photo dangmyhanh/tre          

Tôi đến chùa Dâu với chút thắc thỏm mong đợi một dấu ấn huyền xưa nào đó về ngôi chùa cổ nhất Việt Nam. Với nhiều người trẻ thì có lẽ thành Đại La, núi Nùng cái rốn rồng của Thăng Long, là rất xưa của Hà Nội cổ. Sự mặc định này khiến nhiều người lầm tưởng ngôi chùa Trấn Quốc hay Khai Quốc trên con đường Cổ Ngư là lâu đời nhất xứ Bắc. Nhưng vết tích tôn giáo xứ Tây Trúc cắm rễ lâu đời nhất ở đất Giao Châu lại là ngôi chùa gần hai nghìn năm tuổi ở Bắc Ninh, cạnh bên thành Luy Lâu mà giờ đã mờ tịt dấu tích chỉ còn lại những gò đồi dợn dợn mấp mô. Cái tên dân gian “chùa Dâu” vì con sông Dâu nước còn chảy mạn chùa, giờ có tìm đỏ mắt cũng chẳng thể thấy được vết tích của dòng sông này.

Đó là thời kỳ nhà Hán, khi Sĩ Nhiếp làm thái thú Luy Lâu, thủ phủ đất Giao Chỉ

photo dangmyhanh/tre

Với chút háo hức tìm đến đây, tôi mong gặp những tàng kinh các chứa những pho sách cổ, những biệt điện thờ Phật mang dấu tích xưa như kỳ vọng là trung tâm Phật giáo Luy Lâu, chùa tổ lâu đời nhất đất Việt. Ngược lại với những thán ngữ ca ngợi, những huyền tích của Pháp Vân tự chỉ còn là quá khứ, chẳng còn nhiều ấn tượng mong đợi với một vãng khách như tôi. Cũ nhất và riêng biệt có lẽ là ngôi tháp Hòa Phong vuông vức lừng lững như một pháo đài nhỏ giữa sân chùa. Một di tích chỉ còn lại duy nhất bên ngoài tháp của thời Giao Chỉ là một con cừu đá Ấn Độ được các đệ tử của sư Khâu đà la đem sang từ thế kỷ thứ 3.

Đứng giữa những mảng tường gạch nung già lửa, ngước nhìn cặp chuông khánh đồng cổ neo trên gác vọng… hình tượng của các nữ thiên vương trong căn tháp cổ gợi trong tôi cái dấu tích của chế độ mẫu hệ ở đất Luy Lâu – cái thời chẳng cách xa Hai Bà Trưng là bao.

photo dangmyhanh/tre

Lần đầu mới cận mặt nhìn thấy những ông vua Địa phủ, những nhân vật luôn xuất hiện trên tờ tiền âm phủ. Chân trần bước trên sàn gạch đỏ ẩm lạnh, cái thâm u tịch mịch bao quanh bởi những bức tượng thờ trầm màu Phật mẫu Man nương, Kim đồng, Ngọc nữ… Đây là ngôi chùa đầu tiên có dấu tích tiền Phật hậu Mẫu.

photo dangmyhanh/tre

Vốn chỉ là một vãng khách với tôn giáo nên tôi chẳng mấy hiểu về luật giáo của nhà Phật. Chợt đến đây vào mùa hạ lạp, chùa Dâu trở thành trú xứ của một tăng đoàn. Tôi nhìn quanh chỉ thấy toàn các ni sư, sư cô mà không một bóng nam tăng. Mới biết đây là pháp An cư kiết hạ hàng năm của đạo Bụt. Một truyền thống thiết yếu trong pháp tu hành. Có đi hạ nhiều thì lên tuổi tăng, hay còn gọi là tuổi hạ. Ví như Thượng tọa cần 20 năm tuổi hạ, Hòa thượng thì 40 năm tuổi hạ.

photo dangmyhanh/tre

Sắc phục của các ni thì giống nhau khiến tôi thật khó mà phân thứ bậc và tuổi của các ni, ai là sư cô, ni sư, còn ai chỉ là tỳ kheo ni mới thọ giáo. Ở trú xứ này có cả ni sư giọng Sài Gòn, hỏi ra mới biết ni sư ra Bắc trụ trì đã lâu. Tôi nhìn dưới lớp áo cà sa không chỉ những đôi giày vải bệt, lại có cả đôi giày bít mũi đế cao. Nhìn những ni sư má hây, chúm chím che miệng cười “xấu hổ lắm” trước ống kính… Chẳng hiểu sao, tôi lại thấy tiếc! Cái tuổi đời còn quá trẻ đã sớm dứt duyên trần nơi cửa chùa.

photo dangmyhanh/tre

Kinh thư viết bằng Hán nôm, lời tụng, nhịp trống, tiếng phèng la có lúc lên cao trào dậy khắp sân chùa. Chùa chiền xưa kia, nơi gìn giữ kinh kệ, nhiều khi là chốn duy nhất trong vùng để cầu học chữ nghĩa.

photo dangmyhanh/tre

Một chị người làng Nôm chỉ cho tôi về một ngôi chùa cổ khác ở đất Hưng Yên kề bên. Một ngôi chùa được lập ra bởi một sư ông chùa Dâu. Từ chùa Dâu chỉ băng qua lăng Sĩ Nhiếp, cánh đồng Quán Tranh là đến Linh thông cổ tự. Ngôi chùa nằm giữa đồi thông mà giờ chẳng thấy một bóng thông nào. Phải thừa nhận rằng, chùa Nôm còn giữ nguyên được nét hoang sơ, trầm mặc so với những ngôi chùa liên tục được “trùng tu”.

photo dangmyhanh/tre

Ở những ngôi chùa “tâm linh đời mới” thì chẳng thể thấy được cái bể nước mốc rêu, nơi các thầy, vãi hàng ngày rửa bình thay hoa tươi. Cái khí hậu nhiệt đới gió mùa khiến mọi di tích dễ phong hóa.

photo dangmyhanh/tre

Dù chẳng để tâm nhưng tiếng cầu khấn van vỉ, ỉ ôi của vị thí chủ độc chiếm gian điện thờ này khá ư “đậm hồng trần”. Rồi mõ dừng, chuông lặng…, vị Phật tử vẫn ngồi xếp chân chữ bát mà giở iPhone lướt Facebook, Zalo. Âu cũng là thời của công nghệ, khi nhịp sống hiện đại đã xâm nhập nơi thâm u, trầm tịch cửa Phật.

photo dangmyhanh/tre

Cũng vẫn là Linh thông cổ tự, với phiên bản cơi nới cầu đá, ao sen và đôi vọng lâu ba tầng uy nghi. Đáng ghi nhận là vị sư Huệ trụ trì chùa Nôm vẫn giữ nguyên ngôi chùa cổ nguyên thủy chứ không trùng tu.  Những ngôi tượng đất, những bức hoành phi… vẫn được gìn giữ từ thuở lập chùa.

photo dangmyhanh/tre

128 pho tượng đất sét nguyên thủy, chùa Nôm ấn tượng bởi bộ tượng đất sét xưa và nhiều nhất Việt Nam. Hình thái của các bức tượng khá đa dạng và thú vị, chẳng phải những bức tượng ngồi phỗng trên điện thờ. Vị tướng quân râu bạc gảy đàn nguyệt đã khiến tôi muốn dừng lại cho một khoảnh khắc lưu niệm.