Lòi Giới Thiệu:

“Một lần qua sông Đáy” là bức tranh sống động, mô tả thật chi tiết và rõ ràng một quãng đời đầy khổ ải, buồn đau, và tủi nhục sau ngày Miền Nam sụp đổ của những cựu chiến binh Việt-Nam Cộng-Hòa bị lưu đày nơi đất Bắc.

Diễn tiến sự việc theo từng thời gian và không gian đã được những người trong cuộc tường trình lại một cách thật chính xác. Vì thế, đây có thể coi như một tài liệu lịch sử đáng tin cậy để lưu truyền lại cho lớp hậu sinh. 

Biết đá, biết vàng…

Thời gian trôi tựa nước của một dòng sông, mãi mãi không quay trở lại, thoáng chốc ba mươi năm đã đi qua.

Tôi xa quê hương đã ba mươi năm, tôi ở Mỹ đã ba mươi năm, vậy mà tưởng chừng như tôi vừa mới rời quê hương hôm qua.

Bây giờ đang là mùa lễ Thanksgiving năm 2022.­­

Ðứng nơi bến phà nối đôi bờ Mukilteo và Whidbey Island vùng Tây Bắc Hoa-Kỳ, tôi để tâm hồn phiêu du…

Nhìn hình ảnh chiếc phà rời bến, tôi chợt chạnh lòng nhớ lại chuyến phà đã đưa tôi qua sông năm xưa.

Chuyến phà này đã chở những người không phải Kinh Kha, không là Hạng Võ trong sử ký của Tàu, mà là những cựu binh Việt-Nam Cộng-Hòa sau ngày thua trận. Trong số những người qua phà năm đó, có nhiều người đã không còn sống sót để trở về.

Con sông trong ký ức của tôi có tên là sông Ðáy…

Sông Ðáy còn được gọi là Hát Giang. Hát Giang là con sông lịch sử, nơi Hai Bà Trưng trầm mình tuẫn tiết thời Nam Hán.

Vào đầu năm 1979 Hát Giang đã chứng kiến một đoàn xe Zin, và Molotova chở đầy tù cựu binh Việt-Nam Cộng-Hòa từ Trại Phú Sơn 4, Thái Nguyên di chuyển xuống, rồi qua phà, chạy về Trại Nam-Hà.

Tôi, cựu Thiếu tá Biệt Ðộng Quân Vương Mộng Long là một trong số những người đã ngồi phà vượt Hát Giang năm đó, để rồi cho tới cuối cuộc đời vẫn mãi mang trong lòng những kỷ niệm đau buồn không thể nào quên.

Trại Nam-Hà có ba phân trại A, B và C. Tôi được đưa về Ðội 18 Trại Nam-Hà A. Ðội 18 và Ðội 19 ở cùng Buồng 16 nằm sát với tường bệnh xá cuối sân.

Ngày tôi tới đây thì nhân số của Trại Nam Hà A này ước lượng khoảng trên dưới 1500 người.

Trừ ra khoảng năm chục tù hình sự và Phục Quốc thì số còn lại toàn là cựu nhân viên Quân, Cán, Chính của Việt-Nam Cộng-Hòa.

Phía quân đội, người có cấp bậc cao nhất là cựu Trung tướng Nguyễn Hữu Có, người có cấp bậc thấp nhất là cựu binh nhì chột một mắt tên là Bùi Bằng Ðoàn.

Bên hành chánh thì người chức vụ cao nhất là cựu Thủ tướng Nguyễn Văn Lộc, người có chức vụ thấp nhất là anh Nguyễn Văn Mạnh, giữ chân chạy giấy của Phủ Thủ Tướng.

Cuộc sống ở Trại Nam-Hà A thoải mái hơn là ở Trại Phú-Sơn 4 rất nhiều.

Cựu Thiếu Tá Nguyễn Văn Nghiêm – USA, 2011

Ở đây chúng tôi được làm việc có giờ, có giấc, không phải chịu đựng chế độ thi đua làm nhiều, ăn nhiều, làm ít, ăn ít như ở Phú-Sơn 4.

Sau một ngày xuất trại trở về, trước giờ điểm danh tối, tôi có thể tự do đi từ buồng này sang buồng khác thăm hỏi người quen.

Tôi đã tới Buồng 1 và Buồng 2 gặp lại những cựu sĩ quan đã từng chỉ huy tôi như Thiếu tướng Lê Minh Ðảo, Ðại tá Cao Văn Ủy, Ðại tá Trần Công Liễu, Ðại tá Hoàng Thọ Nhu.

Ðiều vui mừng nhất là tôi được tái ngộ với chú tôi là cựu Ðại tá Trần Phương Quế.

Nơi ồn ào nhất, vui nhất ở Nam Hà A có lẽ là cái giếng.

Cái giếng có đường kính chừng hai chục mét, có thành tường xây bằng bê tông cao tới đầu gối, sân tắm giặt xung quanh giếng cũng chiếm một khoảng đất rất rộng nơi góc sát cổng.

Tù cứ cởi truồng tồng ngồng tắm rửa, chuyện trò cùng nhau. Tin tức thời sự quốc nội, quốc ngoại cũng được tung ra vô cùng thoải mái không phân biệt sẽ rót vào tai ông trung tướng hay tai ông binh nhì.

Xem thêm:   Andropov & Lenin

Tôi tới trại này chưa được bao lâu thì ông cựu Trung tá Nguyễn Văn An Liên Ðoàn Trưởng sau cùng của Liên Ðoàn 12 Biệt Ðộng Quân trốn trại.

Ông An vượt ngục, tìm về quê Phủ Lý nhưng chỉ ba ngày sau đã bị bắt lại.

Ông An bị nhốt đói hai ngày, bị đá đít mấy cái, rồi bị đuổi về lại Buồng 15 nằm cạnh ông cựu Thiếu tá Biệt Ðộng Quân tên là Ðỗ Văn Mười.

Cuộc vượt trại của Trung tá An có lẽ chỉ ảnh hưởng tới ba người là tôi, Vương Mộng Long, Trần Văn Cả và Ðặng Quốc Trụ.

Ba đứa tôi có tỳ vết đã vượt ngục hai lần, nên bị chú ý không cho ra ngoài rào lao động dã ngoại nữa.

Cựu Thiếu tá Ðặng Quốc Trụ bị đưa về đội bóng chuyền, phải tập dượt suốt ngày bất kể nắng hay mưa.

Cựu Ðại úy Trần Văn Cả giữ chân nhặt rác quanh sân, dưới quyền ông cựu Nghị sĩ Hoàng Xuân Tửu là tổ trưởng tổ văn hóa.

Còn tôi thì nằm dưới quyền ông Trực Buồng 16 là cựu Thiếu tá Ðịa Phương Quân Nguyễn Ðình Tuy. Anh Tuy là một người rất tốt bụng, nhưng trầm lặng và kín tiếng.

Thiếu tá Nguyễn Ðình Tuy, dân Bắc Di Cư, là Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Yểm Trợ và Tiếp Vận của Tiểu Khu Pleiku. Tôi cũng là dân Bắc Di Cư, cũng là dân Pleiku, do đó ông Tuy đối với tôi có chiều ưu ái, nương tay.

Tôi được giao cho một công tác thật là khoẻ re, nhẹ nhàng.

Mỗi ngày, khi anh em đã xuất trại, tôi chỉ có việc đi quanh buồng, sửa lại những chiếc gối đầu nằm của trại viên cho ngay ngắn, thẳng hàng. Nhiệm vụ của tôi chỉ có vậy thôi!

Mặt khác, đúng 12 giờ trưa hằng ngày tôi cùng với Ðặng Quốc Trụ và Trần Văn Cả đều phải ghé Nhà Văn Hóa để trình diện tên trung úy Công An phụ trách an ninh trại một lần.

Nếu hôm nào tên Công An này vắng mặt, thì cựu Trung tá Không Quân Việt-Nam Cộng-Hòa Lê Bá Ðịnh sẽ nhận mặt ba đứa tôi rồi ghi vào sổ chứng nhận rằng chúng tôi còn chưa trốn.

Ông Trung tá Ðịnh là phụ tá của ông Nghị sĩ Tửu.

Cũng vì công việc hằng ngày khỏe re, nên tôi tha hồ la cà hết buồng này tới buồng kia. Cứ tạt vào buồng này thăm một ông bạn, sang buồng kia thăm một ông bạn, thế là quay qua, quay lại, đã hết một ngày.

Ở đây thì nhà cao, tường xây, nhưng đói lắm, vì tù không có dịp đào củ mài, mót củ khoai, hái mớ rau má hay rau tàu bay như thời còn ở lán trại, nhà tranh vách đất do quân đội quản lý.

Gặp nhau, chúng tôi chỉ bàn tán quanh co chuyện thăm nuôi và chuyện ăn uống.

Ông cải tạo viên trực Buồng 12 vừa thấy tôi đã tay bắt mặt mừng,

– A! Anh Long! Anh còn nhớ tôi không?

– Dạ thưa Trung tá tôi nhớ!

– Hồi đó anh dẫn tiểu đoàn tăng phái cho tôi, tôi đã xuất kho cho anh 500 thùng dầu ăn. Tôi tưởng anh đem bán để lấy tiền tiêu Tết, vậy mà anh lại đem chia cho lính hết. Ðáng khen! Ðáng khen!

Chẳng lẽ sau bao nhiêu năm xa cách, kỷ niệm thời chinh chiến giữa tôi và ông cựu tỉnh trưởng này chỉ có một chuyện để ông nhớ là ông đã xuất kho yểm trợ cho đơn vị tôi 500 thùng dầu ăn loại 4 lít hay sao?

Tôi cười nửa miệng,

– Thế sự đổi thay, tôi thấy giờ này tâm hồn nào cũng chứa đầy thực phẩm, trí óc nào cũng nghĩ tới thực phẩm, và kỷ niệm nào cũng chất đầy thực phẩm. Ngày xưa Trung tá đâu có thế?

Ông cựu tỉnh trưởng ứng đối liền tay,

– Gặp thời thế, thế thời phải thế mà Long! Hãy quẳng gánh lo đi mà vui sống cho qua ngày đoạn tháng!

Tôi chưa tìm được câu nói móc lò nào để đáp lại, thì ông cựu trung tá đã kéo tay tôi ra góc hiên, nơi đây có cái bàn con và bốn cái ghế con, ông lớn tiếng,

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

– Nào! Ngồi xuống đây uống một ly cà phê cơm cháy với tôi đi!

Không đợi tôi trả lời, ông cựu trung tá nhìn tôi rồi thấp giọng,

– Lâu lắm rồi anh em mình mới gặp lại nhau. Gia đình chú có bình an không?

Trại này ăng ten như ruồi. Chú cẩn thận giữ mồm giữ miệng!

Hóa ra từ nãy tới giờ cái ông trực Buồng 12 này đã đóng vai một người khác, bây giờ trước mặt tôi mới thật là ông cựu Trung tá Nguyễn Văn Nghiêm, cựu Tỉnh trưởng Phú-Bổn mà tôi đã có dịp được phục vụ dưới quyền một thời gian ngắn hồi đầu năm 1971.

Anh Nghiêm pha cho tôi một ly cà phê, cà phê thứ thiệt, không phải là cơm cháy. Anh khuyên tôi nhất cử, nhất động phải cẩn trọng vì lúc nào bọn chó săn, ăng ten cũng rình rập những người có tiền tích vượt ngục như tôi.

Bất cứ lúc nào tôi cũng có thể bị đưa ra làm con vật hy sinh để răn đe người khác.

Từ ngày biết tôi có mặt ở trại này, anh Nghiêm đã tìm gặp tôi mấy lần để khuyên bảo nhưng chưa có dịp. Anh nói gia đình anh tiếp tế cho anh rất đều, nếu tôi có thiếu thốn thì cứ tới nói với anh, giúp được gì cho tôi thì anh sẵn sàng ngay. Anh khuyên tôi có hai điều nên tránh, một là tránh cờ bạc, hai là tránh dính líu vào mấy chuyện buôn bán lia chia kiếm lời, khiến người khác khinh khi.

Từ biệt anh Nghiêm, tôi qua Buồng 10 thăm anh La Hoàn Võ.

Cựu Thiếu tá La Hoàn Võ và tôi cùng là dân cựu sinh viên sĩ quan của Ðại Ðội B Võ Bị, anh Võ khóa 19, còn tôi khóa 20.

Cứ nhìn mặt anh Võ, tôi lại thấy thương hại anh. Lúc nào anh Võ cũng ôm bụng, nhăn nhó, anh ấy mang chứng bệnh đau dạ dày kinh niên.

Vì mang bệnh kinh niên nên anh Võ không bị xuất trại đi lao động.

Anh thổ lộ cho tôi hay, vừa nghe anh khai bị bệnh đau dạ dày, cán bộ quản giáo liền chấp thuận cho anh nghỉ ngay, vì người đau dạ dày sẽ không ăn được. Người bệnh mà không ăn được, thì trại sẽ đỡ một khẩu phần cơm mỗi ngày.

Đặng Quốc Trụ, Nguyễn Văn Ninh – USA, 2007

Nói thế chứ làm gì có ai xuống kiểm tra xem người đau dạ dày có lãnh cơm hay không lãnh cơm hằng ngày đâu?

Anh Võ lúc nào cũng tỏ ra thương con, nhớ vợ. Gặp tôi anh cứ than,

– Tội nghiệp bà xã của tôi! Lâu không nhận được thư của tôi, bà ấy buồn rầu, nhớ thương, khổ sở lắm. Do đó, tuần nào tôi cũng phải viết thư an ủi bà ấy. Tôi chỉ sợ bà ấy buồn rầu quá mà chán đời thì mấy đứa con tôi sẽ thành mồ côi…

Một hôm, anh Võ đưa cho tôi xem lá thư mà vợ anh từ Sài Gòn mới gửi ra, trong thư có đoạn:

“Lạ quá! Bất cứ lúc nào em ngửng đầu nhìn lên tường, thì cái kim đồng hồ nhà mình cũng chỉ đúng hai giờ. Hai giờ đêm! Sao cái đồng hồ không chịu chạy? Sao đêm dài quá vậy? Sao trời không chịu sáng? Anh ơi! Bao giờ trời mới sáng? Bao giờ anh mới về?”

Tôi gật gù,

– Bà chị quả là một người giàu tưởng tượng, một người có tâm hồn, nếu có cơ hội, và môi trường thích hợp, chị sẽ thành một nhà văn nổi tiếng.

Anh bùi ngùi,

-Chắc đêm nào vợ tôi cũng thức rất khuya rồi nhắc tới tên tôi? Có lẽ vì thế mà lâu lâu tôi lại bị máy mắt, xốn xang trong gan, trong ruột? Người ta nói xa mặt, cách lòng là sai! Tôi thì thấy những người thực sự yêu nhau mà càng ở xa nhau, càng thương nhớ nhau nhiều hơn.

Trước mặt một người đã hơn bốn năm ở tù Cộng-Sản mà còn mơ màng, còn sống lênh đênh như bay trên mây, tôi cũng làm ra vẻ thạo đời, uyên bác, có chữ, có nghĩa, và có… tâm hồn,

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (03/28/2024)

– Quân Tương Giang đầu, thiếp Tương Giang vỹ… Nếu đã là người có gia đình rồi thì ai cũng mang tâm sự như vậy thôi!

Thấy tôi cũng có vài câu thơ lận lưng, cũng ra vẻ có…tâm hồn, nên anh Võ cảm động lắm. Anh gật gù,

– Anh em mình đồng cảnh, nên mới thông cảm nhau, thương mến nhau, còn bọn du thủ, du thực thì chỉ nghĩ tới cái ăn.

Tôi gật gù theo anh,

– Ðúng rồi! Ðúng rồi!

Tuy miệng a dua theo anh Võ, nhưng trong lòng tôi lại nghĩ khác.

Bị đi tù mút mùa, bình thường thì ai mà không nhớ nhà? Ai mà không thương vợ, thương con? Nhưng mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau.

Anh Võ khai đau dạ dày không bị đi lao động nên có thời gian rảnh mà nhớ vợ, nhớ con. Chứ nếu là người khác, cứ suốt ngày ngâm mình dưới sình, đào ao, khai mương, hay phơi thây dưới nắng cháy da mà cuốc đất với cái dạ dày trống rỗng thì trong đầu chỉ nghĩ tới bát bo bo của nhà bếp mà thôi.

Tuy suy nghĩ vậy, nhưng nhìn anh Võ, tôi thấy thà cứ mơ mơ, màng màng như anh có lẽ đời sẽ bớt muộn phiền, sầu khổ, bon chen…

Ðang nói cười rổn rảng, anh Võ bỗng nhăn nhó ôm bụng, rồi cáo lui. Thì ra anh vừa phát giác trước cổng có ông nhân viên văn hóa Hoàng Xuân Tửu.

Không rõ ông nhân viên văn hóa này đã có mặt ở đây từ lúc nào.

Ông ta đang vểnh tai ghi âm những gì mà hai đứa tôi vừa phát thanh.

Tôi thấy ông Tửu đang quay mặt về bên trái, nhưng tôi biết chắc rằng ông đang nhìn về bên phải vì ông là một “thằng” có đôi mắt lác.

Vậy là “vèo!” lắc mình một cái, tôi đã biến mất về hướng trái của ông cựu Thượng Nghị sĩ.

Tôi chui vào phòng văn nghệ đúng lúc ca sĩ Trần Tiên Sinh đang gầm thét bài “Lá đỏ”.

Tôi không biết tên khai sanh của anh ca sĩ này là gì.

Vì có lần tôi nghe bạn Ðặng Quốc Trụ gọi anh ta là Trần Tiên Sinh, nên tôi cũng gọi anh ta là Trần Tiên Sinh!

Ðặng Quốc Trụ còn nói rằng ca sĩ họ Trần cũng là một cựu Nghị sĩ Quốc-Hội Việt-Nam Cộng-Hòa.

Ngày xưa anh ta làm nghề gì thì bạn Trụ không biết, nhưng chắc chắn anh ta không phải là ca sĩ.

Anh ca sĩ giơ tay lên,

“Gặp em! Trên cao lộng gió! Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ…”

Rồi anh hạ tay xuống, dang tay ra, như sắp ôm cô em nào đó vào lòng,

“Chào em! Em gái tiền phương! Ơi em gái tiền phương! Hẹn gặp nhé! Giữa Sài-Gòn”

Tôi vỗ tay,

– Mừng ông! Ông đã gặp em của ông ở giữa Sài-Gòn rồi, nên tụi mình mới có mặt ở đây!

Ðang cơn phấn kích trổ tài, bị tôi phá bĩnh, anh ca sĩ trợn mắt nhìn tôi,

– Anh…anh là ai mà giờ làm việc lại vào đây quấy rối?

Sợ tôi quấy rầy, không cho ban văn nghệ tập dượt, ông nhạc trưởng là cựu Ðại tá Trần Văn Tín bèn ngừng tay đàn, đứng dậy kéo tôi ra cửa,

– Chú mi mà cứ vào đây phá rối thì anh gọi thi đua bắt chú đó!

Nghe ông Tín đem thi đua ra dọa, tôi cũng teo, chuồn êm.

Ra tới sân, tôi thấy mấy anh văn hóa, thi đua, đang hè nhau trương cái bảng nền đỏ chữ vàng to tổ bố:

“Hoan nghênh phái đoàn quan khách tới tham quan Trại Nam Hà A!”

Ngoài mấy tên cò mồi tép riu vô danh tiểu tốt, tôi còn thấy các ông cựu Nghị sĩ Hoàng Xuân Tửu, cựu Ðại tá Không Ðoàn Yểm Cứ Pleiku Võ Quế, cựu Ðại tá Tỉnh trưởng Pleiku Hoàng Thọ Nhu, cựu Trung tá phi công Lê Bá Ðịnh đang tranh nhau nêu ý kiến ý cò là nên treo cái biểu ngữ này hướng Bắc hay hướng Ðông, nên treo cao hay treo thấp?

Có ông còn cho ý kiến viết một câu chào mừng bằng Pháp Văn, vì nghe nói quan khách kỳ này là Cha Gagnon. Cha Gagnon là một ông linh mục người Tây.

(còn tiếp)