Đoá Hoa Mong Manh là bộ phim đầu tiên của Việt Nam được quay hoàn toàn ở Mỹ, và là phim thứ nhì của nữ đạo diễn Mai Thu Huyền (trong ảnh) sau cuốn phim đầu tay ‘Kiều’ (2021). Khác với những phim Việt xưa nay, ĐHMM được phát hành ở Mỹ trước, xong mới đến Việt Nam vào trung tuần tháng Tư, và tiếp theo đó là Ấn Độ. Ngoài phụ đề Anh ngữ, phim còn sẽ được lồng tiếng Anh và tiếng Hindi.

Ảnh: TRẺ       

‘Đoá Hoa Mong Manh’ đã đoạt 6 giải thưởng tại Liên hoan phim FLOW ở Florida, trong số đó có: Best Picture, Best Actress, Best Supporting Actress, Best Original Score, Best Producer. Tại World Film Festival ở Cannes, Mai Thu Huyền cũng được giải Best Female Director, Feature Film (nữ đạo diễn phim truyện xuất sắc). Ngoài ra, phim vẫn đang tiếp tục được đề cử tại các liên hoan phim quốc tế khác như tại Rome, Amsterdam, Los Angeles, Thổ Nhĩ Kỳ…

Nguồn ảnh: Tincom Media

Tuy thuộc thể loại tâm lý tình cảm xã hội nhưng Đoá Hoa Mong Manh lại gần giống như một bộ phim nhạc, mặc dù nó không nghiêng hẳn về hướng đó kiểu như Moulin Rouge hay La La Land. Kịch bản do ca sĩ Nhật Hạ biên soạn, xoay quanh cuộc đời của một nữ ca sĩ nổi tiếng ở hải ngoại vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước. Vì thế nên các nhạc phẩm được chọn dùng trong phim mang nặng hơi hướm thời kỳ đó. Giọng hát của nhân vật chính Thạch Thảo (do Maya thủ diễn) cũng được lồng tiếng bởi tiếng hát của Nhật Hạ lấy từ các cuốn băng xưa. Cho nên khán giả nào quen thuộc với dòng nhạc ấy chắc chắn sẽ cảm nhận được sự đồng điệu khi xem phim.

Ảnh: Tincom Media

Đa số các diễn viên đến từ Mỹ trừ Maya, Mai Thu Huyền (trái) và Quốc Cường (phải) đến từ Việt Nam. Đạo diễn Thu Huyền nói đem phim đoàn từ Việt Nam sang là một thử thách lớn. Cô kể phim được quay trong vòng một tháng, và họ phải “làm việc cật lực, mỗi ngày 12 tiếng”. Sau đó phim được đưa về Việt Nam để hoàn tất phần hậu kỳ mất thêm 7 tháng mới xong. Kinh phí của phim, theo lời một nhà sản xuất, là “mấy triệu” USD.

Ảnh: Tincom Media

Một trong những lý do kinh phí cao là vì phim được quay tại nhiều địa điểm khác nhau. Đạo diễn Mai Thu Huyền nói cô muốn bộ phim này phản ảnh được phần nào đời sống của người Việt trên nước Mỹ. Tuy nhiên, vì hầu hết các nhân vật trong phim đến từ giới ca nhạc sĩ — đa phần là ở Nam Cali, nên phim thiếu tố chất đời thường. Xem phim ta có cảm tưởng đang đi lạc vào một thế giới xa lạ mà xưa nay mình chưa được đặt chân đến bao giờ.

Ảnh: Tincom Media

Hiện phim đang được trình chiếu tại 60 cụm rạp trên khắp nước Mỹ tại các chuỗi rạp lớn như AMC, Cinemark, Regal, Angelika, Emagine… bắt đầu từ 29/3/2024. Đêm thứ Sáu vừa qua đã có một buổi ra mắt ‘Đoá Hoa Mong Manh’ tại rạp AMC Firewheel ở Garland. Tại đây đạo diễn Mai Thu Huyền đã giao lưu cùng khán giả và báo chí địa phương. Trong chuyến “Cine Tour” Texas này, đoàn sẽ xuống Houston kế tiếp rồi đến San Antonio. Trong ảnh, người mặc áo dài đứng bên phải là phụ tá sản xuất Quỳnh Nguyễn đến từ San Antonio.

Ảnh: TRẺ

Theo lời kể của nhà tài trợ Dược sĩ Thu Thảo (phải), phim đang làm dang dở thì cạn ngân sách và phim đoàn đã định bỏ cuộc. Nhưng nhờ sự quyết chí, họ đã tìm được nguồn tài trợ mới từ một số nữ doanh nhân thành đạt trên nước Mỹ thuộc tổ chức Women Leaders International Network (WLIN) Passion USA+X. Nếu không thì có lẽ dự án táo bạo này đã không đi được đến đích. Cũng mừng là cuối cùng mọi chuyện coi như suôn sẻ. Trong ảnh là một khán giả đến từ DFW, Christian Hoang, đang trả lời phỏng vấn của diễn viên và MC Mai Mai (giữa) tại buổi ra mắt phim ở Garland.

Ảnh: TRẺ

Sau khi xem phim, một số khán giả đã tụ tập trên thảm đỏ để chụp hình lưu niệm cùng đoàn Cine Tour. Khi được hỏi cảm tưởng về bộ phim, ai cũng nói họ thích phần nhạc do Lê Thanh Tâm phụ trách. Ngoài những bản nhạc Việt kinh điển như của Trịnh Công Sơn và Đức Huy còn có một số bài của Quốc Bảo, Quốc Dũng v.v. Nếu Mai Thu Huyền tiếp tục làm phim quanh chủ đề âm nhạc, biết đâu trong tương lai chúng ta sẽ có một bộ phim nhạc như La La Land. Song, muốn đến được chỗ đó chúng ta cần phải ủng hộ những nỗ lực như ‘Đoá Hoa Mong Manh’ để các nhà làm phim trẻ có động lực đi xa hơn nữa trên con đường chông gai của nghệ thuật thứ bảy.

Ảnh: TRẺ