Năm 1961, gia đình ngoại tôi ở Quảng Ngãi, bên trong Cống Kiểu, gần một dãy nhà cho thuê của người bà con từ Huế, trong đó có một căn để tấm bảng lớn “Việt Nam Quốc Dân Ðảng” trước cửa. Căn nhà vắng tanh, lâu lâu có ông đi xe Vespa, mặc đồ ka ki đen, nón vải đen, khăn choàng cổ màu đỏ, đeo súng Colt, ghé vô một lúc rồi khóa cửa, đi.

Tôi để ý vì ông quá mập, chiếc Vespa như món đồ chơi dưới cái mông lớn.

– Ông T mỡ! Ðại úy QDÐ (Quốc Dân Ðảng)

Cậu tôi, sĩ quan Cảnh sát (cựu trung úy QDÐ), nói.

Một tuần sau, đang học bài buổi tối, bỗng có tiếng nổ rất gần, tôi chạy ra thấy lửa cháy trong văn phòng QDÐ, mọi người lăng xăng, tôi thấy ông T mỡ chạy thục mạng.

Sáng hôm sau, cậu nói nhỏ với tôi:

– Ông Thuận có võ Sumo, hồi đó ba ổng to con, đi lính thủy cho Pháp, học được món Sumo này ở Nhật, rồi dạy cho. Tối hôm qua T mỡ rượt theo, hạ đo ván người ném lựu đạn vô văn phòng QDÐ.

Tôi thường nghĩ mấy người mập phệ, như ông T mỡ, rất chậm, không ngờ ông có thể chạy theo hạ gục được tay ném lựu đạn, và đây cũng là lần đầu tiên tôi nghe đến “võ Sumo”.

nguồn wikimedia

o O o

Thầy V (nhị đẳng Kodokan), mập, to con như Sumo, là huấn luyện viên của tôi. Tôi thường ghé chơi nhà thầy, nghe thầy kể chuyện võ học của Nhật. Một hôm, tôi tò mò hỏi về Sumo:

– Có phải Sumo là môn vật truyền thống của Nhật, thường cho các người to con, mập… như thầy?

Ông giải thích:

– Mới nhìn, thì Sumo chả có gì, ngoài chuyện mấy tay mập ú to lớn, mặc quần lót kiểu Nhật giống như con nít mang tã, đẩy tới, đẩy lui trên sàn đấu nhỏ hẹp, đấu thủ này ra đòn tay, hoặc đòn chân bằng mọi sức lực quật té, hoặc đẩy rớt đối thủ khỏi sàn trong vòng vài giây, rất mạnh bạo.

– Nhưng lễ ra mắt trận đấu theo kiểu truyền thống dài lê thê không khác gì cúng Ðình ở mấy làng quê của mình.

Xem thêm:   Chuyện xứ Mỹ của tôi

Thầy V cười:

– Tìm hiểu sâu hơn một chút, em sẽ thấy đây là môn thể thao rất kỹ thuật, có bề dày lịch sử với các tay đô vật tập luyện rất khắt khe để chứng minh được sức mạnh của mình, khi trúng đòn, địch thủ sẽ bị hạ trong chớp mắt. Vì vậy mà trận tỉ thí với cả chục võ sĩ Sumo chỉ trong vòng vài phút!

Trận đấu Sumo lớn tại Tokyo. Nguồn. en.japantravel.com

Nguồn gốc của Sumo được cho là từ điệu múa theo nghi lễ Thần Ðạo, nơi mà các người đàn ông phô trương sức mạnh của mình trước tượng Kami (Thần, hoặc linh hồn) như một biểu hiện của lòng tôn kính và biết ơn vì đã ban cho vụ mùa bội thu.

Sumo là cách để đọ sức và xác nhận những tay võ sĩ xuất sắc trong chiến đấu tay không. Cho đến thời Edo, các võ sĩ đấu vật chuyên nghiệp Sumo mới xuất hiện và thường xảy ra những trận tỉ thí.

Các võ sĩ Sumo to lớn, dềnh dàng bắt đầu có vị thế như các người nổi tiếng trong nghệ thuật và sự nổi tiếng này lan rộng ra xã hội, trở thành môn võ thể thao đấu vật như hôm nay.

Bên Nhật, những võ sĩ Sumo được gọi là rikishi (theo chữ kanji, có nghĩa là “sức mạnh” và “chiến sĩ”). Có khoảng 600 rikishi trong 6 đẳng cấp của Sumo: Maku-uchi, Juryo, Makushita, Sandame, Jonidan, và Jonokuchi. Giới truyền thông đặc biệt chú ý đến những cuộc tỉ đấu của hạng Maku-uchi. Thông thường, mỗi năm có 6 trận hon-basho, tổ chức vào các tháng lẻ, mỗi trận kéo dài 15 ngày. Tính tới năm 2015, chỉ có 71 yokozuna (hạng nhất) trong lịch sử của môn thể thao này, cho thấy, Sumo rất khó lên chức.

Ðược biết, phần nghi lễ thi đấu của bộ môn này rất độc đáo, cũng hấp dẫn không thua gì các trận đấu.

– Từ đầu lễ thầy ngủ…

Trọng tài và 2 võ sĩ Sumo. Nguồn. Wikimedia

Thầy V cười:

Xem thêm:   Trên lưng trời

– Vì các nghi lễ truyền thống xa xưa rất khó hiểu, nhất là những điệu bộ, động tác của người Nhật… nên ngủ tới cuối lễ, khi võ sĩ  thi đấu đầu tiên thét tiếng” Kiaiiii”, thầy tỉnh, coi đấu!

Một ngày, trước các cuộc thi đấu lớn, sàn thi đấu (Dohyo) được làm bằng đất sét nện, đường kính 4.55m, phải được dọn sạch để cầu nguyện cho sự an toàn của các đấu sĩ Sumo. Họ bỏ muối, gạo vo sạch, hạt dẻ khô, tảo khô, mực khô và quả đậu khô vô một lỗ nhỏ, được khoét giữa sàn đấu để cúng các thần.

Mỗi trận đấu đều bắt đầu với lễ nghi cổ truyền gọi là dohyo-iri, các rikishi đứng ngoài vòng tròn của sàn đấu, mặc mawashi (khố lụa). Các võ sĩ bước vô sàn đấu từ hướng Ðông và Tây, võ sĩ bên hướng Ðông vô trước, họ hành lễ shiko, Các động tác giống như làm nóng người trước khi đấu: vỗ tay mạnh để kêu gọi thần linh chú ý, đưa 2 tay lên trời để chứng minh mình không có vũ khí, giậm chân và đưa chân lên để đè nát vong linh xấu xa còn lảng vảng đâu đó.

Sau khi hành lễ, các đấu thủ rời khỏi sàn đấu và tự vệ sinh. Nghi thức đầu tiên là chikara-mizu (nước tăng lực) mỗi rikishi nhận bình nước từ đấu thủ mà anh đã đánh bại lần rồi, anh súc miệng, rửa mặt, sau đó trước khi bước vô sàn đấu anh quăng một nắm muối tẩy trùng (Kiyome-no-shio).  Khi trọng tài ra hiệu bắt đầu đánh, võ sĩ phải cúi mình sau một vạch trắng ở phân nửa sàn đấu. Cuộc chiến chỉ bắt đầu sau khi rikishi cúi xuống nắm chặt tay trên mặt sàn đấu. Bởi các võ sĩ tự quyết định khởi đầu trận đấu, nên giây phút trước khi họ đụng tay xuống sàn làm khán giả nghẹt thở. Võ sĩ thường cúi xuống trong vài giây, quan sát hành động của đối thủ, đứng dậy và bắt đầu. Vì vậy, trước khi lâm trận, võ sĩ làm cho khán giả rất căng thẳng.

Tục ném gạo khi vào sân đấu Sumo. Nguồn. Firstpost

Thầy V. bước tới tủ, chỉ tấm hình thầy chụp với một võ sĩ Sumo to lớn, nói:

Xem thêm:   Đông dược

– Rikishi nhẹ nhất là 150 kg, nhưng đa số rất bự con, cỡ 200 kg tới 250 kg. Những người khi còn nhỏ đã to lớn mới học và được huấn luyện Sumo, mập cỡ thầy không ăn thua gì. Ðây là người bạn của thầy, ổng nặng 200 kg, thuộc loại Sumo nổi tiếng thời đó.

Thông thường, các cuộc thi đấu bắt đầu bằng các võ sĩ hạng thấp, tới trung bình và cuối cùng là hạng maku-uchi.

Võ Sumo có tất cả 82 đòn đánh gọi là Kimari-te (đòn quyết định) để võ sĩ Sumo hạ đo ván đối thủ (đòn đẩy, chụp cổ ném, đòn tay, đòn chân, vai và hông). Ðược biết, thể lệ thi đấu rất đơn giản: bất cứ phần nào của cơ thể (trừ đôi chân), chạm sàn đấu hoặc bị đẩy ra khỏi vòng tròn của sàn đấu, là coi như tiêu, trận đấu chấm dứt và địch thủ đã thua. Khi đấu, cấm tiệt các trò: kéo tóc, cắn, chọt vô mắt, đánh bằng nắm tay (tát thì được), bóp cổ làm nghẹt thở, chụp vô đáy khố (tấn công vô “chim”) của đối thủ.

Thầy V nói tiếp:

– Thật thiếu sót khi viết về Sumo mà không nói đến dinh dưỡng và thực phẩm đặc biệt của họ. Mỗi bữa ăn của họ, đủ cho người thường ăn 2, 3 ngày! Ðó là món chanko-nabe, một loại thịt hầm rất giàu chất đạm gồm có cá, thịt và rau nấu trong nước súp gà được làm đặc biệt để giúp võ sĩ Sumo tăng sức nặng, vì với Sumo, càng to con, càng nặng ký, càng ngon cơm, dễ lấy thịt đè người. Hiện nay, võ sĩ Sumo nặng nhất là một đô vật người Nga, Orora Satoshi, cân nặng 271 kg.

Võ sĩ Sumo bị quật ngã. Nguồn. earthtrekkers.com

Tôi hỏi:

– Thầy ăn chưa? Ngon hông?

Thầy V cười:

– Bạn thầy mời ăn rồi. Em nghĩ rằng trong một tô lớn bằng thau rửa mặt, có món phở bò tái bỏ thêm giò heo và miếng cá thu, tôm biển cùng xà lách, bắp cải, cà rốt… Có ngon không?

Thầy V cười ha hả, tôi cười theo.

Tô xe lửa chanko-nabe. Nguồn. Pinterest

TT

(Nguồn. japanistry.com)