Nước mênh mang, nước vây khắp chốn. Dòng chảy xiết không bến, chẳng bờ. Bãi cát Nhan Biều không còn dấu vết. Làn nước trên rừng đang tràn về ‘hùng hổ’, dòng đục ngầu chảy băng băng. Lụt đâu cần biết bao nỗi âu lo của người hay ngay cả thú vui vô tư tuổi nhỏ, nó vẫn ‘cắm đầu cắm cổ’ trôi nhanh về biển. Giữa dòng vô số xoáy nước, to nhỏ, quay cuồng xoắn tít. Rồi vô số lau lách cứ thế mặc sức đua trôi theo dòng. Tôi xem chừng chúng như chen nhau , đua trôi thật mau về ‘thăm’ biển cả “Thái Bình”. Thỉnh thoảng theo làn nước dữ nhấp nhô mấy cây gỗ mục. Nhà ai thật gan, nghe đâu vớt được cả đống củi “trời cho” này. Thuở này thiên hạ còn nấu ăn bằng củi, nên gỗ rừng về xuôi tấp một mớ vào bờ, khiến họ “mừng ơi là mừng!”.

Tôi cố nhướng mắt nhìn lên hướng lên Cầu Ga. Chiếc cầu vẫn còn hình dáng quen thuộc một màu đen sẫm bắc qua dòng nước cuồn cuộn trôi về. Nó vẫn, đứng vững, nối nhịp thương yêu đôi bờ.

-Năm ni, chắc nước khôn vô chùa mô hè?

Một ông già vừa đứng “cất rớ” kiếm mớ cá nước lụt, vừa lo ngại nói với lũ nhỏ chúng tôi .

Tôi ngoảnh nhìn hướng cổng chùa Tỉnh Hội Quảng Trị, nước còn một chút nữa là đến cổng ‘Tam Quan’. Bãi cát trước chùa thì hoàn toàn mất hẳn, nước đang mấp mé bờ đường. Cái Miễu Ðôi tuy ngó ra sông nhưng cao hơn nên chưa hề gì. Phía đập Rì Rì thì không còn nữa, dòng lụt đã cắt ngang. Hướng Sãi nay chỉ còn lũy tre mờ mờ, cong cong

-Biết tin gì không dưới ‘nớ’?

Lụt ngăn. Chẳng ai dám liều băng mình qua dòng nước đang xé con đập, tràn vào nhánh sông nhỏ chảy vào Vĩnh Ðịnh. Không ai qua được đoạn đập dài non cây số bị nước cắt ngang. Bờ tre phía Sãi xa xa, như đang ‘rướn mình chịu đựng, oằn oại, cố sức ngăn cản’ dòng nước dữ đang muốn xô đẩy, hất tung tất cả để xoáy vô làng. Tuy biết lụt sẽ hết, nước sẽ rút dần, thế mà khoảng thời gian này không về được làng, không lên được Tỉnh, người ta xem chừng lâu quá, như “cả cuộc đời’. Hai bờ lóng nhóng, những người kẹt lại trên này nhấp nhỏm chờ cơn nước rút. Ai không liên can thì đi kiếm củi, rớ cá, hay mang ‘tơi’ đi xem lụt.

Duy bọn nhỏ chúng tôi đi xem lụt mà không bị cấm thì cũng thật may, không gì ‘khoái chí’ cho bằng. Tôi thích thú nhìn mấy con cá trắng nhảy long chong trong cái ‘rớ’ ông già vừa cất lên. Ông rung rung cho mấy cọng rêu rớt xuống nước, đùn mấy chú cá trắng xuống tận đáy lưới. Buổi cất rớ của ông phần nhiều là cá ‘lòng tong’ nếu không muốn nói lái lại là ‘long hội’! Ðôi lúc ông may mắn có vài con diếc ‘ngu ngơ’ đâu theo nước lụt trôi về, lọt vào lưới ông. Mùa lụt, cá diếc có trứng càng hay. Ông già vội hắt hết vào cái vợt nhỏ, xong ông bỏ cá vô cái oi bên thắt lưng. Tôi nhớ đến tô cháo cá diếc trứng vàng hươm béo ngậy mạ tôi thường nấu vào mùa này. Hình như mùa lũ cá diếc cũng tức trứng đi tìm nơi đẻ như cá gáy. Tôi không hiểu lắm, nhưng con cá diếc mà to ra thì trông ‘giông giống’ con cá gáy vậy. Ðó là ý nghĩ của tôi ngày đó, chưa hẳn là đúng.

Xem thêm:   Một câu chuyện nhỏ

Xem chừng nước càng lúc càng dâng. Tôi nghe phía sau tiếng người kêu nhau í ới. Mấy con đường nhỏ trong “xóm Heo” (cái tên xóm heo, oái oăm thay lại gần xóm Chùa Tỉnh Hội, khi nghe tiếng chuông công phu buổi sáng thế là dân trong xóm thức giấc, nhưng lại thúc giùm ông thợ “mổ heo” luôn thể  – thật là chuyện khó lòng cho các thầy lúc này không sao giải trừ được nghiệp (sát sinh) người ta bắt đầu lội nước. Xóm Heo thấp hơn mặt đường nên nước trong xóm có nơi sâu ngang ngực. Xế trưa nước tràn lên đường. Cống Quân Cụ trước mặt Ty Thú Y, giờ này nước đã tràn qua thật rồi. Vài con cá, tôi không biết cá gì, lại “bon chen” trườn mình theo làn nưóc lấp xấp trên mặt đường băng ngang.

Thằng Mẹo, một đứa trong bọn tôi vắng đi một hồi không thấy hắn đâu? Thì ra hắn đang hì hục kéo một nhánh phượng gãy thật to đem về nhà làm củi.

– Cái thằng! Ngó rứa mà thương nhà hắn dữ thiệt a, thật là thằng con có hiếu, đi chơi lụt hắn cũng không quên chuyện kiếm củi về cho mạ hắn.

Bao thân cây rừng thật to đang nhấp nhô trôi giữa dòng nước chảy băng băng. Người ta xuýt xoa chỉ trỏ, ước chi nó tấp được vào bờ. Riêng tôi chẳng màng chi thứ việc ‘người lớn’; con nít chỉ một ‘chuyện thích’, đó là lội qua xong lội lại trên làn nước đang băng qua hai cái cống trước mặt Trại Quân Cụ  và Ty Thú Y. Nước tràn qua mặt cống khá mạnh, vừa lội tôi vừa hồi hộp, tim đánh liên hồi sợ nước cuốn tôi trôi về biển mất thôi.

Lụt về đến đồng bằng thì trời lại ngưng mưa. Nhưng bao nhiêu nước trên nguồn dồn hết về đây. Bốn mặt hồ bao quanh Thành Cổ nước dâng tràn lên bốn con đường quanh Thành. Nước tràn vào sông Vĩnh Ðịnh, nước ngập đồng ruộng An Tiêm, Hạnh Hoa và luôn cả cánh đồng sau xóm Cửa Hậu.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/18/2024)

Ðây cũng là dịp trong xóm tôi nghe chừng rộn ràng, ‘bát nháo’ vì cái chuyện đi ‘nơm’ cá ngoài đồng. Hàng năm vào lúc lụt như thế, rất nhiều cá gáy theo cơn nước lên đồng tìm chỗ đẻ trứng. Thỉnh thoảng chúng ‘tức trứng’ thi nhau quẫy cạnh mấy bụi cây nhô lên trên làn nước đục. Ðứng xa thấy cá quẫy, dân trong xóm đua nhau cầm nơm, bươn bả nhào tới, tiếng la tiếng hét ôi ‘loạn xà ngầu’ vui quá đi thôi. Trên cánh đồng ngập nước phía sau phường Ðệ Tứ, lúc này người ra nơm cá rất đông. Nước ngập quá bụng mà chẳng ai lo chi chuyện ướt lạnh. Thú vui ‘trời cho’, hào hứng trong mùa nước dâng, làm người nào cũng không còn biết lạnh. Phía xa có ai dùng rựa chém một con gáy thật to; đằng kia có người nơm được một con, mừng quá la toáng lên, bà con lao tới phụ bắt.

Thằng Mẹo xóm trên, cái thằng coi bộ việc chi cũng rành. Hắn kết xong cái bè chuối thật to từ lúc nào. Vừa chống bè, hắn khoái chí kêu tôi cùng lên bè đi chơi với hắn. Tôi là thằng “nhát gan, thằng thỏ đế” làm gì dám nghĩ tới chuyện lên bè với hắn.

Nghĩ cũng “tội ” cho cái xóm mới ‘mọc lên’ sau. Nhà họ sát cánh đồng, bìa ngoài xóm Hậu của tôi. Họ đang bị cái họa “ách nước tai trời” đày đọa . Bà con phải đi tránh lụt, phải đi xin “ăn nhờ ở đậu” ít ngày tận xóm ngoài, tức mấy chục nóc nhà “cố cựu” cạnh con đường nhựa, con đường Lê Văn Duyệt trước Cửa Lao Xá của Thành Cổ. Xóm ngoài này may mắn không bị nước lụt ‘xâm lăng’. Dĩ nhiên, không ai nỡ lòng từ chối!

Một cảnh nơm cá ngoài đồng mùa lụt. nguồn: internet

– Ai chà!

Sao tôi  lại vui và mong chi cái cảnh lụt lội như thế này mãi để chạy đi xem, đi chơi, đi lội lụt trong lúc bà con mình sau xóm lại đang vất vả ngược xuôi khổ sở trăm bề? Nhưng thật ra thì chính “Ôn Trời” gây họa chứ ai vô đây nữa! Lũ con nít bọn tôi chỉ là ‘vui ké’ đó thôi!

Cái nhà thằng Bốn cùng lứa với tôi, ba hắn có xe đò Quảng Trị-Huế, năm vừa rồi chú Ba – ba hắn (nhưng hắn kêu chú vì kiêng tên) mới xây xong cái nhà ngói thật to sau xóm. Số là ba hắn bán nhà cũ sát đường  xong lại ra mua đất sau đồng, có vườn tược rộng rãi vui thú tuổi già. Nền nhà thằng bạn ‘nối khố’ này xây lắm công phu và tốn kém rất ‘hung’ (nhiều). Cát đổ nền, ba hắn (tức là chú hắn) thuê xe lấy tận bờ sông chở về, mất cả tháng trời mới xong. Nội cái nền không thôi đã cao hơn một mét, thế thì làm chi có chuyện nước lụt làm ướt đồ đạc trong nhà hắn được. Xóm Hậu “Mới” này chỉ có nhà thằng Bốn không lo cơn lụt mà thôi. Chiếc xe hàng (xe khách) ba hắn (tôi lại quên nữa! của chú hắn) thì tạm thời ‘lánh nạn’ ngoài đường ‘quan’ tức là con đường nhựa Lê Văn Duyệt. Còn lại đa số bà con ngoài này chỉ toàn là ‘tạm cư’, bởi thế nhà cửa mới bấp bênh.

Xem thêm:   Một đời lan

Bà con dưới làng, mấy năm chạy lên xong chạy về, tránh bom đạn. Riết một hồi không biết làm chi ăn nên đành phải ở lại Tỉnh luôn. Số bà con này mang ‘kiếp tản cư’ nên nhà cửa tạm bợ: cái lợp tranh, cái lợp tôn, “lỏng chỏng, le te”. Vợ con gia đình, ăn theo đồng lương của Lính kiếm được đồng nào “xào đồng đó” nên vách nhà của họ thì tôn, ván ép Mỹ lung tung, tạm che gió lánh mưa mà thôi, cần chi cho đẹp. Nhà cửa tạm dung thân nên ‘dựng vội xây vàng’ bên mé ruộng, bờ ao. Thế là những cái nền đất thấp lè tè cơn lụt mới lên nước đã ‘liếm’ tận vạt giường, khiến bà con mất ăn bỏ ngủ.

Lội bì bõm theo con ÐƯỜNG NGỰ tôi thấy cánh đồng thân yêu giờ đã loang loáng nước. Nước phủ tràn trề, từ con sông Vĩnh Ðịnh chặn thôn An Tiêm mênh mông lan đến xóm Tiêu. Ðứng mé xóm sau tôi thấy giờ tất cả chỉ là một màn nước đục giống một cái đầm vĩ đại mà Ông Trời sau một đêm đã tạo một “cảnh biển dâu” như thế. Màn nước mênh mông với những làn sóng nhỏ lao xao theo làn gió nhẹ. Tiếng bà con í ới kêu nhau đi nơm cá, loáng thoáng mấy con chim nhạn bay lướt qua mặt nước. Lạnh lẽo ướt át mà lại vui, cái cảnh rộn ràng tất bật làm sao, khó diễn tả cho hết xóm làng trong cơn nước dữ?

Cảnh trời và người trong mùa LỤT VỀ cứ thế tiếp diễn mãi hàng năm bên dòng sông cũ. Thạch Hãn xa rồi trong nỗi nhớ khôn nguôi, bởi vì dòng sông nay còn thì còn đó nhưng trong tâm tư người trở lại thấy nó lạ lẫm làm sao? Lạ từ cái cầu cho đến dòng nước chảy do sông đã bị ngăn dòng, càng làm cho tôi chẳng bao giờ quên được kỷ niệm quê hương trong mùa mưa lạnh.

Trẻ em giỡn nước bên nơm cá. nguồn internet

ĐHL