Một động tác ngôn ngữ của điệu múa Bharatanatyam. Nguồn. www.behance.net

Rạp xi nê Long Phụng, đường Gia Long, năm 1964.

Cậu tôi dắt đi coi phim Ấn Ðộ:

– Ai cũng chê phim Ấn là cải lương, rẻ tiền, nhưng cậu thích vì nó bênh vực chính nghĩa, ở hiền gặp lành, người gian mắc nạn, kẻ phản chết ngắc, cậu thích nhất là lúc nào cũng ca hát, múa may…

Múa Bharatanatyam. Nguồn. lassiwithlavina.com

Ðúng như cậu nói, bữa đó coi bộ phim “Cây đèn thần” hay quá xá: “Aladin sống bụi đời trên đường phố, có cây đèn thần, thần giúp đỡ và lấy công chúa…”. Như cậu nói, đặc điểm của phim Ấn Ðộ mà ai cũng biết, là hát và múa.

Aladin gặp công chúa, múa! Aladin lấy được đèn thần, gặp thần giúp, múa! Công chúa bị ép duyên, múa ngay! Gặp lại Aladin, múa! Hai người hạnh phúc với tình yêu, múa tưng bừng!

Trong phim Ấn Ðộ, nếu có nhân vật chết, dứt khoát “không múa”, giết nhau, khỏi múa, chiến tranh, không bao giờ múa. Với phim Ấn Ðộ, múa chỉ dành cho niềm vui, tình yêu, thành công và hạnh phúc…

Diễn tả bằng bàn tay trong Bharatanatyam. Nguồn. www.pinterest.com

oOo

Bharatanatyam là vũ điệu cổ điển chính của Ấn Ðộ, có nguồn gốc ở vùng Tamil Nadu, thể hiện sự tinh khiết, dịu dàng qua tư thế như tượng Thần Shiva.

Vũ điệu này cũng được nhắc tới trong tác phẩm Manasolalla của Someshwara III. Từ thời cổ đại, vũ điệu Bharatanatyam đã được biểu diễn trong các đền thờ và tòa án ở miền Nam Ấn. Ðây là 1 trong 8 vũ điệu cổ điển được công nhận rộng rãi ở Ấn Ðộ, các vũ điệu khác là: Kathak, Kuchipudi, Odissi, Kathakali, Mohiniyattam, Manipuri and Sattriya. Các vũ điệu này thể hiện chủ đề tín ngưỡng và tâm linh.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (03/20/2025)

Bharatanatyam có nhiều “bani” khác nhau. Bani là từ dùng để miêu tả các kỹ thuật múa, phong cách đặc biệt của một guru (thầy dạy múa, hoặc trường dạy múa).

Nhóm múa Bharatanatyam. Nguồn. 500px.com

Phong cách múa Bharatanatyam là cố định phần trên của cơ thể, chân cong lại và đầu gối uốn vòng, kết hợp với cách bước chân đặc biệt, và những động tác làm dấu ngôn ngữ với bàn tay, đôi mắt, và cơ bắp trên mặt. Vũ điệu lúc nào có dàn nhạc đệm và ca sĩ. Thường thì người thầy dạy múa có mặt khi vũ công biểu diễn như là người đạo diễn và chỉ đạo nghệ thuật, kỹ thuật vũ điệu.

Nhạc nền của vũ điệu Bharatanatyam theo âm điệu và phong cách của miền Nam Ấn, giống như ngâm thơ và tụng kinh. Ca sĩ được gọi là nattuvanar và cũng là người hướng dẫn trình diễn vũ điệu. Ông có thể là thầy múa của nhóm vũ công, thường chơi một nhạc cụ chính trong ban nhạc. Các lời thơ và kinh tụng trong vũ điệu Bharatanatyam là tiếng Tamil, TeluguKannada hoặc Sanskrit. Các nhạc cụ gồm: Trống 2 mặt, kèn dài bằng gỗ đen, một thanh la, sáo, vi ô lông và đàn dây veena.

Theo truyền thống, múa là một hình thức diễn giải về những truyền thuyết, huyền thoại và tâm linh trong kinh của đạo Hindu. Vũ điệu Bharatanatyam cũng như các vũ điệu cổ điển khác, gồm có múa thuần túy, múa diễn tả, múa nhiều người.

Các động tác tay, ngón tay. Nguồn. flickr.com

Vũ điệu Bharatanatyam độc quyền biểu diễn tại các đền thờ Hindu suốt thế kỷ 19, chỉ đến thế kỷ 20 mới bắt đầu xuất hiện trên sân khấu ngoài đền thờ.

Xem thêm:   Bayreuth đầy quyến rũ

Năm 1910, nhà cầm quyền Anh cấm khiêu vũ trong đền thờ, kể cả vũ điệu truyền thống Bharatanatyam trong các đền thờ Hindu. Lệnh cấm này đã gây ra cuộc biểu tình chống lại quyết định của chính phủ Anh. Dân Tamil lo ngại các vũ điệu truyền thống của Ấn Ðộ sẽ biến thành nạn nhân của sự cải cách xã hội. Các nhà phục hưng nghệ thuật cổ điển như E.Krishna Iyer, một luật sư, người đã học vũ điệu Bharatanatyam đã hiên ngang chống lại những phân biệt và đàn áp văn hóa của nhà cầm quyền Anh. Ông bị tóm vô tù với tội danh cổ động chủ nghĩa dân tộc. Khi ra tù ông kêu gọi các bạn tù chính trị ủng hộ vũ điệu Bharatanatyam.

Trong lúc nhà cầm quyền thuộc địa Anh đàn áp, cấm đoán vũ điệu Bharatanatyam và các vũ điệu khác biểu diễn tại đền thờ Hindu, có vài người phương Tây, như vũ công Mỹ Esther Sherman đã đến Ấn Ðộ năm 1930, học các vũ điệu cổ điển của Ấn, đổi tên là Ragini Devi và tham gia phong trào cứu và hồi sinh vũ điệu Bharatanatyam cùng các vũ điệu cổ điển khác của Ấn Ðộ.

Động tác tay và chân của Bharatanatyam. Nguồn.medium.com

Vũ điệu Bharatanatyam nhanh chóng lan rộng sau khi Ấn Ðộ giành được độc lập từ tay người Anh vào năm 1947 và trở thành phong cách múa cổ điển phổ thông nhất tại Ấn. Ðồng thời nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của cộng đồng người Ấn xa xứ, và được người ngoại quốc coi là tiêu biểu của múa cổ điển Ấn Ðộ. Trong cuối thế kỷ 20, vũ điệu Bharatanatyam trở thành vũ điệu truyền thống của Ấn, giống như múa Ba lê của phương Tây.

Xem thêm:   Nhà hát đất Thủ

Năm 2020, khoảng 10,000 vũ công đã tụ lại Chennai, Ấn Ðộ và phá kỷ lục thế giới với màn múa Bharatanatyam có nhiều vũ công nhất. Kỷ lục trước đó là 7,190 vũ công, trình diễn ở Chidambaram, năm 2019.

Múa Bharatanatyam. Nguồn. www.thehinduportal.com

oOo

100 phim Ấn Ðộ, bảo đảm 98 phim có cảnh múa. Chỉ có 2 phim không múa vì lấy bối cảnh đáy biển (Phim thủy quái), hoặc không gian (Người bay).

Tới màn cuối cùng, Aladin cưới công chúa.

Aladin cùng công chúa há miệng cắn trái táo thì ngay lập tức, cả 30 cung nữ, má trắng môi hồng mắt to, đen láy, áo quần nhiều màu, mỏng như voan, đầu đeo vương miện, mũi gắn hạt kim cương to, chân mang hài cong, da dẻ trắng hồng mờ mờ ẩn hiện múa, múa, múa, ẹo bụng, hẩy tới, xoay người ẹo tiếp, hẩy lui…

Động tác tay và chân của Bharatanatyam. Nguồn. www.pinterest.com

Mẹ ơi! 30 cái hông, eo thon, 30 cái mông tròn lẳn, 60 cái chân đứng hình tam giác, 60 bàn tay có móng đỏ dài, chụm lại trên đầu… đứng im, chỉ nẩy 30 cái bụng và 30 cái mông.

Theo ngôn ngữ cơ thể (body language) trong vũ điệu Bharatanatyam, tôi đoán đây là đoạn Aladin và công chúa động phòng.

Vũ công Bharatanatyam. Nguồn. www.lassiwithlavina.com

HĐV