Eileen Gu (Cốc Ái Lăng) vừa đoạt huy chương vàng môn trượt tuyết tự do, thể loại half-pipe tại Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022, cô trở thành nhà vô địch freestyle skier (trượt tuyết tự do) trẻ nhất ở tuổi 18. Điều oái oăm là thành tích sáng chói này lại tung bay dưới màu cờ Trung Quốc.

Eileen Gu và Zhu Yi 

Eileen Gu ai?

Eileen Gu là con một di dân Trung Quốc, mẹ lấy chồng người Mỹ. Cô sinh ra và lớn lên tại San Francisco, California. Trong thời gian học tại Ðại học Rockefeller, mẹ cô lần đầu trong đời biết đến môn trượt tuyết tại Hunter Mountain (New York) và đâm ra say mê. Bà truyền niềm cảm hứng này cho cô con gái Eileen Gu.

Eileen Gu được nhận vào Ðại học Stanford, được ưu đãi vì tài năng thể thao và chắp cánh cho việc học tập. Khi tài năng Eileen Gu phát sáng, cô được huấn luyện viên môn trượt tuyết tự do Hoa Kỳ, Dave Euler,  cho tham dự giải Vô Ðịch Trượt Tuyết Thế Giới Trẻ tại New Zealand 2018. Năm 2019, cô đại diện cho Hoa Kỳ tranh tài môn trượt tuyết đổ đốc (slopestyle) khi mới 15 tuổi. Các huấn luyện viên tin rằng cô sẽ gây bất ngờ tại Thế vận hội Bắc Kinh 2022.

Và cô gây bất ngờ thật! Khi trở thành nhà vô địch trẻ nhất giành được huy chương vàng half-pipe, và bất ngờ hơn, là cô tranh tài dưới màu cờ Trung Cộng!

Hiện nay, hình ảnh, tên tuổi của cô tràn ngập các trang mạng Trung Quốc, trên tất cả những trang quảng cáo, bìa tạp chí và truyền thanh – truyền hình. Cô không còn là một lực sĩ thể thao mà đang được thổi phồng để thành một công cụ tuyên truyền cho sự “ưu việt” của chế độ.

Vài ngày nữa Olympic Bắc Kinh sẽ bế mạc. Tháng Chín tới Eileen Gu sẽ trở lại California, để vào đại học tại Stanford University. Không rõ người Mỹ có còn cái nhìn thiện cảm với cô như ngày xưa?

Eileen Gu của Trung Quốc ăn mừng huy chương vàng. nguồn REUTERS / Tyrone Siu

Zhu Yi là ai?

Xem thêm:   Nhật Thực toàn phần tại Dallas - Fort Worth,Texas

Tương tự tiểu sử của Cốc Ái Lăng (Eileen Gu), Chu Dịch (Zhu Yi) sinh ra tại Westwood, Los Angeles, California. Cha mẹ là di dân từ Trung Quốc. Cha cô là chuyên gia vi tính tại Ðại học California nhưng trở về phục vụ cho Ðại học Bắc Kinh. Với năng khiếu bẩm sinh, Zhu Yi được rèn tập để trở thành một nữ trượt băng nghệ thuật (figure skater) thượng hạng. Cô đã không phụ công ơn của họ khi thắng giải 2018 U.S. National. Nhưng cũng ngay năm đó, cô quyết định bỏ quốc tịch Hoa Kỳ để mang màu áo Trung Quốc tranh hùng tại Olympic Bắc Kinh 2022, và cẩn thận đổi tên khai sinh từ Beverly Zhu thành Zhu Yi (Chu Dịch).

Không may mắn như Cốc Ái Lăng, Chu Dịch bị ngã trong khi biểu diễn lần thứ nhất, cộng đồng mạng Trung Quốc ào ạt ném đá, xem cô như tội đồ. Có lẽ vì áp lực đó, lần thứ nhì, cô lại đo sàn tiếp. Lúc này, trên 200 triệu cổ động viên Trung Cộng đã trút cơn thịnh nộ vào cô gái 19 tuổi. Sự hằn học và thô lỗ kinh hoàng đến nỗi trang Weibo (tương tự Twitter) đã phải khóa tất cả tài khoản và xóa sạch những “comment”.

Sự nghiệp thể thao của Chu Dịch có thể đến đây là hết, nhưng những sự phỉ báng đầy ác ý, sẽ đeo đuổi cô đến hết cuộc đời. Cô bị sự khinh rẻ cả 2 quốc gia, nơi nuôi nấng, đào tạo và nơi lợi dụng bất thành.

Zhu Yi té ngã trong cuộc thi đồng đội – nguồn bbc.com

Những kẻ đổi cờ

Việc đổi màu cờ thi đấu trên sân thể thao không phải là chuyện mới mẻ.  Tay vợt Sharapova người Nga từng sinh sống và được huấn luyện thành tay vợt ngoại hạng tại Mỹ nhưng tranh tài dưới lá cờ Nga và đoạt được 4 danh hiệu Grand Slam. Từ đầu, Sharapova đã “kiên định” giữ quốc tịch Nga mặc dầu nói tiếng Anh lưu loát hơn tiếng mẹ đẻ. Ngoài quần vợt, trong các lãnh vực thể thao khác, nhất là trong giới đá banh, việc thay đổi quốc tịch nhộn nhịp bậc nhất:

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 18 tháng 4 năm 2024

Lucas Hernandez, quốc tịch Tây Ban Nha, chọn đầu quân cho đội tuyển Pháp và quay lưng lại nơi giúp anh thành danh.

Aiden McGeady, quốc tịch Scotland, sinh ra và lớn lên ở Scotland, từng chơi cho Celtic trong vòng gần 10 năm và được gọi vào đội tuyển trẻ của quốc gia Scotland nhưng anh đã đầu quân cho Ireland.

Sharapova trong màu áo đội tuyển Nga – nguồn tennis world

Miroslav Klose, quốc tịch Ba Lan, di cư sang Ðức năm 8 tuổi và khởi nghiệp đá banh tại đây. Khi tài năng anh rực sáng, Ba Lan gọi anh về đội tuyển nhưng Klose khước từ.

Jonathan de Guzman, quốc tịch Canada, sinh ra và lớn lên ở Canada nhưng anh quyết định nhập tịch Hòa Lan và chọn đầu quân cho đội tuyển quốc gia xứ Hoa Tulip vào năm 2008.

Pepe, quốc tịch Brazil. Sinh ra tại Maceio, Brazil nhưng đến năm 18 tuổi, Pepe chuyển sang Bồ Ðào Nha và khởi nghiệp tại đây. Huấn luyện viên Brazil lúc đó là Dunga liên lạc với Pepe vào năm 2006 để gọi vào đội tuyển quốc gia nhưng Pepe quyết định nhập tịch Bồ Ðào Nha vào năm 2007 và giúp Bồ Ðào Nha giành cúp vô địch Euro 2016.

Lionel Messi, quốc tịch Argentina, được đào tạo thành tài tại lò đào tạo nổi tiếng La Masia (Tây Ban Nha). Tuy nhiên, Messi vẫn giữ nguyên quốc tịch và đại diện cho đội tuyển Argentina.

Miroslav Klose trong màu áo đội tuyển Đức – nguồn Sky sport

Kết luận

Khác với sự phản trắc của Cốc Ái Lăng và Chu Dịch, Chloe Kim là con của một di dân gốc Hàn. Là một tài năng thể thao trượt ván trên tuyết (snowboarder), môn thể thao mà cô yêu thích và được trui rèn từ năm 6 tuổi. Chloe Kim đã chọn màu áo Hoa Kỳ để phô diễn tài năng (bạn đọc sẽ biết thêm chi tiết ở bài “Chuyện của Chloe Kim” của Thiết Trảo cũng trên số báo này) và đã đem về cho nước Mỹ chiếc huy chương vàng thể loại half-pipe tại Olympic Bắc Kinh  2022.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 11 tháng 4 năm 2024

Việc thay màu áo, còn rất nhiều, có một số trường hợp có thể thông cảm được, nhưng trường hợp của Eileen Gu và Zhu Yi thì nhiều người cho rằng, đó không phải là chọn lựa mà là một sự phản bội.

Họ đã được hưởng tất cả những ưu đãi, tinh hoa đào tạo của nước Mỹ rồi quay ngoắt 180 độ để đứng tên trong đội tuyển Trung Quốc, một quốc gia đang được xem là “kẻ thù” của Hoa Kỳ.

Cả thế giới và nhất là người Mỹ ngày càng nhìn rõ bản chất của Trung Quốc và nhiều người Mỹ đã không tiếc lời tấn công Chu Dịch, xem thất bại của cô là “cái giá phải trả”, “sự chọn lựa xứng đáng” v.v. và dĩ nhiên không phải ai cũng chúc mừng hay vui vẻ với thành tích của Eileen Gu, bởi nó như thêm một lưỡi dao cứa vào sự bao dung của nước Mỹ.

Chloe Kim của Hoa Kỳ đoạt huy chương vàng. REUTERS / Mike Blake

Rồi đây Eileen sẽ trở về Mỹ nhận học bổng tại đại học danh giá Stanford, cô sẽ tiếp tục thừa hưởng nền giáo dục ưu việt của Mỹ để trở thành một chuyên gia siêu hạng. Có lẽ cô sẽ dùng học vị, vị thế của mình để chiêu dụ những tinh hoa của nước Mỹ cho bản quốc. Khá hợp với câu “nuôi ong tay áo”.

Trong Olympic Bắc Kinh lần này, Trung Quốc muốn sử dụng Eileen Gu và Zhu Yi như mũi tên để “nhất tiễn hạ song điêu” là vừa làm Mỹ mất mặt, vừa đánh bóng mặt mũi lem luốc sau vô số tai tiếng!

Mong rằng những thế hệ con em Việt lưu dân không ai mang tiếng là “kẻ phản bội”, đừng để tiếng xấu muôn đời cho người Việt lưu vong như những “trí thức miền Nam” một thời “ăn cơm Quốc Gia, thờ ma Cộng Sản”. Ðể người Mỹ phải ngẩn ngơ ngâm nga:

“Công anh bắt tép nuôi cò,

Cò ăn cò lớn cò dò lên cây!”

TA