Phiên An –

20/1/2020 là ngày lễ vinh danh Dr. Martin Luther King, Jr. – người Mỹ duy nhất không phải tổng thống có ngày lễ quốc gia đồng thời có đài tưởng niệm trong khu National Mall ở Hoa Thịnh Đốn. Nhân dịp này mời độc giả lược sơ triết lý bất bạo động của ông và đối nghiệm với cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ trong nước.
Trong quyển sách đầu tay – Đi Về Hướng Tự Do (Stride Toward Freedom, 1958) – Martin Luther King chiết giải triết lý Bất Bạo Động của mình qua 6 nguyên tắc cơ bản sau đây:
Nguyên Tắc thứ Nhất: Bất bạo động là quan niệm sống của con người dũng cảm, là biện pháp đối kháng cái ác. Nó vô cùng quyết liệt trong tinh thần, tâm hồn và cảm xúc.
Nguyên Tắc thứ Nhì: Bất bạo động luôn luôn tìm cách tạo tình thân và gây sự cảm thông. Kết quả của bất bạo động phải là sự cứu chuộc và hoà giải. Mục đích của bất bạo động là để xây dựng một Cộng Đồng Nhân Ái (Beloved Community).
Nguyên Tắc thứ Ba: Đích nhắm của bất bạo động là Cái Ác chứ không phải những cá nhân làm điều ác, bởi chính họ cũng là nạn nhân của Cái Ác. Mục đích của người phản kháng bằng bất bạo động là để đánh bại Cái Ác.
Nguyên Tắc thứ Tư: Đau khổ có thể dẫn đến sự học hỏi và cải hoá. Bất bạo động sẵn sàng chấp nhận đau đớn mà không đánh trả. Sự đau khổ đến từ bất công tiềm ẩn hạt giống cứu rỗi, nó có khả năng cải đổi nhân tánh và thí phát huệ năng.
Nguyên Tắc thứ Năm: Bất bạo động chọn tình thương thay thù hận, nó phản đối mọi bạo lực trên tâm hồn cũng như thể xác. Bất bạo động nảy sanh một cách tự nhiên không cần kích thích; nó không vị kỷ nhưng đầy tính sáng tạo.
Nguyên Tắc thứ Sáu: Bất bạo động quan niệm vũ trụ đứng về phe của Công Lý. Người phản kháng bằng hình thức bất bạo động có niềm tin mãnh liệt rằng Công Lý cuối cùng sẽ thắng, rằng Thượng Đế chính là Công Lý hiện thân.

Trái: Martin Luther King chờ chụp hình tại nhà giam Montgomery, Alabama, 1956 Phải: Martin Luther King trong tù Birmingham, 1967. nguồn: The Atlantic

Dựa trên kinh nghiệm bản thân, Dr King liệt kê 6 bước (hay công đoạn) mà cuộc phản kháng bất bạo động sẽ phải đi qua trước khi dẫn đến những thay đổi sâu xa trong xã hội.
Thu Thập Thông Tin: Để hiểu rõ và giải mã một vấn đề có ảnh hưởng đến cá nhân hay cộng đồng, ta phải bỏ nhiều thì giờ điều nghiên mọi khía cạnh của nó, thâu góp những thông tin cần thiết từ mọi phía nhằm tăng cường sự hiểu biết của mình. Ta phải trở thành một nhà chuyên môn có thể phân tích thấu đáo quan điểm của đối phương.
Giải Trình: Cần cắt nghĩa cho người khác, kể cả phe đối lập, hiểu vấn đề mà ta đang tìm cách giải quyết. Việc này sẽ giảm thiểu những hiểu lầm, gây thiện cảm và tạo sự ủng hộ.
Cam Kết Bản Thân: Kiểm tra thường xuyên niềm tin của mình vào triết lý và phương pháp bất bạo động. Loại bỏ những động cơ thầm kín, và chuẩn bị tinh thần để, nếu bắt buộc, chấp nhận đau khổ trong quá trình tranh đấu cho Công Lý.
Thảo Luận/Thương Thuyết: Dùng sự mềm dẻo, hài hước và trí thông minh để kê ra những điều bất công và buộc đối phương phải công nhận chúng, đồng thời cần đề ra một kế hoạch cụ thể để giải quyết vấn đề. Nên tìm những điểm tích cực trong lời nói và hành động của đối phương; tránh làm cho họ cảm thấy nhục nhã hoặc xấu hổ; cố gắng khêu gợi lòng nhân bản nơi họ.
Hành Động Trực Tiếp: Đây sẽ là những việc cần phải làm khi đối phương không chịu, hoặc muốn cắt đứt, thảo luận hay thương thuyết. Những việc làm này sẽ bơm vào cho cuộc đấu tranh một “độ căng sáng tạo”, gây sức ép lên đối phương nhằm buộc họ phải làm việc với chúng ta để giải quyết những bất công tồn đọng.
Hòa Giải: Bất bạo động luôn cố gắng gây thiện cảm và sự cảm thông với phe đối lập. Bất bạo động không nhằm mục đích triệt tiêu đối thủ. Mục tiêu của bất bạo động là xoá bỏ những cái ác trong hệ thống, những thế lực xấu, những chính sách bất công, những hành động phi nhân tính – chứ không phải những cá nhân biệt lập. Qua các thoả hiệp hợp tình hợp lý, đôi bên sẽ giải quyết được sự bất công bằng một kế hoạch hành động cụ thể. Mỗi việc ta làm trong tinh thần hoà giải sẽ đưa ta đến gần với Cộng Đồng Nhân Ái hơn.

Josiah Royce (1855-1916). nguồn: Internet

Cụm từ “Beloved Community” (tạm dịch là Cộng Đồng Nhân Ái) được chế tác vào những năm đầu thế kỷ thứ 20 bởi nhà thần học Josiah Royce (1855-1916). Ông là người sáng lập tổ chức Fellowship of Reconciliation (Hiệp hội Hoà giải) mà Dr Martin Luther King cũng từng là hội viên. Nhưng Dr King là người đã đưa khái niệm này lên một tầm cao mới, đồng thời phổ biến nó rộng rãi ra thế giới bên ngoài.
Đối với Dr King, Cộng Đồng Nhân Ái không phải là một khái niệm trừu tượng về một thế giới đại đồng không có thật, mà là một mục tiêu khả thi khi xã hội có một lực lượng đủ lớn những cá nhân quyết chọn con đường phản kháng bất bạo động và được huấn luyện phương pháp thực hiện. Trong Cộng Đồng Nhân Ái sự nghèo đói và vô gia cư sẽ biến mất dần vì những tiêu chuẩn quốc tế hiện đại sẽ không chấp nhận sự hiện hữu của chúng. Phân biệt chủng tộc cũng như mọi hình thức kỳ thị khác sẽ được thay thế bằng tình anh em huynh đệ. Tranh chấp giữa các quốc gia sẽ được giải quyết bằng thương thảo thay vì bạo lực, và kết thúc trong sự đồng thuận và hoà giải.

Xem thêm:   Chuyện nhân duyên

Dr King cho rằng tranh chấp sẽ không bao giờ biến mất vì nó là bản chất của xã hội và tâm lý con người. Tuy nhiên, ông tin rằng mọi tranh chấp đều có thể giải quyết ổn thoả nếu các phe nhóm đồng lòng thương lượng trên nền tảng của tinh thần bất bạo động.

Mohandas Gandhi thời còn trẻ (1906). nguồn: Internet

Martin Luther King rất mến mộ nhà đấu tranh Mohandas Gandhi của Ấn Độ, nhất là cách ông làm bạn với những người đối nghịch mình và sự nể trọng họ luôn dành cho ông vì sự dũng cảm và thông tuệ của ông trong nhiều vấn đề hóc búa. Trong một bài diễn thuyết về Gandhi vào năm 1959, Martin Luther King nói: “Thành quả của bất bạo động là sự hình thành một Cộng Đồng Nhân Ái. Thành quả của bất bạo động là sự cứu chuộc. Thành quả của bất bạo động là sự hoà giải thật sự. Trong khi đó thành quả của bạo lực là niềm cay đắng và sự trống rỗng trong linh hồn… Phương án khuất phục sẽ dẫn đến sự tự sát tâm linh và đạo đức. Phương án bạo lực thì gây chua cay cho người thua và ác nghiệp cho kẻ thắng. Nhưng phương án bất bạo động sẽ cho chúng ta sự cứu rỗi và giúp ta xây dựng một Cộng Đồng Nhân Ái.
Dr King cho rằng lối suy nghĩ “ta phải ghét đối thủ của ta” không những vô lý, vô đạo đức, mà còn là một chiến lược tồi đưa xã hội vào cái vòng lẩn quẩn của hận thù triền miên. Ông quan niệm chỉ có bất bạo động mới có thể chấm dứt những cuộc trả thù liên tu bất tận, giải thoát con người khỏi cơn mê luân hồi đầy máu me và bạo lực. Năm mươi năm sau ngày Dr King bị ám sát tại khách sạn Lorraine ở Memphis, Tennessee, triết lý bất bạo động của ông vẫn còn giá trị. Những thành tựu vĩ đại của ông như Đạo Luật Dân Quyền (Civil Rights Act, 1964) bãi bỏ việc kỳ thị người thiểu số (mà người Việt ở Mỹ cũng được hưởng ké) là minh chứng cho hiệu quả của phương pháp đấu tranh bất bạo động.

Cảnh sát Birminghan cho chó tấn công người biểu tình bất bạo động năm 1963. ảnh: Bill Hudson/AP

Những bài học từ Gandhi và Dr King có lẽ cũng nên được nghiên cứu một cách nghiêm túc bởi các nhà đấu tranh cho dân quyền trong nước. Như Dr King từng phát biểu: “Cung đạo trời đất tuy dài, nhưng nó luôn rẽ về hướng Công Lý.” [*]
PA
Dallas, TX
[*] “The moral arc of the universe is long, but it bends toward justice.” (Theodore Parker, ca.1860)