Mùa hè bắt đầu vào tuần này ở Bắc bán cầu với ngày Hạ chí. Ngày Hạ chí đánh dấu ngày dài nhất và đêm ngắn nhất trong năm.

Strawberry Moon USAToday

Vào Thứ Sáu, trăng tròn đầu tiên của mùa hè mọc lên. Người Mỹ bản địa gọi là trăng dâu tây vì thời gian của nó trùng với thời điểm thu hoạch dâu tây. Vào tối Thứ Sáu, quý vị hãy nhìn về phía Đông Nam để ngắm trăng tròn ló dạng phía trên đường chân trời. Trăng dâu tây không có màu hồng hoặc đỏ, mà có màu vàng kim loại sáng hoặc cam

Thuật ngữ “solstice” xuất phát từ các tiếng Latin “sol” (mặt trời) và “stitium” (tĩnh hoặc dừng). Nó được sử dụng để mô tả thời điểm chính xác khi các cực nghiêng tối đa về phía hoặc ra xa mặt trời, còn gọi là ngày chí tuyến, chí điểm, nghĩa là thời gian hoặc ngày (hai lần mỗi năm) mà mặt trời đạt đến độ lệch cực đại hoặc cực tiểu, được đánh dấu bằng những ngày dài nhất và ngắn nhất (khoảng 21 Tháng Sáu và 22 Tháng Mười Hai, Dương lịch.) Chữ summer đi chung với chữ solstice (summer solstice) dịch là Hạ chí.

Khác với từ ngữ tiếng Anh mỗi một chữ thường có nhiều nghĩa, chữ solstice ở đây chỉ có một nghĩa đơn nhứt. Tôi đã tra vài cuốn Từ điển tiếng Anh, và thấy cuốn Từ điển nào cũng dịch nghĩa “solstice” như trên, không có nghĩa thứ hai.

Năm nay, Hạ chí ở Mỹ bắt đầu lúc 4:51 PM ngày Thứ Năm (June 20, 2024,) giờ Thái Bình Dương. Tính theo lịch âm là ngày 16 Tháng Năm, năm Giáp Thìn. Nhiệt độ trong ngày Hạ chí rất nóng, ở Việt Nam có thể lên tới 36-40 độ C.

Trái với phương Tây, người phương Đông hiểu Hạ chí là giữa mùa hè, Đông chí là ngày giữa mùa Đông. Ngộ ở chỗ đối với mùa Xuân, mùa Thu, người phương Đông lại không xài chữ chí, mà lại dùng chữ Xuân phân, Thu phân, chữ phân (chia) ở đây cũng có nghĩa là ngày giữa mùa Xuân, mùa Thu, đồng nghĩa với chữ “chí” ở trên. Ngày Xuân phân thời gian ban ngày và thời gian ban đêm dài bằng nhau.

Xem thêm:   Review & giả review

Ngày trước, nhiều bộ lạc người Mỹ bản địa đã thực hiện nghi lễ Hạ chí “múa mặt trời quanh một cái cây trong khi mặc trang phục màu sắc tượng trưng.” Ngày nay, công việc lao động sản xuất phần lớn đều có máy móc làm, trồng trọt không phụ thuộc vô yếu tố thời tiết, nên hầu như chẳng mấy ai quan tâm tới ngày Hạ chí, trừ phi nhiệt độ ngày đó quá nóng người ta mới sực nhớ ra: “Nóng quá. Ừ, À, thì ra hôm nay Hạ chí.”

Tuy nhiên, vẫn có ngoại lệ. Mỗi năm, hàng ngàn thiền sinh từ khắp nơi trên thế giới đổ về Quảng trường Thời Đại ở thành phố New York để chào mừng ngày Hạ chí với các lớp học yoga miễn phí.

Người Việt, nhứt là người Việt Nam kỳ sống ở mảnh đất quanh năm ấm áp và nắng nóng, gần như luôn luôn phải tìm cách trốn nóng vào mùa Hè, có Hạ chí cũng vậy mà không Hạ chí cũng vậy. Hầu như người Nam kỳ không có phong tục tổ chức nấu nướng, cúng kiến, ăn uống, vui chơi gì trong ngày Hạ chí. Tôi sống ở vùng đất Nam kỳ 47 năm, tôi thành thật nói với quý vị rằng tôi chưa bao giờ để ý tới ngày Hạ chí ở ngoài đời vì tôi thấy hè thì nóng như nhau, tôi chỉ biết cái tên ngày Hạ chí nhờ đọc truyện Tàu.

Đối với phần lớn người Việt, ngày Đông chí có nhiều kỷ niệm hơn, vui cũng có, mà buồn cũng có. Người càng lớn tuổi, kỷ niệm ngày Đông chí càng dày, với những hồi ức sâu kín về phong tục, tập quán, cha mẹ, anh em, họ hàng, lối xóm…

Tôi nhớ lúc tôi còn chưa biết coi lịch treo tường, một hôm mẹ tôi đi chợ về mua rất nhiều đồ ăn, bột nếp, đường, đậu xanh, những ống màu bột thực phẩm, gừng, mè trắng, lá dứa, thịt heo, trứng vịt… Nói chung toàn những món ngon lành, “sang trọng” (theo tôi nghĩ.) Mẹ tôi kêu tôi lấy cái thau đổ đậu xanh ra ngâm nước, lấy dao cạo vỏ củ gừng. Tôi hỏi bữa nay mẹ nấu món gì? Mẹ tôi trả lời bữa nay ngày Đông chí, nhà ai cũng phải nấu chè trôi nước, kho thịt làm mâm cơm cúng ông bà. Ăn chén chè trôi nước xong là thêm một tuổi, cũng là bắt đầu năm mới rồi, không phải chờ tới Mùng Một mới là Tết. Mấy đứa ở nhà chơi, đừng ra ngoài phá làng phá xóm người ta lại mắng vốn, bị đòn là xui cả năm đó. Ăn chè xong còn mười lăm ngày nữa là Tết Nguyên Đán.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (04/24/2025)

Tôi nghe vậy háo hức trông cho Tết mau tới để được mặc bộ đồ mới đi chơi, bèn lấy cục phấn mỗi ngày gạch một gạch lên vách tường sau nhà bếp để đếm coi chừng nào Tết tới. Ngày hôm đó, trong thờ tiết se se lạnh, ngoài bữa cơm được ăn thịt ba rọi kho trứng vịt ra, còn được ăn một tô chè trôi nước gồm hai viên chè bự có nhưn đậu xanh và một lô mấy viên ỉ (bột nếp vo nhỏ bằng ngón tay, không nhưn) thả trong tô nước gừng ấm nóng bốc khói. Những cái bánh cấp, bánh cúng (nếp nguyên hột trộn dừa nạo, đậu trắng, gói trong lá dừa và luộc chín) nóng hổi, mở miếng lá gói ra ăn ngon vô cùng.

Chè trôi nước ngày xưa dùng bột nếp trắng nắn thành viên trôi nước, mẹ tôi nói đó là những viên ngọc trắng tinh khôi trôi trên nước biển. Ăn viên trôi nước trắng là phong tục bắt chước giao long ngậm ngọc. Viên trôi nước còn có ý nghĩa là đoàn viên, gia đình sum họp. Chữ đoàn có nghĩa là hình tròn, mặt trăng, tập hợp lại, tụ tập; chữ viên cũng có nghĩa là hình cầu, mặt trăng, là người; như vậy, không có loại bánh nào ý nghĩa để dâng lên bàn thờ tổ tiên trong ngày Đông chí như bánh trôi nước, cầu mong người nhà ai đi xa cũng quay về sum họp ngày Tết. Người xưa cũng cho rằng Đông chí là ngày lạnh nhứt trong năm, âm khí nặng nề, tránh làm việc lớn, e sợ thất bại.

Xem thêm:   Khi Sài-Gòn cúi mặt

Rồi những ngày sung sướng, no đủ bỗng trôi qua. Có những năm Đông chí trong nhà không có món gì để cúng trên bàn thờ ông bà. Mẹ tôi chỉ đủ tiền mua nếp làm bánh trôi nước không có nhưn đậu xanh. Mâm cơm cúng là cơm trắng, rau luộc, cá kho, bánh trôi nếp không nhưn. Không khí buổi cúng trầm xuống, im lặng, ai cũng im lặng, không một tiếng cười, chỉ có những tiếng nói chuyện rì rầm nho nhỏ, buồn bã… Bữa ăn cả nhà cũng im lặng, bầu không khí thật nặng nề, chìm lấp trong sự buồn bã vì thiếu đói, sự tuyệt vọng vì không biết bấu víu vô đâu để thoát khỏi tình cảnh khốn khổ này. Đó là những ngày Đông chí hằn sâu trong ký ức mà tôi không bao giờ quên được.

Sau khi tôi trưởng thành thì đó là những ngày Đông chí vắng nhà liên tục, chẳng bao giờ ăn được chén chè trôi nước cúng Đông chí ở nhà nữa.

Nam kỳ vốn chỉ có hai mùa mưa và nắng. Từ nhỏ tới lớn tôi vẫn cứ đinh ninh Tháng Mười, Mười Một, Mười Hai (Âm lịch) là mùa Đông. Tháng Một, Hai, Ba (Âm lịch) là mùa Xuân. Tôi đi học ở trường chính phủ Mỹ, cô giáo nói cho tôi biết Tháng Một, Hai, Ba (Dương lịch) mới là mùa Đông.

Ngày nay, người ta nấu chè trôi nước mà cho màu xanh đỏ tím vàng vô bột nếp, tôi không biết cái sự hoa hòe hoa sói cho viên trôi nước có từ lúc nào.

Kể chuyện xưa nghe chơi. Thời nay chẳng còn mấy ai nhớ Hạ chí với Đông chí. Cuộc sống càng hiện đại, càng nhiều tiến bộ khoa học, con người càng bị giam vô các loại xiềng xích vô hình. Công việc bận rộn, học hành bận rộn, ăn món gì cũng chạy ra tiệm, ăn món gì cũng là thực phẩm đóng hộp, đóng gói, thỉnh thoảng cuối tuần mới nấu được bữa cơm Việt ở nhà.

TPT