa nói, ngược với nguyên lý này, lại xuất phát từ giả định rằng trách nhiệm của những người bổ nhiệm trong việc chọn đúng người đúng tài, và khát khao của họ về một hệ thống công quyền đáng trọng và hiệu quả, sẽ làm cho họ đủ khí lực để loại đi tất cả những ai có hành xử cho thấy không xứng với sự tin cậy đã được phó thác. Mặc dù thực tế có thể không luôn đúng như thế, nhưng nếu về cơ bản là chính xác, giả định này sẽ bác được giả thuyết cho rằng Thượng Viện, cơ quan sẽ chỉ chuẩn thuận lựa chọn (tức các đề cử vào vị trí viên chức chính phủ như bộ trưởng, đại sứ v.v. – những người được giả định đang bị impeachment. ND) của Hành Pháp, sẽ có sự thiên lệch ủng hộ các lý do của lựa chọn đó mạnh tới mức khiến họ không nhìn thấy các chứng cứ phạm tội rõ tới mức đã làm cho các đại diện của đất nước phải đứng lên impeach.

Nếu cần thêm bất cứ lý luận khác để chỉ rõ tính bất khả của loại thiên lệch này, chúng ta sẽ tìm trong bản chất quyền bổ nhiệm viên chức của Thượng Viện.

Tổng Thống có nhiệm vụ ÐỀ CỬ và, với ý kiến và ưng thuận của Thượng Viện, BỔ NHIỆM viên chức. Ðương nhiên, về phía Thượng Viện, sẽ không có hành động CHỌN. Họ chỉ có thể bác lựa chọn của Tổng Thống, buộc ông (đại từ “ông” (him) ở đây cho thấy sự phân biệt nam-nữ thịnh hành trong xã hội đương thời. ND) phải chọn lại; nhưng họ không thể tự CHỌN, mà chỉ có thể phê duyệt hoặc bác bỏ lựa chọn của Tổng Thống. Thậm chí họ có thể vẫn còn thích một người khác vào lúc họ đang chuẩn thuận người do Tổng Thống đề cử, vì không có lý do rõ ràng để chống lại Tổng Thống; và nếu giữ lại chuẩn thuận, họ cũng không chắc đề cử sau đó có rơi vào người của họ hay vào bất cứ người nào họ thấy xứng đáng hơn người đã bị bác. Do đó, khi bổ nhiệm nhân sự khó có chuyện đa số Thượng Viện lại chú tâm tới bất cứ điều gì ngoài các biểu hiện của tài năng, đức hạnh và các dấu chỉ thiếu hụt những phẩm chất này để phê chuẩn hay bác bỏ.

Xem thêm:   Đồ chơi của người lớn

Loại phản đối THỨ TƯ đối với chức năng tòa impeachment của Thượng Viện đến từ sự phối hợp của Thượng Viện với Hành Pháp trong thẩm quyền tạo lập hiệp ước. Phối hợp này, như họ nói, sẽ biến các thượng nghị sĩ thành chính các thẩm phán cho chính họ mỗi khi có tha hóa hay sai phạm trong thực thi trách nhiệm của thượng nghị sĩ. Khi họ đã câu kết với Hành Pháp để phản bội lợi ích quốc gia trong ký kết một hiệp ước sai trái, làm cách nào để có thể, người ta hỏi, buộc họ phải chịu sự trừng phạt thích đáng khi bản thân họ lại sẽ là người quyết định trong việc phán xử các cáo buộc cho rằng họ đã phạm tội phản trắc?

Phản đối này đang được truyền bá với sự quyết liệt và lý luận lớn hơn hết thảy các loại phản đối khác đang nhằm vào phần này của bản dự thảo; và lẽ ra tôi đã tin nếu như nền tảng của phản đối này không sai lầm.

An ninh căn bản được Hiến Pháp dự trù để chống lại các tha hóa, phản trắc trong việc tạo lập hiệp ước là nằm ở số lượng và phẩm cách của những người sẽ tạo ra chúng. CHỨC NĂNG HIỆP ÐỒNG giữa Thống Lãnh Hành Pháp của Liên Hiệp và 2/3 thành viên của một thực thể, được chọn lựa qua sự khôn ngoan tập thể của các cơ quan lập pháp tại các Tiểu Bang (tức các thượng nghị sĩ Tiểu Bang được bầu thông qua các cơ quan lập pháp từng Tiểu Bang. Ðến năm 1913, tu chính án thứ 17 mới yêu cầu thượng nghị sĩ liên bang do nhân dân các tiểu bang bầu trực tiếp như hiện nay. ND), được thiết kế là nhằm tạo ra sự cam kết trung thành giữa các cơ quan của quốc gia  trong công việc đặc biệt này.

Xem thêm:   Đi tìm lăng mộ Antoine & Cléopâtre

Những người soạn hiến pháp đã tính kỹ việc trừng phạt Hành pháp khi Hành pháp hành động trái với ý muốn của Thượng Viện hoặc không thực thi đúng các hiệp ước. Những người soạn hiến pháp cũng dự kiến trừng phạt một số thượng nghị sĩ thoái hóa làm công cụ cho ngoại bang. Nhưng những người soạn hiến pháp không thể nào cho rằng có khả năng đa số thượng nghị sĩ lại trở nên thoái hóa và càng khó hơn có tới 2/3 thượng nghị sĩ thoái hóa giống như rất khó xảy ra chuyện đa số dân biểu trong Hạ Viện thoái hóa tới mức cùng phê duyệt các điều luật vi hiến, nguy hiểm. Những hiện tượng này chưa bao giờ xảy ra trong mọi chính quyền từ trước tới nay.

Tuy nhiên, làm cách nào một đa số trong Cơ Quan Ðại Diện có thể impeach chính họ? Ðương nhiên cũng chẳng dễ dàng hơn việc 2/3 Thượng Viện lại tự phán xử họ. Nhưng lý do nào khiến một đa số trong Cơ Quan Ðại Diện, đã cùng vứt bỏ lợi ích xã hội khi phê chuẩn điều luật độc đoán và bất công, tránh được trừng phạt nhiều hơn 2/3 Thượng Viện cũng đã vứt bỏ các lợi ích đó khi tạo lập hiệp ước với ngoại bang? Sự thật là, trong tất cả các trường hợp như thế, để bảo vệ sự tự do và tính độc lập cần thiết cho các cuộc suy tính của thực thể lập pháp thì các thành viên của nó phải được miễn trừ trừng phạt khỏi những quyết định của tập thể; và an toàn cho toàn xã hội phải được đặt trên sự cẩn trọng trong việc giao phó trách nhiệm vào đúng người phù hợp, làm cho họ thấy có lợi khi thực thi trách nhiệm một cách trung tín và làm cho khả năng câu kết giữa họ với nhau trở nên khó khăn nhất có thể trong mọi mục đích chống lại phúc lợi chung

Xem thêm:   Ai lạc quan hơn

Ðến đây, nếu còn ngại ngần về việc Hành Pháp có ứng xử bất chính trong việc làm sai các chỉ dẫn hoặc bỏ qua ý kiến của Thượng Viện, chúng ta dứt khoát không cần phải sợ Thượng Viện sẽ không đủ ý chí để trừng phạt mọi sự lạm dụng lòng tin của họ hoặc để khôi phục quyền uy của chính họ. Do vậy, chúng ta có thể tin tưởng vào lòng kiêu hãnh, nếu không phải là đức hạnh, của họ. Nếu còn quan ngại về các lãnh đạo suy đồi, bằng vận động và sự tinh quái, làm cho đa số đồng tình phê chuẩn các quyết định làm hại cộng đồng, một khi có đủ bằng chứng về sự tha hóa này, thiên tính của loài người bảo đảm cho chúng ta rằng Thượng Viện sẽ hoàn toàn không do dự thoát khỏi sự phẫn nộ của công chúng bằng cách sẵn sàng hy sinh ngay những kẻ đã làm cho Thượng Viện sai trái và hổ thẹn.

(còn tiếp)

PHS (12/03/2021)

* Trong năm (5) nguồn người dịch tham khảo (nêu trong Lời giới thiệu) có hai nguồn (www.constitution.org; bản dịch Pháp văn Le Fédéraliste của Anne Amiel, Paris Classiques Garnier, 2012) ghi thời gian xuất bản bài này là (thứ Bảy) 08 tháng Ba 1788. Hai nguồn (Gutenberg và http://avalon.law.yale.edu) ghi (thứ Ba) 11 tháng Ba 1788. Nguồn http://oll.libertyfund.org như thường lệ không ghi thời gian xuất bản. Ở đây tôi theo hai nguồn sau: thứ Ba, 11 tháng Ba 1788.

(1) Trong Hiến Pháp của New Jersey, cũng vậy, thẩm quyền tư pháp tối cao nằm trong cơ quan lập pháp. Ở New Hampshire, Massachusetts, Pennsylvania và South Carolina, một nhánh của lập pháp làm tòa impeachment.