Truyện Miền Đông Tuyết

Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác

Không khí trong bản mấy bữa nay buồn tẻ hẳn đi: không còn giọng nói cười hồn nhiên của đám đàn bà vừa ngồi sưởi nắng, vừa thuộc da, hay khâu những đôi ủng da hải cẩu mềm và ấm như lót thứ len tốt bên trong. Bọn đàn ông vốn ít nói, lại lầm lì thêm, mặt nặng trịch, gườm gườm ngờ vực lẫn nhau. Thậm chí tới lũ chó lang thang cũng không dám lại gần người như mọi khi… Chúng vểnh tai nghe ngóng, hơi thấy động đã phóng tuốt vào rừng. Cái ngột ngạt đè trĩu lên đầu lũ trẻ: chẳng đứa nào dám nô giỡn, chạy đuổi nhau quanh đám lều da thú căng thành nửa vòng tròn, bên dòng suối…

Thằng Đa, đứa bé gián tiếp trách nhiệm về việc xảy ra, bị mẹ đánh một trận, cha đánh một trận, bây giờ lén ra nằm thu lu dưới chiếc xuồng lật úp trên bãi, khóc thút thít, nhìn đời bằng cặp mắt giận hờn…

Tai hại cho tất cả là lão phù thủy của bộ lạc, lão Cun, lúc này đóng chặt cửa lều, không bùa chú cho ai, nên chẳng còn cách nào tìm ra thủ phạm vụ trộm bí mật làm cả bộ lạc mất ăn mất ngủ. Tháng trước, lão Cun có cho mọi người hay:

– Gió Nam thổi sớm, chắc biển lặng, ai muốn đi xa cũng được!

Tin lời lão, cả bộ tộc kéo nhau ra khơi thì trời nổi gió, không phải thứ gió ấm áp thường ngày, mà là gió bấc buốt như cắt thịt; hai chiếc thuyền bị sóng lật, chiếc thứ ba đụng đá ngầm, may mà chỉ có một người chết!…

Lão phù thủy đã gieo quẻ sai, lão tuyên bố vậy, nhưng chẳng ai tin: thiên hạ không đem thịt, cá, da thú, tới nhờ gã lo liệu công việc như trước nữa… Vì vậy lão dỗi với tất cả mọi người. Có người đoán:

– Lão ăn chay, sám hối… Chắc vậy!

Sự thực lão chẳng ăn chay chút nào, trong kho lương của lão còn cả đống thịt cá khô, trông bắt thèm kia!

Câu chuyện rắc rối từ việc mụ Hun mất tấm chăn len, tấm chăn thực là dày dặn, ấm áp, chẳng kém gì tấm da chồn giữa mùa, vào lúc lông mọc dài nhất, mịn màng nhất… Mụ còn quý nó hơn vì đã mua được với giá rẻ mạt của một tay chơi, thuộc bộ lạc bên cạnh.

– Thằng cha dại thiệt chớ!… Đáng cả chục bộ da thú mà bán vứt đi không hà!

Nhưng mụ biết đâu: Tấm chăn đẹp đẽ, đắt giá đó chính là của một tay thợ săn da trắng bị thổ dân giết cách đây không lâu… Việc mất tích này đã khiến chiếc tàu tuần tiễu quanh quẩn mãi trong các vùng biển khiến hàng chục bộ lạc phải lẩn vào rừng.

Mụ hãnh diện vì tấm chăn quý; cả bộ lạc cũng hãnh diện lây… Tên mụ được thiên hạ nhắc nhớ tới nhiều, nhất là khi tuyết phủ kín mặt đất, và từng tảng băng từ đâu kéo về, bềnh bồng trên vụng biển… Nói đến mụ, người ta nghĩ ngay đến tấm chăn, và sự ấm áp, thú vị tuyệt vời của ai được nằm trong đó…

Vậy mà chăn bị mất trộm, mới tai hại!… Mà mất một cách bí mật lạ lùng!

Mụ nhắc đi nhắc lại cả ngàn lần câu chuyện này:

– Tôi vừa phơi chăn sau lều thì thằng Đa khóc thét lên… Có gì đâu: nó ăn vụng bột, ngã chúi vào trong thùng, chỉ thò đôi chân ra, giẫy giụa như cành cây gặp gió… Tôi lôi nó ra, đập cho nó mấy cái… Quay lại, đã không thấy chăn đâu, kỳ chưa?…

Nhóm đàn bà bu quanh mụ gật đầu:

– Kỳ thiệt chớ!

Có tiếng thở dài:

– Tai hại thực… Trời lại trở rét nữa!

Một người thêm:

– Chẳng bao giờ kiếm được tấm chăn tốt như vậy đâu!

Vài ba người phụ họa:

– Chị gặp rủi, chúng tôi cũng buồn!…

Nhưng trong bụng, ai cũng thú vị: thế là từ nay mụ Hun cũng chẳng hơn gì họ nữa rồi!

Trong lúc đó, người đàn bà kém may mắn nhắc lại lần thứ một ngàn lẻ một:

– Tôi vừa phơi chăn sau lều thì thằng Đa…

Người chồng, nghe chán tai, phát gắt:

– Thôi, nói mãi!… Chẳng có người nào lạ léo hánh tới, vậy kẻ trộm phải là người trong bộ lạc mình.

Mọi người nhao nhao:

– Ai vậy cà?… Ai nỡ vậy nhỉ!… Tệ thật!

Người đàn ông gật gù ra vẻ bí mật:

– Rồi sẽ hay… Ai thì phù phép cũng tìm ra!

Mấy tiếng bùa chú, phù phép… làm nhóm đàn bà thấy lành lạnh phía xương sống; họ nhìn nhau, sợ sệt hiện trên nét mặt thường ngày trầm tĩnh tới độ đần độn.

Giọng mụ Hun nửa dọa nạt nửa tự phụ:

– Tôi mời thầy mo Kiu đó!… Chiều nay thầy tới… Thuyền 4 người chèo, chắc nước triều lên là ghé bến thôi… Chờ coi!

Nhưng chẳng ai dám đứng đó mà chờ… Họ lặng lẽ tản mác mỗi người một nơi. Niềm lo âu, sợ hãi bắt đầu trĩu nặng trong lòng mọi người… Trong tất cả hoạn nạn bất ngờ thì bùa chú, phù phép của các tay phù thủy là tai hại nhất! Chỉ có họ mới tiếp xúc được với thần linh, mới biết rõ ai là người bị ma quỷ hớp hồn!…

Mà trong đám phù thủy, thầy mo Kiu, ở bộ lạc phía bên kia vịnh, nổi tiếng là ghê gớm nhất! Chẳng ai lại tìm ra kẻ gian cũng như nghĩ được những cách trừng phạt tội nhân tàn nhẫn như lão.

Đã có lần tìm được hồn ma trong người đứa trẻ lên 3, trừ mãi không được, lão ra lệnh đem đứa nhỏ phơi trên đám gai ròng rã 7 ngày liền… Sau đó, xác đứa bé được liệng xuống biển; hồn ma cũng không chịu đi cho, cứ theo sóng giạt mãi vào bờ biển như một đe dọa đối với bộ lạc. Cuối cùng lão phù thủy đành bắt hai trai tráng trói vào cọc cho nước triều dìm chết ngộp, mới trừ được tà!…

Câu chuyện ghê gớm ấy ai cũng rõ.

Vậy mà lần này mụ Hun cả gan mời lão tới đủ rõ mụ xót xa tấm chăn biết chừng nào!

Đáng lý mụ nên nhờ lão Cun mới phải. Lão cũng tài lắm chứ, nhưng lão không nhận giúp bất cứ ai trong lúc này, mới ngặt!

Từ già đến trẻ trong bộ lạc chỉ nghe tên lão Kiu cũng bủn rủn chân tay trừ có gã Sim!… Gã xưa nay chẳng biết sợ bất cứ ai, cả ma lẫn quỷ. Ai cũng đoán hắn rồi chết bất đắc kỳ tử cho coi!… Vậy mà gã vẫn nhơn nhởn:

– Kiu hay Kíu cũng vậy thôi!… Có nhát gan mới sợ lão ngáo ộp quen dọa đàn bà con nít!

Vài người lớn tuổi bảo gã:

– Đồ ngu!… Lão Kiu sắp tới, liệu mà giữ miệng, không lại chết oan!

Sim cười hô hố:

– Đến người còn chẳng sợ nữa là ma… Cái gì mắt trông thấy tớ mới tin…

Xem thêm:   Hoàng hôn bên Clarks Hill Lake

Lão Lát trợn mắt nhìn gã:

– Thằng này gan cóc tía chắc!… Có cái chỉ tay phù thủy thấy được thôi… Mình người trần mắt thịt…

Sim lắc đầu ái ngại:

– Phù thủy dễ không là người?… Họ cũng như mình, khác gì đâu?

Đoạn gã bỏ ra bãi mặc đám người yếu bóng vía bàn tán với nhau. Loáng thoáng gã còn nghe:

– Cha đó săn bắn, chài lưới khá… Phải cái báng bổ thần thánh, không tốt!

– Vậy mà gã phong lưu hơn mình, chẳng bao giờ mất gì cho thầy mo, thầy cúng hết!… Cũng xong!

Sim quay cổ lại:

– Anh em bắt chước tôi lại hóa hay… Tội nghiệp, đàn ông gì mà như lũ trẻ sợ bóng đêm vậy!

Tiếng cười chế nhạo của gã vang dội cho tới lúc thuyền lão Kiu ghé bãi. Khi lão phù thủy vấp phải viên đá chúi người đi, gã còn cả gan buông tiếng giễu cợt. Lão Kiu trợn mắt nhìn, nhưng không nói gì … Lão lẳng lặng rẽ đám đông, tới thẳng nhà thầy mo Cun… Đất có thổ công, sông có hà bá: lão tới đây ra mắt người phù thủy địa phương là khôn.

Chẳng ai hiểu trong cuộc gặp gỡ này, hai lão trao đổi pháp thuật gì cho nhau, vì không ai có gan ghé tới gần. Họ đứng tận đằng xa, thì thầm lo lắng như đàn chim non gặp trời bão tuyết.

Sự thực, hai người phù thủy chẳng thân ái gì với nhau: mỗi lão đều có thủ đoạn riêng để hạ nhau, nếu gặp dịp tốt. Lão Kiu nơm nớp lo, lão cất tiếng trước:

– Chào thầy Cun… Tôi tới kính thăm thầy!

Thân hình cao lớn của lão choán gần hết khuôn cửa nhỏ hẹp, càng làm cho lão Cun thấy mình gầy gò yếu đuối hơn. Cái thua kém về thể xác đó khiến lão khó chịu đôi chút, nhưng lão vẫn nhã nhặn:

– Chào thầy… Thầy tới thăm tôi hoan hỉ lắm…

Giọng lão the thé, như tiếng dế nhỏ nhẻ từ đâu vẳng lại.

– Tôi nghe thầy không được vui…

Lão Cun gượng cười:

– Tôi gặp lắm chuyện buồn phiền… Có thầy tới giúp dân bộ lạc là may quá!

– Thực ra, tôi chẳng muốn vậy…

– Sao?… Tôi vui lòng mà!

Lão Kiu gãi đầu, ra vẻ suy nghĩ:

– Tôi… xin chia đôi số thưởng với thầy, chịu không?

Giọng lão Cun trở nên đanh thép:

– Đâu được!… Thầy giúp tôi là quý rồi…

Có chút lo ngại trong câu hỏi của người phù thủy mới tới:

– Vậy chuyện mất chăn của mụ Hun khó khăn lắm sao?

Lão vừa hỏi vừa nhìn đăm đăm vào mắt người đồng nghiệp đang nhếch nụ cười nửa buồn nửa chán chường: lão Cun hiểu ý gã muốn biết tình hình vụ trộm đây… Thực là một dịp tốt để lão gài bẫy, dìm lão Kiu xuống đất đen cho coi!…

– Ô… Có gì đâu… Thầy tìm ra ngay mà, xưa nay phù phép của thầy vẫn nổi tiếng đó thôi…

Lão Kiu nhăn nhó:

– Đành vậy… Nhưng đôi khi có người chỉ dẫn cho vẫn hơn… Thầy lạ gì…

Ngừng một giây, lão ghé sát tai người phù thủy già:

– Thầy nghe người trong bộ lạc thầm thì gì không?

Lão Cun không trả lời ngay, lão quơ tay ra sau, rút trong chiếc đẫy, đôi giày đi tuyết bằng da hải cẩu, lót thêm lớp da chồn phía trong, ấm mềm như nhung:

– Thầy coi… đôi ủng đẹp chưa?… Tôi mất bao công phu mới chiếm được đó…

Lão Kiu chăm chú đón từng lời nói, người nghiêng hẳn về một phía, cặp mắt hau háu như thú đón mồi. Tiếng lão Cun thấp hẳn xuống, nhuốm vẻ bí mật đôi chút:

– Của thằng Lám đây… Thằng cha ưa dùng toàn của tốt, tôi nghĩ vậy…

Lão Kiu sốt ruột:

– Vậy chắc nó rồi… Chăn len của mụ Hun thuộc loại hảo hạng mà!

Lão Cun nhìn đồng nghiệp một cách thán phục, nhưng không nói gì thêm. Lão còn có ý ân hận đã trót nói quá nhiều… Lão ngó ra ngoài, gật gù:

– Bữa nay trời đẹp… Thầy làm phép thuận lợi lắm đấy!

Lão Kiu tươi cười đứng dậy… Lão coi như mình nắm vững tình thế rồi; giọng lão ngọt như mía lùi:

– Thầy tài tình thực!… Tôi không quên thầy đâu. Thằng Lám sẽ biết tay tôi!

Sim đang lúi húi sửa chiếc thuyền con, thứ thuyền một người ngồi, ngoài bọc da hải cẩu, dân Ét-ki-mô vẫn thường dùng, gã thoáng thấy lão Kiu đi ngang, mặt lầm lì như sắp ra oai với ai… Sim cười gằn, dừng tay, với khẩu súng săn bên cạnh, lách cách lên đạn. Lão Kiu trông rõ cử chỉ đó, nhưng tảng lờ như không thấy gì, lão chưa muốn rắc rối với ai trước khi xong việc.

Tiếng lão oang oang:

– Mọi người lại cả đây!… Thầy mo Kiu bắt kẻ trộm chăn của mụ Hun cho coi!

Lão đã tính họp dân bộ lạc tại lều của người mất của, như vậy không khí buổi lễ trang trọng hơn; có điều lão hơi ngán Sim: chắc gì gã chịu đến đó; mà lão cần gã biết tài mình để dằn mặt tên trai tráng bướng bỉnh nhất trong bộ lạc cho coi!

Có khoảng dăm chục người xúm quanh lão, ai nấy mặt tái mét, rầu rĩ như dự đám tang. Mụ Hun lếch thếch chạy tới sau hết, lấm lét như chính mụ là kẻ phạm tội. Lão Kiu quát:

– Mụ để chăn len ở đâu nào?

– Tôi vừa phơi ở sau lều thì chăn biến mất… Khổ chưa!

Giọng mụ thút thít như đứa trẻ vừa phải đòn, thảm não lạ!

– Kỳ há!

– Chính tại thằng Đa… Nó ăn vụng bột…

Câu chuyện mất chăn được nhắc lại một lần nữa với đầy đủ chi tiết. Lão Kiu chốc chốc lại gật đầu, có lúc lão giậm chân như đánh nhịp. Lão trỏ vào mặt người đàn bà, cười gằn:

– Chăn len của mụ tốt lắm… Mụ giàu nhất bộ lạc phải không?

Mụ Hun chối đây đẩy:

– Đâu có… Tôi nghèo mà… Tôi chẳng có gì hết!

Nhưng thấy nét nhăn nhó của lão Kiu, mụ không dám nói nhiều, lẳng lặng nhìn xuống đất. Lão đâu chịu để mụ yên: lão chồm lên, mắt trợn ngược, hàm trễ xuống… gầm gừ như sắp hóa dại… Tay lão chưa đụng tới mụ Hun, thân hình người đàn bà đã co rúm lại, ngã vật xuống như đống giẻ rách… Lão Kiu trông thực đáng sợ: Lão hoa chân múa tay, vặn vẹo mình mẩy như người đang chịu cực hình hay đang động kinh; toàn thân lão run bắn, giật từng cơn… Một thứ bọt trắng xóa sùi ra bên mép. Trước mắt nhóm người khờ khạo, lúc này thần đang nhập vào lão rồi đó!

Bọn đàn bà bắt đầu ngả nghiêng, đảo người từ trước ra sau miệng lảm nhảm cầu nguyện; nhóm đàn ông cũng ảnh hưởng lây, đờ đẫn như mất hồn. Chỉ có Sim còn tỉnh táo, gã nhìn quang cảnh đó một cách bình thản, như người xem trò vui. Nhưng lâu dần gã cũng hơi xao xuyến: bao đời tổ tiên gã bị kiềm chế dưới uy quyền bọn phù thủy, nên dù sao trong tiềm thức của gã cũng thức dậy niềm sợ hãi mơ hồ… Mặc dù gã là người duy nhất trong bộ lạc đã gần gũi người da trắng và hiểu biết nhiều phép thuật kỳ diệu của họ…

Xem thêm:   Trăm năm xe đạp

Lúc này lão Kiu không còn chút gì là người, phải nói lão là quỷ hiện thân: mớ tóc dài rũ rượi, xõa sau lưng, cuộn ngang mặt mỗi lần lão nhảy dựng, như một thứ bờm của loài thú; mắt lão đỏ xọng, tóe ánh lửa, còn mặt mũi nhăn nhúm một cách ghê rợn… Cứ nhảy một hồi lão lại rú lên, tiếng rú nghe na ná tiếng tru của chó sói.

Lão nhảy múa theo một nhịp điệu đặc biệt có sức cuốn hút lạ lùng… Chỉ một lúc sau, hầu hết người có mặt đều đu đưa thân hình, uốn éo theo lão. Vào lúc cuộc lễ tới hồi gay gắt nhất lão Kiu chợt dừng phắt lại, giơ thẳng ngón tay nhọn hoắt như một thứ móng sắt trỏ ra phía trước… Cử chỉ đột ngột này của lão đi đôi với tiếng rên rỉ nghẹn ngào phát ra từ họng lão, có tác dụng làm đám người khờ khạo đứng đó sợ tới ngây người… Ngón tay cứ từ từ quanh một vòng đem theo tai họa chết chóc cho kẻ nào bị nhắm thẳng vào mặt… Chỉ những người được nó lướt qua mới yên trí là thoát… Thoát chết, họ càng chú ý theo dõi xem nạn nhân là ai đây… Không khí ngột ngạt khiến có người lịm đi…

Rồi tiếng reo mừng thoát từ hàng chục bộ ngực vạm vỡ khi ngón tay lão Kiu dừng lại trước mặt Lám. Gã này người tái nhợt, tự coi như chết tới nơi, chưa chi đã khuỵu xuống, rũ rượi như gà bị cắt tiết… Gã toan nói mà không sao cất tiếng lên được, lưỡi gã dính chặt vào hàm, khô cứng như nhịn khát từ mấy bữa.

Lão Kiu mệt đừ, ngồi xuống tảng đá, thở dốc, đôi mắt nhắm nghiền… Lão chờ đợi những tiếng hò hét, đòi xử tội kẻ phạm tội, như trăm ngàn lần trước đây lão vẫn quen nghe, sau mỗi lần nhảy múa như vậy… Rồi lát nữa đây, tất cả những người có mặt sẽ lăn xả vào tội nhân như bầy sói vồ con cừu non… Cảnh tượng này bao giờ cũng làm cho lão khoan khoái, và tăng uy tín lão thêm đôi chút.

Vậy mà sao lần này chẳng thấy ai cất tiếng đòi hỏi mới kỳ!… Mấy chục người ỳ ra đó, ngơ ngác, không phản ứng gì hết… Rồi có tiếng cười gằn của Sim, giọng cười xấc xược lạ lùng… Vài ba người bắt chước, rồi tất cả cười ồ một lượt, khiến lão Kiu ngỡ ngàng… Lão giật thót người:

– Sao vậy cà?

Sim cười thêm một dịp nữa, rồi trỏ tay vào lão:

– Lầm rồi!… Lần này phép của lão hết linh rồi!

Gã trẻ tuổi bị chỉ định là thủ phạm vụ trộm lúc này mới lắp bắp lên tiếng:

– Lão Kiu à!… Cả bộ lạc ai cũng biết tôi đi săn hải cẩu, mãi sáng nay mới về mà… Tôi biết chuyện chăn chiếu gì đâu!

Tất cả phụ họa lời hắn:

– Đúng rồi!… Gã vừa về tới… Chăn của mụ Hun mất từ lâu rồi kia!

Mụ Hun hết sợ lão phù thủy… Thì ra phù phép linh tới đâu cũng có lúc sai lầm!… Mụ rít lên:

– Nhảm quá!… Tôi không trả tiền lão đâu!… Lão phải thường tiền mướn thuyền cho tôi đi!

Dáng điệu mụ trước đây khúm núm, trở nên hung hăng một cách tức cười.

Lão phù thủy ngẩn ngơ như mất hồn, lão nhớ lại nét mặt bí hiểm với nụ cười chán chường của lão Cun, rồi lời nói ỡm ờ khi nãy:

– …Của thằng Lám đây… Thằng cha ưa dùng toàn của tốt, tôi nghĩ vậy!…

Thì ra lão Cun gài bẫy mà lão vẫn đâm đầu vào một cách dại đột, nhục chưa!

Lão đứng phắt dậy, rẽ đám đông chạy lại lều tay phù thủy địa phương. Sau lưng lão, tiếng cười mỉa mai, tiếng phê bình xỏ xiên, tiếng chửi rủa tục tĩu vang lên; lão Kiu tảng lờ như không nghe thấy gì.

Cửa lều lão Cun đóng chặt… Tha hồ cho tay phù thủy mới tới hết gõ lại đập vẫn êm rơ. Nhưng tới lúc lão Kiu tính vác tảng đá phá cửa, thì có tiếng khấn nguyện từ trong vọng ra… Nghe tiếng lão Cun, cả bộ lạc ùa lại, vài người vác gậy gộc toan đánh lão Kiu, nhưng lão nhanh chân chạy được… Lão biết mình chẳng còn uy quyền gì đối với bộ lạc xa lạ này, một khi bùa phép của lão bị coi là hết thiêng liêng. Lão thoáng thấy một người nhặt viên đá, một người nữa bắt chước, thế là lão hoảng sợ thực sự, phóng ra bờ biển cho nhanh.

Khi con thuyền lướt đi khá xa, lão mới hoàn hồn. Lão vừa thở vừa nguyền rủa từ lão đồng nghiệp xỏ xiên cho tới đám dân chúng bất lương!

Trong lúc đó, nhóm người tụ tập trước lều lão Cun mỗi lúc một đông hơn, họ hết lời van nài, xin lão ra tay giúp đỡ bộ lạc… Lâu lắm mới thấy lão ló đầu ra: Ai cũng tưởng lão ăn chay bấy lâu, phải gầy gò ốm yếu, không ngờ lúc này lão mập ú, mặt tròn vo; giọng lão ngọt như đường:

– Đã có lòng nhớ lão, lão cũng chẳng nề hà… Người trong bộ lạc cũng như con cháu trong nhà, lão chấp nhất chi!… Đâu cứ về đấy đã… Đêm nay, khi trăng mọc, lại cả nhà mụ Hun, lão sẽ bắt kẻ gian cho mà trị tội!

Vài tiếng la lớn:

– Giết chết nó!

Lão Cun vẫy tay:

– Được!… Muốn làm gì thì làm, lão không cấm… Bây giờ về cả đi!

Đoạn lão đóng chặt cửa lều lại.

Gã Lám hể hả lắm, gã xoa hai tay vào nhau:

– Có thế chứ… Chút xíu nữa mình chết oan, ghê chưa!

Trăng mọc cao, nhưng chẳng soi sáng bao nhiêu, từng đợt mây thấp, đục màu sữa chốc chốc lại che khuất vành lưỡi liềm trắng bạc, làm quang cảnh buổi họp nhuộm vẻ bí mật lạ lùng. Lão Cun đi giữa đám đông, dáng điệu nhàn nhã, lão chẳng mang mặt nạ, trống bỏi, thanh la, cũng chẳng giắt sau lưng chiếc sọ người có đôi mắt sâu hoắm như lão vẫn thường đem theo; dưới cánh tay lão có mỗi con quạ già, đen như mun, lim dim ngủ.

Lão đáp lại lời chào vồn vã của mọi người, thong thả ngồi xuống tảng đá trước lều mụ Hun, rồi dằn từng tiếng:

– Kẻ ngay người gian không sống chung được… Trong chúng ta có kẻ gian đã đánh cắp chiếc chăn của mụ Hun, đó là việc không nên làm… Vậy ai trót lấy hãy nhận đi, lão xin với thần linh tha tội cho… Ai… Nhận đi…

Xem thêm:   Hát quán nhậu

Chẳng ai dại dột làm việc đó, vài người trách lão coi họ như trẻ nít không bằng!… Đợi một lát, lão giơ tay nói to hơn:

– Đã vậy lão phải nhờ tới tài bắt trộm của con quạ già này… Lão nhốt nó ở dưới chiếc nồi lớn của mụ Hun, úp nó trong xó nhà kia… Bây giờ tắt đèn đi, mọi người lần lượt tới đó, đặt tay lên chiếc nồi, hít một hơi dài, rồi đi ra. Có vậy thôi… Tôi cam đoan, bàn tay của kẻ gian vừa động tới chiếc nồi, thế nào con quạ cũng la lên cho coi! Mà chưa biết chừng nó mổ đứt ngón tay kẻ trộm cũng nên… Mọi người sẵn sàng chưa?

– Rồi!… Thầy bắt đầu ngay là vừa!

Lão phù thủy gật:

– Được!… Để gọi tên từng người cho khỏi thiếu sót nhé!

Lão gọi gã Lám trước tiên: gã hăm hở bước vào lều. Mọi người lắng tai… êm rơ, chẳng nghe quạ kêu, cũng chẳng nghe tiếng la của Lám… Hắn vô tội rõ ràng mà!

Mụ Hun và chồng cũng phải làm theo mọi người: biết đâu, vợ chồng mụ chẳng giấu chăn đi để đổ tội cho xóm giềng!

Nhưng rồi quá nửa bộ lạc đã vào nhà mụ Hun, vẫn không thấy con quạ thần tỏ thái độ gì, mọi người bắt đầu lấy làm lạ… Lão Cun gọi tên người một, giọng ngọt ngào; với ai lão cũng tỏ vẻ trìu mến đặc biệt; nhất là đối với Sim, lão thừa biết gã này xưa nay chẳng sợ trời, chẳng sợ đất… Nhưng Sim đứng ỳ một chỗ, không chịu vào.

Gã Lám phát bực mình, gã trợn mắt nhìn Sim:

– Sao?… Sợ hả?… Mày gian rồi!

Sim cười thầm:

– Trò trẻ con, dọa nổi ai… Tao không tin chút nào nhưng cũng vào để mày khỏi nghĩ tao sợ, có thế thôi!

Gã hăng hái làm theo mọi người, nụ cười giễu cợt vẫn trên môi.

Lám lắc đầu:

– Mày không tin thần linh, sau cũng có lúc chết oan cho coi!

Sim nháy mắt:

– Đứa nào chẳng vậy, đàn ông trong bộ lạc này, ít người chết ngon lành trên giường… Một bên biển khơi, một bên phù thủy, hai đằng nguy hiểm như nhau, không thấy sao!

Khi hai phần ba dân chúng làm xong thủ tục, không khí buổi họp ngột ngạt lạ lùng: vài người đàn bà khiếp đảm tới lăn ra đất, hay bỗng dưng phá lên cười như nổi cơn điên… Lâu mãi rồi cũng tới phiên kẻ sau chót, thì lại chính là thằng Đa!… Tội chưa! Vậy đích nó rồi!… Mụ Hun rú lên, còn mọi người hoảng hốt nhích xa đứa bé… Khổ thân thằng nhỏ!… Nó sợ gần chết, đôi chân run như rẽ… Vừa bước tới cửa lều, nó ngã sóng soài, khóc rưng rức… Mặc!… Lão Cun vẫn đẩy nó về phía chiếc nồi… Ai cũng yên trí sẽ có tiếng quạ kêu, rồi thằng bé chạy ra với ngón tay đứt tiện ngang, máu me bê bết… Nhưng không, nó bước ra kia mà… mặt mũi tươi rói như vừa thoát một đại nạn!

Vậy thì ai là kẻ gian cà?…

Lão Cun mặc mọi người thì thào, bàn tán, lão quát mụ Hun:

– Đốt đống lửa cho thật sáng coi!

Cả chục nắm củi được tung vào mớ than hồng trước cửa lều, rồi ngọn lửa rực lên reo tí tách, đôi lúc bùng cao soi tỏ nét mặt còn hốt hoảng của nhóm người bao quanh.

Mụ Hun cằn nhằn:

– Phép không linh rồi… Khổ thân tôi chưa!

Chồng mụ thì thầm:

– Đã bảo mà!… Lão Cun cũng già rồi còn gì!

Có tiếng cười khì khì của Sim bên tai gã Lám:

– Không phải con quạ thần mày ạ… Nó ngu như cày!

Lám bực lắm nhưng chẳng biết nói sao. Riêng lão Cun vẫn bình tĩnh. Lão nhẹ nhàng cất tiếng:

– Mọi người nghe đây… Thần thánh bao giờ cũng vậy, linh thiêng lắm, không như các người tưởng đâu… Cứ đợi coi… Bây giờ…

Giọng lão chợt đổi thành nghiêm nghị, dáng điệu hiền từ cũng biến mất: trước đống lửa lão xõa tóc, hất hàm quát thực lớn:

– Già trẻ trai gái xòe rộng tay, đưa lên coi!… Mau!

Hiệu lệnh bất ngờ của lão khiến ai nấy giựt mình riu ríu làm theo. Hàng trăm bàn tay giơ cao trước ánh lửa sáng rực. Lão dằn từng tiếng:

– Nhìn người bên cạnh coi… Kẻ nào có bàn tay trắng bóc là tên ăn cắp chăn đó!… Nhìn coi!…

Có tiếng reo rồi tiếng cười, những tiếng này biến thành hằn học, khi mọi cặp mắt hướng về phía Sim: tay mọi người đen thui nhọ nồi riêng tay Sim sạch nguyên… Mụ Hun rên rỉ:

– À!… Thì ra mày ăn cắp!… Ai ngờ!

Một viên đá liệng bay vèo, trúng vào má Sim. Gã thét lên:

– Không phải!… Tôi không lấy trộm chăn mà!

Viên đá thứ hai trúng trán gã, rồi ba bốn viên nữa bằng nắm tay rớt lên đầu lên ngực gã. Tiếng la hét đòi giết thằng ăn trộm vang tứ phía… Sim lảo đảo khuỵu xuống, la thất thanh:

– Tôi không lấy thực đâu… Tôi giỡn chơi thôi!

Bây giờ gã mới biết mình dại, mà lão phù thủy tinh khôn hơn, gã nhìn lão cầu cứu… Nhưng lão lạnh lùng như tảng băng:

– Mày giấu chăn đâu, thằng ăn cắp?

Sim chắp hai tay van vỉ một cách tuyệt vọng:

– Tôi giỡn chơi mà… Tôi còn để trong túi da treo ở góc lều… Tôi giỡn thực tình… Tha cho tôi thầy!

Lão Cun ra hiệu cho mụ Hun đi kiếm tấm chăn, đoạn lão giơ tay lên đầu, đó là lệnh xử tội, vì lão vừa nhấc tay, đá lớn đá nhỏ đã liệng như mưa bấc vào tội nhân… Vợ Sim khóc thút thít, đầu gục xuống gối, nhưng thằng con mới lên 5, vừa reo cười vừa bắt chước mọi người nhặt đá liệng cha!…

Mụ Hun hí hửng vác chiếc chăn ấm áp, mềm, mịn bằng thứ len đắt tiền xưa nay mụ vẫn hãnh diện; mụ thực sự phục tài thầy phù thủy, nhưng mụ chợt lo không biết phải trả công lão thế nào cho xứng đáng đây!…

Điều đó lão Cun cho mụ biết ngay: lão đưa tay đón lấy tấm chăn… Mụ Hun tưởng lão muốn coi, nên không giằng lại, miệng lí nhí cám ơn:

– Dạ… cảm ơn thầy, tôi nghèo nàn, thầy đừng hại chúng tôi…

Lão Cun gật đầu, giọng ngọt xớt:

– Khỏi lo… Thầy nỡ hại ai đâu… Thầy lấy công tấm chăn này là đủ… Con khỏi đưa thêm gì hết… Nghe chưa!

Tất nhiên mụ nghe rồi, nhưng mụ ngẩn ngơ như người mất hồn!

Lão Cun rời đám đông, choàng chiếc chăn quanh vai, mền len ấm áp khiến lão có cảm giác ngồi bên đống than hồng. Con quạ cũng vậy, nó ngọ ngoạy đôi chút, rồi lại rúc đầu dưới cánh tay lão, lim dim ngủ như lúc được đem tới.

NMT

(Theo J. LONDON)

Trần Vũ đánh máy lại tháng 1 -2025 từ bản in của Nxb Sống Mới trước 75