Chuyện bắt đầu khi công ty A giao Ðông A ở Sơn Ðông, Trung quốc chi bộn tiền quảng bá món “a giao” – keo da lừa – là thứ thuốc trị bá bệnh từ mất ngủ, tăng tuần hoàn, điều hòa kinh nguyệt, và tất nhiên không thiếu món libido kích dục. Cái thứ keo da lừa mười mấy năm trước chỉ với cái giá $20/kg giờ ngất ngưởng gần $1,000/kg. Thứ “thuốc bắc” đen quánh, vị khó chịu nhưng giờ là biểu tượng của sự xa xỉ, và là món quà biếu xén thượng phẩm.

Với trên 130 triệu người trung lưu, hàng năm thị trường này tiêu thụ từ 5 đến 10 triệu tấm da lừa. Tổng lượng lừa trên toàn thế giới chỉ 44 triệu con, và ta có thể làm phép toán. Khi “a giao” thành món thời thượng, số lừa ở Ðại lục sụt giảm chỉ còn một nửa buộc những tay sản xuất da lừa phải tìm các nguồn cung cấp trên toàn cầu khác. Từ Nam Mỹ, Úc cho đến Pakistan, nhưng tâm điểm vẫn là châu Phi vì ở đây có số lượng lừa nhiều nhất thế giới, điểm cộng là các tổ chức săn bắn lậu và chính quyền địa phương rất tham nhũng.

Dân châu Phi thì không ăn thịt lừa, nó bị coi là ô uế với cả đạo Hồi lẫn đạo Thiên chúa. Một con lừa chết thì chỉ là bữa thịt dành cho lũ kền kền hay linh cẩu. Dường như đây là một cơ hội cùng thắng, một loạt lò mổ lừa được lập ra khắp châu Phi, tách biệt khuất mắt người dân địa phương. Các lò mổ được sở hữu bởi người Hoa cóc cần quan tâm nguồn gốc xuất xứ của lừa, dù chúng được buôn lậu hay bắt trộm. Chỉ với vài lò mổ ở riêng Kenya chỉ trong một năm hàng trăm ngàn con lừa đã được đầu thai, một tổ chức NGO đã cảnh báo cứ với đà này “chỉ trong 6 năm, Kenya sẽ sạch bóng lừa.”

Dẫu thịt lừa bị coi là ô uế, nhưng lừa là con vật rất gần gũi và quan trọng trong đời sống của đa số người dân châu Phi nông thôn. Chúng cáng đáng mọi thứ từ thồ hàng, gánh nước, chuyên chở cây trồng và cả vật liệu xây dựng. Sở hữu một con lừa là sự khác biệt giữa tồn sinh và nghèo mạt. Nạn bắt trộm lừa hoành hành đã gây ra sự phẫn nộ khi những con lừa bị bắt trộm, lột da ngay khi còn sống bởi lũ trộm cắp và băng đảng tội phạm. Chỉ riêng một cái làng Esilalei heo hút ở Tanzania đã mất gần 500 con lừa trong một năm. Các công ty Ðại lục đã không quan tâm đến phát triển bền vững và sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người bản địa, điều này khiến 14 quốc gia châu Phi đồng hành ban bố lệnh cấm buôn bán lừa quốc tế.

Thực chất “a giao” chỉ là gelatin da lừa, nhưng nó được khuếch trương trên đài CCTV thành một cực phẩm phải trải qua công đoạn gồm “99 bước lớn và 300 bước nhỏ”. Khi nói đến bảo tồn thì thường các con vật như voi, tê giác, tê tê, … được nhắc đến – nhưng với thị trường 1.4 tỷ dân thì chỉ cần “hắt hơi” là loài lừa trên thế giới cũng có khả năng bị xóa sổ!

Bảo Huân

S