Ngày ông Táo về trời năm Mậu Tý, Thế Kỷ 20…

Bảo Huân

Nơi góc phố Jean De Bouchet, Hải-Dương có một thằng bé sáu tuổi rưỡi ngồi say mê ngắm nghía một món đồ chơi mà nó vừa mua được.

Trên tay nó là một cái xe làm bằng vỏ hộp cá mòi.

Cái vỏ hộp cá mòi của Marốc do ai đó nhặt từ đống rác của Tây, rồi đục bốn cái lỗ bên hông, gắn vào bốn bánh xe bằng nắp khoén, nắp bia đã trở thành món đồ chơi quý báu của lũ trẻ trai sáu, bảy tuổi cư ngụ trong khu Ngã Sáu, Hải-Dương này.

Sáng nay thằng bé đã bỏ ra năm hào để mua lại chiếc xe từ tay thằng bạn nó tên là Hải.

Thằng Hải là con ông chủ Khách sạn Thiên Tuế ở đầu đường.

Thời buổi đó, trong chợ Tây của tỉnh Hải-Dương thì, một bữa trưa hay bữa chiều dành cho người lớn chỉ đáng giá một đồng bạc Ðông Dương. Với một tô cơm trắng, một món canh, một món kho, một ly nước trà, người ta chỉ phải trả một đồng.

Vậy mà mỗi ngày thằng bé có tới hai đồng, làm sao tiêu cho hết?

Hằng ngày, trước khi rời nhà để đi buôn, mẹ nó đều nhét dưới gối, đầu giường cho nó hai đồng. Ngủ dậy, việc đầu tiên của nó là quơ tay dưới gối, lấy tiền bỏ vào túi quần rồi mới đi rửa mặt đánh răng.

Nó nhớ ra hôm nay là ngày 23 tháng Chạp Âm Lịch cô giáo cho học trò nghỉ.

Mẹ nó cũng hứa sẽ về sớm, mua đồ cúng tiễn đưa ông Táo về trời.

Nó ôm cái xe đồ chơi vào ngực,

– Ông Táo ơi! Tối nay ông Táo đừng thèm cưỡi cá chép, cháu sẽ cho ông mượn chiếc ô tô của cháu để ông cưỡi cho oai.

Từ giờ đó, nó cứ chắc mẩm rằng ông Táo nhà nó sẽ oai hơn ông Táo của những nhà hàng xóm. Nó chắc mẩm rằng, cả thành phố này không có ông Táo nhà nào tới chầu Ngọc Hoàng sớm hơn ông Táo nhà nó; vì ông Táo nhà nó lên trời bằng ô tô, chứ không phải cưỡi lưng cá chép, vượt qua cả nghìn cây số qua thác, qua ghềnh.

Thằng bé và mẹ nó vừa hồi cư từ vùng chiến tranh về Hải-Dương cuối năm 1948. Mẹ con nó ở nhờ trong nhà một người quen tên là Sử.

Mẹ nó bảo nó gọi ông Sử, bà Sử là chú và thím.

Ông Sử cũng là dân mới hồi cư nhưng nhanh chân chiếm cứ được một ngôi nhà rộng có sân tọa lạc ngay giữa phố, cách Ngã Sáu không xa.

Thời gian này phố Jean De Bouchet còn nhiều căn nhà rất đẹp nhưng bị bỏ hoang vì chủ của chúng còn đi lánh nạn chiến tranh, chưa quay về.

Hồi cư đúng vào dịp khai trường, nên thằng bé được nhận thẳng vào lớp 5 tiểu học, mấy chục năm sau người ta đổi lớp 5 thành lớp 1, còn ở Mỹ thì đây là lớp First Grade.

Xế trưa hôm đó bà Sử dẫn về một người đàn ông lạ rồi lớn tiếng gọi,

– Long ơi! Có khách muốn gặp cháu!

Nghe kêu tên, thằng bé vội vàng chạy tới khoanh tay, lễ phép,

– Thưa thím, cháu đây!

Bà Sử nhìn người khách,

– Ðây là thằng bé mà bác muốn gặp!

Người đàn ông tuổi chừng trên dưới ba mươi, dong dỏng cao, có đôi mắt sáng như sao.

Nhìn chằm chặp vào mặt thằng bé một phút rồi người khách kéo tay nó dẫn ra cửa sau,

– Cháu tên là Vương Mộng Long con bà Sen phải không?

– Vâng! Thưa ông! Cháu tên là Vương Mộng Long con của bà Sen.

– Bố cháu là thầy của chú. Mình tìm chỗ nào vắng, chú có việc cần nói cho cháu biết.

Tới bên gốc cây bưởi nơi góc sân sau nhà, người đàn ông cúi xuống ôm chặt thằng bé vào lòng rồi sụt sùi,

– Cháu nhớ nhé! Tên chú là Tường! Cháu cứ gọi chú là chú Tường! Chú là đàn em của bố cháu! Chú gọi bố cháu là đại ca.

– Thưa chú! Cháu sẽ nhớ! Tên chú là Tường, là đàn em của bố cháu. Chú gọi bố cháu là đại ca. Vậy chú có biết bố cháu bây giờ ở đâu không?

Chú Tường dang hai tay ôm chặt thằng bé, nghẹn ngào,

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

– Cháu ơi! Bố cháu chết rồi!

Thằng bé vội đẩy người đàn ông ra rồi la lên,

– Chú nói cái gì? Vì sao bố cháu chết?

Chú Tường lại dang hai tay ôm nó, giọng chú run run,

Bố cháu chết rồi! Cháu hãy ngồi im mà nghe chú nói đây! Suốt đời không được quên những gì chú nói với cháu hôm nay!

Thằng bé nắm chặt hai bàn tay thành hai nắm đấm, rồi nhìn vào mắt chú Tường,

– Vâng! Chú nói đi!

Chú Tường đưa tay lên xoa mặt, vuốt ngực một cái rồi dõng dạc từng tiếng,

– Cháu hãy nghe cho rõ: Tụi Việt-Cộng đã giết bố cháu đấy!

Nó vội hỏi,

-Chú có biết Việt-Cộng là ai không? Chú có biết Việt-Cộng ở đâu không?

Chú Tường đưa tay đè hai vai nó xuống, rồi nghiến răng, dằn giọng,

– Mai này lớn lên cháu sẽ biết Việt-Cộng là ai. Nhiệm vụ của chú tìm gặp cháu ngày hôm nay là nói cho cháu biết rằng không được quên mối thù này!

Dứt lời, chú Tường dắt thằng bé vào nhà.

Vào tới nhà, chú Tường bận bịu nói chuyện với vợ chồng ông Sử, không để ý tới thằng bé nữa.

Thì ra chú Tường là anh con cô, con cậu của thím Sử; chú mới quá giang theo chuyến công voa Hà-Nội, Hải-Phòng để về Hải-Dương sáng nay.

Hình như những người bà con này đã không có dịp gặp mặt nhau lâu lắm rồi nên cứ luôn mồm nói từ chuyện này sang chuyện khác mãi không dứt.

Nó muốn hỏi chú Tường thêm nhiều điều, nhưng thấy chú bận bịu quá, nó lại thôi.

Rồi căn nhà chợt ồn ào hẳn lên khi có ba người đàn ông bước vào. Thằng bé đã biết ba vị này là nhóm thanh niên ở trọ trong căn nhà đầu Ngã Sáu trên con đường dẫn vào Lao Xá Hải Dương.

Ba thanh niên cùng chú Sử và chú Tường ngồi quanh cái bàn tròn giữa sân, bàn bạc với nhau chuyện gì đó hình như hệ trọng lắm. Chú Tường có vẻ là người có uy nhất của năm vị này.

Buổi họp mặt bế mạc, chú Tường đứng lên, đảo mắt một vòng rồi dõng dạc,

– Ðại ca đã mất rồi. Từ nay anh em ta sẽ chia tay. Các chú sẽ tự định đoạt tương lai của chính mình.  

Ngừng một giây, chú Tường nhìn về phía thằng bé đang ngồi ủ rũ bên hiên nhà, giọng chú nghẹn ngào,

– Ngày mai anh không còn ở đây nữa. Người ở lại, nếu ai còn nhớ tới đại ca thì hãy bỏ công chăm sóc giọt máu còn lại của đại ca.

Thì ra ba ông thanh niên này, cùng với chú Tường và chú Sử là đàn em của bố nó.

Nó không rõ chú Tường mang họ gì, quê quán ở đâu.

Một ông cũng lớn tuổi như chú Tường tên là Phan Ngọc Yên thì cùng quê Hải Dương với bố. Ba ông còn lại thì trẻ hơn nhiều, đều mang họ Trần và có quê Nam-Ðịnh.

Tên của các ông này là Trần Văn Sử, Trần Văn Lâm và Trần Phương Quế.

Sau đó mấy vị đàn em của bố nó kéo tới vây quanh nó, ôm hôn nó, xoa đầu nó, rồi theo chân nhau đi ra cửa. Bà vợ ông Sử quét nhà xong cũng gánh rau rời nhà lên chợ.

Chỉ còn một mình trong căn nhà vắng, thằng bé thấy mình cô đơn một cách thật lạ kỳ.

Từ lúc nghe tin bố chết, nó thẫn thờ như kẻ mất hồn, hết ngồi vật, ngồi vạ trên cái chõng tre ngoài phòng khách, lại đứng trước cái bàn thờ Phật, nhìn hình Phật trên kia rồi suy nghĩ mung lung.

Nó còn nhớ ngày đó, cách nay hai năm, bố nó đã đưa mẹ con nó ra Ga Hàng Cỏ để lên tàu hỏa về quê.

Trước khi chia tay, bố đã ôm hôn nó, nói với nó rằng,

– Con của bố gắng ngoan! Mai này bố sẽ về, bố sẽ bế con, bố sẽ cõng con đi chơi quanh thành phố Hải-Dương. Bố sẽ mua cho con một hộp bánh khảo và bánh đậu xanh Bảo-Hiên Rồng Vàng thật là to.

Gần tám chục năm sau nó vẫn chưa quên hình ảnh bố nó đứng bên cái xe đạp, dưới ánh đèn đường, giơ tay vẫy vẫy, tiễn chân mẹ con nó lên tàu xuôi Hải-Dương.

Xem thêm:   Lối đi trong vườn (kỳ 2)

Nó không tin những lời chú Tường vừa nói là chuyện thật, nó không tin bố nó đã bị người ta giết. Bố là người tài giỏi nhất trên đời! Bố không thể chết!

Tới chiều thì mẹ thằng bé bước vào cửa cùng lúc với vợ chồng chú Sử và chú Tường.

Rồi mẹ thằng bé cũng ra vườn nói chuyện với chú Tường. Khoảng một giờ đồng hồ sau mẹ nó và chú Tường mới trở vào. Lúc này mắt mẹ nó đã đẫm lệ, đỏ hoe.

Tới tối, nó đang ngồi thút thít khóc bên bàn học, thì chú Tường tới ngồi bên, cầm mấy quyển vở của nó lên xem, rồi cất tiếng khen,

– Cháu ngoan lắm! Cháu gắng học giỏi để mai này nối chí ông thầy của chú!

Chú Tường lần tay ra túi sau, móc bóp lấy ra tờ giấy bạc 20 đồng Ðông Dương mềm như lụa, đưa cho thằng bé,

– Tiền này chú cho cháu để ăn quà hay mua đồ chơi, tùy ý cháu.

Thằng bé ngần ngừ, nhìn mẹ; thấy mẹ nó gật đầu, nó mới giơ tay cầm tờ bạc, miệng lí nhí,

– Cháu cám ơn chú Tường!

Nhớ lời mẹ nó dặn, khi cám ơn ai thì nó phải nhìn thẳng vào mặt người đó.

Thằng bé cám ơn chú Tường, đồng thời nhìn ngay mặt chú, nó nhận ra trên má chú có hai dòng lệ đang chảy xuống. Dưới ánh đèn, nước mắt của chú sáng lấp lánh.

Tối hôm đó mẹ nó không thắp nhang tiễn đưa ông Táo.

Mẹ con nó đã quên không ăn cơm chiều. Mẹ nó lững thững đi ra vườn, nó nối đuôi theo.

Ði ngang phòng khách, nó thấy chú Tường nằm trên cái chõng tre.

Chú Tường đang hút thuốc lá, khói thuốc bay lên trần nhà.

Mẹ nó đi tới gốc bưởi, ngồi rũ xuống và sụt sịt khóc; nó mon men lại gần thì mẹ xua tay, đuổi nó đi.

Nó lê bước vào nhà, vứt cái ô tô làm bằng vỏ hộp cá mòi vào gầm bàn, rồi lăn ra chiếu.

Trong bóng tối, nó trùm chăn kín đầu, nằm khóc một mình.

Trước khi nó thiếp đi, nó nghe ai đó nói nhỏ bên tai,

– Việt-Cộng là kẻ thù đã giết bố cháu! Suốt đời, cháu không được quên mối thù này!

Sớm hôm sau thằng bé tỉnh dậy thì mẹ nó đã đi làm; trên cái chõng tre ngoài phòng khách cũng không thấy chú Tường.

Ngày 24 tháng Chạp Âm Lịch năm Mậu Tý, rơi vào Thứ Bảy, cũng là ngày hội thể thao tất niên của trường, nhưng nó không thèm tới sân vận động để xem, mà chỉ nằm nhà ôm mặt khóc. Suốt ngày Chủ Nhật sau đó, nó cũng chỉ loanh quanh trong vườn chứ không ló đầu ra ngoài phố.

Sáng Thứ Hai, 26 tháng Chạp, nó ôm quyển vở, xách hai chai nước vối rồi bước ra đường.

Tới Ngã Sáu, nó gặp thằng Hải đang đứng chờ.

Thằng Hải thấy hai mắt nó sưng húp thì ngạc nhiên, cất tiếng hỏi thăm,

– Mày bị đau mắt hả? Nhà tao có thuốc nhỏ mắt tốt lắm. Ðể tao chạy về lấy cho mày nhé?

Nó vội xua tay,

– Không cần! Không cần! Ðừng hỏi nữa! Chiều về tao kể cho nghe!  

Nói xong, nó vội vàng phóng nhanh qua đường. Thằng Hải cũng lao theo bén gót.

Hai đứa vào trung tâm thành phố, rồi tới phố Hàng Bạc.

Thằng bé đi thẳng lên hướng Ga để tới Trường Nam Tiểu Học Hải-Dương.

Còn bạn nó thì rẽ sang tay phải để tới Trường Thánh Giuse.

Trường Nam Tiểu Học Hải-Dương là trường công, học trò không phải đóng tiền.

Trường Thánh Giuse là trường Tây, trường tư, học trò phải trả tiền.

Học trò Trường Thánh Giuse đa phần là con nhà giàu hay có đạo; thằng Hải là con nhà giàu.

Tới gần rạp hát Kim Phụng thằng bé đã thấy người anh kết nghĩa của nó đứng chờ.  Nó mới quen anh Phụ được vài tuần. Anh Phụ học lớp Ba cùng trường, năm nay anh đã 18 tuổi, và đã có vợ. Thời gian này học trò mới hồi cư được khuyến khích đến trường, không giới hạn tuổi tác.

Nhà anh Phụ ở ngoại ô thành phố phía đằng sau vườn hoa Bảo Ðại. Ngày nào anh Phụ cũng đứng chờ nó nơi hiên rạp Kim Phụng để cùng đi với nó. Chiều chiều tan trường, hai anh em lại cùng về.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Anh Phụ nói năng rất ngọt ngào; anh coi nó thân thiết như đứa em ruột của anh.

Nó là đứa bé không có anh chị; được anh Phụ nhận làm em kết nghĩa nó cảm thấy sung sướng vô cùng.

Trước đây khi mới gặp nhau, anh Phụ thường mang theo bên mình một chai nước mưa để giải khát; nhưng từ khi được nếm mùi vị nước vối của nhà thằng em thì anh Phụ đề nghị nó mang thêm một chai nước vối nữa cho anh.

Nó vui vẻ làm theo yêu cầu của bạn nó ngay. Nó đã không quản công khó mà còn cảm thấy hạnh phúc khi thấy người anh kết nghĩa đã cần tới nó. Trong bếp nhà nó lúc nào cũng có một nồi nước vối đầy, hai chai nước vối nó đem đi học có đáng là bao?

Một hôm đang đi giữa đường, anh Phụ bỗng dừng chân đứng lại ôm bụng nhăn nhó. Nó lo lắng cuống quýt,

– Anh sao thế? Anh bị bệnh gì thế?

Phụ xua tay,

– Anh không sao, ruột anh chỉ bị quặn quặn một lúc thì hết ngay thôi!

Phụ nói đúng, chỉ một phút sau anh đã đi đứng bình thường.

Chiều về, người anh kết nghĩa mới thú thực với thằng em,

– Em có biết không? Sáng nay anh bị đau bụng là vì đói đó! Ðói mà uống nước vối thì bị cồn ruột.

Thằng bé thắc mắc,

– Thế sáng ra anh nhịn đói mà đi học ư?

– Chứ sao? Nhà anh nghèo lắm, làm gì có tiền mà ăn sáng? Anh nhịn tới chiều về tới nhà mới được ăn cơm. Nhà nghèo khổ lắm em ơi!

Thằng bé đúng là thứ ruột ngựa,

Mỗi ngày mẹ cho em hai đồng, sáng ra em ăn một đĩa xôi lạp xưởng hay một đĩa bánh cuốn cà cuống chỉ hết năm hào. Còn một đồng rưỡi em bỏ ống, chờ tới Tết mới đem ra tiêu. Chẳng bù cho anh bị đói suốt ngày! Tội nghiệp anh tôi! Từ mai, mỗi ngày em sẽ chia cho anh năm hào để ăn sáng.

Nói xong nó dúi vào tay Phụ tờ bạc 5 hào bằng giấy,

– Ðây là tiền cho anh sáng mai.

Mắt Phụ sáng lên, nhưng anh còn làm bộ thoái thác,

Lấy tiền của em anh ngại quá! Nếu mẹ em mà biết thì anh xấu hổ lắm! Bà dành tiền cho em chứ có phải cho anh đâu?

– Anh đừng lo! Mẹ không biết đâu! Vả lại mẹ cho tiền, em muốn làm gì thì làm, mẹ không bao giờ kiểm soát cả.

Người đẩy qua, kẻ đẩy lại, cuối cùng Phụ đành cất tờ giấy bạc vào túi,

– Nể em lắm anh mới nhận. Bao giờ anh khấm khá, anh sẽ đãi em mỗi ngày.

Thằng bé cười xòa,

– Có thế chứ! Chúng mình là anh em mà!

Từ hôm đó quỹ chi tiêu hằng ngày của thằng bé chỉ còn 1 đồng 5 hào.

Hôm nay vì thời gian còn sớm nên hai anh em nó ngồi tạm nghỉ trên tam cấp của rạp Kim Phụng. Rạp hát này ban ngày đóng cửa. Tới ba giờ chiều người ta mới mở hai cái cửa tò vò để bán vé.

Thằng bé trao cho anh nó chai nước vối cùng 5 hào tiền ăn sáng mai, rồi từ từ tâm sự cho anh nó nghe tất cả những chuyện buồn mà nó đã gặp phải trong mấy ngày qua.

Nó những tưởng người anh kết nghĩa của nó sẽ tỏ lòng thương xót khi thấy nó bỗng chốc trở thành một đứa trẻ mồ côi cha.

Nào ngờ, nó vừa dứt lời, anh Phụ đã trợn mắt,

– Bộ em bịa chuyện hả? Anh không tin trên đời này lại có người chú tốt bụng đến mức dám cho thằng cháu sáu tuổi một tờ giấy hai chục đồng Ðông Dương. Hai chục đồng là cả một gia tài đấy! Em có biết không?

Thằng nhỏ ngẩn mặt, thật thà,

– Em nói thật mà! Chú Tường cho em hai chục thật mà! Chú ấy nói em muốn mua gì thì mua, muốn ăn gì thì ăn mà!

– Anh không tin! Ðâu? Ðồng hai chục đâu? Ðưa cho anh coi, xem là tiền thật hay tiền giả?

Nghe tới hai chữ “tiền giả” thằng bé chột dạ, vội vàng móc túi lấy tờ bạc đưa cho thằng anh,

(còn tiếp 1 kỳ)