Người đàn bà sao không đường đường chính chính ra ngõ trước? Vì thân phận như người ở, vì giấu giếm nước mắt tủi hờn. Ruột đau vì uất nghẹn.

Sau tin chồng võ sư đánh vợ sản phụ ngay giữa lòng thủ đô, trang mạng hiện lên bức ảnh cô gái trẻ Ấn Ðộ nằm chờ chết vì bố mẹ em từ chối hiến thận cứu em, do em là con gái. Thêm chuyện khác từ người quen, về cô vợ trẻ đã sinh con gái đầu lòng, mang thai lần hai được bác sĩ chẩn đoán sẽ lại phận nữ nhi “tè không qua ngọn cỏ”. Khỏi phải nói nhà chồng thất vọng ra sao. Thai nhi mới mấy tháng, mẹ chồng đã lệnh con dâu sinh xong phải mang thai ngay để kiếm thằng cu. Rồi đến ngày, cô sinh con trai trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Không khí từ căm lạnh đột ngột chuyển sang ấm nóng, thậm chí ngột ngạt bởi sự chăm bẵm thái quá.

Ðàn ông, trụ cột, nối dõi, gia trưởng… những mắt xích trên sợi dây nhấp nháy quyền lực kết thành chiếc vòng chủ nô, choàng lên cần cổ mảnh mai phụ nữ Á đông. Bạo hành như một hệ quả tất yếu, một quy trình cần có trong cỗ máy sở hữu – sử dụng – cai trị của chủ nô. Thế kỷ hai mươi mốt, chế độ phong kiến chỉ còn trong sách, nhưng không hiếm chủ nô vẫn ở đó. Họ mặc đồ tây ra đường, ăn bít tết nơi cao sang, rao giảng đạo đức trước muôn người rồi về nhà đánh vợ.

Anh chồng võ sư bị lộ, liền thanh minh: chuyện trong nhà, tức quá tát vợ vài cái, có gì mà ầm ĩ. Những lần trước, anh đã đánh, đánh thoải mái, chẳng cần phân trần với ai. Ngàn đàn ông khác đã đấm, đã đá, đang tát, đang thụi, không lăn tăn đạo đức hay luật pháp. Họ cho đó là quyền đàn ông, quyền phái mạnh. Họ cho mình là thầy, phụ nữ là trò, thầy thì phải dạy trò. Trò không nghe lời, thầy không dạy, người ta cười cho.

Xem thêm:   Nhìn thấu lòng người

Nếu bạn đọc tin người vợ nào đó đánh chồng, bạn sẽ kinh hoàng, kiểu như loài người sắp diệt vong. Ngay việc đại úy Hiền náo loạn ở sân bay Tân Sơn Nhất, nếu là Nguyễn Văn Hiền, chắc  chuyện không đến mức ầm ĩ như Nguyễn Thị Hiền. Chuẩn mực vàng của phụ nữ trong mắt đàn ông là dịu dàng, hiền lành, nhẫn nhịn, nghe lời, cơm sôi bớt lửa, chồng giận vợ chớ lắm lời. Chuẩn mực một con cừu. Khi cừu dám trái lệnh chó canh, chạy khỏi đàn, ăn hoa chứ không gặm cỏ, đương nhiên chó canh lập tức xử lý. Nhiệm vụ, đó là nhiệm vụ. Nhiệm vụ ai giao? Phải chăng vị thần đã tạo ra vật được cho là truyền giống, là người lắp cánh cho vật ấy thành chim thiêng bay dập dờn quanh bàn thờ khắp Á đông?

Năm 2015, bà lão nhặt ve chai sát hại chồng bằng nhiều nhát dao giữa sân chùa, khi ông này đến đòi tiền mua rượu, sau bốn mươi năm bà nếm chịu trăm ngàn nhục hình từ chồng. Năm 2018, ông Sơn ở Hà Tĩnh bị chính vợ và con gái siết cổ chết, do hai người phụ nữ bị vỡ khối cam chịu, uất ức, thù hận dồn nén, tích tụ bao năm. Không ai cổ súy cho việc tước đoạt mạng người, nhưng thủ phạm những trường hợp trên được cảm thông. Giống như bài học cho những kẻ vũ phu. Xuất giá theo chồng, hoa lài cắm bãi cứt trâu cũng cố chịu đựng, đến lúc hoa héo rộc, gặp con gió lạ hóa độc dược, thiêu cháy tất cả.

Hình ảnh người chồng đánh vợ mới sinh khiến nhiều người phẫn nộ.

Gần đây, dân tình lưu truyền chuyện nhà kia có anh chồng trầm cảm, sau mỗi lần đánh vợ thì triệu chứng giảm đi. Chị vợ tự nguyện để chồng đánh hàng ngày để giúp chữa bệnh. Nhiều người ca ngợi cô vợ, cho rằng sự “hy sinh” của cô thật cao cả. Tôi lại nghĩ cô vợ đang đẩy chính mình, anh chồng và gia đình xuống vực sâu. Sự thiếu hiểu biết, hy sinh vô lối như cô cần lên án, dừng lại, nếu muốn xã hội tốt đẹp hơn. Cô đã biến mình thành bao đất vô cảm, nuôi mầm bệnh anh chồng thành thân cây sâu. Cây rồi mục ruỗng, đổ xuống, đè lên chính vợ con, thân thích, cả người dưng chẳng may ngang qua.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (12/12/2024)

Trong bộ phim truyền hình đình đám “Về nhà đi con”, ông bố dằn vặt cả đời về khát vọng có con trai nối dõi tông đường, khát vọng từng gián tiếp đẩy người vợ đến cái chết. Ân hận, ông gà trống nuôi con dồn hết yêu thương cho ba cô con gái. Những tưởng ông hiểu ra phụ nữ cũng bình đẳng như đàn ông. Ai ngờ khi con gái lớn bị chồng đánh đập hết lần này đến lần khác, chạy về nhà, ông lại bảo: mình có thế nào người ta mới đánh chứ!

Có thế nào người ta mới đánh chứ. Ðại đa số bố mẹ không nói ra cũng nghĩ về con gái mình như vậy khi con hờn tủi chạy về nhà. Vẫn biết ông bà thương con thương cháu, muốn con tha thứ rồi tái hợp này kia, muốn thực hiện hương ước với tổ tiên phong kiến rằng con gái là con người ta, rằng xuất giá phải tòng phu. Nhưng nếu thương, xin hãy để con quyết định cuộc đời con, để con được khóc được giận được đạp đổ hàng giậu con đã trồng nếu chúng thối rễ, được bảo toàn hình hài cha mẹ đã sinh ra. Con sợ bố mẹ lo lắng mà không kể, đôi má cha thường véo yêu đã bao lần tấy đỏ, tấm lưng mẹ xoa dỗ dành giấc ngủ đã trăm lần sưng đau. Con chạy về đây, con nói ra, chuyện không còn có thể, chuyện chẳng đặng dừng…

Cái tát làm thân thể mình đau nhưng chưa đáng sợ bằng nỗi đau tinh thần mới khủng khiếp.

Bạn tôi là chuyên viên pháp lý cho một tổ chức phi chính phủ chuyên giúp đỡ phụ nữ Việt Nam bị bạo hành. Cô kể nhiều trường hợp bị chồng hành hạ cả thể xác- tinh thần, về bên ngoại, bên ngoại dắt quay lại nhà chồng, phải trốn chạy như tội phạm. Và, họ không chỉ người nghèo ít học ở quê ra, có cả phụ nữ học thức sống giữa thủ đô lấy chồng cũng học thức không kém. Mới nói nắm đấm không phụ thuộc vào ống tay áo. Ðôi khi càng có học, nắm đấm càng tinh vi, khiến người nữ lúc nhận ra mình đau thì lục phủ ngũ tạng đã rệu rã. Bản thân tôi cũng từng gặp vài người trong số đó. Họ nói nắm đấm làm thân thể mình đau nhưng chưa đáng sợ, nỗi đau tinh thần mới khủng khiếp. Nói điều đó, đôi mắt người đàn bà rưng rưng nhìn xuống, lúc ngẩng lên hóa một trời kim châm, rồi ngó ngang hiền dịu xa xôi. Họ không biết ném kim châm vào ai, không thể ném kim châm vào bố của con mình.

Xem thêm:   Nghề làm móng

Nên cô vợ vừa sinh bị chồng võ sư đánh đập tàn tệ đã rút đơn kiện, sau vài ngày vết bầm tím chuyển sang vàng, sau vài lời ăn năn hối hận sửa chữa từng nói mòn mồm, sau những màn khuyên giải hai bên nội ngoại. Bức màn tình nghĩa phủ mờ vết thương. Dù sao cũng đầu gối tay ấp, thế nào vẫn là bố con mình, vén áo người tròi lưng mình, anh tù tội em nào yên vui.

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều

Người đàn bà sao không đường đường chính chính ra ngõ trước? Vì thân phận như người ở, vì giấu giếm nước mắt tủi hờn. Ruột đau đâu chỉ bởi nhớ nhà, nhớ thời thiếu nữ đầy ắp thương yêu. Ruột đau vì uất nghẹn.

Những tưởng câu ca dao xưa đã xưa lắm rồi. Ngờ đâu chị vẫn đứng đó, mắt nhòe, lưng cúi, xòe tay nhận xót thương.

ĐHD

Ohio tháng 9-2019