Cuộc bầu cử mới diễn ra ở Hong Kong hôm 24/11/2019 khá phù hợp với nhận định của học giả chính trị S.P.Huntington. Trong cuốn The third wave – democratization in the late twentieth century, ông khuyên rằng trong một cuộc chuyển hóa dân chủ, phe dân chủ vẫn nên tham gia vào một cuộc bầu cử ban đầu do phe độc tài tổ chức vì xác suất thắng cử cho phe dân chủ khá cao.

Kết quả này là nguồn khích lệ vô cùng lớn cho giới đấu tranh Hong Kong bởi đây là dấu chỉ mạnh mẽ và rõ ràng nhất về sự ủng hộ của đại đa số người dân Hong Kong. Mạnh là bởi tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt hơn 70% – một tỷ lệ đáng mơ ước của nhiều xứ sở dân chủ lâu đời. Rõ là vì sau sáu tháng đụng độ, đổ máu, chết người, đóng cửa hàng, mất thu nhập, mất nhiều “nồi cơm”, người dân vẫn thẳng tay bỏ phiếu tán thành những “kẻ đầu sỏ” đã thúc giục, tổ chức biểu tình làm đại diện cho mình ngay tại địa phương.

“Phúc bất trùng lai”, cổ nhân Trung Hoa dạy thế, nhưng sai trong trường hợp này. Sau chiến thắng vang dội qua thùng phiếu hội đồng, chỉ 3 ngày sau, ông Tổng thống Mỹ Donald Trump tính khí thất thường lại hạ bút ký, biến hai dự luật trở thành hai luật đích thực ủng hộ giới đấu tranh Hong Kong, bất chấp các dọa dẫm từ Bắc Kinh. Bộ luật thứ nhất (Hong Kong Human Rights and Democracy Act) nhằm xiển dương, hỗ trợ các giá trị dân chủ, nhân quyền cho Hong Kong; Bộ luật thứ hai (Protect Hong Kong Act) nhằm cấm các công ty Mỹ xuất các công cụ trấn áp cho lực lượng cảnh sát Hong Kong.

Cũng giống như phán quyết của Tòa Cao Cấp (High Court) đã bác lệnh của Carrie Lam (trưởng hành pháp) cấm người biểu tình đeo mặt nạ, hai kết quả vừa nói là những đòn giáng nặng vào ý đồ áp bức của Bắc Kinh và những cá nhân, phe phái ủng hộ Bắc Kinh. Tuy nhiên, nhìn vào toàn cảnh của Hong Kong, chúng ta thấy viễn cảnh gia tăng dân chủ nhiều hơn cho Hong Kong còn rất u ám.

Nói gia tăng dân chủ nhiều hơn nghĩa là Hong Kong đã có dân chủ nhưng chưa đầy đủ. Theo bảng xếp hạng dân chủ năm 2018 (Democracy Index 2018) của Economist Intelligence Unit, Hong Kong được xếp vào dạng dân chủ khiếm khuyết (flawed democracy) ở mức thấp với điểm số 6,15; Trung Cộng (China) xếp vào hạng độc tài, điểm số 3,32.

Xem thêm:   "Kỹ thuật nhồi sọ"

Ðiểm yếu nhất khiến Hong Kong ngày nay, cũng như thời còn là thuộc địa Anh quốc, chưa đạt tiêu chuẩn dân chủ đầy đủ (full democracy) nằm ở các thủ tục bầu cử lập ra người cầm quyền thuộc hai nhánh hành pháp và lập pháp. Riêng về tư pháp, Hong Kong, như vừa thể hiện, vẫn giữ được truyền thống tư pháp độc lập, rất đáng ngưỡng mộ, từ thời thuộc địa Anh quốc cho dù sau năm 1997 các thẩm phán Hong Kong đã phải chịu nhiều ràng buộc với Bắc Kinh. Ngoài ra, Hong Kong được đánh giá khá cao về mặt văn hóa chính trị dân chủ và các quyền tự do dân sự (tự do báo chí, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do biểu tình, tự do tôn giáo, tự do tập họp,…). Ðây là những kế thừa từ thời thuộc địa Anh quốc.

Tuy nhiên, trước khi bàn giao Hong Kong, Anh quốc đã nhiều lần cố thực hiện một số cải cách nhằm gia tăng mức độ dân chủ cho cuộc bầu cử, mà lần cuối là Thống lãnh Christ Pattern đã thực hiện – trao cho dân chúng nhiều uy lực hơn trong việc lập ra nhánh lập pháp – nhưng những cải cách này đã bị nhà cầm quyền Trung Cộng ngăn chặn, phá bỏ ngay trước khi Hong Kong được trao lại cho Trung Cộng.

Mặc dù thế, trước những áp lực quốc tế và những toan tính về kinh tế, chính trị, Trung Cộng phải công nhận hai điểm mấu chốt:

  1. Hong Kong sẽ được duy trì mô hình xã hội, kinh tế, chính trị riêng biệt, đặc biệt là tư pháp độc lập, trong 50 năm, ngoại trừ ngoại giao và quân sự.
  2. Ðiều 45 và Ðiều 68 của Bộ Luật Cơ Bản (Basic Law) do Bắc Kinh soạn thảo còn nói đến khả năng sẽ thực hiện bầu cử theo thể thức phổ thông đầu phiếu (universal suffrage – bao hàm cả nghĩa duy trì tính chất đa nguyên và tự do của Hong Kong) cho hai nhánh hành pháp và lập pháp với mốc xem xét vào năm 2007 (ghi trong phụ lục).
Xem thêm:   Thân thương hai tiếng "Mình ơi"

Song, nếu đọc kỹ hai điều này, chúng ta sẽ thấy bản chất gian trá thường có của cộng sản. Ðiều 45 và 68 đều có một đoạn văn viết rõ: “The ultimate aim is the election of the Chief Executive (all the members of the Legislative Council) by universal suffrage…” (Tối hậu sẽ phải tiến tới việc chọn ra Trưởng Ðặc Khu (các thành viên Hội Ðồng Lập Pháp) theo hình thức phổ thông đầu phiếu…). Nhưng cả hai điều luật này đều nói phải tham chiếu các chi tiết cụ thể trong phụ lục. Riêng chức Trưởng Ðặc Khu, Ðiều 45 còn nói thêm “phổ thông đầu phiếu” dựa trên các ứng cử viên do một ủy ban gồm nhiều thành phần đề cử phù hợp với các thủ tục dân chủ (universal suffrage upon nomination by a broadly representativenominating committee in accordance with democratic procedures.). Trong các phụ lục liên quan, chúng ta lại thấy một loạt các điều kiện rắc rối để tất cả đưa tới việc có “phổ thông đầu phiếu” hay không đều phải phụ thuộc vào ý muốn của Bắc Kinh. Bằng cách này nhà cầm quyền Trung Cộng đã hai lần từ chối, cố tình đẩy lùi việc tiến hành “phổ thông đầu phiếu” cho Chief Executive và LegCo, 2007 hứa đến 2012, rồi lại hứa đến năm 2017.

Ðây chính là một trong những lý do khiến các nhà dân chủ Hong Kong đặt ra một trong năm yêu sách của phong trào là đòi Carrie Lam từ chức và thực hiện phổ thông đầu phiếu cho cả hai nhánh hành pháp (Chief Executive), lập pháp (LegCo).

Về khả năng từ chức của Carrie Lam, sau khi phe dân chủ chiến thắng vang dội sau các cuộc bầu hội đồng quận, tờ The Economist của Anh đã có một bài viết bình luận rằng:

“In a true democracy a vote in which opposition candidates took control of 17 out of 18 councils, having previously held none, would end political careers.” (Trong một nền dân chủ đích thực, một cuộc bầu cử mà phe đối lập, trước đó chả có gì, thắng tới 17 trên tổng số 18 hội đồng, sẽ phải đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của kẻ đương quyền.)

Song tờ này phải thở dài vì Carrie Lam vẫn không tỏ ra một dấu hiệu nào sẽ nhượng bộ người biểu tình.

Xem thêm:   Một câu chuyện nhỏ

Trong một cuộc đối thoại kín ngày 2 tháng Chín giữa lúc phong trào chống đối đang dâng cao cũng cho thấy bản thân Carrie Lam đã thú nhận một cách gián tiếp bà ta đang phải tuân thủ ý muốn của Bắc Kinh. Theo Reuters, Carrie Lam đã bộc bạch rằng:

“Trưởng Ðặc Khu, rất đáng tiếc, là chức vụ theo hiến pháp phải phục vụ hai ông chủ đó là chính quyền trung ương và người dân Hong Kong, vì vậy quyền quyết định của tôi vô cùng, vô cùng hạn hẹp.” (“[T]he political room for the chief executive who, unfortunately, has to serve two masters by constitution, that is the central people’s government and the people of Hong Kong, that political room for manoeuvring is very, very, very limited.”)

Về phía Bắc Kinh, đương nhiên, kết quả của các cuộc bầu cử (theo hình thức phổ thông đầu phiếu) ở cấp quận vừa diễn ra đang làm Bắc Kinh phải cảnh giác, lo sợ hơn với “phổ thông đầu phiếu” ở cấp cao hơn.

Trong lễ kỷ niệm 20 năm ngày Hong Kong về lại Trung Cộng cách đây hai năm, Tập Cận Bình đã dọa sẽ không chấp nhận mọi hành động đe dọa chủ quyền, an ninh Trung Cộng hay xét lại Luật Cơ Bản của Hong Kong.

So với khi mới trao trả, vai trò kinh tế của Hong Kong hiện nay đã giảm đi rất nhiều: năm 1997, Hong Kong đóng góp 27% vào tổng GDP của toàn Trung Cộng, ngày nay con số này chỉ còn khoảng 3%. Ðây là một yếu tố thuận lợi cho những khả năng mạnh tay của Bắc Kinh đối với phong trào dân chủ Hong Kong.

Tuy nhiên, qua sáu tháng với những diễn biến vô cùng căng thẳng và kịch tính, phong trào dân chủ Hong Kong vẫn tỏ ra rất ngoan cường, khôn ngoan và đoàn kết. Không một dấu hiệu nào cho thấy họ nhượng bộ những đòi hỏi có tính chất nền tảng để Hong Kong dân chủ hơn nữa, trong khi họ là những người không thể không biết những khó khăn, âm mưu, hiểm nguy đang rình rập.

Có lẽ họ là những người đã hiểu rất rõ rằng con đường đi tới một xã hội dân chủ tự do đầy đủ luôn luôn cần phải nỗ lực, trả giá kể cả hy sinh.

PHS

01/12/2019