Nghe con gái mình ở CHLB Đức nói ba ơi, đi xem biểu tình ở đây đi, nó vui, lạ lắm! Biểu tình để biểu đạt nguyện vọng, biểu lộ thái độ ủng hộ hay phản đối một điều gì đó nhưng vui lắm thì tôi hơi ngạc nhiên. Bởi vì biểu tình thường có bạo động, đàn áp, ném lựu đạn cay, bắt bớ…

Xe cảnh sát đi theo bảo vệ đoàn biểu tình   

Quyền biểu tình

Quyền biểu tình ở Đức được công nhận, bảo đảm bởi Hiến pháp, Công ước quốc tế và Công ước Châu Âu về quyền con người.  Ở Đức có 4 bang xây dựng luật biểu tình riêng, 12 bang còn lại thực hiện theo Luật Biểu tình của Liên bang.

Nội dung biểu tình về nguyên tắc là không bị giới hạn. Biểu tình bất cứ vấn đề gì thuộc phạm vi của quyền tự do ngôn luận. Biểu tình ngồi, biểu tình tuần hành, biểu tình ngoài trời, nơi sinh hoạt công cộng, thì phải thông báo trước 48 giờ, ai là trưởng đoàn và chịu trách nhiệm. Thành viên nào của đoàn biểu tình có hành động quá khích, trưởng đoàn sẽ đuổi cổ và nhờ cảnh sát can thiệp. Riêng, biểu tình ở trong nhà thì khỏi cần thông báo. Tuy nhiên pháp luật cũng có quy định những giới hạn để tránh gây trở ngại an ninh trật tự của xã hội.

Ở hầu hết các nước Châu Âu là biểu tình không cần xin phép trước mà chỉ cần thông báo trước đó vài ngày. Phán quyết số 69 của Toà án Hiến pháp liên bang ở CHLB Đức nêu rõ: “Các cơ quan chính phủ phải có trách nhiệm tổ chức, tạo mọi điều kiện cho cuộc biểu tình diễn ra một cách ôn hoà”. Điều 21, Luật Biểu tình của CHLB Đức: “Ai đe dọa, chia rẽ, gây trở ngại hoặc ngăn cản cuộc biểu tình hợp pháp bằng các hành động bạo lực sẽ bị phạt tù đến 3 năm hoặc bị phạt tiền”.

Nhóm biểu tình kêu gọi bảo vệ rừng, nguồn nước, có mặt xe cảnh sát (hai ảnh trái) và xong là rời đi (ảnh phải)

Đoàn biểu tình cần thông báo rõ ngày, giờ, biểu tình trong bao lâu, qua những đoạn đường nào để chính quyền, cảnh sát bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Chẳng hạn như báo cho các công ty xe, tàu vận chuyển tránh hoạt động vài giờ trên các tuyến đường có đoàn biểu tình đi qua.

Xem thêm:   Suu Kyi

Một sáng tháng 7/2019, cả 5 người trong gia đình chúng tôi lên xe hơi, dò đường trên mạng tìm đến khu vực có biểu tình, gửi xe và đi bộ qua một số đường phố. Từ xa đã nghe âm vang ồn ã từ đoàn biểu tình vọng lại. Nhiều ngã tư có xe cảnh sát án ngữ. Chúng tôi đến đoạn đường nơi dự kiến sẽ có đoàn biểu tình đi qua. Đường tàu điện, xe buýt ở đây đã dừng hoạt động. Người biểu tình lần này hầu hết là thanh niên, họ yêu cầu chính quyền tạo điều kiện cho mình được thoải mái … hút thuốc cỏ (synthetic cannabis)! Họ không phải lo âu đối phó với cảnh sát! Họ hút để gây hưng phấn, thoải mái … khi sáng tác âm nhạc, mỹ thuật! Ngày 01/8/2009 từng có cuộc biểu tình yêu cầu hợp pháp hoá cần sa ở Berlin. Việc sử dụng cần sa chỉ được phép đối với người trưởng thành, và bị cấm đối với bất kỳ người nào dưới 18 tuổi. Theo ông Lauterbach, Bộ trưởng Y tế Đức, tại nước này đã có 4 triệu người đã sử dụng cần sa vào năm 2021 và 1/4 thanh niên từ 18 đến 24 tuổi đã sử dụng thứ gây nghiện này. Việc hợp pháp hoá bán cần sa có kiểm soát là một trong loạt cải cách dưới thời Thủ tướng Scholz. Họ cho rằng kế hoạch này sẽ bảo đảm kiểm soát phẩm chất, bảo vệ giới trẻ. Kế hoạch bán cần sa cho người lớn tại các cửa hàng được cấp phép và mục đích là chống tội phạm có tổ chức và thị trường chợ đen giống như ở Hòa Lan và Đan Mạch.

Xem thêm:   Bức tranh lời $14,999,950

Cả một đoàn hàng ngàn người nam nữ đi bộ, mang biểu ngữ bằng vải, giấy bìa rùng rùng, có xe tải nhỏ trên đường rất trật tự, thỉnh thoảng có tiếng đàn, hát, hò hét rất phấn khích. Phía sau đoàn biểu tình là cảnh sát, xe cứu thương chạy theo chầm chậm; công nhân và xe hốt rác của Công ty Vệ sinh Môi trường, không ngừng quét dọn những vỏ lon, vỏ chai bia, rượu của đoàn biểu tình xả ra.

Những người biểu tình ngồi giữa đường gây tắc nghẽn giao thông

Tháng 9/2023 chúng tôi chứng kiến 2 cuộc biểu tình đều của các tổ chức, nhóm người khi lên tiếng bảo vệ khí hậu trong lành và môi trường xanh! Các nhà hoạt động vì khí hậu “Thế hệ cuối cùng” tổ chức biểu tình, đến Berlin trước. Họ dựng lều nghỉ tại một vài công viên chờ tập hợp thành viên từ các nơi. Do trùng vào thời điểm Berlin tổ chức cuộc đua Berlin Marathon ngày 25/9/2023 nên đoàn biểu tình gặp một số trở ngại. Khi họ ngồi trên đường giăng biểu ngữ, kể cả biểu ngữ xin lỗi vì đã làm gián đoạn cuộc đua, cuộc sống hằng ngày của mọi người, khiến xe lưu thông bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, một số tài xế đã phản ứng, yêu cầu cảnh sát hỗ trợ giải toả, vài tài xế không kiềm chế được do năn nỉ không xong, đã xốc nách vài người biểu tình vào phía trong cho đường thông! Đối phó lại, có người biểu tình dùng keo dán cả 2 bàn tay của mình trên mặt đường!? Cảnh sát và nhân viên thực thi pháp luật của Ban tổ chức cuộc thi đã nhanh chóng có mặt nhằm lập lại trật tự trên nhiều con đường cho cuộc thi Berlin Marathon diễn ra an toàn. Có hơn 30 người tham gia biểu tình quá khích đã bị tạm giữ.

Một buổi tối tháng 09/2023, một nhóm người biểu tình phản đối nhà máy sản xuất xe hơi (Tesla) để bảo vệ rừng và nguồn nước. Họ đã tụ tập trên một đường phố đối diện với một tiệm bán kem nổi tiếng rất đông du khách và người địa phương. Cạnh đó có mặt xe cảnh sát. Họ phát loa có nội dung: “Tesla, muốn mở rộng nhà máy của mình ở Grunheide. Nhà máy đã sử dụng lượng nước tương đương với lượng nước của một thành phố 4 vạn dân. Và điều này xảy ra trong thời kỳ biến đổi khí hậu, khi nước ngày càng trở nên khan hiếm ở Brandenburg và Berlin… Nhà máy đã bỏ qua việc bảo vệ môi trường và phớt lờ các quy định. Chúng tôi không cần xe hơi sang trọng khiến tắc nghẽn đường phố, chúng tôi cần phát triển giao thông công cộng tốt hơn cho mọi người. Do đó chúng tôi, một liên minh gồm nhiều người, nhiều nhóm chống lại việc mở rộng nhà máy. Chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc biểu tình phản đối tại Quảng trường Nhà thờ Erkner vào ngày 16/9, từ 2 giờ chiều đến 6 giờ chiều, thể hiện quan điểm của mình. Chúng tôi mời mọi người chung tay bảo vệ rừng và nguồn nước. Chúng tôi đặt lợi ích của con người và thiên nhiên lên trên lợi ích của các công ty xe hơi. Hội đồng địa phương cũng nên làm điều đó!”. Họ phát truyền đơn và giăng biểu ngữ. Sau đó nhóm biểu tình đã cuốn biểu ngữ, tắt loa, và rời đi trong yên lặng. Xe cảnh sát cũng nổ máy, rú ga phóng nhanh sau khi xong nhiệm vụ.

Hàng nghìn nam nữ tham gia đoàn biểu tình trong trật tự

Vì sao cảnh sát phải có mặt để bảo vệ nhóm, đoàn biểu tình? Vì đã từng xảy ra nhiều cuộc biểu tình có chủ trương trái ngược nhau là trở thành một trận chiến. Cuối năm 2015, ở thành phố Leipzig, bang Sachsen, CHLB Đức có một cuộc biểu tình, một bên phản đối chính sách nhập cư, một bên thể hiện thái độ ủng hộ rồi choảng nhau. Nhiệm vụ của cảnh sát là bảo vệ để cuộc biểu tình diễn ra ôn hoà.

Xem thêm:   Chuyến đi chót của Rip

«Ở ta, có người lo ngại nếu có luật biểu tình thì đối tượng xấu lợi dụng biểu tình để chống phá chế độ. Có người còn nói khi nào “trình độ dân trí” cao hơn và “kinh tế ổn định” hơn thì mới ban hành luật biểu tình!?»

Bài & ảnh LKD