Marc Antoine và Cléopâtre là một trong những đôi tình nhân nổi tiếng nhất trong thế giới cổ đại. Sau thất bại ở trận đánh Actium vào năm 31 trước Công Nguyên, Antoine và Cléopâtre rút về Ai Cập, nơi nương náu cuối cùng, cũng là nơi Cléopâtre trị vì thần dân với tư cách là nữ hoàng. Năm 30 trước Công Nguyên, Ai Cập bị xâm chiếm, và sau trận chiến Alexandria, cả hai kết liễu cuộc đời mà hầu hết các sử gia tin rằng họ đã tự sát, dù một số sử gia khác cho rằng họ bị giết.

Tượng điêu khắc Antoine và Cléopâtre. nguồn: conferentia.fr 

Tuy nhiên, dường như ngay cả cái chết cũng không thể tách rời đôi tình nhân yêu nhau thắm thiết này. Sử sách ghi rằng Antoine và Cléopâtre được an táng cùng chung ngôi mộ. Tuy nhiên, mộ của họ chưa bao giờ được tìm thấy. Đây là một bí ẩn lịch sử tồn tại đã hơn 2 thiên niên kỷ qua.

Cái chết của Marc Antoine

Trong quyển The Lives of the Caesars Augustus, sử gia La Mã Suetonius (70-130 sau Công Nguyên) ghi lại rằng Octavian buộc Antoine tự sát, trong khi sử gia Hy Lạp Plutarch (45-120 sau Công Nguyên) viết trong quyển The Parallel Lives rằng Antoine đã tự tử khi nghe tin thất thiệt: Cléopâtre đã chết! Ngay sau cái chết của Antoine, Octavian háo hức bắt sống Cléopâtre với ý nghĩ rằng “vinh quang của chiến thắng sẽ tăng gấp bội lần nếu Cléopâtre có mặt trong đoàn binh diễn hành”.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (11/14/2024)

Cái chết của Cléopâtre

Theo sử gia Plutarch, Cléopâtre chọn cái chết ở Ai Cập để tránh bị bắt sống đưa về thành Rome, vì nàng không thể chịu nổi ý nghĩ bị tách biệt khỏi Antoine. Plutarch ghi lại một phần lời vĩnh biệt của Cléopâtre trước khi tự kết liễu cuộc đời: “Trên đời này, không gì có thể chia cách đôi ta. Dù có chết đi, chúng ta vẫn kề cận bên nhau. Chàng, người La Mã, chết và nằm tại đây. Trong khi thiếp, người phụ nữ bất hạnh, phải nằm ở Ý. Không thể như thế được”.

Cassius Dio (155-235 sau Công Nguyên), nhà sử học La Mã, kể lại rằng Cléopâtre coi việc bị bắt và diễn hành trên đường phố thành Rome “là một kết cuộc bi thảm tồi tệ hơn cả ngàn lần cái chết”, và đó là lý do nàng đã tìm cái chết bằng cách tự sát.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thừa nhận Cléopâtre tự sát. Một giả thuyết khác về sự tự sát của Cléopâtre là nàng bị Octavian ám sát để ông ta có thể nắm toàn quyền thống trị.

Trận chiến Actium. nguồn: en.wikipedia.org

An táng chung mộ phần?

Tuy nhiên, nhiều người tin rằng Octavian đã cho phép Antoine và Cléopâtre được an táng chung mộ phần. Theo nhà sử học Cassius Dio “cả hai được ướp theo cách giống nhau và an táng trong cùng mộ phần”.

Còn theo Suetonius, “Octovian cho phép cả hai được vinh dự chôn cất chung trong 1 ngôi mộ, và lệnh cho thuộc cấp phải hoàn thành lăng mộ trong thời gian ngắn nhất”. Plutarch cho biết thêm rằng Octavian ngưỡng mộ “tâm hồn cao thượng” của Cléopâtre, và do đó ông đã cho phép nàng và Antoine được an táng chung trong trang phục vương giả thật lộng lẫy”.

Xem thêm:   Tăng giá xăng ám ảnh kinh hoàng của người nghèo

Lăng mộ bị thất lạc

Có thể lăng mộ không được xây dựng như một tượng đài to lớn vì e ngại nó sẽ được sử dụng làm nơi tập họp để chống lại Octavian trong tương lai. Cho nên, quy mô của lăng mộ được cho là tương đối nhỏ. Vị trí của nó là nơi ẩn khuất và mộ bia cũng không rõ ràng để lưu lại lâu dài cho hậu thế.

Mặc dù lượng thông tin liên quan đến lăng mộ của đôi tình nhân quá nghèo nàn, nó vẫn là một phần không thể thiếu trong câu chuyện kể về Antoine và Cléopâtre. Thời gian trôi qua, hậu thế có thể hình dung lăng mộ theo trí tưởng tượng của họ. Ví dụ, một bản thảo của Pháp vào thế kỷ 15 có một bức tranh vẽ lăng mộ của Antoine và Cléopâtre. Phù hợp với nhiều nguồn thông tin, sử liệu xưa cổ, đôi tình nhân được chôn kề cận bên nhau. Bản vẽ trên, tuy sai về niên độ, nhưng đã mô tả lăng mộ được thiết kế theo phong cách Gô tích của Châu  Âu.

Đền thờ vị thần Osiris, nơi được suy đoán tọa lạc lăng mộ Antoine và Cléopâtre. nguồn: inhabitat.com

Cuộc tìm kiếm

Việc tìm kiếm lăng mộ của Antoine và Cléopâtre được các sử gia rất quan tâm. Tuy nhiên công việc vẫn chưa thu được nhiều thông tin có giá trị. Một số người cho rằng Cléopâtre được an táng trong cung điện của mình, nơi nàng tự sát. Cung điện này hiện giờ nằm dưới đáy biển, và nếu như giả thuyết này là đúng sự thật, hầu như chắc chắn hài cốt của đôi tình nhân sẽ không thể tồn tại. Năm 2009, Zahi Hawass, nhà khảo cổ Ai Cập, cựu Cục Trưởng Cục Bảo tàng và đồ cổ Ai Cập, tuyên bố lăng mộ của Antoine và Cléopâtre có thể đã được tìm thấy. Vị trí lăng mộ là ngôi đền thờ vị thần Osiris, được xây dựng vào triều đại của Ptolemy II, nằm ở phía Tây Alexandria. Sự suy đoán rằng nơi đây có thể là nơi an giấc nghìn thu của Antoine và Cléopâtre, được dựa vào việc phát hiện một bức tượng bán thân của Cléopâtre, 22 đồng tiền có họa hình của nàng, và một mặt nạ được cho là của Antoine. Ngoài ra, 27 ngôi mộ và 10 xác ướp khác cũng được phát hiện. Dù đây là một nguồn tin đáng chú ý, nhưng vẫn còn nhiều nghi vấn bao quanh lăng mộ của đôi tình nhân nổi tiếng này. Ví dụ, một nhà khảo cổ học cho rằng không có gì bảo đảm Octavian đã cho phép kẻ thù bại trận được chôn cất trong ngôi đền nổi tiếng như thế.

Xem thêm:   Nhạc sĩ Văn Trí nhớ hoài một mùa Thu

Có lẽ, các nhà khảo cổ học còn phải làm nhiều việc hơn nữa trước khi đưa ra kết luận cuối cùng có thể thỏa mãn sự tò mò của mọi người về lăng mộ đầy bí ẩn này.

ĐDH