Cuối tuần qua, tôi được nghe những huynh trưởng hướng dẫn các em thiếu niên Việt Nam trong một trại tĩnh tâm chia sẻ vài nhận xét và cảm xúc của mình với phụ huynh các em sau vài ngày trại. Khen ngợi lẫn ngạc nhiên về sự sâu sắc, chín chắn trong độ tuổi các em, các huynh trưởng này còn kể thêm rằng nhiều em đã thố lộ là, cha mẹ đã không dành đủ thời gian để trò chuyện, tìm hiểu mình. Nhân câu chuyện này, chúng ta cùng nhau chia sẻ thêm về sự đối thoại, giao tiếp tích cực giữa cha mẹ và con cái có vai trò và ý nghĩa gì trong quá trình hình thành tính cách nơi các em?

Các em giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Garland, TX tham dự trại tĩnh tâm Ephata     

Hàng trăm phụ huynh có con tham dự trại tĩnh tâm cuối tuần qua ắt đã có những giây phút xúc động khi đọc lá thư con mình gởi cho cha mẹ. Mỗi em viết khác nhau, nhưng tôi đoán không ngoài việc các em đã tỏ lòng biết ơn cùng lòng kính yêu vô bờ với cha mẹ. Tựa như nhiều em đã khóc khi đọc những dòng chữ chứa chan trìu mến trong tình yêu thương vô điều kiện mà cha mẹ đã viết cho mình trong những ngày trại.

Không nghi ngờ gì, tình yêu thương hai chiều, giữa cha mẹ-con cái trong một gia đình Việt Nam trên đất người là vô cùng to lớn, sâu đậm.

Nhưng, vậy đã đủ? Các em đã cảm thấy mình được yêu thương, quan tâm chăm sóc trọn vẹn?

Khi các em bộc bạch rằng, cha mẹ đã không dành đủ thời gian lắng nghe mình là câu trả lời xác thực hơn những gì các phụ huynh suy nghĩ. Và tôi hiểu đó là một điều rất thực trong nhiều gia đình.

Các em cảm ơn cha mẹ bằng bài hát “Cầu cho cha mẹ”

Văn hóa Việt vốn không bộc lộ nhiều cảm xúc ra ngoài. Cho dù mang tình yêu thương sâu đậm và có thể hy sinh tất cả cho con, một số phụ huynh đoan chắc là con cái sẽ hiểu hay có bổn phận phải hiểu sự yêu thương và hy sinh của mình. Ðó là những gì họ từng được nuôi dưỡng, lớn lên trong một gia đình như vậy, thậm chí từng có những người cha nghiêm khắc chưa bao giờ bày tỏ tình cảm với con cái.

Xem thêm:   Huyền thoại Hoa Tiên Ông

Mặt khác, đời sống tất bật, thời gian hay lịch làm việc bất tiện, thời gian cha mẹ gặp con cái ít hơn trong nhiều gia đình. Nếu có ăn cơm tối, trò chuyện hỏi han dăm câu cũng không ngoài chuyện học hành mà các em nghe đến quen thuộc. Tôi từng nghe một chị bạn kể lại là con trai hỏi mẹ rằng,  “Mẹ không có điều gì khác hỏi con ngoài chuyện học hay làm bài hay sao?”.

Các em được sinh ra và lớn lên trong một môi trường hoàn toàn khác với thế hệ của cha mẹ mình, sẽ khó khăn cho các em để hiểu và chấp nhận cách mà cha mẹ mình từng được nuôi dạy trong gia đình thế hệ trước và trong văn hóa Việt Nam.

Linh Mục Phó xứ Đoàn Bá Thịnh (phải), người chịu trách nhiệm chính cho trại Ephata 2023

Các em không chỉ muốn được yêu thương, chăm sóc lặng lẽ trong lòng mà có nhu cầu được cha mẹ thể hiện, bày tỏ qua lời nói, hành động, muốn nghe cha mẹ nói ra sự thông hiểu và thông cảm. Các em cần những thời gian giá trị, đáng nhớ giữa mình và cha mẹ. Mối giao tiếp tích cực giúp cho các em hình thành một tính cách mạnh mẽ và lòng tự tin vào chính mình. Khích lệ và khen ngợi khi các em đạt được một điều gì đó hay bày tỏ sự thấu hiểu, kiên nhẫn khi các em phạm lỗi sẽ tạo ra một mối quan hệ tích cực, giúp các em không ngần ngại tiếp tục  chia sẻ các suy nghĩ của mình và cảm thấy mình xứng đáng và được yêu thương.

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

Quá trình phát triển bản thân cùng giá trị của cá nhân được bắt đầu trong gia đình, khi một em nhỏ cảm thấy mình được đối xử, đánh giá ra sao, vị trí trong gia đình như thế nào. Một em nhỏ khi không được khích lệ vì xem chuyện cố gắng của các em là đương nhiên, nhưng lại hay bị chỉ trích, la mắng hay so sánh với con cái người khác sẽ tạo ra một cảm giác tiêu cực và giá trị bản thân, gây sự mất tự tin nơi các em.

Tuổi thiếu niên là một giai đoạn phát triển tâm sinh lý hoàn toàn khác biệt với các độ tuổi khác, các em sẽ chọn thái độ im lặng hay giữ kín các suy nghĩ của mình nếu cảm thấy không được thông hiểu và sự kiên nhẫn từ cha mẹ. Ở một số em khác là thái độ nổi loạn, thậm chí bày tỏ những hành động bị cho là vô lễ, không thể nào chấp nhận trong mối quan hệ cha mẹ-con cái Việt. Tất cả những điều này sẽ làm mối quan hệ cha mẹ-con cái trở nên xấu hơn.

Một gia đình có con tham dự trại.

Ở độ tuổi này phần lớn các em muốn chứng tỏ sự độc lập của mình, cảm thấy gần gũi và dành thời gian với bạn bè nhiều hơn cho cha mẹ và gia đình. Tuy nhiên trong thâm tâm, các em vẫn muốn được chấp nhận, muốn đón nhận khích lệ, tình yêu thương từ cha mẹ.

Khen ngợi các em sẽ khuyến khích các em tiếp tục thực hiện những việc làm hay thái độ đáng khen, mang cho các em sự hãnh diện và tự tin vào bản thân mình. Chúng tạo cho các em cảm giác mình đáng tin cậy thay vì đánh mất khả năng được chứng nhận bản thân khi thường xuyên bị nhắc nhở, la rầy. Ðừng quá sợ con mình làm sai, thất bại vì đó là một quá trình hoàn thiện bản thân tự nhiên và cần thiết, giúp các em tự thẩm định lại những hành động, việc làm của mình. Ðiều các em cần là sự an ủi, thông cảm và nhẫn nại của cha mẹ trước việc làm sai trái hay thất bại của mình.

Xem thêm:   Hành trình của báo chí

Những điều các em thích, nếu vô hại thì nên để các em thử thay vì muốn các em làm theo những điều mình thích. Ở tuổi mới lớn, các em có thể thích và thay đổi mọi sở thích, đam mê khác nhau nhanh chóng và thất thường. Ðồng hành và ủng hộ, thay vì giới hạn niềm vui đó của các em. Cha mẹ tất nhiên sẽ có những suy nghĩ, quan niệm khác với con cái, nhưng những chia sẻ cần mang tinh thần tôn trọng, giải thích hơn là áp đặt, mệnh lệnh.

Sinh hoạt trại.

Nếu có dịp nghe các em chia sẻ về chuyện của mình, cha mẹ nên chú tâm nghe hết câu chuyện, cho các em bày tỏ trọn vẹn cảm xúc và suy nghĩ của các em thay vì vội vàng kết luận hay đưa ra ý kiến, giải pháp của mình. Lắng nghe không hẳn là đồng ý mà lắng nghe để thấu hiểu cảm xúc và sự việc nhằm có thể có những cách hướng dẫn và giải quyết tích cực lâu dài.

Như chia sẻ của các em bên trên, đừng nghĩ rằng con cái sẽ đương nhiên hiểu được tình yêu thương của cha mẹ mà hãy nói ra, bày tỏ bằng hành động thường xuyên hơn. Cái ôm, cái hôn lên trán con cái là một biểu lộ không lời quý báu hơn nhiều người nghĩ. Và hơn hết, dành nhiều thời gian hơn cho con cái nếu có thể.

Mỗi gia đình có những nền tảng, điều kiện và tính cách cá nhân khác biệt, không có những khuôn mẫu chung cho tất cả mọi gia đình, cũng như chẳng hứa hẹn tất cả mọi nỗ lực sẽ dẫn đến một kết quả như ý. Quá trình làm cha mẹ đầy thử thách, khó khăn trong mỗi gia đình, tôi tin là mỗi cha mẹ đều biết mình sẽ làm gì để tốt nhất cho con cái mình và các chia sẻ này chẳng ngoài mong ước rằng, mối quan hệ của các bạn cùng con cái sẽ luôn tích cực và gắn bó hơn.

Sinh hoạt trại.

ĐYT