Khi miền Bắc rộ lên phong trào “toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp”, bố tôi – cậu học trò chưa hề rời khỏi vòng tay ấm áp của cha mẹ – hăng hái trốn nhà đi theo tiếng gọi của tổ quốc, làm người yêu nước.

Đại gia đình ngày mới vào Nam. Ảnh: tác giả cung cấp 

Thời đó sinh viên học sinh tham gia rất đông, nhìn qua nhìn lại, toàn bạn đồng trang lứa, đồng chí hướng, vui lắm nên bà nội tìm kiếm bắt về thì bố tôi lại có cách trốn khác. Càng ngày càng trốn xa nhà hơn không cách gì tìm được. Sau cùng, bà đành chấp nhận yêu nước cùng con trai. Sợ con thiếu thốn cực khổ, bà tiếp tế lương thực đều đặn hàng tháng. Mỗi khi nhận được thư con trai cần gì là tức tốc gửi ngay, khi thì cần máy đánh chữ để thảo công văn, khi thì thuốc men cho phòng y tế, khi thì vải vóc cho quân nhu. Tài sản gia đình ra đi theo con số của thư gửi về, thế nhưng bà vẫn mong thư con trai từng ngày từng giờ. Một ngày đẹp trời, từ chiến khu bố tôi gửi thư và quà về cho bà nội, một thằng bé chỉ bằng con mèo y khuôn bố.

Khi tôi bắt đầu chạy nhảy tung tăng và nói líu lo như chim hót thì bố cưới vợ, tôi chính thức có mẹ, đó là sau này nghe kể lại chứ lúc đó bé tẹo nào biết gì. Ðã được bà nội và cô chiều như ông vua con, nay thêm mẹ thương yêu nâng niu, tôi đúng là đứa trẻ đẻ bọc điều. Bố vẫn cứ đi vào chiến khu vài tháng về một lần, có khi đến nửa năm. Quà chiến khu nào là măng khô lưỡi lợn để kho thịt, bột sắn để nấu chè hạt sen, cốm dẹp, miến… toàn là đặc sản nên nhìn quà là biết bố gửi về từ đâu. Cứ thấy bố về là bà nội lại chạy ngược chạy xuôi vơ vét gạo và lương khô để đem ngược vào chiến khu. Khi nhiều thì vài trăm ký còn ít nhất cũng trên trăm ký. Mỗi lần thấy gạo đầy nhà là tôi biết bố lại sắp đi, buồn lắm!

Ước mong của tôi lúc đó thật đơn giản, mong bố ăn thật nhiều nhiều cơm cho mau hết gạo vì hết gạo thì bố mới về. Nhưng không, một lần kia vừa chở một xe gạo đi được vài hôm bố đã hốt hoảng trở về. Bữa cơm gia đình không vui như mọi lần, ai cũng đăm chiêu nghĩ nhiều hơn ăn. Tối đó tôi chẳng làm gì không ngoan mà vẫn bị bắt đi ngủ sớm, ngược lại cả nhà thì thức trắng đêm lục lọi đóng gói gì đó. Ðó là đêm cuối cùng tôi ngủ trên đất Bắc thân yêu, tờ mờ sáng hai đại gia đình nội ngoại theo tàu há mồm di cư vào Nam.

Ðể xoá sạch dĩ vãng từng dính líu với Việt Minh, bố tôi đề nghị tất cả mọi người thay tên nhưng giữ họ, để làm con người mới với lý lịch hoàn toàn sạch sẽ. Ðể kỷ niệm ngày di cư, tên tôi đổi thành Nam, miền Nam hiền hòa thanh bình. Tội nghiệp có một gia đình đi chung tàu, mang họ Hồ, sợ liên lụy với Hồ Chí Minh nên phải đổi sang họ Hà, thế là mất cả họ lẫn tên. Sau khi làm giấy tờ mới, mỗi đầu người được chính phủ trợ cấp ba trăm đồng, trong khi lương lính là sáu trăm, mới ba tuổi thôi tôi đã có giá trị một nửa chú lính rồi. Những người đạo Công giáo di cư theo Cha xứ thì được cấp đất ở Ðồng Nai, Biên Hoà. Cả khu rừng mênh mông, mọi người ra sức phá rừng dựng nhà lá ở tạm, gia đình tôi toàn người già và ba thằng con nít nên bố tôi quyết định mua nhà trong gia đình với số vàng lận lưng đem theo.

Căn nhà be bé xinh xinh, bao bọc bởi mảnh vườn đủ loại cây ăn trái và khoảng đất trống để trồng rau cải, ớt, hành hẹ. Nhờ vậy cũng tiết kiệm được khá nhiều tiền chợ, nhưng tiền bông gòn, thuốc đỏ và băng keo thì luôn luôn tháng sau nhiều hơn tháng trước, vì ngoài giờ học năm anh em tôi ở trên cây nhiều hơn dưới đất. Mà cũng may lần nào rớt cũng trầy xước nhẹ chứ chân tay vẫn lành lặn, ở hiền gặp lành.

Nam dạy các em học mỗi tối. Ảnh : tác giả cung cấp

Cuộc sống mới vừa ổn định vào nề nếp, bố tôi gia nhập quân đội, lại những ngày xa nhà. Một mình mẹ với năm thằng con trai chỉ biết nghịch phá chẳng phụ giúp gì. Việc duy nhất làm mẹ yên lòng là chúng tôi học rất giỏi, luôn luôn đứng đầu bảng xếp hạng. Tuy là đầu đàn chuyên bày trò dạy các em phá nhưng mẹ cưng chiều tôi nhất vì mẹ bảo biết kèm các em học giỏi đã là công lớn rồi chứ phá phách là “di truyền”. Bà nội nghe thế cười chảy nước mắt bảo, “hổ phụ sanh hổ tử” rồi kể tội bố khi còn bé. Trời ơi chúng tôi thua xa, bà kể cả buổi vẫn chưa hết tội.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 29 tháng 2 năm 2024

Bố tôi rất hiếu thảo với bà nội và thương yêu vợ con nhưng cũng rất nghiêm khắc. Ngay lúc còn rất bé, khi nói chuyện, bố luôn coi chúng tôi như những người bạn, mọi người thoải mái tâm sự nói lên những suy nghĩ, ước mơ. Với tôi, bố là một người hùng với lòng yêu nước tràn đầy nhiệt huyết, người bố có trách nhiệm với gia đình, người bạn để tâm sự và cho mình lời khuyên hợp lý nhất; người thầy soi đường dẫn lối với mấy chục năm kinh nghiệm sống. Là sĩ quan biệt đội Lôi Hổ nên công tác liên miên, lâu lắm bố mới về phép. Những ngày đó thật là thần tiên. Cả nhà dồn hết lên xe Jeep đi Vũng Tàu tắm biển, leo núi chiều về ăn hải sản tươi roi rói. Hoặc đi Ðà Lạt ngắm hoa mimosa, thác Prenn, hồ Than Thở, hồ Xuân Hương, dạo bộ khu chợ đêm ăn bắp nướng trét mỡ hành ngon nhất trên đời. Ăn xong còn mè nheo cho bằng được ly sữa đậu nành nóng thơm bát ngát. Hoặc về miền Tây vào các vườn trái cây ăn no nê rồi nhảy ùm xuống sông mát lạnh tắm đã đời, trước khi về trở lại thành phố.

Ðứa con thứ sáu ra đời trong sự mừng vui của đại gia đình, là bé gái. Phải có chút gì thay đổi chứ nhìn hoài đám con trai thật sự rất ngán, bà nội bảo với mẹ:

– May quá là con gái nên tứ quý, chứ nếu là con trai thì thành ngũ quỷ.

– Bà nội ơi nhà mình năm thằng con trai mà, đã là ngũ quỷ từ lâu rồi.

– Ừ nhỉ, bà già rồi nên lú lẫn.

Nói xong bà vờ nựng cháu và lái câu chuyện qua đề tài khác. Lúc bé Vy đầy tháng bố tôi được thăng cấp thiếu tá, tiệc đầy tháng và thăng chức tổ chức chung thật vui.

Mảnh vườn trong sân nhà. nh : tác giả cung cấp

Khi bé Vy bắt đầu đến trường, mẹ mở lớp dạy Pháp văn tại nhà để tăng thu nhập cho gia đình, đứa nào cũng vui vì bữa cơm ngon hơn, quần áo mới tươm tất hơn và lâu lâu còn được mẹ cho tiền tiêu vặt. Riêng tôi được mẹ mua cho chiếc xe PC, các em kế mỗi đứa chiếc xe đạp. Cả đám em nhao nhao phản đối sự bất công, mẹ cười bảo:

– Ði cua đào phải có phương tiện, khi nào các con tới tuổi mẹ mua cho mỗi đứa một chiếc.

Trời ơi suốt ngày loanh quanh từ bếp ra sân mà không gì qua được mắt mẹ. Chiều hôm đó tôi lôi bốn thằng em ra sân dợt cho nhừ tử, nhất định tìm cho ra nằm vùng CIA. Nghe tiếng huỳnh huỵch như võ sĩ đấm bao cát mẹ chạy ra bảo:

– Làm gì có CIA mà tra khảo, tắm rửa và thay áo sạch trước khi ra đường là bằng chứng tố giác con đấy.

Xem thêm:   Cô giáo "phản động"

Có sự ủng hộ của mẹ nhưng chuyện cua đào của tôi chưa tới đoạn rước nàng về dinh thì đành xếp lại vì sau biến cố Mậu Thân, tình hình an ninh miền Nam càng ngày càng bất ổn, ba anh em tôi cùng đăng ký lên đường nhập ngũ. Từ tiền đồn xa xôi bố gửi thư về động viên: “Bố hãnh diện vì các con”.

Căn nhà lúc nào cũng ồn ào với nửa tá con bây giờ vơi hẳn một nửa ai cũng buồn, đâm ra ngoan ngoãn, vì vậy mẹ tôi đỡ cực rất nhiều, có thời gian nghỉ ngơi và thực hiện những điều mơ ước. Nhưng nghỉ ngơi chưa lâu một biến cố lớn xảy ra: cô Lan, em ruột bố, chết trên bàn sanh khi chưa kịp nhìn mặt con. Nhìn đứa cháu mới ra đời đít quấn tã, đầu quấn khăn tang, bố tôi bàn với chú đem về cho mẹ nuôi hộ. Thế là lại ngày trông trẻ và đêm mất ngủ, vì con bé chắc nhớ hơi mẹ khóc ngặt nghẽo hằng đêm, mẹ tôi như một cái máy không có nút OFF. Buồn nhớ con gái ra đi bất ngờ khi tóc còn xanh, bà nội tôi cũng ra đi vài tháng sau đó. Năm sau, chú cũng mất trên chiến trường. Thế là bé Thu mất luôn người thân duy nhất, thật tội nghiệp cả nhà dồn hết tình thương cho bé, nàng ta đúng là công chúa nhỏ của gia đình.

Ba cái tang liên tiếp, nỗi buồn chưa nguôi thì tiếp đến là đại tang của cả nước ngày 30 tháng 4. Bốn người thua cuộc trở về trong u uất, gia đình sum vầy nhưng chẳng ai vui, sống trong âu lo. Sau vài ngày nghỉ ngủ lấy sức, bố đi thăm tất cả họ hàng nội ngoại xa gần, có những người từ ngày di cư đến nay mới gặp lại ai cũng vui mừng khi thấy cả đại gia đình bình yên vô sự. Những ngày kế tiếp, sáng sớm tinh mơ với chiếc xe đạp cọc cạch bố thăm tất cả các đồng đội chiến hữu, các gia đình cô nhi quả phụ. Ly cà phê đắng, điếu thuốc Capstan, ngồi bên nhau cả buổi chẳng biết nói gì lúc chia tay, thầy trò ôm nhau nước mắt tuôn rơi.

Thời gian này chỉ có lớp học của mẹ là nguồn thu nhập duy nhất của cả gia đình. Cũng may là học trò càng ngày càng đông do nhu cầu sinh ngữ để đi vượt biên. Ðể đỡ đần công việc với mẹ, Vy phụ trách trông bé Thu, năm thằng con trai chúng tôi phụ trách cơm trưa. Loay hoay cả buổi mồ hôi nhễ nhại, cực khổ hơn cả dẫn dắt nguyên đại đội đi hành quân, thành tích là nồi cơm hơi bị sống ăn với trứng chiên và dưa leo cắt mỏng. Nghề dạy nghề, hôm sau khôn hơn hôm trước, bữa cơm từ từ được cải thiện, chỉ có cơm khê hay cơm nhão chứ không còn bị sống. Cái sân đá bóng được xới tung lên trồng đủ loại rau cải, cà chua, mướp hương, bầu bí. Khoảng trống sân sau bố lợp mái tôn làm chuồng nuôi gà, tất cả đều trông cậy vào mảnh vườn nho nhỏ này.

Bố Nam ngày mới di cư. nh : tác giả cung cấp

Khi vườn rau bén đất lên xanh ngát, bầu bí bắt đầu kết trái, gà bắt đầu tập gáy ò ó o mỗi sáng thì loa phường thông báo, ngày 20 tháng 8 các quân nhân cấp tá và uý phải đi trình diện học tập. Sáng sớm 20 vừa thức giấc, nhìn ra cổng nhà một xe bộ đội nai nịt súng ống xông vào nhà áp giải bố tôi đi vì chúng sợ bố trốn. Bố bình tĩnh bắt tay các con trai, ôm hôn mẹ và con gái rồi theo bộ đội ra xe. Mẹ chạy theo đưa cái áo len mỏng:

– Anh nhớ giữ gìn sức khỏe, đêm sương lạnh mặc thêm áo cho ấm kẻo bịnh.

Xem thêm:   Bộ sưu tập Báo Chánh Pháp

-Cám ơn em, anh biết tự lo mà. Trong Nam khí hậu dễ chịu không đáng lo, chỉ ngoài Bắc mới sợ lạnh rồi cảm, anh có mang theo thuốc.

Chiếc xe rú ga vọt nhanh như sợ người trên xe đổi ý nhảy xuống bất ngờ, tiếng rú xe hôm ấy mãi đến bây giờ tôi vẫn không quên. Tiếng rú như lưỡi dao cứa nát con tim của cả gia đình chúng tôi. Ba anh em tôi cũng chào mẹ để đi trình diện, ngày con về mẹ mừng vui rơi nước mắt, tiễn con đi mẹ buồn lo nhưng gắng cười.

Bao đêm mất ngủ vì lo lắng đến đêm thứ ba thì mẹ ngã bịnh đi ngủ sớm. Trong chiêm bao bố về nắm tay âu yếm “Anh phải đi rồi, vĩnh biệt em”. Mẹ tôi giật mình chạy theo, chiếc bóng lướt nhanh qua cửa sổ. Mẹ thẫn thờ quay vào con bướm đen to bằng bàn tay đậu ngay túi áo len mẹ vẫn khoác ra sân mỗi sáng. Thò tay vào túi, một bức thư xếp mỏng:

Em yêu.

Lá thư này anh bắt đầu viết từ ngày đầu trở về, anh viết xong sáng mai thức dậy thấy “không có gì” xảy ra anh lại xé đi. Mỗi một ngày không có gì đó đối với anh vô cùng quý giá. Anh ước gì 24 giờ dài gấp đôi, gấp ba, hoặc thậm chí gấp năm để anh được ở gần bên em và các con nhiều hơn nữa; để được đi thăm họ hàng mà bao năm vì thời cuộc anh không có thời gian để thường xuyên gặp gỡ; để đi thăm đồng đội cùng vào sinh ra tử với nhau. Ðặc biệt, anh muốn đi thăm và xin lỗi những đồng đội đã hy sinh thân mình bảo vệ tự do hạnh phúc cho nhân dân nhưng sự hy sinh đó đã vô nghĩa rồi. Vì sao? Vì ai? Câu trả lời để cho lịch sử phán xét, anh không chối tội hay trốn tránh trách nhiệm nhưng anh đã làm hết bổn phận của người lính đến giờ phút cuối cùng, anh không thấy thẹn với lương tâm. Anh nhất định phải thăm tất cả mọi người vì mai này biết đâu không còn cơ hội, không chuyện gì biết trước được.

Từ nay cuộc sống sẽ vô vàn khó khăn có thể lại một cuộc di tản mới, lại làm lại từ đầu như những ngày mới đặt chân vào miền Nam. Chỉ khác là lúc đó có anh bên cạnh, còn bây giờ một mình em, thương em quá. Hy vọng các con sẽ thay anh sát cánh bên em lo lèo lái con thuyền nhỏ qua cơn bão dữ. Anh xin lỗi lá thư cuối cùng viết cho em không ngập tràn những lời ngọt ngào yêu thương mà chỉ toàn những lời bi quan buồn bã, nhưng em biết không, anh sợ lắm. Ðêm đêm nhắm mắt lại những hình ảnh của nhân dân miền Bắc bị Việt Minh đối đãi ra sao sau khi nắm chính quyền trong tay cứ như cuốn phim quay chậm hiện lại trong tâm trí. Anh không sợ cho riêng mình mà sợ là đã liên lụy cho cả gia đình chúng ta. Hôm nay nỗi sợ ấy đã thật rồi, ngày mai anh và ba con trai sẽ phải ra trình diện. Chưa biết sẽ ra sao nhưng nếu anh bị đưa ra Bắc thì chắc chắn là chúng sẽ cộng thêm tội ngày xưa anh rời bỏ hàng ngũ Việt Minh trốn vào Nam vì anh khám phá mẹ có tên trong danh sách địa chủ bị đấu tố. Nhờ quyết định đó mà gia đình ta cũng đã được hưởng hai mươi mốt năm thanh bình hạnh phúc, các con được hấp thụ nền giáo dục nhân văn chứ không phải chỉ hận thù, giết chóc. Nếu bị đưa ra Bắc thì anh sẽ dùng thuốc để ra đi chứ nhất quyết không để chúng làm nhục. Thuốc (Xyanua) mang trong mình suốt bao nhiêu năm chinh chiến nay hoà bình thì lại phải dùng, trớ trêu thay. Vĩnh biệt em và các con yêu dấu”.

Ký tên: Người lính Việt Nam Cộng Hoà.

Bây giờ mẹ đã hiểu lời nói sau cùng của bố trước khi lên xe. Con bướm đen đậu trên vai mẹ suốt đêm, trời hừng sáng bướm bay đi, để lại người quả phụ với nỗi buồn ngày hoà bình.

LK