Sang tuần thứ nhì, bộ phim mới nhất của Marvel tiếp tục áp đảo thị trường với thu nhập hơn $250 triệu toàn cầu, trong đó có đến $150 triệu đến từ nội địa nước Mỹ. Khác những bộ phim trước đây, phim Marvel bị cấm chiếu ở Trung Quốc, thị trường béo bở nhất cho Hollywood.

Shang-Chi (ngân sách $150 triệu) là cuốn phim đầu tiên của MCU (Marvel Comic Universe) mà hầu hết các nhân vật và tài tử là người Á Châu. Hai tài tử kỳ cựu nhất là Lương Triều Vỹ (Tony Leung) và Dương Tử Quỳnh (Michelle Yeoh). Ðể thêm phần hài hước cho đúng điệu “comic” còn có nữ tài tử Awkwafina (Crazy Rich Asian). Còn nhân vật chính, Shang-Chi, thì do một anh chàng đó giờ ít ai nghe tiếng tên là Simu Liu thủ vai.

Thật ra mấy năm qua Simu Liu đã đóng trong một show hài trên Netflix tên là “Uncle Kim’s Convenience Store”, vai một anh chàng Ðại Hàn làm cho một hãng mướn xe. Những ai từng xem show này đều khá ngạc nhiên khi thấy Simu Liu được chọn thủ vai đánh đấm trong một bộ phim bom tấn, vì anh ta chưa từng đóng phim bao giờ.

Cốt truyện thật ra khá bình thường, đậm đặc các công thức của phim võ thuật Hồng Kông. Ðối với khán giả Á Ðông thì không có gì mới mẻ, nhưng với khán giả Mỹ thì họ rất thích. So với những phim MCU từ trước đến nay, Shang -Chi vượt trội trong các phân cảnh bạo lực dài hơi, không bị cắt thành những mảnh nhỏ rồi ráp lại kiểu Mỹ. Màn đánh nhau trên xe bus ở San Francisco công nhận coi rất phê.

Fan của Lương Triều Vỹ bảo đảm sẽ thích phim này. Họ Lương đóng vai Wenwu, cha của Shang-Chi, một nhân vật phản diện với nhiều pha võ thuật đẹp mắt. Ðạo diễn Destin Daniel Cretton đã giao cho Tony Leung toàn quyền dựng lên một nhân vật tuỳ theo ý anh ta muốn vì biết Tony khi còn nhỏ đã bị cha mình bỏ rơi nên không thể nào ép Tony vào khuôn khổ một người cha cổ truyền theo kiểu Tàu ngày xưa. Và Tony Leung đã hoàn thành xuất sắc trách nhiệm của mình. Nhân vật người cha của Tony có nhiều phức tạp nội tâm, giúp cho bộ phim có một chiều sâu về mặt tinh thần ít thấy trong thể loại phim hành động.

Xem thêm:   Thời vàng son của xế hộp DS

Nên từ khi mở màn cho tới cuối phim, mặc dù là vai ác nhưng Wenwu vẫn không bị người xem ghét. Ngay trong trận đánh mở màn giữa Wenwu với Ying Li (Lala Feng) cũng khiến cho người xem có cảm tình với anh ta. Về mặt kỹ thuật, cuộc tỉ thí đó phải mất nhiều tuần lễ chuẩn bị vì nó vô cùng phức tạp. Ðội ngũ stuntman đã phải tập luyện để quay thử mọi thứ trước cho các tài tử chính xem và dùng làm mẫu mà luyện theo. Có thể nói nó là một trong những pha bạo lực dài nhất và hay nhất của MCU từ trước tới giờ.

Death Dealer do Andy Lê (phải) thủ diễn. Nguồn: Marvel Studios

Ðạo diễn Cretton kể rằng lúc trước ông thật sự không ưa Marvel. Ông từng nói với bạn bè thân thiết rằng đừng để cho ông làm đạo diễn phim MCU. Trong buổi interview xin việc với các nhà sản xuất phim Shang-Chi, ông cũng đã trả lời thật lòng với họ rằng ông không có cảm tình với loạt phim siêu nhân của Marvel. Thế mà không hiểu sao họ vẫn mướn Cretton, và kết quả thì như ta thấy, là một bộ phim phá kỷ lục phòng vé cho MCU mặc dù không được phép chiếu ở thị trường lớn nhất là Trung Quốc.

Và có lẽ dân Tàu phải còn lâu lắm mới được xem phim này trên màn ảnh lớn. Vì mới đây có nhà thám tử internet nào đó đã đào lên được một câu nói của tài tử chính Simu Liu cách đây vài năm, gọi Trung Quốc là “a third world country”, tức một xứ nghèo thuộc thế giới thứ ba! Nhưng cho dù không có câu tuyên bố xanh rờn đó thì bộ máy kiểm duyệt của nhà nước Trung Cộng cũng đã bắt đầu bế quan, không cho một số phim Hollywood nhập sang Tàu. Không ai biết rõ lý do vì sao, nhưng hậu quả của nó thì rất rõ, là một số phim gần đây đã bị lỗ nặng vì mất thị trường.

Xem thêm:   Chuyện nhân duyên

Cụ thể hơn, hồi tháng Sáu chính quyền Hồng Kông đã ban hành một đạo luật cấm phim ảnh có nội dung nói xấu nhà nước, một hình thức cấm đoán mơ hồ khiến cho giới làm phim từ Hồng Kông đến Hollywood đều phải rụt rè. Ða số đành tự kiểm duyệt để tránh bị cấm chiếu. Một số phim đã làm xong giờ không hãng nào muốn đứng ra phân phối. Bị đặc biệt chiếu cố là thể loại phim tài liệu, nhất là những phim có liên quan đến các đề tài “nhạy cảm” như nhân quyền, dân chủ, nạn buôn người, Tân Cương v.v.

Nhưng ngay cả đối với loại phim giải trí bình thường như phim hành động, các nhà đầu tư cũng sẽ dè dặt hơn trước những đề án lớn cả trăm triệu đô la vì chưa chắc sẽ lấy lại được vốn chứ khoan nói chi đến việc kiếm lời nếu không vào được thị trường Trung Quốc. Thành thử các hãng như Disney đang rà soát lại các dự án tương lai và có thể phải cắt giảm ngân sách hoặc cắt bớt một số phim.

Tony Leung và Lala Feng trong một màn võ thuật. Nguồn: Walt Disney Studios

Trở lại với Shang-Chi, Marvel đã rút được kinh nghiệm quý báu từ bộ phim gần đây là Black Widow. Lúc bấy giờ, một số hãng phim vẫn còn lo thiên hạ không dám ra rạp vì COVID, nên họ đã cho phép phim được stream qua internet cùng lúc chiếu ngoài rạp. Mặc dù người xem trên mạng phải trả $30 để xem phim, nhưng kết quả vẫn là lượng vé bán ngoài rạp rớt thê thảm. Không ai biết được con số người xem trên internet là bao nhiêu vì đó là “bí mật quân sự”, ta chỉ thấy là Marvel đã quyết định không stream Shang-Chi trên internet sau ít nhất là một tháng, tuỳ tình hình phòng vé ra sao.

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Một lý do nữa để đi xem Shang-Chi trên màn ảnh lớn là trong những pha võ thuật hấp dẫn có một diễn viên người Việt tên Andy Lê. Hồi nhỏ Andy hay bị ăn hiếp vì nhỏ con, thế là anh ta tự tập võ bằng cách xem phim, nhất là phim của Bruce Lee và Jackie Chan mà bố mẹ có cả đống ở nhà. Mặc dù bố mẹ muốn anh học lên làm bác sĩ hay luật sư, nhưng Andy lại khoái võ hơn. Hai anh em Andy thường luyện tập với nhau, và tự chế ra nhiều chiêu thức mới lạ không có trong sách vở nào cả.

Lớn lên, hai anh em Andy và Brian lập một club võ thuật đồng thời một kênh Youtube để quảng bá môn võ của mình và các chiêu thức lạ mắt. Thế rồi kênh Youtube của Andy lọt vào mắt xanh một nhà stuntman từng làm việc cho Jackie Chan. Nhờ đó anh được giới thiệu để làm việc với Jackie Chan. Sự nghiệp làm stuntman của Andy khởi đầu, và khởi sắc, kể từ đó.

Tình cờ trong phim Shang-Chi có một vai Death Dealer thiếu người đóng. Andy thử vai và được nhận nhờ tài võ thuật tự học của mình. Thế là từ một người đóng phụ vô danh, Andy Le trở thành một diễn viên thực thụ có một vai hẳn hòi, tuy không có lời thoại nào vì nhân vật này rất bí hiểm và … kiệm lời. Andy nói, nếu xem kỹ sẽ thấy nhân vật Death Dealer có một cú đá móc do anh chế ra mà chưa hề xuất hiện trên màn ảnh.

Rất tiếc là khi coi phim này lần đầu tôi không biết về Andy Lê là Death Dealer, và lại càng không biết về cú đá hiểm hóc này để nhìn cho ra. Có lẽ phải đi xem một lần nữa, hoặc giả chờ đến khi phim được chiếu trên internet để xem lại. Dù gì chăng nữa, Shang-Chi vẫn là một bộ phim xem được tuy nhiều chỗ hơi… “Hồng Kông”.

Chấm điểm: A-

Đạo diễn Destin Daniel Cretton (X) đang hướng dẫn tài tử Simu Liu (phải) trên sàn quay. Nguồn: Marvel Studios

PA