Từ ngày Việt Nam có mạng xã hội, tôi thở phào nhẹ nhõm vì thấy không phải mỗi mình nhiều chuyện và bản thân không phải là người nhiều chuyện, hay sân si nhất. Mỗi giây trôi qua, trên mạng xã hội trong nước đều có chuyện gây “tranh cãi”. Ví dụ như trong buổi chạy gần đây ở Huế, có một người phụ nữ mặc áo dài tím, đội nón lá, chạy 42 cây số dưới cái nắng nóng gay gắt…
Chuyện những người tham gia các buổi chạy với trang phục không phải là đồ thể thao vốn không hiếm, áo dài khăn đóng, áo dài nón lá là đặc sản tại các giải chạy ở Huế. Cũng ở Huế, vào một giải chạy hồi năm 2020, vận động viên tham gia giải chạy không bận áo dài, toàn bận đồ thể thao, nên ban tổ chức cho nhiều nữ sinh mặc áo dài trắng, đội nón lá ra đứng hai bên đường để cổ vũ, quan trọng nhất là thời điểm cổ vũ là vào rạng sáng… (tôi có kèm hình ảnh thực tế.) Nói chung, ở xứ Thần Kinh (kinh thành?), hầu hết tôn vinh quốc phục (áo dài), và họ luôn cảm thấy bận áo dài ở mọi dịp là cách tôn vinh quốc phục, trừ những người không thấy vậy, một người Huế bất bình hỏi: “Ở đâu ra có trò áo dài khăn đóng chạy marathon. Mai mốt liệu Huế có mặc áo dài khăn đóng thi đấu bóng đá, bóng chuyền, cầu lông và cả thi bơi cũng áo dài khăn đóng?”
Có người trách, nhưng dài dòng và tế nhị hơn: “Vì sao con người mặc quần áo? Mặc áo dài mang giày thể thao chạy bộ, mặc áo dài mang giày sneaker nhảy hip-hop hay mặc áo dài mà không mặc quần – dìa bản chất 3 việc này không khác gì nhau. Vậy mà có những người ủng hộ việc mặc áo dài chạy bộ nhưng lại chửi hai trường hợp còn lại, lạ kỳ là ở chỗ đó!
Thật ra vấn đề không phải nằm ở chỗ có nên mặc áo dài để làm việc xyz gì đó hay không, mà đầu tiên phải minh định rằng áo dài là thường phục hay lễ phục? Nếu coi áo dài là thường phục thì okie, mặc đi chạy bộ cũng được mà mặc đi làm ruộng cũng bình thường. Còn nếu coi áo dài là lễ phục thì phàm đã là việc lễ thì không thể tuỳ tiện được. Vậy nên việc Quý vị mặc áo dài để làm gì nó thể hiện thái độ của Quý vị đối với chiếc áo dài, trang trọng thì nó là trang trọng, còn bình thường (nếu không muốn nói là tầm thường) thì nó là bình thường.
Với cá nhân tôi thì áo dài là lễ phục, đời tôi đến giờ chỉ mặc có một lần duy nhất vào dịp trang trọng nhứt đời người và không dám (kể cả nghĩ) mặc thêm lần nào nữa. Ngoài ra ngạn ngữ có câu: “ăn cho mình, mặc cho người”, ngày xưa chỉ có Adam và Eva thôi thì … ở truồng cũng được, còn một khi tủ quần áo của Quý vị đã nhiều như 8 tỷ người rồi thì mặc gì nó phải hạp nhãn người nhìn chớ không phải muốn mặc sao thì mặc mà được đâu nha, mặc trong phòng ngủ thì được. Đọc đến đây thì Quý vị biết tại sao con người mặc quần áo rồi phải không? Xin được nhắc lại “ăn cho mình, mặc cho người”!” – tác giả Nguyen Thanh Quang.
Cũng có người hề hà bình luận nước đôi: “Hình ảnh một cô gái mặc áo dài tham gia giải chạy bộ ở Huế đang bị cho là “phản cảm”, nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Đứng ở góc độ truyền thông, mình cho rằng điều này hoàn toàn có lợi cho tất cả mọi người. Những người xa lạ với môn chạy bộ sẽ biết thêm một điều rằng, không phải cứ chạy bộ là phải mặc đồ thể thao này kia, hoá ra chạy bộ cũng có những lúc vui vẻ như vậy. Ngược lại, những anh chị em trong giới chạy bộ sẽ biết đâu là giới hạn khi hoá trang trên đường chạy.
Cho đến lúc này theo quan sát của mình, mọi người hoá trang (hay gọi là cosplay) khi chạy bộ đều rất đẹp, rất dễ thương, chả có trường hợp nào phản cảm. Mình có cảm giác mọi người phản ứng nhiều nhất khi runner mặc áo dài để chạy bộ. Trái với quan điểm cho rằng mặc áo dài chạy bộ là phản cảm, mình cho rằng những người thực sự yêu thích và muốn tôn vinh áo dài mới mặc lên người chiếc áo đó trong khi thực hiện thú vui chạy bộ của họ. Trên thực tế, chạy bộ cosplay rất phổ biến trên thế giới. Trên thế giới người ta cosplay còn kinh hơn. Nói chung bộ môn chạy bộ gần đây phát triển hơn lên nên được chú ý nhiều, nhiều sự việc được đưa ra mổ xẻ. Tất cả đều tốt cho bộ môn này, ai cũng học được bài học của mình. Có điều mọi người khi dùng từ ngữ để bình luận về người khác hãy lịch sự.” – tác giả Nguyen Hai Dang
Có người bênh vực thẳng thừng: “Mấy hôm nay trên mạng rộ lên tấm hình được ghi chú là “Cô gái Huế chạy Marathon trong áo dài tím, đội nón lá”. Đa số comments chê bai: khùng, tửng, chạy không an toàn… thậm chí “rủi té ai chịu trách nhiệm?” (Câu này vô duyên nhất). Tôi lại có góc nhìn khác. Trước đây có một reel lên viral cảnh một cuộc chạy tốc độ mà người về nhất đang được anh quay phim vác chiếc máy quay to đùng trên vai chạy xoay lưng để quay cận ảnh người đứng đầu. Không ai nói anh quay phim khùng, tửng, rủi té ai chịu trách nhiệm… Ngày trước đọc truyện kiếm hiệp, tới những đoạn cao thủ võ lâm thì toàn là lấy đũa ăn đấu với đao kiếm, mà độc giả khoái chí vô cùng.
Trở lại tấm hình, tôi thấy phía sau cô không ít đứa mặc đồ thể thao gọn nhẹ đắt tiền bị bỏ lại. Tôi nhận thấy nội lực cô thâm hậu, chiếc nón lá cản gió, chiếc áo dài quần thướt tha không làm giảm tốc độ của cô hay làm cô khó chịu. Cô vẫn chạy với phong thái điềm nhiên quyết tâm về đến đích. Đó không phải là tôn chỉ khởi đầu của Marathon sao? Lịch sử Marathon bắt nguồn từ một câu chuyện một người lính Hy Lạp từ mặt trận chạy về kinh thành báo tin chiến thắng. Anh ta chạy với gươm giáo khiên giáp trên mình và cứ chạy cho đến nơi báo tin rồi gục chết. Hôm nay người Việt sống trong mọi tiện nghi với quần áo thể thao giầy sneakers rồi lên tiếng dè bỉu người chạy Marathon không theo trang phục thời trang …
Marathon nó ra đời ngàn năm trước, đã có quần áo thể thao, giầy sneakers chưa? Miễn nội công người ta thâm hậu người ta vừa gánh nước vừa chạy cũng được. Đồ cà chớn!” – tác giả Truong Thanh Liem
Để nói về chuyện này, tôi xin lấy một ví dụ ở bên xứ … Ăng Lê. Hồi 2022, có đôi bạn rủ nhau đạp xe dọc nước Anh. Họ là Colin Unsworth (52 tuổi) và Sadie Tann (31 tuổi) hành trình đạp xe của họ khoảng 1,400 km từ Land’s End đến John O’Groats. Khởi hành hôm 28-6-2022, kết thúc vào cuối tháng 7-2022. Mỗi ngày, hai người đi khoảng 80 km. Toàn bộ hành trình đạp xe họ đều ở trạng thái khỏa thân hoàn toàn, mục đích là gây quỹ cho tổ chức sức khỏe tâm thần. Tuy họ thực hiện hành trình ở xứ tự do, nhưng vẫn gặp những tai nạn từ sự ghét bỏ của người đi đường, ông Colin nói: “Đa phần người đi đường đều mỉm cười hoặc cổ vũ khi thấy chúng tôi. Bất cứ ai hỏi, tôi đều trả lời đang đạp xe gây quỹ từ thiện và nhận được lời chúc may mắn. Nhưng vẫn có những người quá khích.” Bên cạnh sự cổ vũ, hành trình cũng gặp phải khó khăn. Chiều 4-7-2022, khi đang đạp xe trên đường A912, một tài xế xe hơi đã cố tình đâm xe vào họ, không bị thương nặng nhưng Colin và Sadie đều choáng váng, cơ thể bầm tím. Về vấn đề pháp lý khi khỏa thân đạp xe, ông Colin cho biết không gặp phải rắc rối với cảnh sát, bởi ở Anh và xứ Wales đây không phải hành vi phạm pháp, trừ khi có sự quấy rối hay bạo lực. Tuy nhiên khi tới Scotland, cả hai phải dừng lại nhiều lần để làm việc với cảnh sát. “Nhưng nhìn chung không có vấn đề lớn nào phát sinh gây cản trở hành trình”, người đàn ông 52 tuổi nói.
Chuyện tôi muốn nói là những sự tranh cãi, kỳ thị, ghét bỏ có ở khắp địa cầu, nhưng cách thể hiện sự ủng hộ hay ghét bỏ của nhân loài mới là điều khiến tôi chú ý hơn là câu chuyện khởi nguồn. Như đôi bạn khỏa thân đạp xe khắp nước Anh ở trên, tôi tin là không chỉ riêng gã tài xế xe hơi đụng vào họ ghét bỏ hành động của họ, nhưng cách người đó thể hiện sự ghét bỏ quá là bạo lực và ác độc. Cộng đồng mạng VN với cô bận áo dài tím chạy bộ cũng vậy, không phải ai cũng chê bai lịch sự như những bình luận tôi chọn lọc, nhiều bình luận rất độc ác, họ trù ẻo, họ bình phẩm thân thể/tuổi tác của một người phụ nữ không hại tới họ, rồi họ thả icon cười, mặc kệ những cảm xúc tiêu cực họ gây ra cho người đọc, thậm chí người đọc có thể là nhân vật chính trong câu chuyện và gia đình cổ. Một, hai bữa sau, cộng đồng mạng lại có “mục tiêu” mới, cô gái bận áo dài xanh đỏ tím hồng khác, nhưng có lẽ, 10-20 năm sau, khi cô gái bận áo dài tím nhớ về chuyện này vẫn còn khó chịu.
Bản thân tôi, ham ăn – lười vận động nên ít tham gia các giải chạy nghiệp dư (đang là phong trào vài năm gần đây ở VN). Nhưng có một lần tôi vì mê trai mà tôi đồng ý tham dự “chạy chọt” với cự ly chỉ 10km. May mắn thay, sau thời gian dài lạch bạch thì tôi có thể về đích dầu là vị trí sau chót. Khi đang chạy tới gần cánh cổng báo hiệu cuộc đua kết thúc, một người chạy trước tôi tự nhiên quay lại chọc quê: “Cảm giác là người về bét thế nào?”. Tôi hờn, trả lời: “Muốn biết phải không?”… rồi tuyên bố bỏ cuộc.
DU
Bà Tám ở Sài Gòn