Nhìn chung, trong những bộ môn thể thao được người Mỹ yêu thích nhất ta ít thấy người Mỹ gốc Á tham gia so với những sắc dân khác. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà không có những lực sĩ Mỹ gốc Á đạt được những thành công trong những liên đoàn thể thao lớn như Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia (NFL), Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia (NBA), hoặc những giải thể thao quốc tế như Thế vận hội và PGA Tour.

Victoria Manalo Draves (giữa) – nguồn brokeassstuart.com    

Ðã có những lực sĩ như Kristi Yamaguchi, Michael Chang, Apolo Ohno và Tiger Woods đã lần lượt tạo được tên tuổi của họ trong những bộ môn họ tham gia trong suốt những thập niên 1980, 1990 và 2000. Nay lại có thêm một lớp thế hệ lực sĩ trẻ mới đang gặt hái được những thành công trong nhiều bộ môn và đại diện Hoa Kỳ tại những cuộc tranh tài quốc tế như Kloe Kim của môn trượt ván tuyết (snowboard) và Nathan Chen của môn trượt băng nghệ thuật (figure skating). Thậm chí trong bộ môn bóng bầu dục của Mỹ, môn thể thao đòi hỏi rất nhiều thể lực, sau một Ðạt Nguyễn hay một Hines Ward nay lại xuất hiện thêm nhiều khuôn mặt Mỹ gốc Á khác như Kyle Murray và Younghoe Koo.

Tuy nhiên, để có được những thành công như kể trên bắt buộc phải có một lớp thế hệ đi tiên phong, phá vỡ những rào cản về màu da và định kiến của xã hội, lót đường cho những thế hệ đi sau tiến lên.

Tháng 5 là tháng di sản của người Mỹ gốc Á châu Thái Bình Dương và năm ngoái, nhân dịp tháng di sản Á châu, trang thể thao của NBCNews.com đã đưa ra một danh sách gồm 7 lực sĩ gốc Á được xem là những người đi tiên phong trong những bộ môn thể thao họ tham gia, nhiều người từ ngay những thập niên nửa đầu của thế kỷ 20, và một số đã sống rất thọ tới tuổi 90 để nhìn thấy được kết quả từ những viên gạch đầu tiên họ lót trên con đường thể thao cho những thế hệ con cháu sau này.

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

Victoria Manalo Draves

(1924 – 2010)

Cha là Teofilo Manalo, người gốc Phi Luật Tân, và mẹ Gertrude Taylor là người Anh. Do xã hội Mỹ thời đó vẫn có thành kiến với các cuộc hôn nhân dị chủng, và Manalo Draves đã phải sử dụng tên họ của mẹ trong các cuộc tranh tài.

Vào ngày 3 Tháng 8 năm 1948, Manalo Draves trở thành lực sĩ Mỹ gốc Á đầu tiên thắng huy chương vàng Thế vận hội, về nhất trong bộ môn nhảy cầu (springboard diving) ba mét nữ tại Thế vận hội London, Hè 1948. Sau Thế vận hội, Manolo Draves và chồng mở một trường huấn luyện về nhảy cầu. Năm 1969, tên bà được khắc vào bảng vàng môn bơi lội International Swimming Hall of Fame.

Tháng 4 năm 2010, Draves qua đời vì bệnh ung thư tuyến tuỵ, thọ 85 tuổi.

Walter Achiu

(1902 – 1989)

Walter Achiu có lẽ là lực sĩ Mỹ gốc Á đầu tiên chơi được nhiều bộ môn. Cha của Walter là Leong Achiu, sanh tại Thượng Hải và sau này định cư tại Hawaii, nơi ông gặp mẹ của Walter.

Ở bậc trung học, Walter đã biểu lộ năng khiếu về thể thao, và năm 1922 ông vào đất liền theo học tại Ðại học Dayton và trở thành một cầu thủ bóng bầu dục cho đội của trường. Tại Ðại học Dayton, Walter còn tham gia những bộ môn như bóng chày, điền kinh và đô vật.

Water Achiu gia nhập liên đoàn bóng bầu dục NFL năm 1927, chơi cho đội Dayton Triangles (nay không còn), và được xem là cầu thủ gốc Á đầu tiên chơi trên sân cỏ của NFL.

Walter Achiu qua đời ở tuổi 86 vào năm 1989 tại Honolulu.

Walter Achiu – nguồn University of Dayton

Wataru Misaka (1923 – 2019)

Wataru Misaka là người Mỹ gốc Nhật được đội New York Knicks tuyển lựa năm 1947 và trở thành cầu thủ không phải da trắng đầu tiên và cũng là cầu thủ gốc Á đầu tiên chơi cho liên đoàn sau này trở thành Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia NBA như hiện nay.

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

Vì được sinh tại Utah, Misaka không bị đưa vào trại tập trung trong thời gian Ðệ nhị Thế chiến. Nhờ vậy ông đã có cơ hội đạt được nhiều thành quả xuất sắc về thể thao tại đại học, giúp đưa đội Ðại học Utah hai lần đoạt chức vô địch bóng rổ toàn quốc.

Tuy nhiên, Misaka chỉ chơi cho đội Knicks ba trận trong năm 1947 và sau đó từ chối hợp đồng với đội Harlem Globetrotters để trở lại trường học lấy bằng kỹ sư.

Ông mất tại Utah vào cuối năm 2019, thọ 95 tuổi.

Wataru Misaka – nguồn AP

Larry Kwong

(1923 – 2018)

Chỉ một năm sau khi Jackie Robinson phá được rào cản về màu da trong bộ môn bóng chày với đội Brooklyn Dodgers và Wataru Misaka trong bộ môn bóng rổ với đội New York Knicks, Larry Kwong cũng đã làm được điều đó trong bộ môn băng cầu với đội New York Rangers.

Mặc dù chơi rất khá, Kwong chỉ được chơi cho đội trừ bị của Rangers là đội New York Rovers. Thất vọng vì không được sử dụng đúng tài năng, Kwong rời đội Rovers để đi tìm cơ hội ở nơi khác.

Ông được đội HC Ambrì-Piotta của Thuỵ Sĩ mướn trong vai trò cầu thủ-huấn luyện viên của đội, và trở thành huấn luyện viên gốc Á đầu tiên cho một đội băng cầu chuyên nghiệp.

Larry Kwong mất vào Tháng 3 năm 2018 tại Calgary, Canada, thọ 94 tuổi.

Wally Yonamine (1925 – 2011)

Năm 1947, Wally Yonamine xuất hiện lần đầu trên sân cỏ chơi ở vị trí ôm banh chạy (running back) cho đội San Francisco 49ers.

Sau khi bị chấn thương cổ tay, Yonamine quyết định tập trung để chơi môn bóng chày, và đến năm 1951 là cầu thủ Mỹ chơi ở vị trí phòng thủ vòng ngoài (outfielder) cho đội Yomiuri Giants của Nhật Bản.

Xem thêm:   Mua đồ trang trí

Lúc đầu bị khán giả Nhật la ó vì ông không phải là người Nhật thực sự, nhưng Yonamine đã vượt qua được thử thách, chiếm được cảm tình của khán giả và tạo được một sự nghiệp bóng chày lâu dài và thành công, và trở thành huấn luyện viên ngoại quốc đầu tiên tại Nhật.

Ông mất tại Honolulu năm 2011, thọ 85 tuổi, vì ung thư tuyến tiền liệt.

Tiffany Chin

(1967 – )

Tiffany trở thành lực sĩ vô địch Mỹ gốc Á đầu tiên sau khi thắng Giải vô địch Trượt băng Nghệ thuật Hoa Kỳ năm 1985.

Sinh tại Oakland, California, Chin cũng đã thắng huy chương đồng tại Giải vô địch Trượt băng Nghệ thuật Thế giới năn 1985 và 1986, và hạng tư tại Thế vận hội Mùa Ðông Sarajevo 1984.

Ðược xem là người đã mở cánh cửa môn trượt băng nghệ thuật cho những lực sĩ Mỹ gốc Á thế hệ sau này noi theo, như Kristi Yamaguchi – vô địch Hoa Kỳ 1992 và huy chương vàng Thế vận hội 1992, và Michelle Kwan – hai lần huy chương Thế vận hội (bạc năm 1998, đồng năm 2002), năm lần vô địch thế giới (1996, 1998, 2000, 2001, 2003) và chín lần vô địch Hoa Kỳ (1996, 1998-2005).

Tiffany Chin – nguồn Twitter

Bobby Balcena (1925 – 1990)

Vào ngày 16 Tháng 9 năm 1956, Bobby Balcena, 30 tuổi, được bước lên sân cỏ để đánh banh cho đội Cincinnati Redlegs (nay là Reds) tại sân Ebbets Field ở Brooklyn, trở thành cầu thủ Mỹ gốc Phi Luật Tân xuất hiện trong một trận đấu của liên đoàn bóng chày MLB.

Từng là một cựu chiến binh Ðệ nhị Thế chiến, Balcena đã bỏ ra tám năm chơi cho nhiều đội nhỏ, từ Mexicali đến Toronto đến Seattle, trước khi bước ra sân đấu tại Brooklyn cho một liên đoàn lớn cỡ MLB.

Balcena được giữ lại chơi trong hai tuần cho Cincinnati, sau đó chơi thêm sáu mùa bóng cho những đội nhỏ từ Hawaii đến Buffalo.

Ông mất năm 1990, thọ 64 tuổi.

Bobby Balcena – nguồn ervnews.com

VT