Khi bóng bàn chính thức được đưa vào tranh tài tại Olympic Seoul 1988. Các đấu thủ Trung Quốc làm mưa làm gió suốt nhiều thập niên. Những quốc gia muốn có đội bóng bàn hầu hết đều “mua” huấn luyện viên lẫn các tay vợt Trung Quốc ! Tình hình hiện nay đã đổi khác, hầu hết tuyển thủ bóng bàn các quốc gia đều là người bản xứ, chơi bóng điệu nghệ không kém bất kỳ danh thủ nào…

Nguồn ảnh: www.customtabletennis.co.uk | ALFREDO OTTONELLO 

Lịch sử bóng bàn

Môn bóng bàn (hay ping pong) khởi nguồn từ Anh, do David Foster nghĩ ra năm 1890 và trở nên phổ biến khi công ty J. Jaques & Son Ltd của Anh mua bản quyền vào năm 1901. Sau đó, giải vô địch thế giới không chính thức được tổ chức vào năm 1901 và năm 1902.

Năm 1926 thì Liên đoàn bóng bàn quốc tế (ITTF: International Table Tennis Federation) được thành lập. Luân Ðôn (Anh quốc) là nơi tổ chức Giải vô địch bóng bàn thế giới đầu tiên.

Năm 1930 bóng bàn được người Anh mang sang Trung Quốc và phát triển như vũ bão vào năm 1950 khi Mao Trạch Ðông  tuyên bố đây là môn thể thao quốc gia, thời đó bóng bàn gần như là môn thể thao duy nhất ở Trung Quốc.  Ðối với Mao, trò chơi này rẻ tiền, không cần dụng cụ lỉnh kỉnh và diện tích khiêm tốn.

Một thuở vàng son

Số người hâm mộ bóng bàn ở Trung Quốc trên 300 triệu, gần bằng dân số nước Mỹ, người ta ước tính có 85 triệu người ghi danh tại các câu lạc bộ bóng bàn, trong đó khoảng 10 triệu chuyên nghiệp.

Xem thêm:   Nị ăn cơm chưa?

Cả Trung Quốc phát cuồng khi tay vợt Rong Guotuan giành chức vô địch bóng bàn thế giới năm 1959. Mao tuyên dương chiến thắng này là một “vũ khí hạch tâm tinh thần”. Các huấn luyện viên TQ được lệnh lùng sục khắp đất nước để săn tìm tài năng.

Thời 1980, các tuyển thủ bóng bàn quốc gia của Trung Quốc rực rỡ hào quang hơn cả những siêu sao ca nhạc phương Tây, nhà cao cửa rộng, sắm được xe hơi và tiền bạc lẻng kẻng. Thu nhập hơn $100,000/năm trong khi bình quân người TQ thời đó kiếm chừng $12/tháng.

Kể từ đó, không có môn thể thao nào thống trị thế giới như Trung Quốc thống trị bóng bàn. Người ta gọi giải bóng bàn là “Super Bowl” của Trung Quốc.

Thế giới rục rịch

Phong trào chơi bóng bàn trên thế giới mỗi ngày một lớn mạnh. Hiện nay môn bóng bàn có khoảng 1 tỉ người hâm mộ, ngang hàng với bóng rổ, bóng chuyền và quần vợt.

Trung Quốc giữ danh hiệu “độc cô cầu bại” trong nhiều thập kỷ, thì một sự kiện bất ngờ xảy ra vào năm 1989. Thụy Ðiển với dân số chưa bằng 1% Trung Quốc, dưới dẫn dắt bởi Jan-Ove bất ngờ đánh bại Trung Quốc 5-0. Cả nước TQ choáng váng, một thế hệ đấu thủ mới được TQ cấp tốc đào tạo. Liu Guoliang là một sản phẩm hoàn hảo! Năm 1990, Liu đã khôi phục lại các danh hiệu thế giới và Olympic cho TQ.

Tuy nhiên Châu Âu và thế giới dần dần bắt kịp, các đệ nhất cao thủ TQ như Fan Zhendong, Ma Long, Xu Xin toát mồ hôi hột, chật vật giành giật từng điểm với các cây vợt Châu Âu, có thể kể đến như: Falck Mattias (Thụy Ðiển); Kristian Karlsson (Thụy Ðiển);  Timo Boll (Ðức); Ovtcharov  Dimitrij (Ðức); Lebrun Felix (Pháp) .

Jan-ove Waldner (Thụy Điển). nguồn ảnh: newsinterpretation.com

Chia năm xẻ bảy

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng (kỳ 2)

Mặc dầu thứ hạng cao nhất thế giới hiện nay nằm trong tay các đấu thủ Trung Quốc như Fan Zhendong, Ma Long, Gaoyuan. Liền sau đó là Harimoto Tomokazu (Nhật),  Calderrano Hugo (Brazil), Falck Mattias (Thụy Ðiển), Timo Boll và Ovtcharov  Dimitrij (Ðức) v.v… đặc biệt những cây vợt trẻ đang lên, có lối hoa mỹ đánh thần tốc, từng “knock-out” Fan Zhendong cả Ma Long.

Họ chưa thực sự chín muồi, nhưng đầy trẻ trung và có lối chơi biến hóa, hoàn toàn có khả năng lên ngôi vương như  Franziska Patrick (Ðức), Gauzy Simon (Pháp), Aruna Quadri (Nigeria), Samsonov Vladimir (Belarus), Jha Kanak (Mỹ), Karlsson Kristian (Thụy Ðiển), Lebrun Felix (Pháp – (sinh năm 2006) từng đả bại đệ nhị cao thủ Ma Long.

Trung Quốc không còn chiếm ưu thế tuyệt đối như trước, tại Olympic 2012 London, TQ thắng hạng nhất nhì, hạng 3 về tay Dimitrij Ovtcharov (Ðức), tại 2016 Olympic Rio de Janeiro ở Brazil               Jun Mizutani (Nhật) cũng lấy hạng 3, tại Olympic 2020 Tokyo Dimitrij Ovtcharov (Ðức) giành được huy chương đồng.

Phần đội nữ, Trung Quốc chia phần cho các đội Châu Á khác như Nhật, Nam Hàn, Ðài Loan… 

Hai anh em Alexis và Felix Lebrun (Pháp) là niềm hy vọng của bóng bàn Châu Âu. nguồn ảnh https://worldtabletennis

Trường phái mới

Các đội tuyển quốc gia thế giới phân tích những “bí quyết” môn bóng bàn bằng khoa học kỹ thuật của phương Tây. Những  software điện toán được thiết lập riêng cho các tuyển thủ tập luyện.

Xem thêm:   Thử tài trí thông minh nhân tạo AI

Phong cách “chiến đấu” của Châu Âu cũng khác, điệu nghệ, lả lướt, di chuyển đẹp, vững vàng, không có động tác thừa, không hùng hục vặn vẹo như các đấu thủ TQ. Cộng với lợi thế về chiều cao, họ có những cú đánh bao bàn kín kẽ, và đòn tấn công cũng vũ bão hơn.

Bóng bàn đang phát triển mạnh khắp thế giới, vùng Bắc Mỹ có Mỹ, Canada và Mexico; Châu Âu có Anh, Ðức, Pháp, Ý, Nga, Turkey….; Châu Á, trừ Trung Quốc, Nhật, Nam  Hàn, có Ấn Ðộ, Úc, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Nam Mỹ có Brazil, Argentina, Columbia… Trung Ðông và Phi Châu có Saudi Arabia, UAE, Egypt, Nigeria và South Africa… hứa hẹn sẽ có nhiều nhân tài xuất hiện, những trận đấu đa phong cách, sôi động, hấp dẫn hơn xưa.

Kết

Nhà báo Steven V. Roberts nhận định “Trẻ em ở Trung Quốc ngày nay không còn mê ping-pong như thế hệ trước. Chúng không còn đeo khăn quàng đỏ mà thích mặc áo của đội Houston Rockets. Chúng không còn sùng kính Mao Trạch Ðông mà tôn sùng cầu thủ bóng rổ Yao Ming. Bóng bàn đã đi vào dĩ vãng…”

Timo Boll cũng xác nhận rằng, mặc dầu  hiện nay các cây vợt Trung Quốc vẫn đang chiếm ưu thế, nhưng khoảng cách giữa họ và các tay vợt trên thế giới đang nhích lại gần.

Chắc chắn bóng bàn sẽ có sự đổi ngôi. Chưa biết lúc nào nhưng ngày đó sẽ không còn xa.

Franziska Patrick, tay vợt đang lên của đội tuyển Đức. nguồn ảnh: www.butterfly-global.com

TA