Lời giới thiệu: Hồi ký “Ngày Ta Bỏ Núi” đã được viết cách đây 16 năm. Nhưng khi phổ biến, nó đã bị cắt xén và che giấu nhiều điều. Tác giả Thiếu tá Vương Mộng Long đã bỏ công nhuận sắc lại toàn bộ bài viết này. “Ngày Ta Bỏ Núi” với đầy đủ chi tiết từng ngày, từng sự kiện diễn ra trong suốt cuộc lui binh, kể cả những bí mật mà trước đây bị che đậy và giấu nhẹm.

Đôi bờ Đa Dung năm 2021. Nguồn: PGĐ 2021

Nhiều kỳ – Kỳ 4

Ðúng như tôi đã dự đoán. Khi quân của tôi vừa chạm đỉnh dốc đầu chữ “S” nơi cái xác của Thượng sĩ Ngon đang bốc mùi, thì hai khẩu phòng không Việt-Cộng đặt trong khu mả của dân Thượng bên trái đường khai hỏa.

Dưới khe bên trái lộ, mìn Claymore bắt đầu nổ. Ba toán Biệt Ðộng Quân ngăn chặn lực lượng bao vây chia cắt đã phát giác địch và cho mìn kích hỏa.

Những chuyên viên chiến thuật bao vây chia cắt của Cộng-Sản Bắc-Việt đang gặp khắc tinh!

Hôm nay các mũi xung kích của địch chưa kịp phóng viên B40 nào thì các xạ thủ đã bị bắn vỡ sọ. Tiếng rên la đau đớn, tiếng quát tháo chửi bới lẫn nhau om sòm dưới khe suối bên trái con lộ. Tiếng Bắc xen Nghệ Tĩnh.

Lúc này đạn M79 của ta bắt đầu tới tấp câu xuống khe.

Tôi đang chỉnh đạn 105 ly của Chi Khu Nhơn-Cơ rơi trên trục nghi ngờ có khẩu phòng không di động của địch thì trong tần số hỏa yểm nghe có tiếng người gọi tôi từ trên trời,

Thái Sơn cho mục tiêu, tôi phụ một tay! Bắc Bình mới xin tôi lên làm việc với Thiếu tá đây!

Bắc Bình là ông Thiếu tá Trần Văn Bường (K18 VB), Tham mưu phó hành quân của Tiểu Khu Quảng-Ðức.

Tiếng nói trong máy hỏa yểm là tiếng nói quen thuộc của một hoa tiêu máy bay L19 mà trong nửa năm hành quân ở đây, tôi đã nhiều lần ngồi ghế sau anh ta, bay bao vùng khu vực Nhơn-Cơ, Kiến-Ðức. Tôi và anh phi công này đã nhiều lần đánh phối hợp rất ăn khớp và tương đắc.

Tôi hướng dẫn để anh phi công quan sát cái nghĩa địa Thượng nơi ngã ba đường xe be. Tôi nhờ anh triệt hạ giùm hai khẩu phòng không di động đang trụ ở điểm này.

Tôi sơ lược tình hình bạn địch cho anh ta rõ. Hướng đề nghị cho máy bay oanh tạc ra vào là Nam-Bắc, vì quân tôi tiến theo trục Tây-Ðông.

Chiếc thám thính cơ L 19 đảo sát ngọn cây một vòng. Khẩu phòng không đổi góc bắn lên trời, đuổi theo đuôi chiếc L 19.

– Okay! Tôi thấy rồi! Một cái xe bò cài lá ngụy trang có khẩu phòng không. Tôi chơi ngay!

Một trái khói phụt xuống sát bên khu Mả Thượng.

– Ðược chưa? Thái Sơn!

-Ðược rồi! Cứ từ đó dài về hướng 360 độ là địch, đánh tự do!

Sau câu trả lời “Okay! Do!” chiếc quan sát cơ bay tránh sang hướng Ðông.

Tôi che mắt tìm những chiếc máy bay oanh tạc.

Trời trong xanh. Có hai chiếc A 37 đang lượn rất cao. Hai chiếc tàu lấp lánh trong nắng. Hai chiếc tàu nhỏ tí ti. Có tiếng “rè rè!”  phát đi từ A 37, hay L 19,

– Bom đi! Pass số 1! Chỉnh!

Tôi trả lời,

– Nhận! 

Tôi đã trả lời “Nhận!” nhưng tôi phải che mắt để quan sát xem bom tới từ hướng nào.

Ðời tôi đã có hàng trăm lần được Không quân Mỹ, Việt yểm trợ tiếp cận. Ðây là lần đầu tiên tôi thấy máy bay yểm trợ cho tôi đã thả bom ở tầm cao quá sức là cao! Có lẽ bom được thả từ trên cao độ mười ngàn bộ (feet) có dư!

Mắt tôi thấy một chấm đen từ trên thăm thẳm hướng Ðông đang bay về phía mình. Chấm đen tới gần, nó vẫn giữ hình thù một cái chấm.

Bom tới sát lắm rồi, mà vẫn chỉ là cái chấm!

Thôi bỏ mẹ! Bom bay mà chỉ thấy một cái chấm, không thấy chiều dài của nó tức là nó đang nhắm vào đầu mình rồi! 

Tôi la thất thanh,

– Nằm xuống! Nằm xuống!

Vừa xô thằng Bích xuống cái rãnh khô bên đường, tôi vừa nói với các ông phi công,

– Sáng nay các anh đã giết một Tiểu đoàn trưởng Biệt Ðộng Quân rồi đó! Các anh ơi!

Tôi chỉ kịp nằm úp mặt trên đường nhựa thì quả bom đã chạm đất.

Xem thêm:   Mùa giáp hạt tan nát

“Ầm!”

Bụi, đất, sỏi, đá, cây cối bay tung, phủ trùm một vùng.

Quả bom rơi cách tôi và khẩu đại bác đi đầu chừng chục mét. Nó rơi ngay trên cạnh Bắc của con đường, sát bờ suối, đàng sau một mô đất.

Mô đất cao hơn đầu người và cây cối mọc trên đó đã bị sức công phá của quả bom dọn sạch ngay sau tiếng “Ầm!” vừa rồi.

Chưa rõ tổn thất quân bạn ra sao, chưa rõ chính tôi có bị thương hay không, tôi quơ cái máy truyền tin:

“Check Air! Check Air!”

Tôi nghe anh phi công L19 đang cự nự anh phi công A 37,

– Ð.M! Toa làm ăn như con c…c!

Rồi anh hỏi tôi,

– Sorry! Sorry! Thái Sơn có sao không?

– Cám ơn anh! Thôi! Cho họ về đi! Tôi không cần họ nữa!

Tôi ném cái ống nghe của máy Không Lục xuống đường.

Ðoàn người mình mẩy đầy đất cát lồm cồm đứng dậy. Không kịp phủi bụi trên đầu tóc, họ tiếp tục chuyển đạn, nạp đạn, giựt cò.

“Ðùng! Ðoàng!”- “Ðùng! Ðoàng!”

Chỉ một khẩu đại bác bên trái đường còn nguyên vẹn. Khẩu súng bên phải đường bị mảnh bom đánh xẹp bánh.

Có một người chết vì quả bom là Binh nhứt Ðức Ðiếc. Ðức Ðiếc bị vỡ sọ. Xác của Ðức Ðiếc được kéo sang lề đường để tạm trên cỏ.

“Ðùng! Ðoàng!”- “Ðùng! Ðoàng!”

“Tiếp tục!” – “Còn một khẩu, ta chơi theo một khẩu! Tiến lên đi! Anh em ơi! Biệt Ðộng! Sát!” 

Toán viễn thám của Hạ sĩ Mom Sol và toán viễn thám của Hạ sĩ Nguyễn Tuấn được gom lại thành một đội xung kích. Họ vượt suối, băng ngược lộ trình rút lui của ông tiểu đoàn phó ngày hôm qua.

Khi tới điểm hẹn, Hạ sĩ Mom Sol xin tôi ngừng tác xạ pháo binh trên khu Mả Thượng để hai toán viễn thám tiến sát địch.

Thỏa mãn yêu cầu của Mom Sol, tôi cho pháo binh tạm ngừng.

Tới khi Mom Sol đã sẵn sàng tại vị trí, tôi cầm ống liên hợp gọi Trung tá Hoàng Kim Thanh, Liên đoàn trưởng để xin tiếp tục yểm trợ thì nghe đầu máy bên kia có tiếng một người lạ, người này nói giọng Bắc,

– Anh hãy báo cáo mục tiêu cho tôi một cách thật chi tiết, tôi sẽ cứu xét đơn xin hỏa yểm cho anh!

Quả thực từ ngày đi lính tới giờ này, tôi đã từng gọi máy xin pháo yểm cả trăm lần, chưa lần nào tôi nghe ai đó làm khó dễ như cái giọng nói lạ hoắc kia.

Tôi la lên,

– Tôi đang đụng địch rất nặng, yêu cầu yểm trợ ngay! Tôi không có thì giờ để giải thích dài dòng! Yêu cầu thoả mãn hai chục tràng đạn hỗn tạp trên mục tiêu! Nghe rõ chưa?

Có tiếng lè nhè đáp lại,

– Anh cãi lệnh tôi hả? Nếu anh không báo cáo cho tôi rõ tình hình địch, tôi sẽ cúp pháo binh! Không cho anh một viên đạn nào nữa!

Tôi nổi cơn điên,

– Ð! Mẹ mày! Mày là thằng nào? Mày cứ cúp pháo binh đi! Tao mà thoát chết trận này thì mày sẽ biết tay tao! Tao sẽ bắn nát óc mày!

Ðầu máy bên kia đột ngột tắt tín hiệu. Một giây kế đó là tiếng ông Liên đoàn trưởng,

– Thái Sơn đây Hai Lẻ Bảy! Người vừa nói chuyện với chú là ông phó của anh. Ông ấy mới tới đơn vị, nên chưa biết chú. Thôi! Bỏ qua đi! Pháo binh đã bắt đầu bắn lại rồi đó!

(Hai Lẻ Bảy= 207 là danh hiệu truyền tin của Trung tá Hoàng Kim Thanh, Liên đoàn trưởng Liên Đoàn 24 Biệt Động Quân)

Không lâu sau đó thì đạn đại bác từ Nhơn-Cơ lại theo nhau xé gió, rơi trên khu Mả Thượng. Hết hai mươi tràng pháo yểm, tôi ra lệnh,

– 821!825! Ðây Thái Sơn! Lên đi!

Rồi tôi nghe M72 nổ. Tiếp đến là M16. Sau cùng là lựu đạn.

Bẵng đi một lúc, có tiếng Mom Sol reo trong máy,

– Báo cáo Thái Sơn xong rồi! Hai cây phòng không. Một trên xe bò, một trên gò mả. Tụi tui chờ Thái Sơn nơi ngã ba.

Ðoạn giữa cái eo chữ “S” là nơi địch đắp mô. Lá cờ nửa xanh nửa đỏ, sao vàng của Mặt-Trận Giải-Phóng Miền-Nam đã rách tả tơi nhưng còn bay phần phật bên lộ.

Xem thêm:   Dấu ấn Para

Ðại Ðội 1/82 ào lên. Ðạn của ta réo như mưa bão.

Từ bìa rừng bên phải đường, một tên Việt-Cộng, có lẽ là cấp chỉ huy, nhảy ra giữa đường; tay nó giơ cao khẩu K 54 bắn chỉ thiên:

“Các đồng chí! Giữ vững…”

Hắn chưa hô dứt câu thì, “Cành! Cành! Cành! Ðùng! Ðùng! Ðùng!” thân hình hắn đã gập xuống; khẩu K54 rơi trên mặt đường; đạn ghim kín người hắn.

Từ ven rừng phía Nam con lộ, nhiều cán binh Việt-Cộng phóng nhanh qua đường tìm cách nhào xuống suối.

Súng cứ nổ giòn giã, hiệu lệnh của cuộc hành quân hôm nay là “Giết!”

Bất cứ cái gì nhúc nhích trước mặt đều là mục tiêu!

“Giết!” Hôm nay chúng tôi xuất quân với tất cả lòng căm hờn.

Chúng tôi đã tiến tới cuối đoạn cua chữ “S” hướng Ðông.

Ðại đội của Tiểu Ðoàn 63 Biệt Ðộng Quân trấn giữ ngọn đồi trên tỉnh lộ gần con suối Bắc Nhơn-Cơ thấy hỏa lực của chúng tôi kinh khủng quá, họ sợ chúng tôi ngộ nhận, bắn càn, nên vội vàng bỏ vị trí, rút về bên kia suối.

Tiếng súng tạm yên thì hai cánh quân hai bên đường được lệnh bung sâu vào rừng kiểm soát an ninh hai hông phải và trái chiến địa.

Chúng tôi hoàn tất cuộc nhổ chốt trong vòng chưa đầy hai giờ đồng hồ.

Ngay sau khi con đường được khai thông, tôi ra lệnh cho tiểu đội cận vệ trở lại Kiến- Ðức hộ tống số dân Thượng tị nạn và gia đình binh sĩ di chuyển về quận Nhơn-Cơ chờ xe.

Tổng kết trận này, quân bạn có sáu chết, một mất tích, mười ba bị thương vừa nặng, vừa nhẹ.

Con số địch bị giết vào khoảng trên dưới một trăm. Vũ khí chúng tôi tịch thu được hôm đó có lẽ nhiều hơn số địch bị giết.

Ông Ðại úy Trần Dân Chủ. Trưởng Ban 3 Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân ra lệnh cho Chuẩn úy Lê Văn Phước, Sĩ quan Ban 3 của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân phải gửi gấp cho ông ta một bản tổng kết số nhân mạng địch bị giết và số chiến lợi phẩm tịch thu được.

Sự hứa hẹn khen thưởng vì chiến công không hấp dẫn chúng tôi trong lúc này.

Ban Mê Thuột đã rơi vào tay giặc. Lon lá, huy chương, những lời ủy lạo, những câu nói khích tướng của thượng cấp đâu còn ý nghĩa gì đối với những con người đã mất tất cả như chúng tôi hiện nay?

Tôi nói với chú Phước hãy trả lời phiên phiến cho qua, việc cần yếu hiện thời là yêu cầu liên đoàn mau mau cung cấp phương tiện chuyên chở thương binh cùng với số dân chúng tị nạn và gia đình binh sĩ rời khỏi nơi đây càng nhanh càng tốt.

Tôi vào quận đường Nhơn-Cơ và chỉ gặp Thiếu tá Khánh, Quận trưởng, không thấy ông Thiếu tá Mẫn vì vừa nghe tôi báo cáo khai thông xong con đường, liên đoàn đã cho Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân của Thiếu tá Hoàng Ðình Mẫn rút về Gia-Nghĩa.

Trung tá Liên đoàn trưởng cho lệnh tôi vào đồn đóng quân chung với Ðịa Phương Quân của Thiếu tá Khánh và đặt ông Khánh dưới sự chỉ huy của tôi.

Tôi không chịu đóng quân trong quận lỵ. Tôi tin chắc rằng, sau khi hai bãi mìn ở Kiến-Ðức rơi vào tay Cộng Quân thì chỉ cần hai chiếc T54 là địch đủ sức san bằng cái đồn Nhơn-Cơ tí teo.

Ðồn Nhơn-Cơ chỉ có một cổng ra vào hướng tỉnh lộ từ Kiến-Ðức về. Sau lưng đồn, sát hàng rào là một cái đập nước rộng và sâu. Chui vào đồn là chui vào rọ.

Ðại úy Tiểu đoàn phó Ngũ Văn Hoàn, được lệnh gom quân đang giữ Kiến-Ðức, cuốn chiếu qua mặt tôi, rồi leo lên con dốc hướng Ðông của quận đường Nhơn-Cơ.

Tôi giao cho ông Hoàn nhiệm vụ đốt cái đồi Kiến-Ðức trước lúc rút đi.

Chuẩn úy Bảo, một sĩ quan Trung đội trưởng của Ðại Ðội 4/82 là người sau cùng rời Kiến-Ðức.

Những quả mìn cơ động do Bảo gài lại nơi điếm canh hướng Ðông của căn cứ là những cái bẫy sau cùng, đón chờ những cán binh Trung Ðoàn 271/ T10/ CSBV khi họ vào tiếp thu đồi Kiến-Ðức.

Xem thêm:   Theo dấu xe "gian"!

Hai đại đội tăng phái của Tiểu Ðoàn 63 Biệt Ðộng Quân đã theo tôi từ trước Tết Âm Lịch, giờ này được tôi trả lại Gia-Nghĩa cho Thiếu tá Trần Ðình Ðàng.

Khẩu đại bác 105 ly bị bể bánh đã được phục hồi. Cả hai khẩu pháo binh biên phòng đều được kéo về nơi dự trù đóng quân của ông Tiểu đoàn phó cùng Ðại Ðội 2/82 và Ðại Ðội 4/82, trên khu chứa gỗ trước xưởng cưa Nhơn-Cơ cách tôi chừng hai cây số về hướng Gia-Nghĩa.

Trưa 21 tháng Ba tôi bố trí Bộ chỉ huy tiểu đoàn và hai Ðại Ðội 1/82 và 3/82 ngay ngã ba đường xe be, nơi đầu khúc cua hướng Ðông của đoạn đường chữ “S”.

Chiều hôm ấy, cách Kiến-Ðức hơn bốn cây số, tôi nghe tiếng đạn cháy nổ “Ùm! Ùm! Lép! Bép!” vọng về. Ngọn khói đen bốc lên cao dần.

Tôi đứng bên con đường nhựa, cạnh những ngôi mộ mới. Bên lề tỉnh lộ này, chúng tôi đã chôn những người bạn vừa chết hôm qua và hôm nay.

Lù lù giữa Tỉnh lộ 344 là một đống vũ khí chiến lợi phẩm tịch thu được của địch.

Bên đường là một rờ-mọt (remorque) súng dư dùng của ta.

Một núi súng ta, súng địch, gom lại, chỉ cần hai quả lựu đạn lân tinh là cháy tiêu hết!

Sương chiều dâng, rừng núi mờ dần, lòng tôi tê dại, dửng dưng…

Sáng sớm 23 tháng Ba năm 1975, tiền đồn hướng Tây báo cáo có tiếng hô “Xung phong!” trên đồi Kiến-Ðức.

Pháo binh đã chuẩn bị yếu tố. Hai chục tràng đạn bay đi để chào mừng những người chủ mới đến tiếp thu ngọn đồi này.

Tiếp đó là một tiếng “Ùm!” từ hướng Tây vọng lại. Như vậy là bãi mìn chống tank đã nổ! Không rõ tank địch đã vô ý cán lên bãi mìn, hay bangalore của Công Binh Cộng- Sản Bắc-Việt đã phá hủy nó?

Và cũng từ ngày này tôi bận tâm suy nghĩ phải làm gì để đương đầu với xe tank địch trong những ngày sắp tới?

Ngày 25 tháng Ba năm 1975, khoảng 9 giờ sáng tôi vào quận để thăm ông Thiếu tá Khánh. Tôi không gặp được ông Khánh. Mấy ông lính Ðịa Phương Quân cho tôi hay, từ mấy ngày trước, ông quận trưởng đã ra Gia-Nghĩa và ở lại ngoài đó không về.

Tôi đi ngang hầm truyền tin thì nghe loa khuếch âm oang oang, tiếng Thiếu tá Khánh ra lệnh cho lực lượng đồn trú:

“Các anh chuẩn bị bỏ đồn, rút về Tiểu Khu. Nhớ vặn nhỏ volume kẻo ông Thiếu tá Biệt Ðộng Quân nghe được thì rầy rà!”

Người  chuẩn úy trực Chi Khu thấy tôi đứng trước hầm, anh ta luống cuống phân bua,

– Trình Thiếu tá, không phải lỗi em!

Tôi xua tay,

– Ðừng ngại! Cứ thi hành lệnh đi! Tôi sẽ gặp sếp của anh!

Tới hầm súng cối, tôi tần ngần nhìn khẩu cối 4 chấm 2 (cối 4.2 tức cối 106 ly), đạn còn nhiều quá!

Tôi gọi chiếc GMC của tiểu đoàn vào chở khẩu súng này lên cho ông Ðại úy Hoàn. Thượng sĩ Năng là chuyên viên bắn 106 ly của tôi, khi chúng tôi còn ở Pleime.

Thượng sĩ Năng chắc phải vui lắm khi nhận được khẩu cối này.

Trước khi  Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân Nhơn-Cơ ra khỏi đồn, tôi nghe trong máy, tiếng Thiếu tá Trần Văn Bường, Tham Mưu Phó của Tiểu Khu Quảng-Ðức ra lệnh cho Sĩ quan Pháo Binh Diện-Ðịa đồn Nhơn-Cơ bắn hết số đạn dự trữ tại ụ súng, sau đó phá hủy tất cả súng đại bác 105 ly của đơn vị này.

Tôi đứng quan sát những pháo thủ Nhơn-Cơ bắn cả ngàn quả đạn về hướng Kiến-Ðức, trong đó có những viên đạn phostpho.

Sau cùng, họ đã thả từng quả lựu đạn màu đỏ vào nòng súng, hủy từng khẩu pháo.

Tôi nhìn cách phá súng của họ và học lóm được cách tháo ống thủy điều cho chất nước đỏ chảy ra, nòng súng thụt xuống không sử dụng được.

Chừng nửa giờ sau thì quận đường Nhơn-Cơ trống trơn.

Tôi cho lệnh đốt quận đường rồi giựt mìn phá hủy cái cống bắc ngang suối Nhơn-Cơ.

Sau đó tôi cho quân rút lên đỉnh dốc giữa đường Nhơn-Cơ, Gia-Nghĩa.

Nửa tiểu đoàn quây quanh khu vườn rộng sau cái miếu Thổ Ðịa nơi đầu dốc. Hai khẩu 105 ly biên phòng hướng về phía Tây sẵn sàng đạn chống tank.

(còn tiếp)