Con ngõ khuất trên bán đảo Ngũ Xã chẳng mấy người Hà Nội biết đến, một ngôi nhà cổ tuềnh toàng, tường vôi thô, mái ngói cấp bốn… và những món ăn giả lập bao cấp. Lịch sử thì chẳng mãi đứng yên, cái góc nhỏ trên phố Nam Tràng tĩnh tờ như một tổ tò vò ký ức. Và tôi vẫn chỉ là người bên ngoài cố hiểu cái hoài niệm về một giai đoạn tù đọng nhất của xứ sở Bắc kỳ.

Cái quầy “Tổ phục vụ” bán đủ các thứ từ đồ ăn đến cả nước sôi. Những nét chữ nguệch ngoạc của thời đói vàng mặt, ai nấy không bủng thì mỏng cơm như tờ giấy pơ-luya. Chất đốt dầu hỏa, nhiên liệu duy nhất để thắp đèn mỗi tối và cho cái bếp men Thăng Long hoen rỉ cũng bị định mức ngặt nghèo. “Ở đây có bán nước sôi” theo từng phích, đơn giản chỉ để tiết kiệm cái thứ dầu đốt đã dần cạn trong can.

Bìa tuyển tập Mác-Lê từng làm menu cho chuỗi Cộng café, còn “Sổ mua Lương thực Thực phẩm” lại là thực đơn ở cái chốn Mậu dịch này. “Mặt nghệt như mất sổ gạo” là minh chứng thất bại nhất của những thập niên đói rách. Và cả mớ tem phiếu, thực thể đồng đẳng với cái sổ lương thực. Miếng ăn, mức thấp nhất của nhu cầu sinh tồn, trở thành cái giày vò dai dẳng thường ngày.

Một hiện thực rất phi thực – với không ít người chỉ cần một mảnh vụn ký ức như cái sổ gạo, tập tem phiếu kia, chiếc điện thoại bàn cũ rích, hay chiếc radio sóng SW nghe được “đài địch”… thì một thước phim xám xịt choán đầy tâm trí.

Cái sự tích trữ của quán Mậu dịch đậm nét tư duy thời bao cấp. Đồ đồng nát không bao giờ được vứt đi, chúng được chất đống hỗn độn, nồi thủng được trám lại, ấm nhôm, hay đôi gò nhựa sút quai sẽ được hàn gắn… Nhà nào ở Hà Nội cũng có cái góc bẩn thỉu để chứa đủ mọi thứ nhếch nhác chờ tái sinh, tái sử dụng, hay bán đi. Mâm đồng, chậu men lớn, quạt tai voi, cái bếp dầu, bình bi đông… những thứ quá thiết yếu mà tôi chẳng ngờ phải cần tem phiếu hay giấy giới thiệu từ “trên” cấp cho mới có được.

Chiếc đồng hồ nhà Ga “Compagnie des Grands Express Francais” ở góc tường là thứ duy nhất có tuổi hơn đống đồng nát xếp hàng trên kệ.

Bao cấp giờ thành cao cấp – 500 nghìn một “mâm cơm bao cấp” kèm phiếu mua thực phẩm loại B1. Khẩu phần hơn hẳn tiêu chuẩn cũ, mỗi người 1 lạng rưỡi thịt/tháng. Cơm độn khoai sắn, dưa xào tóp mỡ, rau lang sốt mậu dịch, canh cua tập tàng với cà muối, cùng đĩa men đậu tẩm hành. Bát canh tập tàng hổ lốn thời kinh tế kế hoạch gồm những loại rau mót ở mương máng, ven ao… như dền, đọt dâu, đọt lang, hay sam đắng v.v. Cơm độn chẳng dễ nuốt vừa nát vừa sượng, canh tập tàng cọng cứng cọng mềm. Chỉ món dưa xào tóp mỡ, và đậu tẩm hành thì hợp với con chiên đậu hủ như tôi. Suất protein chính của mâm cơm bao cấp là thố thịt kho trám được “Tổ phục vụ” mang lên sau. Cái thứ quả trám chan chát, đồ ăn vặt của lũ học trò trước cổng trường, giờ chỉ mọc ở vùng đồi.

Hậu cảnh là ba chiếc gạc-măng-jê cổ lỗ bợn bồ hóng, những cái chạn ba tầng theo “tiêu chuẩn Nhà nước”. Góc xó, cái mâm đồng vun đầy bí đỏ, món khoái khẩu của dân Tây lông lưu trú apartment quanh bán đảo hồ Trúc Bạch.

Thuốc lá Sông Cầu, Bông Sen sắp lớp trong hộp kính. Gian ngoài của quán Mậu dịch bày đủ những thứ đồ mà đại gia đất Bắc thời ấy mới sở hữu được, hộ trung lưu hiếm khi có hơn ba bốn món đồ. “Cán bộ cấp trung” thì đôi “gò” nhựa Tiền phong quai hậu có khuy nhôm, quạt con cóc, đài giắt lưng – dân “xuất khẩu lao động” sang Nga thì bếp điện, phích đá Temet từ Liên xô – nhóm thủy thủ viễn dương thì TV Sanyo vỏ đỏ, đầu AKAI… Chiếc TV “Na-xi-ô-nan” (National) có màn kéo, chiến lợi phẩm của “bộ đội” rinh từ Sài Gòn đem ra Bắc, là của hiếm mà tay bạn kể “chỉ có một nhà trong khu” đem từ dưới vĩ tuyến 17 ra.

Mươi phút trước, một ông thực khách lên tông giọng Sài Gòn, “Cái thời cực chết mẹ, ai muốn giữ làm gì!” Lập cập rút từ ví cái “thẻ thương binh”, ông lính già tập kết mắc lỡm bởi cái biển “Ưu tiên thẻ thương binh” chình ình… nhưng chỉ để làm màu!

Thực khách Hàn thì thích Food Porn, nhưng có lẽ chẳng bao giờ mường tượng được cái món “Phở không người lái với Cơm nguội” trong menu. Tem vải, tem chất đốt, phiếu mua pin, phiếu mua phụ tùng xe đạp và cả phiếu thực phẩm hạng A của những cán bộ  “ăn gà Tôn Đản” được sưu tập trịnh trọng trong mấy cái tủ âm tường. Đằng sau cái cân mậu dịch mang vẻ trịch thượng là hình ảnh của các mụ mậu dịch viên – hot girl thứ thiệt của thời bao cấp, chỉ cánh đi Nga bằng đỏ Lomonosov hay quân hàm cấp tá mới dạn miệng.

Xong mâm cơm bao cấp, tôi tiễn biệt cái thời xóm giềng soi mói nhau đến mức giết gà phải buộc mỏ, đổ rác phải giấu xương. “Ở đây tai vách mạch rừng / Những điều bí mật xin đừng nói ra!”

Tôi ngồi vậy thôi, chứ chẳng phải xếp hàng, đặt gạch, cầm tem phiếu. Nhưng ăn cơm Mậu dịch thì phải có giờ.