Lời Giới Thiệu:  Hiện thời, hàng năm, cứ tới ngày 15 tháng 4 thì chính quyền Cộng-Sản của Thành Phố Pleiku lại tổ chức lễ hội kỷ niệm Chiến Thắng Cứ Điểm 711 tháng 4 năm 1974. Tuy vậy, đa phần dân chúng Pleiku đã không biết rõ vì sao lại có lễ hội này. Trong hồi ký “Cao Nguyên sau ngày đình chiến” của Vương Mộng Long có một chương đặc biệt tường thuật thật chi tiết diễn tiến của trận ác chiến đã xảy ra trên Cứ Điểm 711 năm xưa. Hy vọng hồi ký này sẽ giải đáp phần nào những thắc mắc của dân chúng Pleiku và giúp các bạn trẻ Việt-Nam đang lưu tâm tới công việc sưu tầm chiến sử có thêm tài liệu để tham khảo.

Chiếc C&C đó không chở Trung tá Nguyễn Thành Tiên, Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 22 Biệt Ðộng Quân mà lại chở ông Thiếu tá Nguyễn Phán, sĩ quan pháo yểm của liên đoàn cùng một phụ tá của ông là một thiếu úy tiền sát viên.

Hình như chiếc trực thăng này đã bị phòng không bắn, nên quay đi, quay lại, tôi không còn thấy nó nữa.  Sau này tôi nghe tin báo rằng, hôm đó có một trực thăng của Phi Ðoàn 229 bị trúng đạn của Việt-Cộng trong vùng Ðông Kon Sơm Luk rồi bị rơi trên khu vực rừng cây thưa gần Ðồi Ba Chấm hướng Nam Kontum. Không rõ chiếc máy bay này có phải là chiếc C&C đã chở Thiếu tá Phán hay không?

Ðúng nửa giờ sau, pháo địch đột nhiên chấm dứt. Vì bụi dày đặc quá, tôi không nhìn rõ những gì đang xảy ra dưới đất, nhưng trong tần số không lục của phi cơ, tôi nghe quân bạn báo cáo rằng Việt-Cộng đang tiến lên, địch đông như kiến.

Trinh sát cơ của ta thông báo rằng, hiện thời lực lượng bôn tập của Việt-Cộng đã tràn qua hai cái tiền đồn và đang ào lên ngọn đồi chỉ huy của Tiểu Ðoàn 95 Biệt Ðộng Quân.

Viên sĩ quan điều không tiền tuyến gọi Liên Ðoàn 22 và đề nghị pháo binh đánh tiếp cận để giải tỏa bớt áp lực của địch cho Tiểu Ðoàn 95 nhưng không ai đáp lại yêu cầu của anh.

Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 95 Biệt Ðộng Quân là Thiếu tá Ðỗ Văn Mười sĩ quan khóa 19 Võ Bị.

Trước đây, Thiếu tá Ðỗ Văn Mười là cựu Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 34, Liên Ðoàn 6 Biệt Ðộng Quân.

Sau khi thụ huấn khóa học Bộ Binh Cao Cấp, anh Mười đã thuyên chuyển ra Quân Khu 2 và nhận chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 95 Biệt Ðộng Quân.

Ðây không phải là lần đầu anh tới Cao Nguyên, mà khi còn ở Liên Ðoàn 6 Biệt Ðộng Quân, anh đã từng tham dự những trận đánh lớn trên Cao Nguyên vào mùa Hè 1972.

Nhưng chiến trường Cao Nguyên 1974 hiện thời, đã khác xưa!

Ðịch đông hơn ta, mạnh hơn ta nhiều lắm!

Hầm chỉ huy bị pháo sập, Thiếu tá Ðỗ Văn Mười và nhiều binh sĩ khác đã bị thương nhưng họ vẫn cố gắng chiến đấu để chờ tiếp viện.

Sau hai giờ cầm cự một cách tuyệt vọng, Thiếu tá Ðỗ Văn Mười đã yêu cầu máy bay thả bom ngay trên đầu mình để cùng chết với địch quân.

Hôm đó sĩ quan điều không tiền tuyến của Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Sư Ðoàn 22 Bộ Binh là Thiếu tá Ái, khóa 18 Võ Bị. Anh Ái đã nghẹn ngào trả lời người đàn em khóa 19 của mình:

“Hôm nay mình không có phi tuần nào cả 90 ơi!”

Xem thêm:   JO Paris 2024 một Thế Vận Hội thành công ngoài mong đợi

90 là danh hiệu truyền tin của Thiếu tá Ðỗ Văn Mười, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 95 Biệt Ðộng Quân.

Thiếu tá Ðỗ Văn Mười đã bị Việt-Cộng trói tay dẫn đi đúng vào ngày kỷ niệm sinh nhật của anh ấy! Cùng chung số phận với Thiếu tá Ðỗ Văn Mười là Thiếu tá Phan Văn Tranh, Tiểu đoàn phó Tiểu Ðoàn 95 Biệt Ðộng Quân cũng thành một tù binh.

Tới năm 1982 anh Ðỗ Văn Mười mới được thả ra từ Trại cải tạo Z30A. Hiện thời cựu Thiếu tá Ðỗ Văn Mười đang định cư ở Florida USA.

Vào thời điểm Tiểu Ðoàn 95 lâm nguy thì Bộ Chỉ Huy của Tiểu Ðoàn 62 cũng đang bị Việt-Cộng pháo kích; hai đại đội của Tiểu Ðoàn 62 nằm ngay dưới chân đồi đóng quân của Tiểu Ðoàn 95 đã bị mất liên lạc. Không rõ số phận ông Thiếu tá Phước, Tiểu đoàn phó Tiểu Ðoàn 62 Biệt Ðộng Quân người chỉ huy cánh quân này hiện giờ ra sao.

Trung tá Trịnh Ngọc Ðiệp Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 62 Biệt Ðộng Quân phải thu quân về cố thủ nơi ngọn đồi thấp ở gần cầu Kon Hơdram.

Chiến trận ngày hôm đó quân ta đã hoàn toàn không có pháo yểm.

Dù nằm cách trận địa chưa tới 5 cây số, nhưng hai khẩu đại bác 155ly của ta hầu như vô dụng chỉ vì vị trí pháo binh này liên tục bị cối 82 ly và 120 ly của Cộng Quân cầm chân.

Các pháo thủ của ta lo chuyện phản pháo còn chưa xong thì mong gì có chuyện yểm trợ cho quân bạn?

Về phần không yểm cũng thế, hôm đó không có bóng dáng chiếc oanh tạc cơ nào của Không Quân Việt-Nam Cộng-Hòa.

Ngày 17 tháng 3 tôi được lệnh thu hồi hai toán viễn thám.

Tôi hoàn tất công tác và về tới phi trường Kon Tum thì trời đã tối.

Sáng 18 tháng 3 tôi nghe Liên Ðoàn 22 báo tin rằng, từ lúc rạng đông, Tiểu Ðoàn 62 đã bị địch pháo kích và tấn công rất dữ dội. Trung tá Trịnh Ngọc Ðiệp, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 62 Biệt Ðộng Quân đã phải bỏ vị trí rồi dẫn quân lội qua sông Dak Bla chạy bán mạng.

Trưa 18 tháng 3 năm 1974 một tiểu đoàn của Trung Ðoàn 40 Bộ Binh được gửi vào Kon Sơm Luk để tiếp cứu cho Biệt Ðộng Quân, nhưng đơn vị này đã sớm bị đánh tan ngay sau khi đi qua vị trí trú quân của Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn 22 Biệt Ðộng Quân chừng hai cây số.

Trong trận Kon Sơm Luk tôi nhận thấy một điều lạ là, Trung tá Nguyễn Thành Tiên là Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 22 Biệt Ðộng Quân, mà suốt từ đầu trận tới cuối trận, tôi không nghe tiếng ông ta trên máy. Hầu như mọi lệnh lạc trên tần số đều do Thiếu tá Phú và một chuẩn úy phụ tá ban 3 của liên đoàn phát đi.

Vài ngày sau, tại phòng hội của Bộ Tư Lệnh Quân Khu 2 ở Pleiku, tôi đã được nghe Phòng 2 Quân Ðoàn II thuyết trình rằng:

“Ngày 16 tháng 3 năm 1974 hai Tiểu Ðoàn Biệt Ðộng Quân 62 và 95 đã bị hai trung đoàn bộ binh và một trung đoàn pháo của Sư Ðoàn F10 tấn công trong vùng Kon Sơm Luk. Ta thiệt hại nhẹ. Tổn thất địch không rõ.

Ngày 18 tháng 3 năm 1974 một trung đoàn địch đã tập kích Tiểu Ðoàn 1/40 tại vùng Bắc Kon Sơm Luk, ta một số quân nhân thất lạc, địch không rõ.”

Mặt khác, diễn tiến trận Kon Sơm Luk đã được ghi lại một cách chi tiết hơn trên những trang quân sử sau này của Quân Ðội Nhân Dân Bắc-Việt:

Xem thêm:   Tảo hôn ở Việt Nam

“Ngày 16 tháng 3 năm 1974 Trung Ðoàn 28 Sư Ðoàn F10 và một tiểu đoàn pháo hạng nặng đã tấn công tiêu diệt Tiểu Ðoàn 95 Biệt Ðộng Quân.

Ngày 18 tháng 3 Trung Ðoàn 24 của Sư Ðoàn F10 và một tiểu đoàn pháo hạng nặng đã đánh tan Tiểu Ðoàn 62 Biệt Ðộng Quân.”

Như vậy thì, tin tức từ cả hai phía ta và địch đều xác nhận rằng Sư Ðoàn F10 Mặt Trận B3 là đơn vị chủ công của trận Kon Sơm Luk tháng 3 năm 1974.

Sư Ðoàn F10 là đơn vị mới thành lập, nhưng những trung đoàn bộ binh chủ lực của sư đoàn này lại là những đơn vị sừng sỏ đã có mặt trên Cao Nguyên từ lâu lắm rồi.

Các đơn vị nòng cốt được quy tụ để hợp thành Sư Ðoàn F10 gồm có Trung Ðoàn 4 Pháo Binh và ba trung đoàn bộ binh là Trung Ðoàn E66, Trung Ðoàn E28, và Trung Ðoàn E24.

Tôi đã có dịp đọ sức với các đơn vị bộ binh Cộng-Sản này nhiều lần trong thời gian từ năm 1967 tới 1970. Theo tôi thì Trung Ðoàn E66 là đơn vị đáng gờm nhất.

Xế trưa 18 tháng 3, tôi nhận được tin từ Pleiku cho tôi hay trong thời gian tôi vắng mặt thì toán viễn thám đang hoạt động trong vùng Plei Djereng có một người lên cơn sốt rét cấp tính cần bốc gấp.

Hôm đó tại tư gia Ðại tá Phạm Duy Tất có một vị khách của ông Tất đó là Ðại tá Trần Khắc Kính, Sĩ Quan Phụ Tá Hành Quân Sư Ðoàn 22 Bộ Binh.Ngày xưa, thời Ðệ Nhất Cộng-Hòa, Thiếu úy Phạm Duy Tất là đồ đệ của Thiếu tá Trần Khắc Kính. Tới nay thì hai người cùng mang lon đại tá, nhưng tình thầy trò vẫn không thay đổi.

Ông Ðại tá Kính là tay tổ của Lực Lượng Ðặc Biệt thời Cụ Diệm, nên nghe biết một toán viễn thám của tôi đang bị nạn, ông đã tự nguyện dẫn máy bay vào vùng bốc toán thành công.

Nhưng tới khi thả toán mới thì xảy ra chuyện chẳng lành. Viễn thám viên thứ nhứt vừa ra khỏi phi cơ thì bị Việt-Cộng bắn. Trực thăng chở Ðại tá Kính và hai anh viễn thám còn lại phải gấp rút bốc lên cao để tránh đạn; sứ mạng gián đoạn; ta thiệt mất một người, không rõ sống chết ra sao.

Thế là chiều 18 tháng 3 tôi phải đem quân về Pleiku ngay để những ngày sau liên tục bay vòng vòng trong vùng tìm ánh chớp từ gương cấp cứu của anh lính mất tích.

Tới ngày thứ ba thì anh ta về tới Pleiku tay không vũ khí. Sợ bị quân ta ngộ nhận bắn nhầm, anh viễn thám này đã phải giấu khẩu AK47 dưới một cái cống trên đường Vĩnh-Lộc, nằm về hướng Tây, song song với Quốc Lộ 14.

Sau tai nạn này, tôi nghĩ ra cách tung quân xâm nhập bằng đường bộ.

Thời gian này ta có một căn cứ hỏa lực tạm thời có tên là Căn Cứ Hỏa Lực 522 nằm cách phi trường Lệ Minh chỉ trên mười cây số. Viễn thám của tôi có thể vượt qua lộ trình này trong thời gian trên dưới hai tiếng đồng hồ.

Tôi đích thân chở toán tới Căn Cứ 522, rồi ở đó suốt đêm theo dõi toán vào vùng.

Từ đó tôi nhận ra rằng, đi bộ vào vùng khi đêm xuống, an toàn hơn dùng trực thăng rất nhiều, tại sao mình cứ phải nhờ trực thăng?

Xem thêm:   Buôn lậu “hàng Trung Quốc”

Về Pleiku, tôi đã viết một bản tường trình chi tiết đề nghị rằng từ nay chúng tôi không cần phương tiện trực thăng để duy trì điện đài quanh Lệ Minh nữa.

Quân đoàn chấp thuận đề nghị này ngay.

Từ ấy, tôi giao việc tung toán, thu toán bằng đường bộ cho Thiếu úy Võ Văn Phương, Sĩ quan phụ tá Phòng 2.

Sẵn dịp có ông Thiếu tá Trương Hoàng Phi vừa mãn khóa Bộ Binh Cao Cấp trở về, tôi đề nghị với Ðại tá Chỉ Huy Trưởng để ông Phi thay thế tôi.

Ông Thiếu tá Trương Hoàng Phi là một sĩ quan gốc Lực Lượng Ðặc Biệt, đàn em của Ðại tá Phạm Duy Tất.

Ông Trương Hoàng Phi khi còn là đại úy, đã từng đảm đương chức vụ Trưởng Phòng 2 của C2 Lực Lượng Ðặc Biệt thời kỳ 1969-1970, nên không ngỡ ngàng gì với công việc này. Vì thế, Ðại tá Phạm Duy Tất đã vui vẻ chấp thuận đề nghị của tôi.

o O o

Tôi vào Pleime…

Bàn giao xong, tôi xin Ðại tá Tất cho phép tôi nghỉ vài ngày để thu xếp chuyện gia đình.

Mỗi lần nhận đơn vị mới, tôi đều phải đem vợ con về gửi ngoại. Kỳ này tôi vào Pleime nên vợ tôi phải về Ban Mê Thuột nương nhờ dưới mái nhà của bố mẹ vợ tôi. Tội nghiệp vợ tôi, một nách hai đứa con thơ lại đang mang bầu đứa con thứ ba sắp tới ngày sinh.

Gia tài của vợ chồng tôi chỉ có hai cái va li áo quần, một thùng sữa bột SMA và một thùng tã lót của con nít.

Lo xong chuyện gia đình, tôi bình thản lên đường ra tiền đồn.

Thời gian này nhiều bạn cùng khóa 20 Võ Bị của tôi đã tìm cách lui về tá túc trong các quân trường, trung tâm huấn luyện, có người nhanh chân len lách vào được Bộ Tổng Tham Mưu để tránh đạn.

Thấy tôi vui vẻ rời bỏ chức vụ Trưởng phòng 2 của Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/Quân Khu 2 ở Pleiku mà ra chỉ huy một tiểu đoàn Biệt Ðộng Quân Biên Phòng nơi tiền đồn heo hút thì một người bạn đang đi du hành quan sát sau khi mãn khóa Bộ Binh Cao Cấp đã can ngăn,

– Giờ này mày chưa sợ chết sao mà còn ra chỉ huy tiểu đoàn?

Tôi không tiện giải thích cho bạn tôi lý do vì sao tôi đã bỏ phố để lên rừng, nên chỉ cười,

-Sống chết có số mày ơi!

Trong buổi họp tham mưu cuối cùng tôi được thông báo rằng hôm đó cũng là ngày ba sĩ quan tham mưu của Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/Quân Khu 2 nhận sự vụ lệnh rời đơn vị, đó là Trung tá Bùi Văn Huấn, Tham Mưu Trưởng, Thiếu tá Vương Mộng Long, Trưởng Phòng 2 và Thiếu tá Nguyễn Ngọc Di, Trưởng Phòng An-Ninh Quân-Ðội.

Trung tá Bùi Văn Huấn sẽ tới Liên Ðoàn 22 Biệt Ðộng Quân thay thế cho Trung tá Nguyễn Thành Tiên, người vừa bị Tư Lệnh Quân Ðoàn II cách chức Liên đoàn trưởng sau khi Kon Sơm Luk thất thủ.

Tôi, Thiếu tá Vương Mộng Long sẽ vào Pleime thay chỗ cho Thiếu tá Nguyễn Ngọc Lân, do chỉ thị của Tư Lệnh Quân Khu 2. Còn Thiếu tá Nguyễn Ngọc Di thì lên tiền đồn Dak Pek thay thế cho ông Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 88 là Thiếu tá Trương Ðình Quý xin từ nhiệm.

(còn tiếp)