Trong cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc do chính quyền Donald Trump phát động trong nhiệm kỳ đầu (2016-20), Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất về kinh tế nhờ vị trí địa lý và trở thành thỏi nam châm thu hút các công ty sản xuất Trung Quốc lúc đó đang loay hoay tìm kiếm cơ sở sản xuất ở ngoại quốc để dùng làm cửa hậu vận chuyển hàng hóa của họ đến Hoa Kỳ mà không phải chịu mức thuế cao.
Nhưng nay, trong khi chính phủ Donald Trump sắp sửa trở lại cầm quyền và chuẩn bị cho những trận chiến thương mại mới, Trump và đội ngũ cố vấn của ông đang đưa ra tín hiệu ngụ ý rằng họ sẽ tìm cách đóng lại cánh cửa hậu này.
Quyết định này nếu được thực hiện sẽ gây nhiều tổn hại đến nền kinh tế mặc dù còn tương đối nhỏ nhưng đang phát triển rất nhanh của Việt Nam và có khả năng sẽ khiến giá cả tăng cao đối với người tiêu dùng Hoa Kỳ mua hàng hóa “Made in Vietnam” và ảnh hưởng luôn cả các công ty Hoa Kỳ có đặt mua hàng từ các nhà máy sản xuất của Việt Nam. Kể từ khi ông Trump áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc cách đây 6 năm, kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 8% mỗi năm, được thúc đẩy bởi nhiều nguồn vốn đầu tư ngoại quốc đổ vào và việc xuất cảng hàng hóa sang Hoa Kỳ tăng mạnh.
Hiện nay, Việt Nam là quốc gia cung cấp một phần ba số giày thể thao, một nửa số giường gỗ và bàn ăn, và một phần tư số pin quang điện (solar cells) mà Hoa Kỳ nhập cảng.
Ngoài khu vực Hà Nội, các tỉnh phía bắc trước đây từng là những nơi bình lặng thì nay trở thành những trung tâm sản xuất hàng xuất cảng, với những ruộng lúa nhường chỗ cho các nhà máy trị giá hàng tỷ Mỹ kim – nơi các công nhân Việt Nam lắp ráp điện thoại thông minh và chất bán dẫn. Các công ty Hoa Kỳ có nhiều nhà máy sản xuất tại Việt Nam hiện nay bao gồm Apple, Nike và Gap.
Cửa hậu Việt Nam
Nhưng vào tháng 5 vừa qua, Jamieson Greer, người được ông Trump đề cử làm đại diện thương mại Hoa Kỳ, cho biết Hoa Kỳ cần phải thắt chặt các quy tắc thương mại để ngăn chặn những lỗ hổng mà ông mô tả là “giải pháp cửa hậu qua quốc gia thứ ba”, trong đó hàng hóa có chứa nhiều bộ phận của Trung Quốc hoặc được sản xuất tại một quốc gia thứ ba bởi một công ty con trực thuộc công ty mẹ Trung Quốc và sau đó nhập vào Hoa Kỳ mà không phải đối mặt với mức thuế quan cao như khi chúng được nhập trực tiếp từ Trung Quốc. Mặc dù ông Greer không nêu tên cụ thể, Việt Nam và Mexico nằm trong số những quốc gia mà các công ty Trung Quốc đã xây dựng được đầu cầu vào thị trường Hoa Kỳ.
Việt Nam cũng là mục tiêu thương mại của chính quyền Hoa Kỳ sắp tới qua những hình thức khác. Tổng thống đắc cử Donald Trump có đưa ra ý tưởng đánh thuế đối với tất cả hàng nhập cảng vào Hoa Kỳ và nói về chính sách tạo áp lực để các quốc gia phải thu hẹp khoảng cách thương mại với Hoa Kỳ.
Hàng sản xuất và xuất cảng
Việt Nam xuất cảng sang Hoa Kỳ gấp 9 lần so với lượng hàng nhập cảng từ quốc gia này, đứng thứ tư sau Trung Quốc, Mexico và Liên minh châu Âu về thâm hụt thương mại song phương lớn nhất của Hoa Kỳ. Năm 2019, ông Trump nói Việt Nam là “quốc gia lạm dụng tồi tệ nhất” về thương mại, một cáo buộc mà Hà Nội phủ nhận.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế ở Việt Nam cho rằng việc ông Trump tập trung đánh vào Trung Quốc và Mexico sẽ cho phép Việt Nam hoạt động mà không bị chú ý, cuối cùng sẽ thúc đẩy thêm đầu tư nước ngoài nhiều hơn vào Việt Nam. Và bất kỳ mức thuế mới nào đánh vào hàng hóa Việt Nam có thể vẫn sẽ thấp hơn mức thuế mà ông Trump áp dụng đối với Trung Quốc, và điều này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục duy trì được lợi thế cạnh tranh trong những năm tới.
Đặc biệt là đối với một số công ty kỹ thuật, Việt Nam vẫn còn là điểm thu hút. Như đại công ty làm chip Nvidia của Hoa Kỳ cho biết hồi đầu tháng 12 rằng họ đang có kế hoạch mở một trung tâm nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.
Samsung, một đại công ty điện tử khác của Nam Hàn đã đầu tư hơn $22 tỷ vào Việt Nam, gần đây cũng đã đồng ý xây dựng một nhà máy mới trị giá $1.8 tỷ để sản xuất màn hình diode.
Công ty Apple có khoảng 35 nhà máy cung cấp đang sản xuất tại Việt Nam, gấp 3 lần số nhà máy mà họ có trước khi cuộc chiến thương mại bắt đầu. Apple đã bắt đầu chuyển một phần chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc trong mấy năm gần đây, và hiện đang lắp ráp các sản phẩm như iPad, MacBook và thiết bị tai nghe của họ tại quốc gia Đông Nam Á này.
Sự thành công của Việt Nam trong việc đi hàng đôi trong mối quan hệ thương mại với Hoa Kỳ và Trung Quốc là nhờ Việt Nam có hai lợi điểm: dân số và địa lý thuận lợi. Hiện nay dân số Việt Nam là 98 triệu người với một lực lượng lao động trẻ và giá rẻ, vị trí sát biên giới với Trung Quốc cho phép việc vận chuyển dễ dàng các vật liệu và đồ phụ tùng từ Trung Quốc đến các nhà máy sản xuất. Việt Nam cũng tỏ ra uyển chuyển về mặt ngoại giao trong các giao dịch với Washington và Bắc Kinh – một chính sách ngoại giao mà ông Nguyễn Phú Trọng gọi là “ngoại giao cây tre”, hay nói cách khác là đu dây – không nghiêng hẳn về bên nào, cứ đứng lưng chừng ở giữa kiểu ngư ông hưởng lợi.
Các nguồn đầu tư
Kể từ khi nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump bắt đầu vào năm 2017, Việt Nam đã thu hút được gần $290 tỷ đầu tư nước ngoài, gần bằng số tiền đầu tư họ nhận được trong hai thập niên trước đó. Nam Hàn và Nhật Bản là những quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, nhưng Trung Quốc cũng đã nhanh chóng bắt kịp. Trung Quốc và Hồng Kông đã đầu tư khoảng $54 tỷ trong cùng thời kỳ, gấp 10 lần so với các công ty của Hoa Kỳ.
Singapore là một quốc gia đầu tư lớn khác, bơm vào khoảng $58 tỷ trong cùng thời kỳ. Dữ liệu hồ sơ cho thấy có một số khoản đầu tư là từ Singapore nhưng rất có thể có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo hồ sơ chứng khoán, các công ty sản xuất Trung Quốc thường thành lập các công ty con tại Singapore hoặc Hồng Kông để chuyển tiền đầu tư vào Việt Nam, chủ yếu là để giảm thiểu thuế.
Tuy nhiên, cũng đã có một số dấu hiệu cho thấy một số nguồn đầu tư bắt đầu tỏ ra thận trọng. Kể từ khi ông Trump đắc cử, một số công ty sản xuất thiết bị điện tử Đài Loan bắt đầu xem xét lại các khoản đầu tư mới của họ có thể đưa vào Việt Nam, vì lo ngại rằng chính quyền Trump sẽ áp thuế đối với hàng xuất cảng của Việt Nam hoặc trừng phạt Việt Nam vì các cáo buộc vi phạm thương mại khác.
Vấn đề của Việt Nam
Việt Nam lâu nay cũng gặp vấn đề về tham nhũng và thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề giỏi. Và vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các đồ phụ tùng và vật liệu nhập từ Trung Quốc. Việc thiếu nguồn cung cấp đồ phụ tùng ngay ở trong nước đã khiến một số công ty tìm đến các nước láng giềng trong vùng như Thái Lan, nơi có nhiều nguyên liệu thô sản xuất ngay tại địa phương hơn.
Trước đây từng có nhiều bản tin nói đến việc một số công ty Trung Quốc sử dụng Việt Nam như cửa hậu để dán nhãn “Made in Vietnam” và sau đó xuất cảng sang Hoa Kỳ. Chính phủ Hoa Kỳ cũng biết chuyện này nhưng họ làm ngơ. Với nhiều quyết tâm hơn của chính quyền Trump trong nhiệm kỳ mới, nếu Việt Nam không giải quyết vấn đề cửa hậu hoặc không minh bạch hơn về các mặt hàng xuất cảng thì không khéo lần này lại mất cả chì lẫn chài.
VH