Bài tiếng Anh  của Wendy N. Dương Như Nguyện

Dịch giả: Thường Đức Ái Chân (hiệu đính bởi tác giả)

Tóm tắt các bài trước:

Năm 30 tuổi, Luật sư Dương Như Nguyện được chọn làm ứng viên học bổng Bạch Cung (White House Fellowship), nhưng cô từ chối con đường chính trị trong dòng chính để thử nghiệm với sân khấu nhạc kịch Hoa Kỳ và để viết văn Anh ngữ.  Năm 2011, trong khi đang dạy luật cho chương trình Fulbright của Mỹ tại Á Châu,  DNN được trao giải văn chương quốc tế dạng tiểu thuyết đa văn hoá, khi vắng mặt, và hiện nay cô vẫn tiếp tục hành nghề luật và viết tiểu thuyết.  DNN đem 45 năm sống và làm việc trong dòng chính Hoa Kỳ để viết lại một loạt tám bài ký sự về hình ảnh phụ nữ gốc Á ở Mỹ trong thế kỷ hai mươi khi bước chân vào thế kỷ hai mốt, để đặt câu hỏi: người phụ nữ gốc Việt phải làm gì từ lúc này, 2020?  DNN đối chiếu hình ảnh cánh bướm Hồ Điệp Tử trong âm nhạc cổ điển Tây Phương hay trong giấc mộng xuất hồn của Trang Tử, so với sự sắt son trước nước chảy đá không mòn qua hình ảnh Hòn Vọng Phu  trong văn hoá Việt Nam. DNN kết thúc loạt bài này với những biểu tượng Đông-Tây để gây sức mạnh tinh thần cho phụ nữ Việt.

LOẠT BÀI NHÌN LẠI HÌNH ẢNH PHỤ NỮ MỸ GỐC Á TRƯỚC THẾ KỶ 21:

Bài cuối

Phụ nữ gốc Á trong chính trường, các nghề nghiệp lãnh đạo, và đường đi chưa đến…

Trong những năm cuối thập niên 1980, hai tờ báo chuyên môn American LawyerNational Lawyer phát hành các bản khảo sát của mình về cơ cấu chủng tộc và tỷ lệ nhân viên thiểu số của các tổ hợp luật danh tiếng trên toàn nước. Tỷ lệ các luật sư nữ gốc Á nằm trong các bộ phận đầu não này là một con số đáng buồn: 0.1 phần trăm. Tôi cũng không lấy làm ngạc nhiên nếu tỷ lệ phần trăm phụ nữ gốc Á nằm trong đầu não những chức vụ quản lý các công ty Fortune 500 ở Mỹ sẽ rất nhỏ nếu không muốn nói là gần như không có. Những gương mặt nữ gốc Á có lẽ thường được thấy trong một số đơn vị khác nhau, thường là ngành quản lý cấp trung, hay các vị trí thuần về kỹ thuật và khoa học trong thế giới thương trường tư nhân.

Ký giả và người mẫu Dương Như Nguyện, tuổi hai mươi, 1978       

Trong thập niên 1980, về lĩnh vực chính trị của Washington, chính quyền Bush vinh danh hai gương mặt nữ gốc Á: Chủ tịch Uỷ ban liên bang giám sát thị trường đầu tư các sản phẩm tiêu thụ (CFTC) Wendy Graham, và Bộ trưởng bộ Lao Ðộng Elain Chao, người sau đó được bổ nhiệm đứng đầu Peace Corps).  Cả hai bà đều lấy chồng là chính trị gia thủ cựu danh giá trong dòng chính, ở ngoài cộng đồng thiểu số của hai bà. Không có phụ nữ gốc Á nào giữ vai trò gì quan trọng trong hành chánh của chính phủ Clinton và Obama ở mức tổng hay bộ trưởng, dù rằng Obama bổ nhiệm bà Nguyễn Hồng Ngọc (Jacqueline Nguyen) nữ thẩm phán liên bang gốc Việt đầu tiên (18 năm sau khi Thị Trưởng Houston bổ nhiệm nữ thẩm phán gốc Việt đầu tiên vào toà án thành phố cho tiểu bang Texas). Bà Elaine Chao, bắt đầu sự nghiệp chính trị qua học bổng chuyên viên Toà Bạch Ốc (White House Fellowship) dưới thời chính phủ Reagan, hiện nay là khuôn mặt phụ nữ gốc Á độc nhất của chính phủ Trump trong địa vị Bộ Trưởng Giao Thông. Và chính bà cũng đã từng là tâm điểm gây ra bàn cãi chính trị trong dòng chính về vấn đề đạo đức nghề nghiệp.

Luật Sư Dương Như Nguyện, Wendy N. Duong, các công tác nghề nghiệp được mô tả trong báo American Lawyer và National Lawyer của nước Mỹ

Nói tóm lại, ở hậu bán thế kỷ thứ 20, phụ nữ gốc Á thành công trong nghề nghiệp tạo được cảm hứng thành đạt cho thế hệ mai sau, nhưng có thể lại bị chính cộng đồng thiểu số của họ buộc phải chấp nhận lối sống, triết lý, cung cách ứng xử, xa lạ với dòng chính, hoặc bị thế giới chuyên môn của dòng chính bắt đi ngược lại truyền thống của thiểu số bảo thủ tiêu biểu cho cội nguồn.

Xem thêm:   Bán tất tần tật!

Thông thường, những phụ nữ này hoặc được gắn cái danh đã vượt khỏi tầm văn hóa, hoặc bị kết án đã từ bỏ cội nguồn, hoặc cả hai. Một khi mục tiêu nghề nghiệp chuyên môn của họ đã được thực hiện, thì những phụ nữ tiên phong này thường được cộng đồng thiểu số thán phục, nhưng trong cái vòng gắn bó ấy, họ lại bị người khác e dè và trở thành đối tượng cho sự tò mò, soi mói, hay đố kỵ, ganh tị, dè bỉu. Ngay cả khi mạng lưới ủng hộ bắt đầu được hình thành, những vấn đề được bàn thảo thường chỉ tập trung chung quanh những cố gắng  chuyên môn của nghề nghiệp. Vấn đề bản sắc văn hóa và sự rối rắm sinh ra bởi những mâu thuẫn vì giá trị văn hóa xung đột, vì bản chất cá nhân hay các vấn đề  nhạy cảm khác, thường không được biết tới, hay bị bỏ qua, “phớt tỉnh” coi như không có (tình trạng tâm lý chối bỏ thực tại), nếu không nói là còn bị đem ra đàm tiếu hay dè bỉu.

Diễn viên sân khấu W.Nicole Duong, tuổi ba mươi, 1988

… Qua đến Hòn Vọng Phu ở miền Bắc Việt Nam

Còn quá nhỏ chưa biết miền Bắc Việt Nam trước thời chiến tranh, tôi cũng vẫn được sống qua những nét đẹp phong cảnh của Bắc Việt nhờ đọc tiểu thuyết văn chương hay nghe lại những câu chuyện kể từ người lớn.

Trong những cảnh đẹp nhiều người ca tụng ở miền Bắc Việt Nam là một khối đá giống tượng một phụ nữ đang bồng con. Ðứng trên đỉnh núi hay ở đèo cao chênh vênh, bức tượng nhìn xuống vùng vịnh nối liền rừng núi với biển Ðông.  Khối đá có mặt ở đó hàng mấy trăm năm, có khi cả mấy nghìn năm. Hình như có nhiều khối đá như vậy suốt chiều dài nước Việt, ở những đường đèo hiểm trở, dù rằng khối đá nổi tiếng nhất có mặt ở vùng núi gần biên giới Hoa-Việt (Lạng Sơn/Cao Bằng, Ðồng Ðăng/Kỳ Lừa), tiêu biểu cho cuộc chiến tranh biên giới trường kỳ trong sự sống còn của lãnh thổ Việt. (Lịch sử 4000 năm của Việt Nam là lịch sử của chiến tranh, tựu trung là việc giữ nước trước sự xâm chiếm thường xuyên của phương Bắc và cuối cùng là thực dân phương Tây, và nội chiến vì sự tranh giành quyền lực).

Cựu chủ tịch CFTC Wendy Gramm, chính phủ Bush

Có truyền thuyết éo le trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam về tảng đá này. Tôi nghĩ truyền thuyết ấy trình bày một nghịch lý tương phản với Madam Butterfly của Puccini.

Theo truyền thuyết, khối đá mang hình thể người đàn bà trước kia là một phụ nữ trẻ tuổi có chồng đi đánh giặc phương xa. Vừa nuôi nấng con, người phụ nữ vừa trông ngóng chồng mình trở về từ cuộc viễn chinh… cho đến lúc cuộc đợi chờ trở thành thiên thu, và nàng không thể ôm lấy nỗi buồn thêm nữa.

Bộ Trưởng Giao Thông Elaine Chao, chính phủ Trump

Nhưng nàng không bỏ cuộc. Vì vậy, một ngày kia, nàng ôm đứa con thơ lên một đỉnh núi, nơi nàng có thể nhìn thấy khung cảnh thuyền bè trên biển và đoàn ngựa phi băng rừng vượt núi. Người phụ nữ đứng đó, tay bồng con, trông chờ người chinh phu, dõi mắt xuống biển, lên rừng, để được trông thấy chồng trong ngày đoàn quân trở về, ca khúc khải hoàn. Ðợi chờ, đợi chờ, và đợi chờ, nàng đợi chờ mãi mãi, dạn gió, dầm mưa, dãi nắng, cả những mùa Ðông giá rét, những mùa Hè bỏng sôi. Nàng quên hết khái niệm thời gian hay ý niệm về cảnh vật chung quanh. Nàng đứng đó, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác.

Xem thêm:   Rác đi đâu?

Cuối cùng nàng hoá  đá…

Dương Như Nguyện, AKA Wendy N. Duong, thẩm phán thành phố Houston, 1992

…khối đá cô đơn ấy trở nên trường cửu, gắn liền với lịch sử và trở thành lịch sử, trên đỉnh núi nhìn xuống biển mênh mông và núi rừng bát ngát của Việt Nam. Người Việt Nam đặt cho tảng đá cái tên “Hòn vọng phu.” Tảng đá của sự đợi chờ trong chiến tranh và tình phu phụ.

Như Madam Butterfly của Puccini, bức tượng người nữ Việt Nam là  người vợ ngóng trông, phó thác cả cuộc đời mình vào một hy vọng duy nhất: người chồng sẽ trở về. Bản chất hy vọng của nàng là sự vô vọng! Nhưng người vợ trông chồng Việt Nam vượt lên trên sức mạnh của sự hủy diệt. Cho nên nàng hóa đá.  Sự đợi chờ trống vắng khiến nàng kết tinh thành vĩnh cửu. Sự kết tinh là biểu tượng  một tinh thần quá mãnh liệt, sự bền gan đầy sức sống, đến nỗi thân xác vô thường dễ hủy hoại phải kết tinh thành hình tượng khối đá trơ gan cùng tuế nguyệt, thách thức thời gian và chịu đựng mọi thử thách trong không gian, duy trì trước hoàn cảnh tuyệt vọng. Nguyện ước của người phụ nữ trông chồng trở nên trường tồn và bất tử, và như thế tinh thần của nàng cũng trường tồn và bất tử.

Hòn Vọng Phu

Butterfly có thể biến mình trở thành một mơ tưởng, một hình ảnh sao chép lãng mạn của người đàn bà bạc mệnh. Butterfly đã đầu hàng, buông xuôi và tự trả thù bằng cách hủy hoại chính cuộc đời mình, và để bảo đảm được số phần của đứa con do nàng xếp đặt. Sự quyên sinh của nàng là cách thể hiện lòng tự tôn để đối phó với nghịch cảnh, và để tỏ bày lòng khao khát một kết cuộc cao quý và sự toàn mỹ, để giữ lấy cái ảo vọng tình yêu và một tinh thần “tử vì đạo,” làm chủ đích của đời mình. Chết đi, nàng buông xuôi. Nhưng ở hình ảnh Hòn Vọng Phu của Việt Nam, không có sự đầu hàng, buông xuôi, không có khái niệm gì về một mơ tưởng do lòng tự tôn. Thay vào đó, ở Hòn Vọng Phu Việt Nam tồn tại một ý chí bất diệt. Tảng đá sừng sững trước thời gian và không gian, năm này qua tháng khác.

Có rất nhiều cách để phân biệt Butterfly và Hòn Vọng Phu Việt Nam. Ví dụ, Butterfly là một nạn nhân tàn bạo của sự bội phản và bỏ rơi của tình trường, nhưng  Hòn Vọng Phu Việt Nam thì khác.  Hòn Vọng Phu chịu sự chia cách vì sứ mạng thiêng liêng của dân tộc phải trường tồn trước ngoại xâm.  Nàng không tự tử, mà nàng… hoá đá như đã được tạc tượng bởi thượng đế trong cảnh đợi chờ mỏi mòn tượng trưng cho ý chí của nhân loại. Ðồng hoá hay so sánh và đối chiếu,  Butterfly và Hòn Vọng Phu Việt Nam có thể dấy lên nhiều tranh cãi, dựa vào sự  mổ xẻ  văn hóa Nhật Bản vốn đề cao danh dự qua cái chết, đối nghịch với văn hóa Việt Nam vốn trân quý cuộc sống mang giá trị lịch sử của nền tảng phấn đấu để trường tồn.

Hồ Điệp Tử của Nhật Bản

Nhưng so sánh hợp lý không phải là trọng tâm của tôi ở đây. Mục đích của tôi không phải để phân biệt văn hóa Việt Nam với văn hóa và lối sống Nhật Bản, trong đó sự tự tử của người Nhật mang ý nghĩa văn hóa như  một hành động cao cả và can đảm. Tôi mượn hình ảnh Cánh Bướm, Butterfly của Puccini, đơn giản chỉ để nêu lên câu hỏi này: Chúng ta, những người phụ nữ Mỹ gốc Á của thế kỷ 20 và 21, có mang canh cánh trong tâm hồn, trong trái tim mình một Cánh Bướm nhỏ, bởi vì hình ảnh con Bướm luôn luôn là kiểu cách thế giới phương Tây nhìn chúng ta, và có lẽ đó cũng là kiểu cách cộng đồng chúng ta đòi hỏi, hay cách ta tự nhìn lấy mình, từ lúc nền văn hóa chúng ta lần đầu tiên mở cửa cho  phương Tây nhìn vào qua sự chủ quan của họ?

Xem thêm:   Nước dưới chân cầu vẫn một màu xưa cũ!

Là người Mỹ gốc Á, chúng ta trở thành cầu nối và là chất xúc tác giữa  Ðông và  Tây. Nếu có một giá trị Mỹ mà thế giới đòi hỏi và thèm muốn, đó là giá trị của sự tự do chọn lựa. Trong thế giới mới sáng tạo của mình, ở đó phương Ðông và phương Tây phải đón nhận sự trao đổi và giao hòa thì chính Butterfly, con Bướm, là người sẽ vẽ lại hình ảnh, viết lại kết cuộc, và định nghĩa số mệnh của chính mình.

Cánh Bướm của Trang Tử

Thế giới của nàng không còn là một cửa sổ nên thơ hình bán nguyệt nhìn ra Thái Bình Dương, nơi nàng ngồi lặng lẽ, mong chờ một chiếc thuyền sẽ không bao giờ xuất hiện… (Hay một khi xuất hiện, thì chiếc thuyền sẽ báo hiệu cái chết của nàng!). Cánh Bướm có thể không còn phải đóng vai trò một ước mơ tuyệt vọng của một thế giới lễ nghi, truyền thống, nơi mà  định kiến vững chắc và ăn sâu đến nỗi không thể bị phá vỡ – một thế giới mà trong đó phẩm hạnh của nàng được đo lường bằng những hy sinh nàng phải làm vì các nguyên tắc sống không phải tạo ra cho nàng, bởi nàng, hay vì nàng…

Tối cần thiết, thế giới đó phải thay đổi bởi lẽ Cánh Bướm, Butterfly, nếu đúng là nàng, sẽ phải học cách bay đi thay vì ngồi đó đợi chờ trong yên lặng, rồi trở thành nạn nhân cho nỗi cô độc của sự đợi chờ vĩnh viễn… Những đứa cháu và người thân còn trẻ của tôi ở California lớn lên trong một thế giới khác xa những gì những người mẹ của họ đối mặt hàng chục thập niên trước. Thế hệ mới  gánh vác những cố gắng nghề nghiệp chuyên môn cho bản thân, có lẽ vẫn đang chiến đấu trong sự xung đột giữa các nền văn hóa, vì thế kỷ vẫn còn là một  thế giới chưa hoàn hảo…Những người trẻ này vẫn còn phải chiến đấu để có cùng một ý thức bản sắc mà tôi đã phải kiếm tìm suốt những năm  cuối của  thế kỷ 20, và nếu tôi phải cho họ lời khuyên, đơn giản tôi sẽ nói thế này:

Hình ảnh phụ nữ Việt Nam bế con trông chồng trong tích Hòn Vọng Phu

“Là  một phụ nữ Mỹ gốc Việt thế hệ tiên phong trong một thế giới không phải phương Ðông của mẹ tôi, tôi đã phải khám phá ra rằng thế giới  phụ hệ bao quanh tôi đã xác định tôi như một cánh bướm có số phận không may, tôi phải hy sinh cho người khác, luôn luôn và luôn luôn, tôi sẽ không gồng mình để thực hiện lời nguyền về số phận nữ nhi bi thảm để làm hoàn hảo cái mơ tưởng mà văn hoá cội nguồn buộc tôi phải tạo nên. Nếu tôi phải chiến đấu để không còn là một cánh bướm sẽ phải…tự tử vì hoàn cảnh ngoài tầm tay với, tôi vẫn phải sống để gánh lấy những trọng trách nhằm thay đổi một hiện thực dường như là vô vọng, tôi sẽ nhìn đến sức mạnh cùng sự kiên gan bền bỉ của Hòn Vọng Phu Việt Nam, và tôi sẽ phải nói câu:

“Đôi khi, sự bất tử chỉ có thể xảy ra khi khí phách con người phải đọ sức với sự vô vọng của các nỗ lực tinh thần, để tuyệt vọng có thể trở thành hy vọng.”

Bà Nguyễn Thị Từ Nguyên, 1933-2018

WND

copyrighted 1996, 2019

Thành kính và trìu mến dâng lên hương hồn mẹ tôi Giáo Sư Việt Văn Nguyễn Thị Từ Nguyên 

Affectionately dedicated to my mother, who taught me literature and bought me Pearl S. Buck’s East Wind West Wind, the Vietnamese translation, before I turned 12. Not only did she give me the book, she also read it with me. She also bought me Buom Khuya, the Night Butterfly, by Tuy Hong, before I turned 16.  My mother created the writer in me, and taught me conformity as well as distinction and contrast.