Sau khi cuộc bầu cử hoàn tất, nếu TT đương nhiệm thất cử thì cơ quan GSA khởi động công tác bàn giao để tổng thống tân cử có thể bắt đầu tiến trình tiếp thu quyền lực. Trong lịch sử Hoa Kỳ việc bàn giao này không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ.

Lễ Nhậm Chức thứ nhất của Tổng thống Lincoln năm 1861, trước toà nhà Quốc Hội đang xây. Nguồn: wikipedia    

General Services Administration, gọi tắt là GSA, được thành lập sau khi đạo luật Presidential Transition Act (PTA) ra đời năm 1963 để bảo đảm việc bàn giao quyền lực giữa hai tổng thống được trơn tru. Ðạo luật này đã được tu bổ nhiều lần trong những thập niên sau đó; gần đây nhất là vào tháng Sáu năm 2019 với điều kiện mới là chính quyền đương nhiệm phải thiết lập các “hội đồng bàn giao”, trễ nhất là đầu tháng Sáu của năm có bầu cử, để chuẩn bị sớm việc chuyển giao chính quyền nếu điều đó có cơ hội xảy ra.

PTA còn buộc Quốc Hội phải chuẩn chi một số tiền hỗ trợ uỷ ban chuyển giao của tổng thống tân cử, để họ dùng vào những công việc cần thiết thay vì phải gây quỹ từ công chúng như trước kia. GSA có quyền giải ngân số tiền này (hiện khoảng 3 triệu USD) một khi đã xác định được ai là “kẻ thắng cuộc hiển nhiên” – “apparent winner”. Thông thường người “thắng cuộc hiển nhiên” được biết rất sớm, cao lắm chỉ vài ngày sau bầu cử, dựa trên ước tính xác suất chưa bao giờ sai của hãng thông tấn AP. Năm thì mười hoạ mới xảy ra trường hợp cả tháng sau ngày bầu cử vẫn chưa có kết quả rõ rệt, như vụ ‘Bush vs Gore’ năm 2000 đã phải mất 37 ngày. Nhưng đó là trường hợp ngoại lệ cực hiếm, với tỉ số khác biệt cuối cùng chỉ có 537 phiếu trong số cả chục triệu lá phiếu phải được đếm đi đếm lại ở tiểu bang Florida — cuối cùng AP vẫn không xác quyết được ai đã thật sự thắng cuộc bầu cử đó.

Xem thêm:   Biden & Trump

Ngoài việc giải ngân số tiền trợ cấp, GSA còn có nhiệm vụ thu xếp văn phòng làm việc cho uỷ ban chuyển giao và giúp họ tiếp cận các cơ quan nhà nước để bắt đầu những việc cần làm. Quan trọng nhất là phải cho phép tổng thống và phó tổng thống tân cử tiếp thu các tài liệu mật liên quan đến an ninh quốc phòng mà họ cần nắm rõ trước khi bước vào Bạch Cung. Về mặt quản trị, trước ngày bầu cử GSA còn phải cập nhật một tập hồ sơ gọi là Plum Book, liệt kê hơn 9000 chức vụ trong guồng máy hành chánh mà tân chính phủ sẽ phải kiểm tra và bổ nhiệm người để thay thế nếu muốn hoặc cần. Cụ thể hơn, đạo luật PTA bắt buộc:

Herbert Hoover (trái) và Franklin Roosevelt trên đường đến Lễ Nhậm Chức của FDR vào tháng 3/1933. Nguồn: Bettman Archive

– Trước mỗi cuộc bầu cử tổng thống, mọi cơ quan nhà nước phải cử một công chức cao cấp chịu trách nhiệm đề xuất kế hoạch bàn giao, chuẩn bị hồ sơ báo cáo cho đội ngũ mới, sắp đặt nhân sự để thay thế tạm thời các viên chức được bổ nhiệm bởi chính quyền tiền nhiệm (như bộ trưởng, thứ trưởng chẳng hạn) trong khi chờ đợi người mới nhận việc.

– Sáu tháng trước ngày bầu cử, Bạch Cung phải thành lập một Hội đồng Ðiều phối Bàn giao Chính quyền gồm những người đứng đầu các bộ phận quan trọng trong nội các, cộng với giám đốc Phòng Quản lý Ngân sách, Phòng Quản lý Nhân sự, GSA v.v. Người đại diện cho ứng cử viên thuộc đảng đối lập cũng sẽ được mời tham gia Hội đồng này.

– GSA và Phòng Quản lý Ngân sách sẽ đồng chủ toạ một uỷ ban bàn giao, với sự tham gia của đại diện tổng thống tân cử, để chuyển trao tất cả những giấy tờ và thông tin cần thiết cho đội ngũ mới để họ có thể bắt tay vào việc ngay từ ngày đầu mà không bị bỡ ngỡ.

Xem thêm:   Cấm TikTok

– FBI có nhiệm vụ giúp điều tra cấp tốc lý lịch những người được đề cử hoặc được bổ nhiệm vào những chức vụ hệ trọng trước khi họ có thể nhậm chức hoặc được Quốc Hội phỏng vấn.

Toà nhà GSA tại Washington, D.C. Nguồn: GSA.gov

Khác với nhiều thể chế dân chủ khác trên thế giới, hệ thống bầu cử tổng thống ở Mỹ, cũng như cách chuyển giao quyền lực từ chính quyền trước sang chính quyền sau, khá phức tạp và nhiêu khê. Vì vậy nên đôi khi đã xảy ra những chuyện bất ngờ. Ngày xưa, lễ nhậm chức của tân tổng thống diễn ra vào tháng 3 thay vì tháng 1 như bây giờ. Có nghĩa là vị tổng thống sắp hết nhiệm kỳ (thường được gọi là “lame duck”, vịt què) có đến bốn tháng cầm quyền trước khi phải trao quyền cho kẻ kế nhiệm. Vì thế cho nên nếu hai người tổng thống cũ và mới không ưa nhau, nhiều chuyện khôi hài (hoặc nguy hiểm) có thể xảy ra. Sau đây là một vài trường hợp bàn giao chính quyền gặp khó khăn.

1932: Trong cuộc tranh cử năm đó, đương kim Tổng thống Herbert Hoover và ứng viên Franklin D Roosevelt đã dùng những từ ngữ không mấy đẹp đẽ để tấn công đối phương của mình, gây khá nhiều hiềm khích cá nhân. Sau khi AP tuyên bố Roosevelt thắng cử, Hoover nhất định không chúc mừng đối thủ. Và khi hai người gặp nhau, Hoover nhất định không đối thoại trực tiếp với Roosevelt mà chỉ nói chuyện qua người phụ cấp của FDR. Thuở bấy giờ nước Mỹ đang trải qua cơn đại khủng hoảng kinh tế, thế nhưng Hoover không bàn thảo gì với Roosevelt suốt bốn tháng trời chuyển giao quyền lực. Có lẽ vì vậy mà một năm sau nước Mỹ thông qua Tu Chính Án 20, lấy 12 giờ trưa ngày 20 tháng Giêng làm thời điểm tân tổng thống chính thức nhậm chức, rút ngắn thời gian bàn giao chính quyền từ bốn tháng xuống còn hai.

1860: Abraham Lincoln thắng cử trong một bầu không khí căng thẳng và u ám, khi ấy đất nước đang bị chia rẽ không những vì đảng phái mà còn vì vấn đề nô lệ. Trong bốn tháng chờ đợi bàn giao, sáu tiểu bang miền Nam tự động tách ra khỏi liên bang. Ðương kim Tổng thống Buchanan bỏ mặc, không làm gì cả để ngăn chận việc này; trong khi đó tổng thống tân cử Lincoln lại chưa có quyền hành để can thiệp. Ðến khi Lincoln nhậm chức vào tháng Ba, tình hình xấu đến độ một số căn cứ quân sự của liên bang ở miền Nam không được tiếp tế. Và khi thuyền của liên bang mang lương thực đến Fort Sumter ở South Carolina họ đã bị lính miền Nam bắn, khai hoả cuộc Nội Chiến kéo dài suốt nhiệm kỳ của Lincoln.

John Adams (trái) và Thomas Jefferson. Nguồn: internet

1800: Thomas Jefferson đánh bại người bạn của mình là đương kim Tổng thống John Adams để trở thành tổng thống thứ ba của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, một quốc gia non trẻ đồng thời là thể chế dân chủ đầu tiên của nhân loại. Cuộc tranh cử diễn ra khá sôi nổi nhưng lịch sự, chứng minh cho thế giới thấy rằng việc chuyển giao quyền lực không đổ máu là điều khả thi, rằng cuộc thí nghiệm dân chủ mang tên America đã thành công. Thậm chí Jefferson còn gọi nó là “cuộc cách mạng 1800”. Tuy nhiên, lợi dụng thời gian bàn giao dài bốn tháng, Adams bổ nhiệm hàng loạt thẩm phán liên bang thuộc đảng Federalist của mình, nhằm mục đích cản trở tân chính quyền của Jefferson (về sau vụ này đã bị kiện lên đến Tối Cao Pháp Viện.) Trả đũa như vậy thấy chưa đủ, John Adams còn tránh không đến dự lễ nhậm chức của bạn mình.

Xem thêm:   Mối đe dọa từ Bắc Hàn

2020: So với những cuộc bầu cử nói trên, cuộc bàn giao năm nay có lẽ cũng sẽ được ghi vào sử sách như một trong những trường hợp ngoại lệ lý thú. Không biết chuyện gì sẽ xảy ra từ đây đến ngày 20/1/2021, vì chính quyền đương nhiệm tiếp tục đưa ra các vụ kiện cáo, khiến ta có quyền nghĩ rằng kỳ bầu cử 2020 sẽ là một kỳ bầu cử được người đời sau nhắc đến, tham chiếu và học hỏi.

Cuộc tranh biện ‘Trump vs Biden’ hồi tháng 9/2020. Nguồn: CSPAN

IB