Lòi Giới Thiệu:

“Một lần qua sông Đáy” là bức tranh sống động, mô tả thật chi tiết và rõ ràng một quãng đời đầy khổ ải, buồn đau, và tủi nhục sau ngày Miền Nam sụp đổ của những cựu chiến binh Việt-Nam Cộng-Hòa bị lưu đày nơi đất Bắc.

Diễn tiến sự việc theo từng thời gian và không gian đã được những người trong cuộc tường trình lại một cách thật chính xác. Vì thế, đây có thể coi như một tài liệu lịch sử đáng tin cậy để lưu truyền lại cho lớp hậu sinh. 

Hai tù hình sự có nhiệm vụ khiêng Trọng sang bệnh xá, khi trở về đã kể rằng, Trọng nằm trên cáng, một nữ ý tá tới tiêm cho anh một mũi rồi đi ra cửa đứng chờ, tại đây cán bộ Ðản cũng đang đứng chờ.

Mấy phút sau họ nghe Ðản hỏi cô ý tá,

– Sao lâu thế? Sao nó chưa chết?

Người nữ y tá trả lời,

– Cũng phải chờ cho thuốc ngấm chứ! Mạch của anh ta yếu lắm! Thuốc không thể ngấm nhanh. Phải chờ! Chắc cũng không lâu lắm đâu!

Quả nhiên chỉ hai phút sau Trọng chết thật.

Trên tờ giấy chứng tử, cô y tá ký tên một bên, cán bộ Ðản ký tên một bên công nhận rằng bệnh nhân Nguyễn Văn Trọng đã chết vì mắc bệnh kiết lỵ biến chứng.

Không ai biết thật sự Trung tá Trọng đã chết vì bệnh kiết lỵ hay đã chết vì một mũi tiêm thuốc độc?

Thời gian sau Thầy Bình được chuyển sang nhốt chung buồng với cựu Binh nhì Bùi Bằng Ðoàn.

Bình và Ðoàn tiếp tục bị bỏ đói, rồi ít bữa sau thấy Ðoàn nằm bất động, Lê Thái Bình lại bắc loa tay,

– Báo cáo cán bộ! Buồng tôi có người chết!

Cán bộ bước vào vạch mắt Ðoàn ra kiểm tra, thấy con mắt của Ðoàn đã đứng tròng. Mắt đứng tròng là mắt người đã chết, vì thế, cán bộ phán,

– Chết rồi! Ðem đi!

Lập tức hai tù hình sự bước vào khiêng Ðoàn xuống nhà tẫn liệm.

Khác với những lần trước, vừa đặt cái cáng xuống đất thì hai anh hình sự nghe tiếng rên,

– Ðói! Ðói! Ðói!

Một anh hình sự vội cho Ðoàn húp bát cháo, Ðoàn sống lại!

Hóa ra anh tù Bùi Bằng Ðoàn chỉ bị đói quá mà ngất đi.

Sở dĩ có chuyện chết đi, sống lại này chỉ vì khi vào vạch mắt Ðoàn để kiểm tra, cán bộ thấy mắt Ðoàn đứng tròng, y tưởng Ðoàn chết rồi, nên mới cho người vào khiêng anh xuống nhà xác.

Không ngờ, Bùi Bằng Ðoàn bị chột, một mắt thật, một mắt giả, cán bộ đã vạch nhằm con mắt giả, thấy con mắt giả đứng tròng, y tưởng Ðoàn đã chết nên mới cho mang xác đi chôn.

Nếu nó vạch con mắt thật ra coi thì Ðoàn sẽ phải nằm đó chờ, chắc chắn sau đó không lâu sẽ chết thật.

Chính con mắt giả của Bùi Bằng Ðoàn đã cứu mạng anh ta.

Từ đó cứ nghe báo cáo có người chết thì cán bộ khám xét cẩn thận hơn bằng cách vạch cả hai mắt nạn nhân ra mà coi, nếu cả hai con ngươi đều bất động thì nạn nhân mới được khiêng đi, nếu một mắt còn động đậy thì cứ để nằm đó chờ chết.

Trong khi đó thì một trại viên khác chết rất âm thầm, anh ta chết đã hai hay ba ngày sau mới bị cán bộ phát giác vì không có ai chứng kiến, không có ai nhốt chung buồng.

Người chết là cựu Ðại úy Ðịa Phương Quân tên là Sanh.

Anh Sanh là con trai của chủ nhân nhà hàng “Quán Biên Thùy” ở Nhà Bè.

Thế rồi, một đêm, Nguyễn Văn Hồng đã vĩnh viễn ra đi, tác giả “Ðôi giày dũng sĩ” không còn nữa! Con chim ái quốc ấy đã hoàn toàn kiệt sức, không thể cất nổi tiếng hót sau cùng.

Chỉ vì cuối năm 1978 sau khi bị cùm vì tội vượt ngục lần thứ nhì thất bại, tôi đã gặp lại Ðại Ðức Lê Thái Bình ở Trại Phú Sơn 4, Thầy Bình hỏi tôi bí quyết để sống còn khi bị kiên giam, thì tôi đã giải thích cặn kẽ cho Thầy Bình biết rằng,

“Người bị kiên giam vì đói quá, nên mỗi khi được phát cơm, ngô, khoai, sắn hay bo bo, ai cũng ăn thật nhanh cho hết bữa; còn tôi chỉ ăn nhín nửa phần, tới nửa ngày sau mới ăn phần còn lại. Cách ăn này giúp cho cái dạ dày lúc nào cũng đói, lúc nào cũng no. Nhờ vậy mà không bị chết đói!”

Nhớ tới kinh nghiệm “vượt đói” của tôi, Thầy Bình đã cố gắng đánh lừa dạ dày trong suốt thời gian hơn hai năm bị kiên giam ở Trại Mễ nên mới còn hiện diện trên cõi đời này!

Trong thời điểm đó thì ở Nam Hà A, mỗi khi có chuyện xáo trộn như chuyển trại, hoặc nhận thêm người thì cán bộ lại thi hành một đợt kiểm tra và “biên chế”.

Khi “biên chế” thì tù bị trộn lộn, từ đội này chuyển sang đội khác, từ buồng này dọn qua buồng khác.

Lợi dụng cơ hội này, ít lâu sau khi được chuyển đội, ông Trung tá Nguyễn Văn An bèn vượt ngục lần thứ hai.

Rồi ông An cũng bị bắt lại, lần này cai tù không đá đít ông rồi cho phép ông về lại Buồng 15 nữa.

Ông bị tống cổ vào nhà kỷ luật, chịu đủ loại cực hình, rồi bị đưa ra Trại Mễ.

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

Ít lâu sau thì ông An chết.

Chuyện Trung tá An vượt ngục, rồi chết, tôi đã nghe cựu Ðại tá Cao Văn Ủy tóm tắt lại như sau:

“Anh An vượt ngục một lần nữa để tìm về quê, nhưng chưa tới nhà đã bị bắt lại. Anh bị giam trong phòng kín, có khóa và có lính canh rất cẩn mật. Mỗi ngày anh đều bị dẫn lên văn phòng của Ban Xuyên tức là viên Trung tá Công An Việt-Cộng tên Xuyên, Trưởng Trại Nam Hà để khai báo và nhận cực hình. Tuần lễ đầu, Ban Xuyên, cho lũ chó bẹc giê cắn gãy hai chân anh. Tuần lễ thứ nhì, y cho chó cắn gãy hai tay anh. Tuần lễ thứ ba, y cho chó cắn nát hạ bộ của anh. Sau khi anh ngất đi, tên Xuyên mới gọi y tá đem anh xuống bệnh xá để băng bó tất cả các vết thương trên người. Ngày tiếp đó, anh An bị áp tải lên xe, chở ra bệnh xá ngoài Trại Mễ. Tại đây, anh tiếp tục bị bỏ đói cho tới chết. Anh Trung tá Biệt Ðộng Quân Nguyễn Văn An đã trút hơi thở sau cùng trên mảnh đất mà anh đã sinh ra là Phủ Lý.”

Xác Trung tá An được chôn ở bãi tha ma Trại Mễ. Nơi đây đã có ba sĩ quan Cảnh-Sát Quốc-Gia yên ngủ từ năm 1979, đó là Trung tá Lê Văn Thảo, Trung tá Ðoàn Ðình Từ và Trung tá Nguyễn Lê Tính. Ba sĩ quan Cảnh Sát này đã chết vì kiệt sức.

Cạnh mộ của Trung tá Nguyễn Văn An là mộ của Trung tá Nguyễn Văn Trọng, hoa tiêu trực thăng Biên-Hòa, kế đó là mộ của Ðại tá Nguyễn Phán, Trưởng Phòng Tổng Quản Trị Quân Ðoàn II.

Ông Trung tá Trọng chết vì bị bỏ đói và bị chích một mũi thuốc độc (?) thay vì thuốc trị bệnh kiết lỵ, còn ông Ðại tá Phán qua đời vì bị điên, bị đói, và kiệt sức.

Nhân số Ðội 20 cứ hao hụt dần theo thời gian.

Lâu lâu cán bộ lại họp nhau bình xét, chấm điểm. Ai được điểm cao sẽ được cho về lại Nam-Hà A.

Tới năm 1984 thì tên Trung tá Xuyên về nghỉ hưu. Người thay thế tên Xuyên là một Trung tá Công An tên là Lưu Văn Hán.

Lưu Văn Hán đã từng nhiều năm phục vụ trong ngành Công An ở Miền Nam.

Y đã chứng kiến những điều hay, đẹp, văn minh, nhân đạo, và tiến bộ của xã hội Miền Nam.

Y đã mở tầm mắt để thấy rằng những con người mà y đang giam giữ kia chính là tinh hoa gạn lọc của cả một chế độ, của cả một Miền Nam tiên tiến, văn minh.

Y đã nhìn ra cái giá trị đích thực ẩn tàng trong những con người khốn khổ mà y đang cầm mạng sống.

Vì thế, ngay sau khi nhận chức ít lâu, Lưu Văn Hán đã cho những người còn sót lại của Ðội 20 được trở về Nam Hà A.

Những người bị biệt giam lâu nhất đã ở Trại Mễ đúng hai năm rưỡi.

Họ ra khỏi trại này mà chỉ còn có da bọc xương. Thượng Ðế đã không chấp thuận cho họ được chết, nên tên Xuyên đã về hưu.

Anh Mai Văn Tấn và anh Lê Thái Bình đã may mắn sống sót và được về Nam Hà A lao động trở lại.

Sau đợt chuyển tù vào Nam năm 1982 thì tất cả tù còn sót lại từ Hà-Tây, Phong-Quang, Tân-Lập, Vĩnh-Phú đều tập trung về Nam-Hà A.

Nhân số của trại vào lúc Mai Văn Tấn và Lê Thái Bình quay lại có khoảng trên dưới 300 người.

Anh Lê Thái Bình thường đi lấy củi trong khu nghĩa trang tù.

Nghĩa trang tù của Trại Nam-Hà A lúc nào cũng vắng lặng vì ít khi có người vãng lai. Ở đây, ngôi mộ của Trần Hàn có lẽ là nơi buồn nhất, vì đó là một nấm đất cô đơn, nằm cách biệt với nghĩa địa gần trăm thước.

Không biết tự bao giờ, ai đó đã trồng ba cây phượng vĩ trên đỉnh đồi này.

Ðầu mùa Thu, chỉ cần một cơn gió nhẹ lướt qua, hoa phượng đã rơi lả tả.

Thật là không còn gì buồn hơn cảnh tượng đường trơn mưa Ngâu tháng Bảy, âm thầm trên mộ hoa rơi.

Lâu lâu Lê Thái Bình lại ghé chốn này, thắp một nén nhang cho Trần Hàn.

Vương Mộng Long và Lê Thái Bình 2016 TX-USA

-oOo-

Xương cốt về Nam…

Tới đầu Xuân 1988 là đợt phóng thích tù chính trị sau cùng, tôi cũng được thả về kỳ này.

Từ nay, trên toàn cõi Việt-Nam chỉ còn hơn một trăm tù nhân gốc Quân, Cán, Chính, Việt-Nam Cộng-Hòa mà thôi.

Số tù còn lại này, trong đó có Thiếu tướng Lê Minh Ðảo và Ðại tá Cao Văn Ủy được tập trung về Trại Z30D là nơi tôi vừa đi qua cổng với cái giấy ra trại.

Dù bận bịu vì sinh kế, nhưng Mai Văn Tấn, Lê Thái Bình và tôi cũng thường có dịp gặp mặt nhau.

Bình kể cho tôi nghe rằng qua sự giới thiệu của anh Phụ là một cựu sĩ quan Cảnh-Sát Ðặc-Biệt, bạn thân của anh Trần Hàn, gia đình anh Trần Hàn biết Ðại đức Lê Thái Bình là người biết rõ mộ phần của Trần Hàn nằm ở chỗ nào trong nghĩa trang, nên đã nhờ anh Lê Thái Bình đi ra Bắc bốc mộ cho anh Hàn.

Theo chương trình dự trù thì Lê Thái Bình sẽ tháp tùng hai người nhà của Trần Hàn lên xe lửa từ Ðà-Nẵng đi Hà-Nội, rồi thuê xe hơi để vào Nam-Hà.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Ðúng hẹn, sáng sớm ngày hôm trước, Lê Thái Bình từ Ðồng Tháp theo xe đò đi Ðà-Nẵng.

Xe vừa đổ Ðèo Cù Mông thì bị đứt thắng, xe lao nhanh xuống dốc.

Ai ngồi trên xe cũng tưởng phen này thế nào cũng chết.

May thay, trong giây phút thập tử nhất sinh ấy, thì phụ tài xế đã giựt được tay lái để xe tông vào vách đá.

Chiếc xe lộn một vòng rồi nằm im. Có hai hay ba người chết, số còn lại đều bị thương. May mắn thay, anh Bình chỉ bị thương nhẹ.

Bình tới Ðà-Nẵng đúng lúc người nhà của Trần Hàn sửa soạn lên xích lô để ra ga. Bình nhập đoàn với họ, mà không kịp có thời giờ rửa tay, và băng bó những vết sây sát trên người.

Ở ngoài Bắc, thời gian này Trại Nam-Hà đã hoàn toàn trở thành một trại tù hình sự.

Chỉ có những người đã chết thì vẫn còn nằm ở đây.

Năm này qua tháng nọ, có lẽ linh hồn các bạn đang yên ngủ ở đây vẫn mong chờ thân nhân tới bốc mộ, đem xương cốt họ về Nam?

Bình dẫn con của Trần Hàn tới một ngôi mộ cô đơn nằm cách nghĩa trang gần trăm mét.

Trong khi kiểm tra hàm răng của Trần Hàn, người con trai của anh Hàn đã thấy một cái răng vàng. Thời sinh tiền, hàm trên của Trần Hàn cũng có một chiếc răng vàng.

Vậy là đúng rồi! Chuyến đi hốt cốt này chắc chắn họ đã không đào nhầm mồ người khác.

Khi gom xương anh Hàn từ dưới mộ lên, anh Bình đã phát giác ra, xương cánh tay trái của Trần Hàn không nằm song song với người anh, mà nằm ở sau lưng anh. Chứng tích này có thể lý giải rằng tay trái của anh Hàn đã bị gãy vì tra tấn.

Xong việc cải táng, Lê Thái Bình giã từ gia đình Trần Hàn, giã từ Ðà Nẵng, lên tàu về Sài-Gòn.

Nhưng sau khi lên tàu hỏa được vài phút thì Bình sờ túi sau, cái bóp đã bị kẻ cắp chớp mất rồi! Vậy là Bình đành nhịn đói, chịu khát cho tới ngày về tới nhà tôi.

Thì ra, giờ đây, tay nghề của dân móc túi ga Ðà-Nẵng đã không thua kém gì tay nghề của kẻ cắp chợ Ðồng Xuân ngoài Bắc.

-oOo-

Dư âm xưa còn vang vọng…

Cuối năm 1988 chúng tôi bắt đầu nộp đơn để được xuất cảnh đi Hoa-Kỳ định cư theo chương trình H.O.

Những người có tên trên danh sách HO1, và gia đình của họ đã tới Mỹ từ tháng Giêng năm 1990, vậy mà tới tháng 5 năm 1992 Trại Z30D mới thực sự không còn ai là tù cựu binh Việt-Nam Cộng-Hòa nữa.

Bốn người tù sau cùng là Thiếu tướng Trần Bá Di, Thiếu tướng Lê Văn Thân, Thiếu tướng Lê Minh Ðảo và Thiếu tướng Ðỗ Kế Giai đã về tới nhà ngày 5 tháng 5 năm 1992.

Vì có thâm niên 13 năm tù, tôi có tên trên danh sách RD2 nên được ưu tiên xuất cảnh tiếp ngay sau cái đuôi của H15.

Tôi tới Mỹ tháng 4 năm 1993, và chưa một lần về thăm lại Việt-Nam.

Sáng nay tôi vừa nói chuyện với anh bạn cựu phi công Trần Tiến Bích, Bích hỏi tôi có nhớ chuyện cái radio ở Nam Hà A hay không, tôi trả lời rằng có nhớ. Thấy tôi chưa quên chuyện này, Bích bèn nói một hơi,

– Ông có nhớ cái đêm Thứ Bảy trời mưa, chiếc máy thu thanh cứ kêu “cà rẹc! cà rẹc!” khó nghe, tôi phải mở hết volume. Không ngờ âm thanh phát ra lớn quá làm cho thằng Tịnh chú ý, nó kiễng chân lên dòm chỗ tôi với ông nằm. Tôi sợ quá, báo cho ông biết. Vì thế sáng hôm sau ông đã chuyển cái radio qua Buồng 15. Nếu mình giữ nó thêm một ngày nữa thì ông và tôi dính cựa rồi!

Ghê quá! Ðến cái thùng chứa vôi bột trong cầu tiêu mà ông thường giấu chiếc radio cũng bị tụi nó lật úp để kiểm tra. Ghê quá!

Bạn Trần Tiến Bích nói đúng đó! Vì theo chu kỳ dự trù thì Buồng 16 sẽ giữ cái radio cho hết ngày Chủ Nhật, tới chiều Thứ Hai thì Tạ Văn Quang sẽ mang nó qua Buồng 15. Nhưng ngay lúc sáng tinh mơ Chủ Nhật, tôi đã mang nó sang Buồng 15 giao cho bạn Trần Tấn Hòa.

Tôi nghĩ rằng nếu tên Tịnh mà báo cáo cho cán bộ biết cái radio đang ở Buồng 16 thì chỉ có tôi và Trần Tiến Bích bị khám xét, không ngờ sáng Thứ Hai toàn trại bị thanh tra.

Nhắc tới Lê Văn Tịnh, tôi bèn hỏi Bích,

– Bích có biết giờ đây Lê Văn Tịnh còn sống hay đã chết? Nếu còn sống thì Tịnh đang ở đâu?

Bích cười,

– Muốn tìm cố nhân thì ông cứ lên Face Book mà nhắn tin.

Tôi biểu đồng tình,

– Ừ há! Ðể mình vào Face Book tìm xem có gặp được cố nhân không?

Bỗng dưng, danh từ “cố nhân” đã khiến Bích và tôi khao khát được nghe lại tiếng đàn của Lê Văn Chánh.

Vào những đêm mưa, Chánh thường ôm cây guitar hát đi, hát lại bài “Khối tình Trương Chi” của Phạm Duy.

“Ðêm năm xưa chưa nguôi lòng yêu ai

Duyên kiếp trong cuộc đời

Ðem xuống nơi tuyền đài

Ðể thành ngọc đá mong chờ ai…”

Xem thêm:   Mối đe dọa của heo rừng

Lạ một điều là những lúc thả hồn theo từng nốt nhạc thì Lê Văn Chánh chỉ lim dim đôi mắt mà không khóc.

Nhưng giữa đêm khuya, tiếng đàn của nó nghe thảm thiết vô cùng.

Tiếng đàn của nó có lẽ còn buồn hơn là tiếng mưa rơi trên mái nhà.

Tiếng đàn đó đã làm cho hai hàng lệ nóng tuôn trào trên những đôi má đã khô cằn của những người tù già như Dương Khắc Ðệ, Nguyễn Hữu Huyến, Nguyễn Khắc Tĩnh.

Thế rồi tôi liên tưởng tới chuyện thăm nuôi, tới cái chết vì đạn lạc của cháu bé từ Nam ra Bắc thăm bố đang bị tù, và nhớ chuyện “Anh chui qua rào…” của người phi công què ở Nam-Hà A, tôi thắc mắc,

– Bích có tin gì về anh bạn Thần Tượng cụt chân ở Trại 9 không?

Bích cười hô hố,

– Nó đi H.O rồi! Ðang ở Texas! Giờ đây nó có chân giả, đi đứng ngon lành, đẹp trai, đắt đào lắm!

Nghe Bích nói thế, tôi cũng cười hô hố,

– Vậy là hắn ta hết còn được phân công làm việc nhẹ! Nếu gặp hắn, Bích cho mình gửi lời thăm.

Hết tâm tình cùng Trần Tiến Bích, tôi chuyển sang gọi Mai Văn Tấn, Tấn đang chơi với cháu, nhưng nghe tiếng tôi thì bỏ cả cháu mà bàn chuyện Trại Mễ, chuyện Trung tá Nguyễn Văn An, chuyện Binh nhì Bùi Bằng Ðoàn, chuyện bỏ đói, chuyện kiên giam…

Ðiện thoại của Mai Văn Tấn hết điện trì, tôi bèn bấm số Texas tìm Lê Thái Bình.

Thầy Bình đang làm công quả trong một ngôi chùa Việt-Nam ở Arlington.

Vậy là đôi bạn cố tri tranh nhau phát ngôn, nào là chuyện tôi và Bình đi hái trộm bắp của cán bộ cai tù để cứu đói cho bạn đồng cảnh ở Cẩm-Nhân, chuyện sau ngày ra tù hai đứa tôi chèo ghe vào mật khu Cờ Ðỏ, nghe thằng Việt-Cộng già, đảng viên Cộng-Sản thâm niên, chửi cha Cộng-Sản vì bị ngược đãi… vân vân.

Rồi tim tôi bỗng chùng xuống khi nghe thầy Bình nhắc tên những đồng ngũ vừa ra đi trong thời gian gần đây như Lê Minh Ðảo, Lê Văn Chánh, Trần Công Hạnh, Chu Trí Lệ, Tạ Văn Quang…

Thế hệ của chúng tôi sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong khói lửa.

Chúng tôi đã đem hết khả năng và cả xương máu của mình để bảo vệ quê hương. Ðất nước mất, chúng tôi là những người chịu trách nhiệm.

Chúng tôi đã trải qua những tháng ngày dài sống trong cảnh đọa đày.

Bởi vậy, những kỷ niệm đau buồn sẽ mãi mãi đeo đẳng trong đầu, không thể nào quên.

Cho dù nửa thế kỷ đã qua đi, nhưng dư âm của cuộc chiến Việt-Nam trong thế kỷ 20 vẫn chưa thể chấm dứt.

Người Việt Miền Nam vẫn còn âm ỉ mang trong lòng một nỗi đau.

Gần đây tôi nhận được một tin nhắn trên Face Book của một hậu duệ Việt-Nam Cộng-Hòa, nhờ các chú các bác có tin tức gì về bố của cháu thì cho cháu hay, vì sau ngày Miền Nam sụp đổ năm 1975, bố của cháu đã bị đưa ra Bắc để học tập cải tạo, tới nay, tháng 11 năm 2022 bố cháu vẫn chưa về.

Chiến tranh kết thúc đã 47 năm rồi, trại tù cũng đóng cửa lâu rồi, chắc không có ai ngờ rằng, giờ đây lâu lâu vẫn còn những chuyến tàu xuyên Việt chở theo xương cốt của cựu tù Việt-Nam Cộng-Hòa từ Bắc vào Nam… âm thầm.

Mấy chục năm qua, tôi đã có quá nhiều lần vẫy tay vĩnh biệt.

Mỗi khi bạn hữu hay người quen qua đời, tôi thường phân ưu hay chia buồn.

Nhưng có một ngày, tôi chợt nghĩ ra, đời mình đã quá buồn, quá khổ, nếu gánh thêm cái buồn, cái đau của người khác thì chỗ đâu mà chứa?

Thế là từ ấy, bạn bè hay người quen ra đi, tôi đều gửi cho thân nhân của họ lời nhắn sau đây:

“Chúc (anh, chị, ông, bà, bạn hiền, chiến hữu… vân vân) lên đường vui vẻ!”

Tôi đã nhìn đời với con mắt lạc quan hơn. Ðầu óc tôi cũng thanh thản hơn.

-oOo-

“U! U! Oa! Oa!”

Có tiếng loa vang vang, một con tàu sắp rời bến, nhường chỗ đậu cho một con tàu khác đang vào bờ…

“U! U! Oa! Oa!”

Tiếng loa nghe sao quá não lòng.

Phà cập bến, tôi không quen ai trong số những khách đang bước lên bờ.

Phà rời bờ, tôi cũng chẳng quen ai đang bước xuống phà.

Phà có hai trụ cờ, một lá cờ Hoa-Kỳ ở phía mũi, một lá cờ Hoa-Kỳ ở phía lái. Hai lá cờ bay phần phật trong gió.

Ðứng trên boong tàu có đôi người giơ tay vẫy về hướng bến từ giã.

Tôi cũng giơ tay đáp lại.

Tôi hy vọng rằng, nếu ngày nào đó tôi trở lại thăm chốn này, rồi tình cờ gặp lại người đứng trên boong tàu vẫy tay hôm nay, có lẽ người đó sẽ rất vui, và tôi cũng sẽ rất vui…

Hôm nay là một ngày cận kề lễ Thanksgiving 2022 ở Mỹ.

Trước mắt tôi là dòng nước đang trôi ra biển…

Ðứng nơi bến phà nối đôi bờ Mukilteo và Whidbey Island vùng Tây Bắc Hoa-Kỳ, nhìn hình ảnh chiếc phà rời bến, tôi chợt chạnh lòng nhớ lại chuyến phà qua sông Ðáy năm xưa.

Trên chuyến phà năm 1979 ấy có nhiều cựu binh Việt-Nam Cộng-Hòa đã qua sông nhưng không còn sống sót để trở về…

VML

Seattle, Thanksgiving Day 2022