(Kỳ 12b: Đàn Hặc-Impeachment)

Ðàn Hặc, như đã giới thiệu trong phần thuật ngữ ở Kỳ 6, là một thủ tục tư pháp đặc biệt, có nguồn gốc từ thế kỷ XIV tại Anh, nhằm truất phế các viên chức cao cấp của chính quyền (tổng thống, tổng trưởng, thẩm phán liên bang …) khi họ có các hành động, hành xử sai trái. Hiến Pháp Mỹ, Article 2, Section 4, viết rằng:

The President, Vice President and all civil Officers of the United States, shall be removed from Office on Impeachment for, and Conviction of, Treason, Bribery, or other high Crimes and Misdemeanors.” (Tổng Thống, Phó Tổng Thống và mọi Viên Chức dân sự của Hợp Chúng Quốc, sẽ bị bãi nhiệm khỏi Chức Vụ khi bị Ðàn Hặc vì, và bị Kết Án vào các tội trạng Phản Quốc, Nhũng Lạm, hoặc các Tội nghiêm trọng và các Tội quan trọng khác.)

Về hậu quả của đàn hặc, Hiến Pháp Mỹ, Article 1, Section 3, quy định rõ:

Judgment in Cases of Impeachment shall not extend further than to removal from Office, and disqualification to hold and enjoy any Office of honor, Trust or Profit under the United States…” (Xét xử các Vụ Ðàn Hặc không vượt quá phế truất đương sự khỏi Chức Vụ, và tước mọi khả năng được nắm giữ và hưởng thụ mọi Chức Vụ có tính chất Danh Dự, Tín Nhiệm hoặc Có Lương Bổng thuộc hệ thống Liên Bang…)

Như vậy đàn hặc (impeachment) là công cụ kiểm soát bằng pháp lý chỉ áp dụng riêng cho giới cầm quyền – những người được giao phó các trách vụ công thông qua tiến trình bầu cử hoặc bổ nhiệm; hậu quả cao nhất của đàn hặc chỉ giới hạn trong ý nghĩa chính trị, danh dự hoàn toàn không có tính chất hình sự (ví dụ như phạt tù) hay dân sự (ví dụ phải bồi thường). Hậu quả chính trị/danh dự này của đàn hặc Hoa Kỳ có tính chất cải tiến nhẹ hơn so với đàn hặc từ Anh quốc với hậu quả có thể hỗn hợp chính trị/hình sự (thậm chí tử hình). Tuy nhiên, với đàn hặc, giới công chức cao cấp Mỹ đã phải chịu thêm một tầng kiểm soát pháp lý bên cạnh tầng kiểm soát pháp lý thông thường áp dụng cho mọi công dân. Thiết kế này của các nhà lập quốc Hoa Kỳ là nhằm hạn chế tối đa người điều hành chính phủ xâm phạm lợi ích công, hoặc các quyền tự do của người dân. Xét tương quan quyền lực nội tại chính quyền, đàn hặc là một thành phần trong cơ chế kìm soát và đối trọng (checks and balances) nhằm “tạo ra một cấu trúc nội tại của chính quyền sao cho các bộ phận cấu thành, thông qua các tương tác với nhau, là các công cụ giữ cho mỗi bộ phận ở nguyên trong các vị trí của chúng” (The Federalist No 51).

Xem thêm:   Một đời lan

Theo tác giả Ian Bùi, trong bài Impeachment là gì? tại phương Ðông cũng đã tồn tại đàn hặc và còn xuất hiện sớm hơn cả phương Tây, ông viết:

Thế còn bên phương Ðông thì sao? Theo từ điển Hán Việt của Thiều Chửu và nhiều vị học giả đáng tin cậy khác, ‘impeachment’ được gọi làđàn hặc’ người còn viết làđàn hạch’ (hạch là do hặc nói trại ra, như hạch hỏi, hạch tội v.v.) Cuối thời Bắc Tống bên Tàu, khoảng thế kỷ thứ 12, có viên quan tên Trần Hoà từng ‘dâng sớ đàn hặc’ lên vua Tống Huy Tông để hạch tội Ðồng Quán, một vị tướng tài ba nhưng cậy quyền ỷ thế làm nhiều điều xằng bậy. Truyện Thủy Hử cũng có nhắc đến nhân vật Ðồng Quán này.

Ðời nhà Trần và Hậu Lê ở nước ta có Ngự Sử Ðài gồm những vị quan cương trực, họ có nhiệm vụ hặc tấu lên vua những tên quan lại tham nhũng lạm quyền. Từ những chuyện trên ta có thể kết luận impeachment, hay đàn hặc, là những quy tắc chính trị có tự lâu đời. Tuy về mặt hình thức mỗi nơi mỗi khác, nhưng tựu trung nó vẫn là những biện pháp ngăn chặn sự lạm quyền.

Tuy nhiên, theo tôi, về mặt danh tính, tuy tiếng Việt hiện nay có thể cùng gọi một chữ (đàn hặc) nhưng bản chất của đàn hặc phương Ðông khác cơ bản so với impeachment (đàn hặc phương Tây) ở chỗ: cơ chế ngăn chặn sự lạm quyền này ở phương Tây không bị phụ thuộc vào một quyền lực vô biên tự phong (quân vương); nói cách khác, impeachment chỉ xuất hiện sau khi đã có thành công trong sự chia tách quyền lực giữa hành pháp (quân vương) và lập pháp (trao về tay người dân thông qua tiến trình bầu cử chọn ra đại diện của dân). Ðây là điểm quan trọng rất nền tảng trong sự tiến hóa về chính trị theo hướng dân chủ – tự do của loài người vì nếu không đạt được sự chia tách quyền, sự đại diện của dân mọi cải tổ chính trị đều vẫn chỉ nằm gọn trong quyền lực độc đoán, đồng thời mọi đàn hặc (của phương Ðông như đã thấy) chỉ có tính chất nửa vời giống như Ban Kiểm Tra Trung Ương/Ban Nội Chính của các chế độ cộng sản đề nghị kỷ luật, truy tố các đồng đảng của họ. Vì vậy chúng ta không nên quy hai hình thức chống sự lạm quyền này như nhau. Tuy nhiên, bài viết của Ian Bùi gợi ý rằng có lẽ chúng ta không nên dùng chữ đàn hặc để dịch impeachment nữa hoặc có thể nên du nhập nguyên từ impeachment này vào tiếng Việt (giống như dịch giả Pháp Anne Amiel đã làm).

Xem thêm:   Một câu chuyện nhỏ

The Federalist lần đầu tiên nói tới impeachment là do James Madison viết trong The Federalist No 39 khi ông bàn về những nan giải của hội nghị lập hiến và sự thiếu vững chắc trong các phản đối của phe the Anti-Federalist chống lại bản dự thảo hiến pháp. Madison viết:

No part of the arrangement, according to some, is more inadmissible than the trial of impeachments by the Senate, which is alternately a member both of the legislative and executive departments, when this power so evidently belonged to the judiciary department. ‘We concur fully,’ reply others, ‘in the objection to this part of the plan, but we can never agree that a reference of impeachments to the judiciary authority would be an amendment of the error. Our principal dislike to the organization arises from the extensive powers already lodged in that department.’” (Không phần nào của bản dự thảo, đối với một số người, lại khó chấp nhận hơn tòa xét xử impeachment được trao cho Thượng Viện, cơ quan đã là thành phần của cả bộ phận lập pháp và hành pháp, trong khi quyền lực này rõ ràng đã thuộc về bộ phận tư pháp. Một số người khác đáp lại rằng: ‘Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với phản đối này, nhưng chúng tôi không bao giờ có thể nhất trí với việc đưa các xét xử impeachment sang nhánh tư pháp như là sự sửa đổi cho sai lầm này. Lý do chính trong sự phản đối của chúng tôi đối với cơ quan này là do đã có quá nhiều quyền lực được trao cho nó.)

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/11/2024)

Qua trích dẫn này chúng ta thấy sự bế tắc của những người phản đối trong việc đề ra một giải pháp khác tốt hơn giải pháp dành cho thượng viện giữ vai trò quan tòa xét xử impeachment như bản dự thảo hiến pháp quy định.

Về diễn tiến tư tưởng, thời điểm các nhà lập quốc Mỹ bàn về impeachment cho bản hiến pháp của mình thì tại Anh quốc biện pháp này đã gần như bị quên lãng suốt từ đầu thế kỷ XVIII. Nhưng đối với các nhà lập hiến của nước Mỹ non trẻ sau cuộc Cách Mạng giành độc lập, impeachment lại tỏ ra cần thiết vì họ đã chấp nhận một hành pháp đơn nhân (the individual executive) tức thiết chế Tổng Thống với rất nhiều quyền lực và lại có khả năng tái cử vô thời hạn (unlimited reeligibility). Quyền lực lớn là để hành pháp thuận lợi trong việc điều hành xã hội, trị quốc; khả năng tái cử lâu dài để khuyến khích người cầm quyền tận tâm, tận lực và không lãng phí những kinh nghiệm, hiểu biết trị quốc đã sở đắc. Song, quyền lực luôn có mặt trái cần phải phòng bị. Và kinh nghiệm impeachment của Anh quốc (kẻ cựu thống trị) tỏ ra là một công cụ thích ứng cho việc phòng bị các sai lầm, hư đốn của tổng thống (“for defending the Community against the incapacity, negligence or perfidy of the chief Magistrate” – James Madison). Chính vì vậy, thuở sơ khai của nước Mỹ, cũng như hiện nay, impeachment thường làm cho mọi người nghĩ ngay tới sự tấn công chính trị vào tổng thống.

(còn tiếp)

PHS (01/02/2021)