Chiến tranh Việt-Nam chấm dứt đã gần nửa thế kỷ rồi.

Nhưng đối với những cựu chiến binh Việt-Nam Cộng-Hòa, thì kỷ niệm của những ngày gian khổ ấy không dễ gì có thể bị xóa nhòa trong ký ức của họ.

Mỗi trang hồi ký của những người tham chiến chính là những tiểu đoạn của bộ phim dài ghi lại toàn bộ những gì đã xảy ra trong cuộc chiến đẫm máu kéo dài hai mươi năm trên đất nước chúng ta.

(tiếp theo – kỳ 11)

Nhưng tiếp theo sau đó, chúng tôi được lệnh giữ đường để tiếp tế cho Phước-Long.

Ðợt tiếp tế này dự trù sẽ diễn ra liên tục năm ngày. Ông tiểu đoàn phó xin tôi cho ông 4 ngày phép để đưa vợ con về thăm bên ngoại dưới Nha-Trang, sau đó gia đình ông sẽ trở lại theo chuyến tiếp tế sau cùng.

Trong năm ngày đêm, tôi không dám ngủ, sợ quân của mình ơ hờ để địch len lỏi ra chặn đường, hay bắn xe, thì thế nào mình cũng bị khiển trách.

Kỳ này cấp trên đã huy động hàng trăm xe vận tải GMC mười bánh của Tiếp Vận 2 và Tiếp Vận 5 để chuyển hàng hóa tiếp tế cho Phước-Long rồi chở mủ cao su từ Phước-Long ra biển.

Suốt năm ngày, năm đêm, những chiếc GMC Quân Vận theo đuôi nhau chạy đi, chạy về, rầm rầm mà không có phát súng nào của Việt-Cộng.

Tôi lấy làm ngạc nhiên, không hiểu tại sao địch lại làm ngơ trước cảnh tượng khiêu khích xảy ra chình ình ngay trước mắt chúng.

Tới khi mất nước rồi, nằm trong nhà tù cải tạo, tôi mới được một vị lớn tuổi hơn tôi, đi lính trước tôi, mang lon lớn hơn tôi, thủ thỉ bên tai,

– Anh nói, chắc chú không tin, ngày đó, tụi Tây chủ đồn điền đã chi tiền (?) cho các ông lớn của ta (!) và chi tiền cho bọn Việt-Cộng, để chúng nó được an toàn đem hết mấy ngàn tấn mủ cao su ra Nha-Trang, đưa xuống tàu chở qua Pháp! 

Nếu biết sớm chuyện này, tôi đã yên tâm nằm khoèo trên võng mà ngủ suốt năm ngày, năm đêm cho khoẻ cái thân, công đâu mà lõ mắt canh chừng bên máy truyền tin theo dõi tình hình.  

oOo

Ngày vui qua mau

Sau đợt tiếp tế Phước-Long là những ngày thật là nhàn rỗi, thảnh thơi…

Thời gian này, tôi thấy Trung tá Thanh, Thiếu tá Ðàng và các sĩ quan khác trực thuộc liên đoàn cứ thay nhau nghỉ phép ngắn hạn, đi đi, về về, Sài-Gòn hay Ban Mê Thuột mà tôi thì không thể rời xa nơi này nửa bước, nên chạy về Gia-Nghĩa nêu thắc mắc với Trung tá Liên đoàn trưởng,

– Trung tá coi lại, tại sao gần hai năm nay tôi không có phép thường niên, mà cứ gởi công điện lên liên đoàn xin thì lại bị từ chối?

Trung tá Thanh nhướng mắt thật to,

– Ủa! Chứ cậu không hay rằng ông Toàn có lệnh là chỉ có sự chấp thuận của ông ấy thì chú mới được phép vắng mặt ở Kiến-Ðức sao?

Tôi ngẩn người ra, chẳng hiểu gì cả! Vì lý do gì mà ông Tướng Vùng phải quan tâm tới chuyện phép tắc, có mặt, hay vắng mặt của một sĩ quan cấp thiếu tá là tôi, tôi bèn thắc mắc,

– Ai nói với Trung tá lệnh này là do ông Toàn?

– Thì ông Trường An (Ðại tá Tất) truyền lại lệnh này chứ ai?

Tôi vừa ngạc nhiên vừa bực bội, chạy vào phòng truyền tin, dùng máy PRC74 gọi cho Ðại tá Phạm Duy Tất.

Sau khi nghe tôi vặn hỏi, ông Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 cũng nói không khác gì Trung tá Thanh,

– Thì ngay sau khi mở đường Ðức-Lập xong, ông Toàn có ra lệnh cho anh và ông Nghìn không cho phép chú đi đâu nếu không có sự chấp thuận của ông ấy. 

Ông Tất vừa dứt lời, tôi vội phóng lên xe chạy vào Tiểu Khu Quảng-Ðức. May thay, tôi gặp được Ðại tá Phạm Văn Nghìn, Tỉnh trưởng Quảng-Ðức đang đứng giữa sân Tiểu Khu. Vừa giơ tay chào ông Nghìn, tôi vừa lớn tiếng hỏi,

– Niên trưởng ơi! Có phải ông Toàn ra lệnh rằng tôi muốn đi đâu vài ngày thì tôi phải chờ sự đồng ý của ông ấy có đúng không?

– Ừ! Anh có nghe ông Toàn ra lệnh như thế!

Nghe ông Nghìn trả lời, tôi vội nói,

– Niên trưởng cho tôi mượn cái trực thăng của niên trưởng vài giờ. Tôi muốn bay về Pleiku gặp mặt ông Toàn hỏi cho rõ trắng đen cái chuyện vô lý này mới được.

– Ừ! Lấy trực thăng của anh mà đi, nhớ trả lại máy bay và phi hành đoàn cho anh ngay sau khi xong việc đó!

Hơn một tiếng đồng hồ sau tôi đã có mặt trên sân Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II.

Tôi vào Phòng 2 gặp Ðại tá Trịnh Tiếu, rồi nhờ ông Tiếu đưa tôi lên lầu hai để gặp mặt ông Tư Lệnh Quân Ðoàn.

Anh Quân Cảnh gác cầu thang không thèm tước vũ khí của tôi, vui vẻ dẫn tôi vào văn phòng của ông Tướng.

Thấy tôi, Tướng Nguyễn Văn Toàn từ tốn hỏi,

– Chi đó mi?

– Trình Trung tướng! Trong Liên Ðoàn 24 các ông chỉ huy liên đoàn và tiểu đoàn muốn đi đâu thì đi. Các ông ấy đi đi, về về Sài-Gòn như đi chợ. Tôi đánh hết trận này tới trận khác, muốn có vài ngày phép thường niên về thăm vợ con mà không được. Tôi nộp đơn xin nghỉ phép thì ông Tất với ông Nghìn nói rằng tôi phải chờ sự chấp thuận của Tư Lệnh Quân Ðoàn! Sao có chuyện vô lý như thế?

Tôi nói một mạch, không ngừng. Vừa nghe xong, ông Toàn vội đập hai bàn tay hộ pháp của ông ta xuống mặt bàn rồi quát lên,

– Ðù mạ! Tau có ra lệnh này hồi nào đâu? Chuyện phép tắc của mi thì thằng Nghìn, thằng Tất phải giải quyết. Tau còn phải lo bao nhiêu công chuyện lớn lao, hơi đâu mà để ý tới chuyện phép tắc của tụi mi?

Nói xong, Tướng Toàn phẩy tay hai, ba cái để đuổi tôi ra khỏi phòng.

Tôi đứng nghiêm, chào ông Tướng Tư Lệnh Quân Ðoàn rồi quay gót.

Lúc tôi ra tới cửa thì ông Toàn gọi giựt lại,

– Ê! Mi có đi phép thì đi chừng năm ngày thôi! Không được đi lâu hơn đó nhe!

Trên đường bay về Quảng-Ðức tôi cứ bấm bụng cười thầm, ông Tướng Vùng vừa nói rằng ông ta phải lo bao chuyện quan trọng, hơi sức đâu mà để ý tới vấn đề đi phép, đi tắc của tôi, vậy mà sau khi đuổi tôi đi, ông ta lại nhắc nhở tôi rằng “không được vắng mặt lâu hơn năm ngày đó nhe!”

Cuối tháng 10 năm 1974 vợ chồng tôi và ba đứa con, tới đóng đô năm ngày trong một căn phòng nơi từng hai của Khách Sạn Mộng-Ðiệp nằm sát bên cầu thang dẫn xuống tầng trệt của chợ Hòa-Bình, Ðà-Lạt.  Khách sạn này trước đây có tên là Maxim, sau đổi thành Mộng-Ðiệp.

Những tấm ảnh màu mà gia đình tôi chụp ở Vườn hoa Ðà- Lạt, Thác Prenn hay Hồ Xuân-Hương còn giữ được cho tới sau này chính là những ảnh được chụp trong thời gian cuối tháng 10 năm đó.

Ngày vui thời buổi nào cũng ngắn, sau năm ngày hạnh phúc ở Ðà-Lạt, tôi trở về Kiến-Ðức.

Xe tôi đi qua khúc quanh Mả Thượng thì gặp xe của ông trung tá liên đoàn phó đi ngược chiều, ông ta được lệnh chấm dứt nhiệm vụ thay tôi chỉ huy mặt trận Tây Quảng-Ðức vào lúc tôi bước chân vào trình diện Trung tá Thanh để báo cho ông liên đoàn trưởng biết rằng tôi đã về.

Trong thời gian sáu ngày tôi vắng mặt, mọi lệnh truyền ra cho các cánh quân của ông liên đoàn phó đều qua giọng nói của Trung úy Nguyễn Văn Trâm sĩ quan Truyền Tin của tiểu đoàn. Do vậy, cả địch và ta đều không biết rằng tôi đã không ở đây trong một thời gian gần tuần lễ.

Tôi bước vào phòng hành quân thì Ðại úy Hoàn, Trung úy Trâm, cùng mấy ông hạ sĩ quan tíu tít vây quanh mừng rỡ. Ông Hoàn nói,

– Mấy ngày rồi anh em tụi tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Chỉ sợ địch biết không có mặt ông, chúng nó đánh úp thì chết!

Tôi cười,

– Có ông liên đoàn phó ở đây, duyên cớ chi mà các cha lại lo sợ dữ vậy!

Ðại úy Hoàn vừa cười, vừa lắc đầu,

– Nói thực với ông, những ngày sống dưới quyền ông liên đoàn phó chúng tôi không yên tâm chút nào.

Ông Ðại úy Hoàn là bạn của ông Trung tá Xuân. Ông Hoàn tốt nghiệp Khóa 10 Thủ-Ðức cùng ngày với ông trung tá, đi Biệt Ðộng Quân cùng ngày với ông trung tá, nhưng hiện thời hai ông này đang ở hai vị trí khác nhau.

Ðêm đó tôi và Trung úy Trâm đi một vòng quanh chiến hào, quan sát tình hình, tới một căn lều đôi của một khẩu đại liên, tôi nghe tiếng hai người lính nói chuyện với nhau. Một anh lớn tuổi nói,

 – Không biết Thiếu tá đi phép tới bao giờ mới về? Thiếu tá vắng nhà, tao lo quá!

Tiếng nói thứ nhì của anh lính có vẻ trẻ hơn,

– Em cũng lo! Không có Thiếu tá mà bọn nó tấn công, chẳng biết tụi mình sẽ chống đỡ ra làm sao đây?

Trung úy Trâm vỗ mạnh vào nóc căn lều rồi cười lớn,

– Thiếu tá về rồi! Tụi mày yên chí đi!

Hai anh lính nghe Trung úy Trâm nói vậy liền nhào khỏi lều, thấy tôi đang đứng nhìn thì chúng nó ào vào ôm tôi chặt cứng, rồi reo lên,

– Thái Sơn về rồi! Thái Sơn về rồi!

Anh Trung úy Pháo đội trưởng 105 ly đóng dưới sườn Bắc đồi Kiến- Ðức biết tin tôi vừa hết phép, cũng chạy lên kéo tay tôi và Trung úy Trâm xuống hầm tác xạ của anh ta. Tiệc mừng tôi hết phép của anh bạn pháo binh là một chai Hennessy và hai con khô mực.

oOo

Chuyện thường ngày ở huyện

Kiến-Đức…

Sau kỳ lãnh lương tháng 10 năm 1974 vợ con binh sĩ từ Pleiku kéo nhau lên thăm chồng, cha càng ngày càng đông.

Tôi thấy để đàn bà con nít sống chen chúc trong các hầm hào phòng thủ vừa bất tiện, vừa mất vệ sinh, nên tôi ra lệnh cho tiểu đội Lao Công Ðào Binh cắt tranh, đốn cây, cấp tốc dựng lên hai dãy nhà có sạp tre thay giường nằm.

Hai dãy nhà này tọa lạc dưới chân ngọn đồi chính, bên lề của Tỉnh Lộ 344, đối diện với Câu Lạc Bộ tiểu đoàn và Trung đội Pháo Binh Biệt Ðộng Quân Biên Phòng.

Ở đây, hai căn gia binh được ba ngọn đồi che chắn, các cháu bé cũng không sợ bị gió lùa gây bịnh cảm mạo, phong hàn. Vị trí này cũng rất an toàn, không sợ vũ khí bắn thẳng của địch. Tôi còn cho lệnh đục vách núi thành hai cái hầm cho vợ con binh sĩ trú ẩn nếu có pháo kích.

Cũng trong thời gian này, Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân tiếp nhận đợt bổ sung mới, gồm có một sĩ quan là Thiếu úy Nguyễn Nhơn, và một ông Trung sĩ 1 già người Bắc tên là Ngô Thái Bình cùng với năm hay sáu tân binh.

Tôi quá bận bịu với những buổi họp hành trên liên đoàn, nên giao cho Ðại úy Hoàn công việc phỏng vấn mấy ông tân binh. Còn ông thiếu úy và ông trung sĩ thì tôi sẽ đích thân tiếp xúc.

Thiếu úy Nguyễn Nhơn là người Huế, bạn đồng khóa của Cố Trung úy Phạm Ðại Việt cựu Ðại đội trưởng Ðại Ðội 3/82.

Sau khi lễ phép chào tôi, anh Nhơn móc túi trao cho tôi cái thư giới thiệu, viết bởi anh bạn tôi là Ðại úy Nguyễn Lạn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân.

Trong thư bạn tôi nói rằng Thiếu úy Nhơn là người đồng hương của Lạn đã từng là đại đội trưởng ở Tiểu Ðoàn 11 vừa mãn khóa Rừng Núi Sình Lầy trở về. Nhưng hiện thời Tiểu Ðoàn 11 đã có dư sĩ quan đại đội trưởng, Lạn bèn đề nghị anh ta về Pleiku năn nỉ ông Thiếu tá Nguyễn Giáp, Trưởng Phòng 1 của Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/Quân Khu 2 cho anh ta về Tiểu Ðoàn 82 với tôi.

Tôi đang có ý định kiếm người thay cho Thiếu úy Hổ để chú Hổ đi học lớp Tổng Quản Trị, khi trở về sẽ đảm nhận công việc này của đơn vị. Ngặt vì Ðại Ðội 3/82 có nhiều tân binh, nên tôi cho Thiếu úy Phạm Văn Thủy thay Thiếu úy Nguyễn Văn Hổ, và cho Thiếu úy Nhơn giữ chức đại đội trưởng Ðại Ðội 4/82.

Sau khi sắp xếp cho vị sĩ quan mới đáo nhậm, tôi cho phép ông hạ sĩ quan vào trình diện.

Nhìn ông già Trung sĩ 1 Ngô Thái Bình, người Bắc Di Cư, vừa bước vào, tôi nảy ra ý nghĩ sẽ để cho ông hạ sĩ quan lớn tuổi này giữ công tác an ninh phòng thủ thay chỗ ông Thượng sĩ Y Khăm Nier mới chết cách đây vài bữa do vướng mìn. Bắt tay ông trung sĩ xong, tôi nhẹ giọng,

– Trước khi tới 82 Trung sĩ ở đơn vị nào?

Tôi vừa dứt lời, ông già Bắc Kỳ Di Cư đã đốp chát ngay,

– Quân lao!

– Quân lao nào?

– Nha-Trang!

Tôi ngạc nhiên hỏi tiếp,

– Lý do gì mà ông bị nhốt trong quân lao?

Giơ cả hai cánh tay lên trời, hai bàn tay xòe rộng, ông Bình trợn mắt nhìn tôi rồi lớn tiếng,

– Sáu tháng trước, tôi bắn thằng đại úy tiểu đoàn trưởng, may mà, nó bị thương, không chết, nên tôi chỉ bị kêu án ba năm, ở được nửa năm, có người tới chiêu dụ tôi đi đơn vị tác chiến thì được hưởng án treo thời gian hai năm rưỡi còn lại. Tôi tình nguyện ngay! Vậy là người ta còng tay chở tôi ra đơn vị. Tôi tới liên đoàn chiều hôm trước, sáng hôm sau tôi giáp mặt ông đây! Ông muốn tôi làm công việc gì thì cứ ra lệnh, đừng chất vấn lôi thôi cho mất thời giờ!

Nghe ông già Bắc Kỳ bạt mạng, lỗ mãng này đối đáp, tôi cũng thấy tò mò, thích thú nên hỏi tiếp,

– Trung sĩ cũng lớn tuổi rồi, chắc ông đi lính đã lâu? Ông có thể kể sơ lược cuộc đời lính của ông cho tôi nghe được không?

Hình như được gãi đúng chỗ ngứa, ông Trung sĩ già nói một hơi như nước tuôn qua ống cống giữa cơn giông, khiến tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Sau đây là lý lịch cuộc đời của ông trung sĩ 1.

Ông Trung sĩ 1 Ngô Thái Bình lớn hơn tôi một giáp, ông ta là con một địa chủ ở Thái-Bình. Mười tám tuổi ông Bình thi đậu bằng “Bắc Ðơ” tức là bằng Tú Tài 2, rồi tình nguyện theo học Khóa 1 Nam-Ðịnh.

Còn một tuần lễ nữa thì tốt nghiệp, trong cơn say, ông Sinh viên Sĩ quan Ngô Thái Bình đã đánh gãy hai cái răng cửa của viên sĩ quan cán bộ người Tây nên bị ra trường với cấp bậc trung sĩ.

Ông bị đưa ra đơn vị tác chiến có tên là Commando đóng quân trong vùng Bạch-Mai, ngoại ô Thủ Ðô Hà-Nội.

Ở Hà-Nội Trung sĩ Bình lại dính líu vào một cuộc ẩu đả giữa Commando và lính Nhảy Dù của Pháp.

Sau vụ này Trung sĩ Bình bị lột lon trung sĩ, xuống binh nhì, tống sang một đơn vị Bảo Chính Ðoàn của Quân Ðội Quốc-Gia Việt-Nam.

Ông Binh nhì Ngô Thái Bình ở yên đơn vị Bảo Chính Ðoàn này một thời gian thì tới Hiệp Ðịnh Geneve.

Ðầu năm 1955 đơn vị của ông lên tàu há mồm vào Ðà-Nẵng.

Tới Ðà Nẵng Binh nhì Ngô Thái Bình làm đơn tình nguyện thuyên chuyển sang Nhảy Dù.

(còn tiếp)