Thời buổi kỹ thuật số hiện nay, sự giao tiếp của con người với nhau cũng thay đổi rất khác xưa. Ngày xưa, nếu ai đó ẩn cư ở nơi thâm sơn cùng cốc như Trúc Lâm Thất Hiền thì coi như “biệt tích giang hồ” luôn, không ai thấy mặt mũi, mà cũng không có cơ hội tiếp xúc, nói chuyện với ai. Người xưa nói rằng người ở ẩn lâu năm chầy tháng sẽ tách biệt hẳn với thế giới loài người, quên đi ngôn ngữ, khi gặp lại người khác thì không biết nói làm sao, giống như nhân vật Tarzan vậy.

Bảo Huân microsoft ai

Thời nay thì khác, mỗi người chỉ cần có một cái computer/laptop, máy tính bảng (tablet,) hoặc smartphone là ngồi một mình ở nhà có thể kết nối trò chuyện với khắp năm châu bốn biển. Nào là đọc/xem tin tức, phim ảnh, học hành, mua sắm, biết hết chuyện gì đang xảy ra trên thế giới chính xác tới từng giây từng phút, mà không cần phải bước chân ra khỏi cửa phòng của mình.

Trong 2 năm đại dịch bị cấm túc, cư dân tiểu bang Cali còn được “hưởng thụ” dịch vụ khám bệnh online, giao thuốc chữa bệnh tận nhà. Quả là khoa học kỹ thuật càng tân tiến thì con người càng lười biếng di chuyển ra khỏi “cái ổ” của mình. Tất nhiên, khám bệnh online ở đây được thực hiện bởi các bác sĩ có đầy đủ bằng cấp và giấy phép hành nghề, làm việc đúng quy định của Sở Y Tế, vẫn có dịch vụ cấp cứu (emergency) và bệnh viện thật (không ảo) khi cần thiết.

Trong bài viết này, tôi đề cập tới dạng “bác sĩ” đâm ngang hông, mà ngôn ngữ dân gian gọi là “lang băm,” thậm chí còn chưa bao giờ có được tới một nửa chữ “lang,” nhưng vẫn mạnh miệng lên mạng xã hội “chữa bệnh” và ra “toa thuốc” cho bệnh nhân. Vì vậy, tôi dùng chữ “bác sĩ” (trong ngoặc kép, để phân biệt với những bác sĩ thực thụ.)

Tôi cũng không đề cập tới những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp trên mạng YouTube, TikTok, Facebook suốt ngày ra rả “Nhà tôi ba đời gia truyền chữa bệnh,” những kẻ khoác áo blouse trắng giả bác sĩ quảng cáo thần dược, hoặc những nghệ sĩ lợi dụng lòng hâm mộ nghệ thuật của khán giả mà quảng cáo thuốc xương khớp dỏm, quảng cáo dược thảo, thực phẩm chức năng giả (hoặc kém phẩm chất.)

Xem thêm:   Chiếc lồng đèn ông sao của bố tôi

Trong thời gian đại dịch, thằng em tôi (ở Sài Gòn) đã mua thuốc chữa “viêm khớp gia truyền” theo quảng cáo của một lang băm tận Hà Nội, với cam đoan “Không hết bệnh không lấy tiền.” Uống một tháng thuốc, viêm khớp vẫn còn y nguyên, và được “khuyến mãi” thêm triệu chứng viêm loét bao tử. Nó sợ quá không uống nữa, đòi lại tiền thì “thầy lang gia truyền” kia trả lời phải uống thuốc vài “liệu trình” mới hết bệnh. Hỏi một “liệu trình” là bao lâu? Y ta trả lời “Một liệu trình là một năm.” Vậy là không trả lại tiền và blocked số điện thoại, blocked Facebook với thằng em tôi luôn. Nhắc chữ “liệu trình” thì tôi lại nhớ tới mấy spa hành nghề không phép “chữa trâu lành thành trâu què” làm mặt mũi các bà các cô giống như Hà Bá. Thiệt là chuyện nọ xọ chuyện kia kể hoài không hết, nên bây giờ tôi nghe hai chữ “liệu trình” thì tôi rất là dị ứng và có cảm nhận xấu.

Phần lớn khán giả online đã biết quá nhiều, đã từng bị lừa, và đã “cạch mặt” lang băm, nghệ sĩ quảng cáo rồi. Tôi cho rằng tại thời điểm này họ không “chộp” được “con mồi” nào sa bẫy nữa đâu.

Nhưng các “bác sĩ” online kiểu “bất cứ ai” nhân danh sự “giúp đỡ vô tư,” “nói để làm phước” mới nguy hiểm cho sức khỏe của người bệnh, dù các “bác sĩ” này không trục lợi, không mong muốn điều xấu xảy ra, nhưng việc “bốc thuốc” vô tội vạ có thể gây hại cho bệnh nhân.

Tôi càng ngạc nhiên hơn khi có những người đang sống ở Quận Cam nhưng không đi bác sĩ khám khi có triệu chứng bệnh, mà lên Facebook hỏi “mọi người” nên làm cách nào? Các câu hỏi đại loại như: “Bị sạn thận uống thuốc gì hết hả anh chị em?” “Bị đau lưng thì uống thuốc gì mọi người ơi?” “Bị đau bao tử lâu ngày thì uống thuốc gì?” v.v. Tôi đọc thấy rất nhiều trên các trang Facebook.

Xem thêm:   Khi tiền "từ trên trời rớt xuống"

“Mọi người” là những người không có bằng cấp và giấy phép hành nghề Y, tức là tay ngang như tôi với quý vị đây, nếu có “chất lượng” hơn chút nữa là có “kinh nghiệm đau bịnh” của bản thân suốt mấy chục năm, đã từng uống hết “vài xe tải” thuốc chữa bệnh, và sẵn sàng “ra toa bốc thuốc làm phước” cho bất cứ ai dám lên mạng Facebook “cầu cứu.”

Tôi để ý mỗi lần có ai đó đăng bài nội dung “Tôi đang bị bệnh (mô tả triệu chứng) thì uống thuốc gì?” lập tức có ngay hàng đống comments trả lời “mách thuốc,” phần lớn là thuốc Nam, thuốc Bắc, thậm chí “chữa mẹo” (Đau Nam chữa Bắc) theo dân gian truyền miệng. Thí dụ, có người hỏi “Sạn thận uống thuốc gì?” sẽ có rất nhiều câu trả lời khuyên uống rau ngò om với nước dừa, uống trái khóm xay chưng với đường phèn, uống Kim Tiền Thảo, uống lá mã đề, uống cây chó đẻ …

Lác đác được vài comments khuyên bệnh nhân nên đi gặp bác sĩ sớm, xét nghiệm coi tình trạng bịnh như thế nào rồi mới có cách điều trị thích hợp. Thật là kỳ lạ! Nếu nói bệnh nhân vì thiếu tiền trả bác sĩ nên ngại đi khám bệnh là không đúng. Ở Cali ai mà không có bảo hiểm Y tế, thậm chí di dân lậu không giấy tờ vẫn được cấp thẻ bảo hiểm Y tế (MediCal.)

Ông ngoại tôi, lúc sinh thời vốn là Y sĩ Đông y chuyên hốt thuốc Nam làm phước ở trong chùa gần nhà. Ngay từ nhỏ, tôi đã uống thuốc Nam (cây cỏ) nhiều tới sanh ghiền như uống trà vậy, không cảm thấy thuốc Nam quá đắng hay khó uống. Tôi hơn 10 tuổi thường đi lang thang ngoài đường, ngoài ruộng, nhổ các loại cây thuốc Nam rồi vác vô chùa, người chế biến sẽ rửa, phơi, chặt nhỏ ra cất vô bao chất trong phòng thuốc. Cách vài ngày tôi lại vô chùa giả bộ ho, cảm, nóng để được Y sĩ bắt mạch, lấy vài thang thuốc miễn phí đem về nấu uống. Vì vậy mà tôi biết rõ tính dược liệu trong cây cỏ Việt Nam nếu dùng để bồi bổ thân thể, uống thay trà thì được, nhưng chữa bệnh thì hiệu quả kém lắm, thậm chí không có tác dụng. Tôi bị ho dai dẳng từ nhỏ, ho suốt mấy chục năm, và bây giờ tôi đã giảm ho được 95% nhờ bác sĩ ở Quận Cam chữa, không phải nhờ uống thuốc Nam hay kinh nghiệm đau ốm và tự mình kê toa bốc thuốc ở các tiệm thuốc Tây.

Xem thêm:   Đường vào bãi tha ma

Thật ra, thuốc Nam muốn công hiệu phải dùng phối hợp với nhiều loại cây khác nhau. Nếu quý vị muốn tìm hiểu thì đọc cuốn “Những Cây Thuốc và Vị Thuốc Việt Nam” là cuốn sách về dược liệu có uy tín nhất hiện nay của Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi. Ở Mỹ không có đủ cây dược liệu thuốc Nam, nên tác dụng điều trị bằng thuốc Nam vô cùng hạn chế. Vì vậy, việc lên Facebook hỏi bài thuốc chữa bệnh nếu có cũng không áp dụng được. Nếu cứ kéo dài thời gian chữa bệnh thì việc người bệnh gặp nguy hiểm rất lớn. Điều này tương tự như dùng thuốc giả, thuốc giả không làm chết người, nhưng không có tác dụng chữa được bệnh, người bệnh không được điều trị trong thời gian dài thì bệnh càng ngày càng nặng thêm. Khi bệnh nhân vô tới bệnh viện chữa bằng thuốc thật thì bệnh đã quá nặng, khó chữa.

Từ kinh nghiệm bản thân, tôi biết các “bài thuốc” được “mách nước” trên Facebook chúng rất vô thưởng vô phạt, chưa dám nói tới chuyện tác dụng ngược là bệnh không khỏi mà sanh thêm bệnh khác vì “ngộ độc thuốc.” Sức khỏe con người là tài sản quý nhất, đành rằng “có bệnh thì vái tứ phương,” nhưng “vái” không đúng chỗ thì hậu quả rất là tai hại.

TPT