Mặt trận Xuân Lộc – Long Khánh. Nguồn: Dòng Sông Cũ – WordPress.com

Nhiều kỳ – kỳ 2

Ðây là Ðại tá Lê Xuân Hiếu, Trung đoàn trưởng Trung Ðoàn 43 cũng là bạn cùng Khóa 10 Võ Bị của qua. Ủa! Long là dân Hiện Dịch hay Trừ Bị vậy?

– Thưa Chuẩn tướng, tôi tốt nghiệp Khóa 20 Võ Bị

Tướng Ðảo gục gục cái đầu,

– Vậy là anh em cùng trường, cũng dễ thông cảm thôi!

Thấy tình hình có vẻ không còn ngột ngạt, khó chịu nữa, tôi mới thở ra, bớt bực bội và tức giận. Tôi hỏi Ðại tá Hiếu.

– Chúng tôi vừa lui vừa đánh cả tháng rồi, lương thực hết, đạn dược hết, điện trì cho máy truyền tin cũng hết, Ðại tá có thể bổ sung ngay cho chúng tôi có được không?

Nghe vậy, Trung tướng Tư lệnh Quân Khu xen vào,

– Chuyện đạn dược, gạo cơm cho Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân tau giao cho Tiểu Khu Long-Khánh! Okay?

Thế là tôi biết, từ giờ phút này Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân có hai người chỉ huy trực tiếp là ông Tỉnh trưởng Long-Khánh và ông Trung đoàn trưởng Trung Ðoàn 43 Bộ Binh.

Tôi tính mở lời hỏi Ðại tá Hiếu cho đơn vị tôi mượn một chiếc xe để lo chuyện liên lạc, tản thương và chợ búa, thì có một người đứng sau lưng nắm tay tôi,

– Ba má cháu và gia đình cháu hiện nay ra sao?

Tôi quay mặt lại thì nhận ra ngay người vừa hỏi thăm gia đình mình là ông Ðại tá Ngô Văn Hưng. Bác Hưng trước đây là Trung tá Chỉ huy trưởng Pháo Binh của Sư Ðoàn 23 Bộ Binh và là bạn thân của bố vợ tôi; bố vợ tôi là một cựu Trung tá, nguyên Chỉ huy trưởng Tổng Hành Dinh của Sư Ðoàn 23 Bộ Binh.

Hiện thời, Ðại tá Hưng là Chỉ huy trưởng Pháo Binh của Sư Ðoàn 18 Bộ Binh. Tôi buồn bã trả lời bác Hưng,

– Ban Mê Thuột bị Việt-Cộng chiếm từ đầu tháng Ba. Thời gian ấy cháu ở Quảng-Ðức, cháu mất tin tức gia đình từ ngày đó.

Bác Hưng vỗ vai tôi trấn an,

– Bác hy vọng gia đình cháu vẫn bình yên! Bố cháu giải ngũ đã lâu rồi, chắc không sao đâu!

Nghe Bác Hưng an ủi, tôi vẫn không thấy an tâm chút nào. Nhà tôi ở ngay giữa phố Ban Mê Thuột, không biết giờ đây cha mẹ, anh em, vợ con tôi có còn sống không? Cả tháng trời nay tôi không dám nghĩ tới gia đình…

Trước khi rời sân Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn, tôi tới trước mặt Trung tướng Nguyễn Văn Toàn và năn nỉ ông,

– Nhờ Trung Tướng đem nốt thành phần còn lại của Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân về đây cho tôi. Hiện thời, tôi là người chỉ huy liên đoàn. Nếu không đem được họ về đây, sau này gặp lại, tôi không còn mặt mũi nào mà nhìn họ.

Nghe tôi khẩn khoản yêu cầu, Tướng Toàn hơi cau mày lại, rồi gật gù,

– Ừ! Ðể coi!

Nghe vậy, tôi tin tưởng rằng Trung tướng Tư lệnh Quân Ðoàn III và Quân Khu 3 sẽ tiếp tục ra tay cứu hai tiểu đoàn bạn, nên tôi yên tâm vào Trung tâm hành quân xin mấy bộ bản đồ Long-Khánh và cái đặc lệnh truyền tin, rồi lên xe trở về phi trường.

Trên đường về, tôi ghé chợ Xuân-Lộc mua vài thứ cần dùng. Chợ vẫn đông. Dân chúng ở đây vẫn sinh hoạt bình thường. Tôi bùi ngùi nhớ lại, cách đây một tháng, Ban Mê Thuột, Pleiku vẫn bình yên…

Mấy chục năm nay, người ta cứ nói rằng thượng cấp dự trù cho Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân ghé Xuân-Lộc chỉ vài ngày để nghỉ ngơi, tái trang bị, rồi về Sài-Gòn, nhưng bất ngờ Việt-Cộng tấn công thành phố, nên bất đắc dĩ chúng tôi phải tham chiến.

Ðó chỉ là một sự hiểu lầm!

Thực tế thì, chúng tôi đã được lệnh đóng trụ tại đó để ngăn địch.

Chiều ngày 6 tháng Tư năm 1975 chúng tôi đang ngồi trong trực thăng; trực thăng đang bay trên lộ trình về Sài-Gòn. Nếu cứ tiếp tục bay thì chưa tới một tiếng đồng hồ sau chúng tôi đã có mặt ở Sài-Gòn rồi. Phi đoàn 237 trực thăng đồn trú ở Biên-Hòa, sau khi thả chúng tôi xuống Xuân-Lộc, trực thăng vẫn phải bay về Biên-Hòa; sao không chở chúng tôi về thẳng Biên-Hòa hay Sài-Gòn nghỉ ngơi, tái trang bị? Cần gì phải thả chúng tôi xuống Xuân-Lộc, rồi vài ngày sau mới về Sài-Gòn?

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Xuân-Lộc làm sao có dư dả quân nhu, quân dụng như Sài-Gòn? Xuống Xuân-Lộc, chúng tôi vẫn phải chờ đồ tiếp liệu từ Sài-Gòn chở tới mà!

Như vậy có phải là Tư lệnh Quân Khu 3 đã dự trù, nếu tôi đồng ý ở lại, thì tiểu đoàn tôi sẽ là một thành phần tham gia vào trận chiến chắc chắn sẽ diễn ra trong tương lai rất gần.

Nói trắng ra thì, chúng tôi có mặt ở Xuân-Lộc chính là do thâm ý của Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân Ðoàn III.

Trong thời gian hơn hai năm giữ chức Tư lệnh Quân Ðoàn II và Quân Khu 2, Tướng Toàn đã hiểu rõ khả năng chiến đấu của từng đơn vị của Vùng 2.

Tướng Toàn đã tận mắt chứng kiến vào giữa tháng 8 năm 1972, dưới áp lực của Cộng-Quân, căn cứ Biên-Phòng Ðức-Cơ gần như tuyệt vọng, Thiếu tá Phạm Văn Toán là người chỉ huy căn cứ này đã bỏ chạy, tôi đã nhảy vào Ðức-Cơ, nhận chức Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân để bảo vệ Ðức-Cơ. Tới khi tình hình yên ổn trở lại, tôi mới bàn giao quyền chỉ huy cho Thiếu tá Hoàng Ðình Mẫn. Hai tháng sau khi tôi ra đi, thì Ðức-Cơ lại bị bao vây lần nữa, ngày 1 tháng 12 năm 1972 Ðức-Cơ thất thủ.

Rồi qua chiến dịch Pleime kéo dài 33 ngày đêm, tháng 7 và tháng 8 năm 1974, thì Tướng Toàn càng nhìn rõ con người và bản lãnh thực sự của tôi; thời gian đó tôi là người chỉ huy Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân, đơn vị đã giữ vai trò tử thủ cái tiền đồn này.

Trận Pleime là chiến thắng vang dội nhứt của Quân Lực Việt-Nam Cộng Hòa ở Vùng 2 Chiến Thuật trong năm 1974.

Hiện thời, dưới mắt Tướng Toàn, Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân của tôi là một trái chanh chưa bị vắt hết nước, nên khi nghe tin chúng tôi còn trôi dạt trong rừng Bảo-Lộc, ông ta đã tìm cách liên lạc để tiếp cứu chúng tôi.

Hôm qua vì được thông báo rằng Trung tướng Tư lệnh Quân Khu 3 đã chấp thuận cho trực thăng cứu toàn bộ liên đoàn nên tôi mới có mặt ở đây.

Ông Toàn biết rõ tâm trạng của chúng tôi, những người của Vùng 2, đang trong cơn đau khổ và uất hận vì đã mất tất cả, gia đình, cha mẹ, vợ con, cơ nghiệp. Cả tháng trời nay, chúng tôi ví như những người đã chết rồi! Chúng tôi đã đánh nhau liên tục từ đầu tháng Ba cho tới bây giờ.

Khởi hành từ Kiến-Ðức, dưới tay tôi có hơn năm trăm quân, giờ này Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân chỉ còn hơn một nửa.

Có đánh thêm một trận, hay vài trận nữa rồi thì chúng tôi cũng chết! Chúng tôi quyết định ở lại đây để “ÐÁNH!” và để “CHẾT!”

Ông Toàn đã hiểu chúng tôi muốn gì nên mớm lời, ướm hỏi, để tôi chọn ở lại.

Nếu ở lại đây, ít nhứt chúng tôi, Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân còn được người ta coi như một đơn vị. Anh em tôi còn được ở bên nhau một thời gian nữa.

Còn như, leo lên tàu về Sài-Gòn thì chúng tôi sẽ chẳng thống thuộc đơn vị nào, chẳng biết dưới quyền ai.

Thêm vào đấy là cái thành kiến cho rằng chúng tôi là những người bại trận, đang chạy trốn, nhìn không giống ai, người ta có thể sẽ giải tán Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân, rồi đem chúng tôi bổ sung cho những đơn vị Biệt Ðộng Quân khác.

Trong trường hợp đó, cho dù Tướng Toàn có ưu tiên, biệt đãi cá nhân tôi, giao cho tôi chỉ huy một đơn vị mới, thì tôi và những đứa em trong tiểu đoàn sẽ phải chia lìa nhau.

Giờ này, trên đời, tôi chỉ còn những đứa em này là thân thiết nhứt.

Nếu phải chia tay chúng nó thì không còn gì đau xót cho bằng.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Tôi được một ông trung úy bộ binh hướng dẫn vào nơi chúng tôi sẽ tạm trú. Ðây là khu doanh trại cũ đã bỏ trống của Tiểu Ðoàn 181 Pháo Binh của Sư Ðoàn 18.

Doanh trại này nằm đối diện với khúc đuôi hướng Ðông của sân bay Xuân-Lộc.

Nơi đây là vùng ngoại ô vô cùng hẻo lánh, cách trung tâm thành phố và chợ búa rất xa.

Nếu hồi chiều tôi không có lời phản kháng mà cứ để cho ông Tướng Tư lệnh Sư Ðoàn 18 Bộ Binh cho người giải giới thì giờ này tình trạng của chúng tôi còn thua những cô cậu Nhân Dân Tự Vệ. Vì Nhân Dân Tự Vệ còn có súng, nếu chúng tôi bị giải giới thì chỉ có tay không!

Tôi có cảm tưởng rằng người ta coi chúng tôi như cùi, hủi, nên vứt bỏ chúng tôi vào một góc tối tăm, xa xôi nhất của thành phố mà không thèm đoái hoài tới.

Tôi đang mang nỗi bực bội, muộn phiền trong lòng thì một chiếc xe Dodge của Tiểu Khu chở gạo tiếp tế và hàng hóa Quân Tiếp Vụ tới bán cho đơn vị.

Nhìn những ánh mắt sáng lên vì vui mừng của thuộc cấp, tôi thấy lòng mình dịu lại, hết buồn rầu ngay.

Tôi tự an ủi: “Dù gì thì anh em tôi cũng còn may mắn và hạnh phúc hơn các bạn khác của hai Tiểu Ðoàn 63 và 81 giờ này còn đang đói rét ở trong rừng. Không rõ ngày mai đây ông Tư lệnh Quân Ðoàn III có tiếp tục cho trực thăng tiếp cứu họ hay không.”

Suốt đêm 6 tháng Tư tôi đã trằn trọc không chợp mắt vì đây là lần đầu tiên trong đời lính, tôi đóng quân ở một vị trí mà tôi không biết xung quanh mình ra sao?

Cả tiểu đoàn nằm trong một cái đồn nhỏ tí teo với rào tre cao phủ kín như bưng.

Chẳng biết địch ở hướng nào? Bạn ở hướng nào?

Thường thì mất ngủ, người ta hay hút thuốc liên miên rồi nghĩ ngợi mông lung.

Tôi đốt hết điếu Lucky này tới điếu khác mà đêm vẫn chưa tàn.

Nghe tiếng rì rầm của những người lính dưới quyền mình đang chụm đầu bên nhau trong bóng tối, tôi chợt phân vân tự hỏi:

“Mình tình nguyện ở lại Xuân-Lộc, nhưng không biết các anh em khác có đồng ý không? Biết đâu có nhiều anh em không muốn ở lại đây, họ muốn về nơi an toàn hơn? Họ sẽ không vui khi chính họ không được quyết định số phận của họ.”

Sáng sớm ngày 7 tháng Tư năm 1975, tôi cho lệnh tất cả anh em tập họp trong căn nhà tôn để nói với họ đôi điều.

Trước hàng quân, tôi đã dõng dạc nói thẳng với những người dưới quyền:

“Cùng các anh em Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân! Hôm qua tôi không hỏi ý kiến các anh, và tôi đã thay mặt các anh quyết định để tiểu đoàn mình ở lại đây mà không về Sài-Gòn.

Lý do tôi quyết định không về Sài-Gòn chỉ vì tôi sợ vừa tới nơi, người ta đã coi chúng ta như những người lính bại trận vừa di tản về.

Dưới mắt họ, chúng ta sẽ là mối lo ngại cho an ninh của đồng bào đô thành. Họ sợ chúng ta sau bao ngày đói khát sẽ đi ăn quỵt, uống chạy và cướp bóc.

Cấp trên sẽ xé lẻ tiểu đoàn mình thành nhiều mảnh rồi đem bổ sung cho các đơn vị của Vùng 3.

Các bạn đã trải qua hai năm chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ với Thái Sơn. Hai năm qua, các bạn đã từng hãnh diện với những chiến công. Chúng ta đã là những chiến binh bách chiến, xuất sắc của Vùng 2 Chiến Thuật.

Nay chúng ta rút lui khỏi Vùng 2, nhưng chúng ta không phải là người bỏ chạy vì thua trận. Cấp trên của chúng ta đã bỏ chạy, cấp trên của chúng ta đã đào ngũ, bỏ rơi chúng ta, bỏ rơi gia đình, vợ con, thân bằng, quyến thuộc của chúng ta.

Giờ này chúng ta chỉ còn cái tình đồng đội và cái tên chung là Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân thôi!

Hôm qua tôi đã thay mặt các bạn, chọn ở lại đây, chiến đấu cho tới giọt máu cuối cùng. Hôm qua tôi không có thì giờ hỏi ý kiến các bạn, hôm nay tôi tập họp các bạn lại để xác định rằng, gia đình chúng ta đã mất, và chắc chắn trong tương lai gần đất nước của chúng ta chưa chắc đã tồn tại.

Tôi sẽ tiếp tục chiến đấu, nhưng tôi không rủ rê hay ép buộc bất cứ ai theo mình chọn con đường tự vẫn.

Vậy thì, ngay sau đây, bạn nào muốn chiến đấu thì ở lại đây với tôi. Ai muốn về Sài-Gòn thì cứ tự nhiên bỏ súng xuống, bỏ hàng quân, rồi ra bến, lên xe đò mà đi. Ðường Sài-Gòn, Long-Khánh còn thông thương. Trong túi tôi còn tiền đây! Bạn nào muốn đi thì lên đây gặp Ðại úy tiểu đoàn phó để lấy tiền. Tôi cho tiền mà mua vé xe đò. Nhớ rằng, phải trả tiền mua vé xe, đừng giựt chạy! Ðừng làm mất mặt Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân!”

Cựu Đ/Tá Lê Xuân Hiếu & cựu Th/Tá Vương Mộng Long (USA, 2014). Ảnh do tác giả cung cấp

Tôi rút xấp giấy bạc loại 1 ngàn đồng từ cái túi bên ống quần ra, để trên bàn, đây là số tiền chợ chưa dùng tới của tháng Ba năm 1975.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Tôi nói với ông Ðại úy Ngũ Văn Hoàn, tiểu đoàn phó,

– Chiều qua tôi có ghé chợ Xuân-Lộc, tôi thấy trên bảng bán vé xe có ghi giá đi Sài- Gòn hiện thời chỉ có 500 hay 600 đồng thôi. Nhưng ông cứ phát một tờ 1000 đồng cho bất cứ ai muốn đi!  

Tôi xoay người bước xuống tam cấp rồi tránh mặt bằng cách đi vòng vòng tản bộ trong sân trại, xa ngoài tầm mắt của anh em đang ngồi trên sàn xi măng.

Mười phút sau, khi đã hút tàn hai điếu Lucky, tôi quay trở lại. Thuộc cấp của tôi vẫn còn ngồi trong hàng. Ðại úy tiểu đoàn phó đưa trả lại cho tôi cọc tiền mà tôi đã để trên bàn,

– Chỉ có một người trả súng, xin một tờ bạc rồi chạy đi, đó là Binh nhì Phan Thọ, người nấu cơm của Thái Sơn.

Nhét xấp bạc hầu như chưa suy suyển vào túi quần, mà tôi cảm như tay mình buốt giá, lạnh ngắt, giống như có ai vừa quất một roi đau điếng trên cánh tay phải của tôi, cánh tay đã bao lần giơ lên truyền hiệu lệnh xung phong cho đồng đội.

Tôi không ngờ giờ đây người đã bỏ tôi, bỏ đơn vị lại là Binh nhì Phan Thọ.

Tại sao người bỏ đơn vị không là ai khác, mà lại là người đêm ngày ở sát bên tôi, lo cho tôi từng bữa cơm, từng điếu thuốc, căng võng đắp mền cho tôi khi tôi ngủ, nhắc nhở tôi uống thuốc cảm mỗi khi trái gió trở trời.

Ba anh, Binh nhứt Bích, Binh nhì Thọ, và Binh nhì Ba Rỗ là những người tôi tin cẩn, theo tôi gần một năm rồi. Anh em trong đơn vị thường gọi ba anh lính này là “Cái kiềng ba chân” ngụ ý rằng họ có nhiệm vụ đỡ nồi cơm của tiểu đoàn trưởng giống như cái kiềng ba chân trong bếp. Bây giờ cái kiềng chỉ còn hai chân, thì trưa nay làm sao tôi có cơm ăn?

Một chiếc Jeep của Trung Ðoàn 43 ghé vào sân đón tôi ra phi trường. Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn đã chờ sẵn ở đây.

Ngồi trên sàn tàu, hai chân thòng xuống đánh đung đưa, ông Toàn nói,

– Chút nữa trực thăng sẽ tiếp tế 300 đôi giày mới cho mi! Còn gạo nước, súng ống, đạn dược, thì có thằng Phúc (Ðại tá tỉnh trưởng) lo. Cần gì nữa không?

Tôi bước tới sát bên cửa trực thăng,

– Cám ơn Trung tướng! Ðiều tôi mong mỏi nhứt là Trung tướng cho bốc hết số anh em còn lại của Liên Ðoàn 24 về đây càng sớm càng tốt.

Nghe tôi năn nỉ, ông Tư lệnh Quân Ðoàn III trợn mắt,

– Ð! M! Bốc cái gì nữa? Bỏ đi! Bỏ đi! Tau đem tiểu đoàn mi về đây là quá sức rồi! Tau là Tư lệnh Quân Khu 3! Tau không có trách nhiệm gì với bất cứ đứa nào đang chạy trốn của Quân Khu 2! Bỏ đi! Ðừng đòi hỏi gì thêm! 

(còn tiếp)