“Nền cũ lâu đài bóng tịch dương…”

(Bà Huyện Thanh Quan)

Mặt tiền và bên hông nhà hát khi trở thành phế tích (Ảnh: Tư liệu)  

Nhà hát có tuổi đã trăm năm, nằm lọt thỏm trong một con hẻm cụt trên đường Hai Bà Trưng, gần chợ Thủ Dầu Một. Đầu thế kỷ 20, vùng này là nghĩa địa người Chà Và (Ấn Độ). Người ta bốc mộ cải táng và xây nên một nhà hát nhỏ cùng hai dãy phố ở đầu hẻm. Ngày thường thì chớp bóng, cuối tuần dành cho các đoàn cải lương, kịch của người Việt. Thỉnh thoảng có đoàn ca múa của Pháp qua diễn cho các quan Tây xem.

Sau năm 1954, từ tên Nhà hát Thủ Dầu Một đổi tên thành rạp hát Thanh Bình. Các đoàn cải lương nổi tiếng như Kim Chung, Kim Chưởng, Dạ Lý Hương, đoàn kịch Thẩm Thuý Hằng… thường về diễn. Cho đến đầu thập niên 1990, nhà hát có dấu hiệu xuống cấp phải ngưng hoạt động và bỏ hoang sau một thời gian dài. Và hiện nay nó không còn tồn tại nữa. Người ta phá bỏ nó đi xây dựng một công trình khác. Chuyện phá bỏ này ban đầu có nhiều ý kiến của người trong ngành văn hoá đề nghị trùng tu để bảo tồn văn hoá kiến trúc nhưng cuối cùng nó vẫn phải bị dỡ bỏ để xây dựng công trình mới.

Đành rằng cái cũ sẽ phải mất đi theo sự phát triển xã hội. Nhưng nếu vì bom đạn chiến tranh hay hoả hoạn có lẽ không đáng tiếc bằng từ sự thờ ơ về tu bổ, bảo tồn, khiến một công trình văn hoá có nét trang trí xưa cổ đẹp đẽ dần tàn lụi. Nhà hát gần như một người khổng lồ đang hấp hối, những đường nét kết nối bê tông của các khung dầm đã rạn nứt và những vết lở của vữa xây ngày càng thêm nhiều. Mặt tiền nhà hát mốc xám rêu phong, những đường viền trang trí trơ lì như những đường gân một cơ thể đang cố duy trì sự sống. Vấn đề chỉ còn là thời gian!

Trang trí trên ô gian chính trên lầu nhà hát Thủ Dầu Một bằng hình ảnh hoa hồng cách điệu (Ảnh: Tư liệu)

Những nam thanh nữ tú một thời quần lãnh áo hoa hẹn hò nhau trước sân nhà hát nay đã là những ông cụ bà cụ “thất thập cổ lai hy”. Bên ban công nhà hát, một cụ bà như vui hẳn lên khi biết tôi muốn hỏi về ngôi nhà hát hẳn gắn bó rất nhiều suốt một thời tuổi trẻ của bà. Cô gái nhỏ năm nào mê xem hát, thường đứng trên ban công nhìn xuống vào giờ giải lao giữa suất. Quang cảnh bên dưới thật náo nhiệt với những lời rao vui tai của các cô chú bán hàng rong. Những lúc đó, cô thích ngước nhìn lên, phía dưới trần mái là những hình ảnh chạm khắc đẹp lạ lùng. Cô mải mê ngắm trần mái có phù điêu đắp nổi cây phong cầm, làm chân của cuống hoa hồng cách điệu khắc ghi tên nhà hát Thủ Dầu Một. Thích nhất là hai pho tượng thiếu nữ bằng xi măng, đầu trọc đang ôm cây đàn tỳ bà, ngồi ở hai góc cột trang trí trên nóc. Hình tượng đó trông thật ngộ! Hai con người ngồi trên mái nhà đánh đàn tiêu dao. Dấu ấn đó in sâu vào tâm trí bà từ bao năm. Tượng và người vẫn còn hiện hữu. Chỉ có điều bà không mấy khi ngước lên, lầm lụi đi ngang qua nhà hát, bán từng tờ vé số nuôi đứa con tâm thần tóc cũng đã trắng xoá. Chỉ có hai pho tượng trên mái nhà nhìn xuống tấm lưng của bà nghiêng đổ về phía trước như một loài nhân sư quan sát bước đi của thời gian ngang qua phận người.

Xem thêm:   Sáp nhập ai vui ai buồn?

Đó không phải là hai pho tượng thần âm nhạc, tóc xoăn theo kiểu các tượng có nguồn gốc Hy Lạp hay La Mã cổ đại thường xuất hiện trong các motif trang trí dưới diềm mái nhà hát hoặc các viện bảo tàng. Lại là hình tượng cô bé Á Đông, khuôn mặt bầu bĩnh, mũi tẹt, đầu trọc lóc (?). Tượng bên phải, đầu bị vỡ. Tượng bên trái còn nguyên. Có lẽ hình tượng đó là một phóng tác ngẫu hứng của ngươi thiết kế trang trí để mặt tiền nhà hát tỉnh lẻ trông hào nhoáng hơn chăng, hay nó còn mang một ý nghĩa nào khác? Phong cách trang trí đẹp nhất vẫn là ở phần mái nóc. Mọi thứ đều đơn giản, chỉ nhấn vài điểm mà toàn thể phần trên mặt tiền toát lên một vẻ đẹp sâu lắng kỳ lạ thu hút nhiều nhà quay phim, nhiếp ảnh đến ghi lại để làm tư liệu. Mặt tiền tầng dưới, thiết kế bình thường theo nguyên tắc mái portico, gồm 4 cột trụ đỡ ban công, chia 3 gian đi vào tiền sảnh của một nhà hát hay một dinh thự lớn. Đầu cột Turdo kết nối dầm gánh đã mục và bong tróc. Trần sàn ban công thấm nước do sự huỷ hoại của nắng mưa.

Nhạc sĩ Phan Hữu Lý cho biết, trước năm 1975, rạp Thanh Bình còn được gọi là Trần Trung Hý Viện; những hình ảnh của rạp hát năm xưa vẫn nguyên vẹn trong ký ức của ông. Sân khấu ở phía dưới, tên rạp hát được cách điệu trong ô chữ tròn phía trên rất đẹp. Khi ông lên 7 tuổi đã từng biểu diễn độc tấu đàn guitar trong chương trình văn nghệ thiếu nhi tại đây. Những tiết mục lúc đó do thầy Năm Phong hướng dẫn.

Trang trí góc bên trái trên ban công lầu nhà hát là tượng người ngồi ôm đàn (Ảnh: Tư liệu)

Nhà hát đất Thủ sao lại có hai tên gọi khác nhau như vậy? Câu trả lời này được tác giả Phạm Công Luận nêu ra trong bài viết Lần tìm dấu xưa Trần Trung Hý Viện như sau: “Người dân Thủ Dầu Một vẫn gọi cái tên cũ là Trần Trung Hý Viện hoặc là “rạp hát Trần Trung”, “rạp hát của ông chủ Hiếu”, cho dù nó được đổi tên là rạp Thanh Bình từ năm 1954. Ông chủ Hiếu là tên người chủ xây rạp hát – Trần Trung Hiếu, còn được gọi là ông Hương chủ Hiếu, xuất thân từ danh gia vọng tộc bậc nhất vùng đất Bình Dương trù phú và hiền hòa này.

Xem thêm:   Lời tạ lỗi

Theo cuốn Gia phả dòng họ Trần Thủ Dầu Một do bà Nguyễn Thị Minh Phượng là con cháu trong họ biên soạn năm 2018, ông Trần Trung Hiếu (1876 – 1944) lúc sinh tiền cai quản những trại cưa gỗ ven đường Nguyễn Tri Phương do cha là ông Trần Văn Long truyền lại. Ông Hiếu có 4 người con trai du học bên Pháp, trong đó 3 người là bác sĩ và một là dược sĩ. Họ là những người Việt tốt nghiệp ngành y dược tại Pháp đầu tiên của tỉnh Thủ Dầu Một. Sau, ông Hiếu chuyển sang làm thầu xây dựng (thầu khoán). Ông có nhiều đóng góp trong giai đoạn phát triển của vùng đất Thủ Dầu Một thời gian 1920 – 1940 với các công trình kiến trúc bề thế như rạp hát Trần Trung, những dãy nhà cổ trên đường Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Hai Bà Trưng…

Trang trí góc bên phải ban công lầu là tượng thiếu nữ đầu trọc ôm đàn (Ảnh: Tư liệu)

Khi nhắc đến ông, nhiều người còn nhớ con rạch mang tên Hương chủ Hiếu. Thời Pháp thuộc, căn phố đầu của dãy phố cổ nhất chợ Thủ nằm trên đường Bạch Đằng và đường Điểu Ông có nóc nhà màu đỏ của bà Phạm Thị Lý do ông cho xây lại thành căn phố hai tầng, có ban công ngó ra sông Sài Gòn tại chỗ bãi tắm ngựa. Ông còn là “ông chú” của nha sĩ Trần Công Vàng học tại Pháp về (chủ ngôi nhà cổ tuyệt đẹp Trần Công Vàng đến nay đang được con cháu sử dụng và bảo tồn).

Xem thêm:   Xích lô đạp ở Đà Nẵng đâu rồi?

Ông Hiếu xây rạp hát  ở cuối thời kỳ thịnh vượng nhất thời thuộc địa, trước khi khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra. Giống như nhiều biệt thự thời đó, rạp hát của ông ảnh hưởng kiểu cách kiến trúc Pháp. Rạp do kiến trúc sư người Pháp vẽ kiểu, xây xong có tên là Trần Trung Hý Viện”.

Ngày nay, rạp hát Thanh Bình là Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng phường Phú Cường. Tuy vậy, văn hoá xưa của rạp Thanh Bình nó khác lắm, khác về dấu ấn thời gian, khác về nguồn gốc kiến trúc hợp thời, hợp công năng sử dụng. Và câu chuyện xưa của nhà hát cũng đã khép lại như những tuồng tích xưa lui về ẩn sâu trong những miền ký ức của người dân đất Thủ.

TN