Sanh ra trong gia đình lao động nghèo khó và đông con, ông Dương Văn Ngộ học hành siêng năng và may mắn được trúng tuyển vào trường trung học Petrus Trương Vĩnh Ký lúc 12 tuổi.

Năm 16 tuổi, ông bắt đầu gắn bó với ngành bưu chính tại Ty bưu điện Thị-Nghè. Ðến năm 1948, ông trở thành nhân viên chính thức của nhà bưu điện Sài-Gòn khi vừa tròn 18 tuổi. Bắt đầu từ công việc đơn giản nhất như lựa thư để chuyển đi khắp nơi cho đến những việc chuyên môn trong ngành của người bưu tá cũng như lần hồi bén duyên với nghề viết thư tay, ông dịch thuật thư từ sang tiếng Anh và Pháp (và ngược lại) cho người đồng hương lẫn khách hàng đến từ rất nhiều nơi trên thế giới.

Năm 1990, khi đến tuổi hưu trí, ông xin được một chỗ ngồi khiêm tốn ở cuối dãy hành lang tại nhà bưu điện Sài-Gòn để viết thư cho khách bằng ba ngôn ngữ Việt, Anh và Pháp. Như con ong cần mẫn mang mật ngọt cho đời, ông Ngộ đều đặn làm việc 5 ngày trong tuần từ thứ Hai đến thứ Sáu, mỗi ngày từ 8 giờ sáng đến 3 giờ rưỡi chiều.

Qua những trang thư, ông là chiếc cầu nối liền những tình thương giữa con người từ những lục địa xa xăm. Ông cũng là “ông mai mát tay” kết hợp những mối tình không phân chia biên giới. Ngoài ra, ông cũng kiêm luôn công việc hướng dẫn thông tin cần thiết cho những người lần đầu đặt chân đến nhà bưu điện.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (01/02/2025)

Sở hữu tánh tình hiền hòa và cẩn thận, ông đã chăm chút cho từng chữ, từng câu viết trên mỗi lá thư nên được rất nhiều khách hàng trong nước cũng như ở nước ngoài hết lòng quý trọng cùng sự ngưỡng mộ tuyệt vời. Vì được lớn lên và sống một đời ở mảnh đất này nên ông là một kho tàng kỷ niệm về Sài-Gòn những năm tháng xa xưa, thuở miền Nam còn thanh bình thịnh trị. Báo chí vẫn nhắc đến ông với nhiều tên gọi mỹ miều như “người viết thư tình xuyên hai thế kỷ”, “người nối thế giới bằng cây bút mực”, “người giữ hồn cho những lá thư tay” v.v.

Giống như nhiều nơi trên thế giới, do sự phát triển vượt bực của ngành công nghệ thông tin nên cuộc sống ở Sài-Gòn cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Nhu cầu viết thư gửi qua đường bưu điện ngày một giảm sút khiến cho số lượng khách hàng cũng thưa thớt dần. Cuối năm 2020, ông giã từ với công việc đã gắn bó suốt 30 năm vì tuổi cao, sức cạn.

Bưu điện Sài Gòn.

Những năm cuối đời, sức khỏe của ông sa sút nhiều vì căn bệnh của tuổi già. Tối 1 tháng 8 năm 2023, trong cơn mệt nhọc vì thở khó, ông mơ màng cất tiếng hỏi:

– Ở đây sao giống Dinh Ðộc Lập?

– Ðây là nhà mình, ba ơi!

Dù không nghe được tiếng trả lời nhưng cô con gái biết được, giây phút đó cũng là sự lưu luyến hữu hạn và sau cùng của một đời người. Ông Ngộ lặng lẽ ra đi trên tay người con gái sau 94 năm góp mặt với cuộc đời.

Xem thêm:   Bánh tổ chiên món ăn gợi nhớ bâng quơ

Mấy mươi năm làm bạn cùng thư từ và chữ nghĩa, ông đã khép lại một cuộc sống đẹp đẽ và hữu ích. Hình ảnh ông lão ngày ngày trên chiếc xe đạp đến nhà bưu điện Sài-Gòn, không ngại nắng mưa, không nệ hà đường xa khó nhọc, vẫn cần mẫn viết giùm những dòng chữ cho khách hàng đã trở thành quen thuộc và khó quên. Nắng lên, chiều xuống, phố xá rực ánh đèn đêm luôn luôn hối hả với dòng xe, dòng người xuôi ngược. Ngày tháng buông trôi, người Sài-Gòn đã dần khuất bóng, người lìa cõi tạm, kẻ rời bỏ nơi này ra đi vì nhiều hoàn cảnh khác nhau. Vật đổi sao dời, người muôn năm cũ tản mác muôn phương và mang theo Sài-Gòn cùng những nét đan thanh của một thời hoa mộng.

Ông Dương Văn Ngộ tại Sài Gòn.

TV, 02.08.2023