Người ta nói, ở Sài Gòn, thứ cần nhất là một chiếc xe. Không có xe cũng như không có đôi chân vậy. Mà chắc người ta chừa tôi ra? Vì hầu hết người quen và bạn bè đều khuyên tôi đừng có lái xe. Mới hôm rồi, có người bạn rao bán lại chiếc xe còn đẹp, giá hời, tôi vô hỏi, nó thẳng thừng: “Mày đi đâu tao chở, đừng có đua đòi!”

Nghệ sĩ ở VN mình chỉ “bay bổng” khi họ không cần chửi khán giả??? – Facebook.com   

Khi người ta tin vào điều gì rồi, thì xui lắm họ mới không tìm ra lý do thích hợp để biện giải. Nói chi, nhưng điều bạn tôi lo lắng đều có cơ sở.

Tâm hồn tôi trên mây nhiều hơn dưới đất, nên ngoài suy nghĩ lung tung, tầm bậy tầm bạ ra thì hầu như tôi không còn nhớ cái gì sâu sắc hơn. Vì vậy, tôi hay lạc đường, dẫu con đường đó tôi đã đi qua hàng trăm lần. Ðó là lý do mà tất cả các người bạn “Việt kiều” ở xa về chơi đều có vinh hạnh dẫn tôi đi thăm thú quê mình và được tôi nhìn bằng ánh mắt ngưỡng mộ, kèm câu cảm thán: “Trời, ở Sài Gòn mấy chục năm mà giờ tao/em/cháu/chị mới biết chỗ này đó!” Lâu lâu cũng có kẻ nghĩ tôi đang nịnh đầm, dầu tôi nói thiệt lòng. Có người bạn ở miệt Miền Tây hay lên Sài Gòn thăm tôi, mỗi lần bạn dẫn tôi đi chơi là mỗi dịp tôi bị chì chiết: “Ðồ thứ nhà quê!”

Buồn lắm, ai nói người Sài Gòn không được “nhà quê” chứ? Ngoài việc quên đường, tôi còn bỏ quên… xe nữa – quán cà phê, quán ăn, siêu thị, nhà bạn là những địa chỉ tin cậy nhất, vì tôi chưa mất xe bao giờ. Và vì hay lạc đường, không nhớ nẻo, lười lưu vào ký ức những nơi từng đi qua, nên mỗi lần tôi xách xe ra, đi đến chỗ hẹn là mỗi lần bạn tôi lo lắng, sợ tôi đi lạc, sợ tiệc tàn mà tôi chưa tới nơi, sợ nửa đường kẹt xe quá – tôi ghé đâu đó nghỉ chân rồi… về, không đi tiếp. Họ sợ không phải vô căn cứ mà do tôi có “tiền án” rồi.

Ngoài việc hay quên đường, quên xe, hay bỏ cuộc nếu đi quá xa… tôi còn có cách biến các công dụng của xe trở nên vô dụng. Ví dụ như cái gương chiếu hậu, công dụng chính của nó là để người lái “soi” đường phía sau, nhưng tôi toàn dùng nó để soi… tôi. Hoặc cái đèn xi-nhan, dùng để báo hiệu bạn quẹo trái hay quẹo phải để người ta biết đường mà… né, tôi không hiểu tại sao, mỗi lần tôi bấm xi-nhan xin rẽ phải thì tôi lại quẹo trái (và ngược lại), dầu không cố ý. Ngoài ra, có cái thắng xe – thứ người ta dùng khi chạy quá nhanh, cần thắng gấp, tôi thì toàn chạy chậm, chưa bao giờ qua 15km/giờ nhưng vẫn luôn dùng nó khi thấy một chiếc xe nào đó còn đang cách mình khoảng… 2 giờ. Ða số các lần tôi muốn thắng xe gấp, tôi lại quên đi cái thắng, vì vậy, tôi dùng… chân – cà xuống mặt đường. Có lẽ đây là lý do tôi không dám đi thi bằng lái xe hơi – muốn thắng xe phải mở cửa (cà chân xuống đường?), khó khăn quá. Trong giới giải trí Việt, có chàng trai kia thi lái xe hơi tới mười mấy lần không đậu, chắc lý do giống như tôi?

Người ta thi bằng lái mười mấy lần chưa đậu, tính ra tôi cũng còn “bình thường” – Google.com

Còn nữa, có lẽ trái đất ngày càng nóng lên, làm con người ta cũng vậy? Nên người điên ra đường ngày một nhiều. Hai mạng người có thể ra đi chỉ vì vô tình quẹt xe nhau, lời qua tiếng lại, rồi đuổi giết nhau “tới bến”. Người đi tìm câu trả lời “mày biết bố mày là ai không?” cũng ngày càng đầy rẫy. Tôi thì nhát gan, bố mình tôi còn không đi tìm, sao tìm giúp ai được. Vì vậy, tôi chọn không chạy xe. Có gì xảy ra, tôi có thể chỉ bàn tay năm ngón kiêu sa về phía bác tài, sau đó nhúc nhích hai cánh môi thường tô son đỏ… đổ thừa, vậy là xong.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Tóm lại, không chỉ bạn tôi mà chính bản thân tôi cũng thấy mình không hợp để lái xe, cũng có thể là hoàn cảnh chưa ép buộc tôi vô “thế” là phải giỏi lái xe chăng?

Rất may cho tôi, tôi đang sống ở thời kỳ mà rất nhiều thứ được sanh ra phục vụ cho nhu cầu làm biếng của nhân loài, con người ta có quyền quên đường, quên xe, quên hết tất cả, chỉ cần nhớ mang theo tiền hoặc mang theo một người có mang theo tiền. Trong đó có các hãng xe công nghệ: tài xế (bị buộc?) lịch sự, khách hàng được biết khoản tiền phải trả trước khi quyết định lên xe… Từ khi có các hãng xe công nghệ, tôi bỏ cho chiếc xe màu hồng xinh đẹp của tôi ra rìa luôn, nhiều người bạn của tôi thì cho rằng nó rất hạnh phúc với sự “ra rìa” đó. Trước kia, tôi cũng hay đi xe ôm, taxi “truyền thống”, nhưng gặp khá nhiều việc không vui: tài xế nói giá “thách”, quá cao so với đoạn đường tôi muốn đi. Tài xế bất lịch sự, không thể mắng vốn ai vì chính họ quản lý họ. Có một lần, tôi bị một chú xe ôm giựt bóp tiền rồi chạy luôn, khi tôi đang lấy tiền trả cho chú ấy. Một số người bạn tôi từng gặp tài xế “xin đểu” khách, lái xe vòng vòng để đồng hồ tính thêm tiền (quả tình, nếu tài xế xài chiêu này thì tôi cũng không nhận ra)…

Dầu xe công nghệ lâu lâu cũng sẽ có rủi ro, nhưng tỷ lệ ít hơn rất nhiều. Ngoài những người khó ưa ra thì có nhiều bác tài làm tốt công việc, phục vụ khách hàng hết mình, như mang theo nước, kẹo cao su, hoặc hỏi khách có cần nghe nhạc hay tắt nhạc, hay đơn giản là mang theo cây dù khi trời mưa – giúp khách không bị ướt… Tôi tin, những người chu đáo như vậy thì dầu làm công việc gì cũng sẽ làm rất tốt, ít nhất cũng tốt hơn một người hậu đậu như tôi, không những hậu đậu trong việc lái xe không thôi, tới việc đặt xe trên điện thoại rất nhẹ nhàng, tôi còn có thể lộn. Không ít lần, tôi đặt điểm đến và điểm đón xe nhầm với nhau, nghĩa là, thay vì đặt xe từ quận 3 đi quận 4, tôi đứng ở quận 3 nhưng book trên app là từ quận 4 đi quận 3. Nhờ vậy, tôi cảm thấy biết ơn đời vì còn nhiều anh tài xế bao dung với tôi sau khi tôi giải thích. Lần gần nhất là cách lúc tôi viết bài này vài tiếng đồng hồ, sau khi biết tôi book nhầm thì anh tài xế đã gọi lại: Em đứng yên đó đi, đang vắng cuốc, anh qua chở em đi luôn. Khỏi hủy chuyến.

MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên là một trong nhiều nghệ sĩ phân tích chữ “nuôi” theo nghĩa đen – Facebook.com

Sau cuốc xe đó, tôi đưa anh gấp đôi số tiền chuyến xe để bù cho công anh đã chạy hai vòng đón tôi, nhưng một hai anh không chịu lấy, anh nói “Em có cố ý đâu”. Nghe vừa rưng rưng nước mắt cảm động, vừa ganh tỵ vì trái tim tôi không bao dung và ấm áp được như anh. Nhìn tôi rối rít cám ơn, anh cười và nói: “Khách hàng là người ơn của mình mà em, mình không thương khách thì khách đâu có chịu đi nữa!” Vì câu này mà tôi đã lưu số anh, chọn anh cho những chuyến đi sau của mình.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Câu “Khách hàng là người ơn” của ảnh hay gì đâu, hơn hẳn mấy cái biểu ngữ vô hồn được treo khắp nơi để nịnh nọt khách. Quan trọng là nó được nói từ một người làm công việc không được xã hội coi trọng nhiều (dầu ai cũng nói không nghề nào “vinh quang” hơn nghề nào, nhưng trong lòng họ đâu có nghĩ vậy!) Trong khi đó, rất nhiều người tự nhận mình là “nghệ sĩ” ở Việt Nam, có tên tuổi, danh vọng, được tiếp xúc với các tầng lớp cao trong xã hội lại đang lôi “khách hàng” của họ ra chửi, bêu riếu, phản bác – Sau khi nghe bà Nguyễn Phương Hằng, vợ ông Dũng “lò vôi” cho rằng “khán giả nuôi nghệ sĩ”. Có tiền được quyền làm phiền thiên hạ? Nên không “nghệ sĩ” nào mắng đích danh bà Phương Hằng, họ lôi các khán giả thấp cổ bé họng ra mắng “phông lông”.

Khi làm nghệ thuật, thì nhà văn nói “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn” (tâm hồn đâu phải cái nhà mà có cửa sổ, cửa chánh?), nhà thơ-nhạc sĩ nói “Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng-tóc em mềm anh chẳng tiếc mùa xuân” (bộ em là thần tiên hay sao mà đa-di-năng vậy?), nghệ sĩ nói chung đều kêu gào: “khán giả là động lực, là hơi thở” mỗi khi bán vé, bán sản phẩm (bộ khán giả là bình ô-xy hay sao?)… Bay bổng là vậy, ngọt ngào là vậy, mà tới khi muốn mắng khán giả thì họ đem chữ “nuôi” trong câu trên ra để tra từ điển, phân tích nghĩa đen (nuôi là cha mẹ nuôi con, cho con ăn…) rồi vặn vẹo, “lên lớp” người đời. Trong khi nghĩa của từ ngữ luôn có nghĩa đen và nghĩa bóng, ai đi học hay không đi học cũng đều hiểu điều này.

“Không được đánh khách hàng”, người làm kinh doanh luôn được dạy như vậy – Facebook.com

Nghệ sĩ hay bất cứ ngành nghề nào hiện nay cũng là kinh doanh thôi. Kẻ kinh doanh hiện vật, người kinh doanh chất xám, nghệ sĩ kinh doanh tài năng, chính quyền kinh doanh trị an… Bởi vậy, người buôn bán mới nói “khách hàng là thượng đế”, người làm chính trị mới nói “lấy dân làm gốc”, “yêu dân như con”… Nghệ sĩ – cho dầu là nhà văn, kịch sĩ, thi sĩ, họa sĩ, diễn sĩ… – đều lấy đề tài từ xã hội làm chất xúc tác cho tác phẩm rồi lại lấy tiền của xã hội nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ của mình. Cớ gì lại chối bỏ một từ “nuôi”?

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Thật ra cũng có những nghệ sĩ không cần khán giả nuôi, như Facebooker Phát Lý viết: “Có một bộ phận nghệ sĩ không cần khán giả nuôi nhưng họ vẫn ung dung làm giàu. Ðó chính là mấy ông đạo diễn chuyên lấy tiền ngân sách để làm nghệ thuật. Ví dụ như ông đạo diễn Thanh Vân lấy hơn 21 tỷ tiền ngân sách để làm bộ phim Sống Cùng Lịch Sử. Khi ra rạp, bộ phim này không có ma nào coi chứ đừng nói tới khán giả là người trần mắt thịt. Bộ phim bán không nổi lấy một vé. Sau khi công chiếu được vài ba ngày thì đơn vị phát hành cho ngưng. Những cuộn phim nhựa Sống Cùng Lịch Sử được đem cất vô viện bảo tàng. Ðây là bộ phim điện ảnh xô đổ mọi kỷ lục phòng vé khắp thế giới vì không thể bán nổi dù chỉ là một vé. Nếu chịu khó Google, thì sẽ thấy ở Việt Nam có hàng trăm bộ phim dạng này. Tức những bộ phim làm ra không cần biết thị hiếu khán giả là gì, cứ có phim là tiền thầy chia nhau bỏ túi. Truyện ngắn Tướng Về Hưu, Những Người Thợ Xẻ… của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp hay bao nhiêu, thì khi chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên dở bấy nhiêu. Nhiều khán giả coi xong hai phim này cay đắng thốt lên: Họ (đạo diễn, biên kịch) phá nát hai truyện ngắn cực hay của “ông vua” truyện ngắn Việt Nam. Với nghệ sĩ dạng này họ làm phim đâu thèm cần khán giả. Cứ vẽ ra càng nhiều “tác phẩm nghệ thuật” thì họ tha hồ rút tiền ngân sách (là tiền thuế của dân) rồi chia chác nhau để làm giàu. Mất dạy ở chỗ, phim thì dở ẹt không có ma nào coi, nhưng khi bị chất vấn thì bọn nghệ sĩ đó lại bảo: “Vì phim nghệ thuật nên kén khán giả!”. Chỉ có ở xứ thiên đường này mới chia ra hai dòng phim, đó là phim nghệ thuật và phim thị trường. Ðiện ảnh, bản chất nó vốn đã là nghệ thuật, vậy thì phim nghệ thuật là phim gì? À biết rồi! Phim nghệ thuật là phim được làm từ tiền thuế của dân và khi ra rạp không có ma nào xem.” – Hết trích.

Ðúng là núi cao, có núi cao hơn, mấy “nghệ sĩ” này còn tệ hơn cả các “nghệ sĩ” giận bà Phương Hằng chém… khán giả ở trên nhỉ? Xem ra, đa số những người sống bằng tiền thuế của dân Việt chính là những kẻ không ra gì nhất ở xứ này.

Cách siêu thị Nhật tại VN chăm sóc khách hàng – Facebook.com

DU