Cuối thập niên 80, bức tường Berlin sụp đổ và Liên Xô bắt đầu tan rã. Cuba bước vào thời kỳ gần như cô lập hoàn toàn với thế giới, được Fidel mỉa mai là “Thời kỳ đặc biệt”, với sự khan hiếm lương thực, nhiên liệu, và khẩu phần tem phiếu bị co quắp đến mức nó thay đổi thể trạng người dân Cuba cho tới nay.

Chính quyền Castro cố gắng duy trì trật tự bằng vũ lực. Nổi lên trong đó có giới trẻ gọi là Los Frikis, giới chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi dòng nhạc rock n’ roll, heavy metal, punk. Tự thân những dòng nhạc này đã thấm đẫm tính phản kháng. Không nơi nào trên thế giới mà sự đối kháng của giới trẻ punk rock lại bạo liệt như ở Cuba.

Bản thân những người Friki trẻ tuổi này, vì muốn được sống theo cách riêng của mình đã bị chính xã hội, và gia đình hất hủi. Sự khác biệt trong ăn mặc, kiểu tóc, đi đứng, … khiến họ dễ dàng bị nhận diện do phá vỡ quy tắc định hướng xã hội chủ nghĩa dưới thời Fidel, buộc họ phải dành phần lớn thời gian trên đường phố ăn xin hay sinh hoạt trong khu ổ chuột. Chỉ vì nghe nhạc của “kẻ thù” mà họ thường xuyên bị quấy rối, bắt bớ, tù tội và lao động khổ sai ở đồn điền mía. Kết quả là, một số Friki đã hình thành một kiểu phản kháng mà đến nay mọi người còn chưa hết sốc về sự bạo liệt của nó. Họ đã tự lây nhiễm HIV, bằng cách tiêm vào tĩnh mạch của chính những Friki dương tính.

Trở lại thời kỳ đại dịch AIDS ngày càng tồi tệ. Những binh sĩ Cuba tham dự trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Angola trở về đã lây lan bệnh dịch này ở Cuba. Quốc đảo này can thiệp mạnh mẽ bằng cách lập ra những khu cách ly sanitarium với điều kiện về thực phẩm, nhà ở và y tế trội hơn hẳn so với những gì người dân thường Cuba có thể tiếp cận. Chính trong chính sách này, các Friki đã nhìn thấy cơ hội để thoát khỏi xã hội đang bóp nghẹt những người bất đồng chính kiến như họ.

Thủ lĩnh của Los Frikis là Papo La Bala (biệt danh là Papo Viên đạn) đã tự lây nhiễm HIV trong một buổi hòa nhạc. Việc bị nhiễm HIV, cảnh sát Cuba sẽ không dám động vào và anh đã chủ động sống cuộc sống theo cách của mình. Các thành viên Friki khác cũng làm theo, và khi khu cách ly sanitarium đầu tiên được mở thì 100% bệnh nhân chính là các Friki và nó trở thành thiên đường punk cho giới trẻ. Ở đây, họ được phép nghe, chơi và thậm chí thành lập cả ban nhạc. Họ đã lập ra các nhóm nhạc như HIV ở Santiago de Las Vegas, và nhóm Eskoria ở Santa Clara, … Ngay cái tên eskoria, nghĩa là “cặn bã”.

Sự tự lây nhiễm HIV để sống tự do và thoát khỏi sự khủng bố đã gây sốc cho Fidel về tinh thần phản kháng. Các ống và kim tiêm bị cấm bán ở các nhà thuốc và những ai cung cấp máu sẽ bị bỏ tù. Phần lớn những Friki đã chết trừ một số ít còn sống với hệ miễn dịch tổn hại và hàng loạt vấn đề về sức khỏe.

Phong trào “Los Frikis” bắt đầu tàn lụi vào giữa thập niên 90, có thể một phần là do lãnh đạo phong trào Papo la Bala đã qua đời. Nhưng với những người Friki còn sống, họ vẫn vững tin về phương thức bất tuân dân sự. Bản chất của sự nổi loạn, dũng cảm và khát vọng đã tạo ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ punk hiện đại ở Cuba. Los Frikis là một phần quan trọng trong hành trình đưa Cuba tới một xã hội được nới lỏng hơn.

S