Cảm giác thân quen đầu tiên khi bước chân vào tiệm Coffee Factory tại Quận Cam, tiểu bang California, Hoa Kỳ, là hình ảnh tờ báo giấy trên chiếc bàn nhỏ phía dưới quầy nước, một vị trí dễ thấy. Cảm giác ấy thân thuộc như thuở còn nằm nôi, được nghe lời mẹ ru êm theo tiếng võng đưa kẽo kẹt giữa trưa hè nóng bức.
Thời chưa có điện thoại di động, chưa có Internet, chưa có các trang mạng xã hội, thật khó để hình dung ra có ngày con người tạo ra trí thông minh nhân tạo (AI). Cho đến thời điểm bài viết này được viết xong, trang Wikipedia tiếng Việt vẫn còn bản dịch tiếng Việt của “artificial intelligence” (AI) là “trí tuệ nhân tạo”(*). Cách dịch “trí tuệ nhân tạo” có thật sự chính xác? Phải chăng chỉ có con người với nhịp tim đều đặn và hơi thở từ tốn mới có năng lực kỳ diệu vươn tới sự uyên bác tử tế được gọi là trí tuệ, rồi từ trí tuệ đó mới có “trí thông minh nhân tạo”? Làm gì có “trí tuệ nhân tạo” khi đó chỉ là phương tiện khéo do con người tạo ra và tự thân nó không thay thế được trái tim đầy tình yêu thương và tâm hồn mẫn cảm của con người!?
Tờ báo giấy cũng vậy, khó lòng được thay thế hoàn toàn bởi báo mạng. Ngặt một nỗi là bây giờ mọi thứ đều nhanh hơn, thuận tiện hơn và có lẽ vì thế nên viên thuốc bổ khoa học công nghệ đang cho thấy tác dụng phụ của nó. Bên cạnh thông tin thật và có ý nghĩa được chia sẻ nhanh hơn thì thông tin chưa được kiểm chứng hoặc có ảnh hưởng không tích cực cũng được lan truyền với cùng tốc độ. Người đọc và người nghe dễ phản ứng nhanh hơn, dễ so sánh nhanh hơn và dễ phán xét nhanh hơn. Đôi khi ai đó chợt chạnh lòng tủi thân nghĩ về mình vì sao đang vất vả làm việc mà những người bạn trên trang Facebook cá nhân của mình đang chu du ở miền biển xanh, cát trắng và nắng vàng, mà quên rằng đó có thể chỉ là một lát cắt của cuộc đời họ hoặc thậm chí chỉ là một lát cắt AI!
Trong thời buổi các trang mạng xã hội phát triển vượt bậc và nhu cầu giải trí của con người được nuông chiều tới mức tối đa để đẩy mạnh sự kết nối thì việc kiểm chứng nguồn thông tin trước khi chia sẻ hay đăng tải là điều thiết yếu như không khí để thở. Có quá chủ quan khi nghĩ rằng báo giấy làm công việc này cẩn trọng hơn báo mạng?
Mới hôm trước, trong lúc gửi bài thơ qua tin nhắn cho một vị giáo sư Việt ngữ, người viết bài đã mắc lỗi chính tả, “ngã đường” thay vì “ngả đường”, và được Thầy hướng dẫn. Người viết bài giải thích với Thầy: “Em có xem trang Wiktionary để kiểm tra dấu ngã hay dấu hỏi cho từ “ngả đường” trước khi gửi bài thơ đến Thầy, vậy mà vẫn sai “ngã đường” như thường” (**). Như thấu hiểu tâm lý bối rối của người học trò, Thầy an ủi một cách hóm hỉnh: “Trên mạng sai chính tả nhiều lắm, ông ơi!” Chức năng tìm kiếm của Google tạo ra một thế giới phẳng tuyệt vời để giúp con người kết nối và học hỏi lẫn nhau nhanh hơn và thuận tiện hơn. Chỉ là biết trang nào, nguồn nào là đúng, trang nào, nguồn nào là chưa đúng!? Người viết bài đang mơ hồ nghĩ đến lời của ai đó từng nói: “Những điều sai nói hoài, làm hoài cũng thành đúng!”
Giữa những hối hả của đời sống hiện đại và tiện nghi ngày nay, chỉ một ngón tay chạm nhẹ vào màn hình là chúng ta nhìn, đọc và nghe được một phần thế giới từ màn hình điện thoại thông minh của mình. Vậy thì sẽ còn có bao nhiêu người Việt hải ngoại, nhất là thế hệ sau này ít có điều kiện được học Việt ngữ, được cầm tờ báo giấy tiếng Việt mà trải lòng mình trên trang giấy, chú tâm dành vài phút thong thả bên tách trà hoặc ly cà phê để ngón tay được chạm vào từng trang giấy báo phảng phất nhẹ mùi mực đặc trưng với những dòng chữ được in theo khuôn khổ thuận theo tầm mắt. Cảm giác này báo mạng dường như khó thay thế được. Ấy là chưa kể khi đọc những đoản văn, truyện ngắn, tùy bút, bài thơ, hay lời nhạc mà được lật nhẹ từng trang từng trang, rồi đôi khi lật đi lật lại để đọc lại một vài dòng hay vài chữ, để được đắm mình vào dòng hồi tưởng hay suy tư về một kỷ niệm nào đó cứ lưu luyến trong tim. Đây có phải là một trong những cách đón nhận và thưởng thức chân-thiện-mỹ giúp khơi nguồn trí tuệ mà báo mạng không làm được tốt như báo giấy? Người viết bài không có ý đề cao báo giấy và xem nhẹ báo mạng vì tờ báo giấy và trang báo mạng vốn dĩ đều có cùng chung mục đích và ý nghĩa, đó là đưa tin một cách chính xác, trung thực và khách quan, qua đó góp phần thúc đẩy xã hội phát triển tốt đẹp hơn.
Người viết bài có một mong ước sau khi đọc bài viết “Đọc báo hay không đọc báo?” của tác giả Nina Hòa Bình Lê được đăng trên tờ báo giấy Việt Báo khi tình cờ nhìn thấy tờ báo này được đặt ngay ngắn tại Coffee Factory, tiệm cà phê lâu đời của người Việt tại Quận Cam. Ước gì tất cả những tiệm cà phê, tiệm ăn hay các cơ sở thương mại khác của người Việt tại hải ngoại vẫn tiếp tục dành cho những tờ báo giấy tiếng Việt một góc nhỏ dễ lọt vào tầm nhìn của thực khách (nếu điều kiện không gian và diện tích cho phép) để khuyến khích họ cầm tờ báo giấy trên tay, chậm lại một chút để được lắng nghe hơi thở và trái tim mình đang rung cảm theo từng con chữ, để được cảm nhận niềm hạnh phúc làm người mà chỉ có trí tuệ “tự nhiên” mới tạo ra và không thể thay thế được.
Cuộc sống càng nhanh thì những đổi thay bất ngờ càng dễ làm chúng ta lo lắng, hụt hẫng, hay hoảng hốt. Cũng vì lẽ đó, những điều đáng quý có thể dễ dàng mất đi như tờ báo giấy cầm trên tay, như hơi thở nhẹ nhàng và đều đặn từ lồng ngực, càng cần được trân trọng và giữ gìn. Xin biết ơn tất cả những người làm báo giấy vẫn miệt mài không ngại khó, không ngại khổ và đôi khi còn có cảm giác “lạc lối” giữa dòng đời trôi nhanh như chớp để người đọc được tìm về với những gì xưa cũ mà không hề cũ xưa. Xin biết ơn tất cả thân chủ vẫn ủng hộ quảng cáo trên báo giấy và dành không gian cho báo giấy tại các cửa tiệm của mình. Xin biết ơn những người bỏ báo thầm lặng đóng góp công sức để những tờ báo giấy vẫn còn trên tay người đọc ở hải ngoại đến tận bây giờ.
Có bao giờ cái máy ru em bé với tiếng ru được thâu âm sẵn, dễ dàng mua được ở tiệm Walmart hay từ trang mạng Amazon, thay thế được lời mẹ ru con giữa trưa hè nóng bức? Có bao giờ trí thông minh nhân tạo thay thế được trí tuệ con người? Có bao giờ trang báo mạng thay thế được những xúc cảm trí tuệ đến từ tờ báo giấy? Xin biết ơn những tờ báo giấy, những trang giấy ẩn chứa tình cảm và tri thức của người tạo ra và cả người đón nhận.
TN
(Hoa Kỳ, tháng 8 năm 2024)
(*) https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C3%AD_