1
Ngày thi đệ nhị lục cá nguyệt với môn Pháp Văn, lớp 6/4 được chia làm hai nhóm theo thứ tự “abc”. Cô Thiên Chi gác thi các bạn ở phần sau danh sách lớp. Lần đó bài thi khó quá, đứa nào cũng đưa tay lên và đặt câu hỏi. Cô Chi đứng ra giữa tấm bảng và giải nghĩa cặn kẽ cho cả lớp nghe. Cô rất tận tình và thương yêu học trò cho dù đám trò nhỏ chưa có dịp học với cô giờ nào. Cho tới bây giờ Tám vẫn nhớ được chiếc áo dài “soie Phi” nền trắng có điểm những hình tròn màu đen to như cái trứng gà so của cô mặc hôm gác thi. Sau đó, cả lớp chuẩn bị làm tiếp bài thi thì nghe được loa phóng thanh của trường thông báo tất cả các lớp ngừng thi và các học sinh từ lớp lớn tới lớp nhỏ được phép ra về. Bữa đó là ngày 8 tháng tư năm 1975, Nguyễn Thành Trung mới vừa ném bom dinh Độc Lập!
Niên khóa 1974-1975 chấm hết. Năm học đầu tiên của Tám ở trường trung học Petrus Trương Vĩnh Ký cũng trôi qua khi Sài-Gòn bị “đứt phim”. Trường cũ bị thay tên sau đó không lâu. Đám “con út” của ông Trương Vĩnh Ký như những cánh chim non rời xa tổ ấm và bay tản mạn khắp muôn nơi. Chim nào không tìm về tổ cũ, dòng sông nào không muốn trôi ra biển lớn, nhưng mãi mãi chúng vẫn là những cánh chim lẻ bạn, những dòng sông phân nhánh và bị chia rẽ muôn đời.

Sài-Gòn với cây xăng “cục gạch” đặt bán ở dọc đường
2
Là học trò mà không phải đi tới trường là niềm hạnh phúc lớn lao khó tả. Nhưng khoảng chừng hơn mươi ngày là Tám bắt đầu thấy buồn chán, chùn chân vì không được la cà ngoài đường phố như lúc trước và cũng ít có dịp để gặp gỡ hay tán dóc với bạn bè. Sạp báo của chị Năm cũng thưa dần số lượng báo chí. Báo phát hành không đều đặn như thường lệ mà bữa có, bữa không nên chị cũng không buồn ra sạp và để lại góc đường một khoảng trống đìu hiu.
Người dân ở Sài-Gòn mỗi ngày thêm lo toan và cuộc sống thêm phần hối hả vì tin tức chiến sự không hay từ ngoài Trung đưa về. Miền Trung bị thất thủ và Việt cộng đã chiếm được nhiều thành phố cũng như tỉnh lỵ. Chợ vẫn họp mỗi ngày nhưng vội vã và vãn sớm. Thực phẩm, gạo thóc bắt đầu tăng giá vì xe cộ chuyên chở khó khăn và đường lộ bị Việt cộng lén gài mìn hay đắp mô. Mấy ngày cuối tháng Tư, mọi sinh hoạt ở Sài-Gòn yên ắng đến lạ lùng. Lén theo cửa sau nhà, Tám mon men ra đường và đi tiếp theo hướng chợ Vườn Chuối. Hầu hết các cửa tiệm dọc hai bên đường đều nằm yên trong bóng tối hay nép sau cánh cửa đóng chặt. Trước chợ là một đống rác khổng lồ đã bốc mùi tanh tưởi. Căn nhà khang trang ba tầng lầu của mẹ chị Hiền bán nữ trang đối điện ngôi chợ cũng khóa kín từ bên ngoài và trước nhà là một đống rác lớn, trong đó có cả quân trang, áo trận và giày “sô”. Sau này, Tám mới biết được gia đình chị đã rời khỏi Sài-Gòn và kịp thời di tản trên những chuyến bay cuối cùng. Tiệm giày Bata cũng vắng đi nụ cười của chú Ba “Đại Lợi”. Tiệm tạp hóa Hưng Phát của bố mẹ anh ảo thuật gia Z.27 không bày hàng hóa ra trước hàng ba như mọi khi mà chỉ khép hờ sau cánh cửa sắt. Dưới gốc cây lớn ở ngã ba đường là ngổn ngang mớ vật dụng và sách vở của nhà ai đó mới vừa chất lên thành đống. Tám tò mò ghé nhìn và thấy được một cuốn sổ tay với nhiều trang giấy hồng đã rời ra và vung vãi trên mặt đất. Trong đó, đa số là những bài thơ, bài ca được chép lại nắn nót với nét chữ con gái thật đẹp cũng như ít dòng nhật ký tình yêu. Tám nhặt được vài trang giấy ghi bài thơ “Lời mẹ dặn” của Phùng Quán và thương hoài cho tới bây giờ mấy câu “Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét, dù ai cầm dao dọa giết, cũng không nói ghét thành yêu” cũng như nhớ hoài hai câu thơ “ai lớn lên không từng yêu đương, ai biết yêu không từng hò hẹn” được vị nữ chủ nhân ghi trang trọng trên trang giấy mở đầu. (*)
3
Ở trên phường gọi má của Tám lên “hợp tác” làm việc vì trong lý lịch của má ghi “có nhà bảo sanh ở Thị-Nghè hồi giữa thập niên 50”. Má từ chối làm việc ở Từ Dũ vì đã bỏ nghề gần hai chục năm rồi mà chỉ nhận việc làm y tá nơi “phòng khám đa khoa” của phường. Thời đó, đám bộ đội và du kích mang theo vô Sài-Gòn chứng bịnh “ghẻ rừng” và lây lan hết sức nhanh chóng. Nhà nào cũng bị chứng ghẻ này hành hạ ngứa ngáy và mưng mủ gớm ghiếc đến mất ăn, khó ngủ. Không biết ai đã bày cho má pha trộn một chất dung dịch màu vàng khè có mùi thum thủm rất khó chịu để “trị ghẻ” và phân phát miễn phí cho bà con, lối xóm. Có lẽ vì cái màu vàng như nghệ mà thiên hạ đặt tên là thuốc “bộ lư” chăng?
Anh nghệ sĩ Chí Hiếu đóng vai quan huyện trong vở tuồng “Bên cầu dệt lụa” cũng có lần tạt qua xin chai thuốc này. Sau đó, anh đạp xe ghé lại bịnh xá lần nữa để cám ơn vì thuốc “tốt” quá và ân cần đặt vô tay má cái vé đi coi hát:
– Tui mời cô Tư tối nay đi coi hát!
– Chú không phải làm như vậy. Ai cần thuốc thì ghé qua, tui cho chứ tui đâu có giữ làm chi!
– Thôi, cô Tư cứ nhận cho tui vui nha!
Đó không phải là thiệp mời với hai chỗ ngồi mà là tấm vé “chiếc” hạng nhứt được mua từ phòng vé khiến cho má của Tám cứ nhớ hoài tấm lòng người nghệ sĩ nghèo giữa hoàn cảnh khốn khó.

Bộ đội xởn tóc thanh niên giữa đường phố.
4
Nửa thế kỷ lặng lẽ trôi đi với biết bao câu chuyện vật đổi, sao dời. Tháng Tư năm nay, bên thắng cuộc với triệu triệu người vui hăng say, háo hức tổ chức rình rang “50 năm ngày giải phóng miền Nam”. Nghe đâu có diễn binh, diễn hành, bắn pháo bông và có cả súng đại bác. “Người vui” ăn mừng lễ hội, “người buồn” lặng lẽ thả xuống biển những vòng hoa để tưởng nhớ người thân hay họ hàng đã không may vùi thây trên đường vượt biển. Chưa kể đến số người vượt biên bằng đường bộ bằng cách băng qua biên giới các nước láng giềng, hơn một triệu người vượt biển bằng tàu bè nhỏ xíu kiểu sông rạch và có bao nhiêu người trong đó đã không bao giờ đến được bến bờ tự do, nhân ái.
Họ tái hiện hay tiếp tục “bóp méo” lịch sử và nhất là có cơ hội để cười cợt, ăn chơi luôn cả diễn trò “mua quan, bán tước”, hối lộ lẫn nhau trên nỗi đau của hàng triệu người dân mất nước mà tiếng than van không thấu được đến trời cao. Họ tiếp tục làm cho rỉ máu vết thương từ lâu vẫn chưa lành và sẽ không bao giờ được lành lặn. Chiến tranh đã đi qua, thảm cảnh bom rơi, đạn lạc dẫu không còn nữa trên quê hương nhưng cớ sao dân tình vẫn suốt đời lầm than và cúi mặt ..
“Sài-Gòn bây giờ trời mưa hay nắng
Sài-Gòn bây giờ cúi mặt xa nhau
Sài-Gòn bước ai gõ xuống đêm sầu
Sài-Gòn bóng nghiêng, Sài-Gòn đứng đợi
Sài-Gòn bây giờ cúi mặt xa nhau” (**)
TV (13.04.2025)
(*) “Tôi tìm em”, Tạ Hữu Thiện
(**) “Khi xa Sài-Gòn”, Kim Tuấn