Cách đây hơn chục năm, Bác Ba Phi (X) đã từ miền Tây Nam Bộ lặn lội đến tận toà soạn báo Trẻ ở Texas để viếng thăm anh chị em. Tác giả quyển ‘Tấm Ván Phóng Dao’ cũng đã để lại một chồng tiểu thuyết cho tủ sách Trẻ. Bác Ba tên thật là Lê Trung Can, nghệ danh Mạc Can, nhưng kể từ khi nhập vai ông già Nam Kỳ trong tập phim ‘Đất Phương Nam’ năm 1997, đi đâu người ta cũng gọi ông là Bác Ba Phi.

Nguồn ảnh: Trẻ Magazine

 

Hôm Thanksgiving vừa rồi, phim ‘Đất Rừng Phương Nam’ (2023) của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng được trình chiếu ở Mỹ. Phim dựa theo truyện cùng tựa của Đoàn Giỏi (1957) và tập phim TV của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Vai Ba Phi lần này được đóng bởi nghệ sĩ Trấn Thành, một người còn khá trẻ để nhập vai một ông già U50. Vì lý do đó, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích. Song nghệ sĩ Mạc Can khi nghe tin Trấn Thành sắp đóng vai Ba Phi đã nói: “Tôi không cho rằng Trấn Thành còn trẻ thì đóng bác Ba Phi không đạt. Điều quan trọng là cậu ấy có thể vào vai với thần thái, tính cách của bác Ba Phi hay không thôi. Hãy để cho cậu ấy thể hiện đã.”

Nguồn ảnh: Internet

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, người làm bộ phim truyền hình năm 97, cũng là cố vấn cho phiên bản này. Phim chưa bấm máy mà thiên hạ đã rầm rộ phản đối việc Trấn Thành được chọn đóng vai Ba Phi. Trên mạng xã hội cũng như các trang báo mạng, nhiều người bày tỏ sự thất vọng về quyết định này và tuyên bố sẽ tẩy chay ‘Đất Rừng Phương Nam’ (ĐRPN). Nói thì nói vậy, nhưng một khi ra rạp ĐRPN đã nhanh chóng đạt mốc 100 tỉ đồng doanh thu phòng vé và hiện đang trên đà tiến đến 150 tỉ — với số vốn vỏn vẹn 40 tỉ. Điều này chứng tỏ Đất Rừng Phương Nam vẫn có cái gì đó ngoài nhân vật Ba Phi khiến bà con bỏ tiền đi xem.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (áo trắng, phải) cùng đoàn quay (Galaxy Studio)

Ngay sau khi phim vừa trình chiếu đã có rất nhiều phản ứng tích cực lẫn tiêu cực về hình ảnh miền Tây qua ống kính của Nguyễn Quang Dũng. Hầu hết đều khen sự dàn dựng công phu và đầu tư nghiêm túc của ông. Song một số không ít cũng cho rằng đôi lúc ĐRPN “quy mô” và “hoành tráng” quá khiến yếu tố đơn thuần mộc mạc của người dân Nam Bộ bị lấn át. Có người thì nói phim chú trọng đến mảng “Đất” nhiều hơn nhưng chưa khai thác đúng mức phần “Rừng” của vùng U Minh. Riêng người viết nhiều khi cũng phải kinh ngạc khi thấy dân quê thời đó ăn mặc sao mà tươm tất, sạch sẽ quá cỡ.

Một cảnh trên bến dưới thuyền trong ĐRPN (Galaxy Studio)

Trên bình diện tổng quan và khách quan, phiên bản điện ảnh của Đất Rừng Phương Nam là một tiến bộ của ngành điện ảnh trong nước, đặc biệt về mảng kỹ thuật. Âm thanh trong phim cực tốt, phần nhạc đệm của Đức Trí cũng hay. Có những góc quay đẹp như tranh. Đôi lúc ánh sáng hơi quá “sạch sẽ sáng sủa” cho bối cảnh thời xưa, nhưng nói chung phim đạt tiêu chuẩn cao. Kỹ xảo computer CGI được sử dụng khá nhuần nhuyễn. Những màn hành động đấm đá v.v. được biên đạo kỹ lưỡng, không kém gì phim Hàn hay Hồng Kông. Mạc Can nhận xét: “Khi xem ‘Đất rừng phương Nam’ bản điện ảnh tôi thấy thích thú và có cười nhiều … nhận xét chung là phim giải trí tốt.”

Nguồn ảnh: Galaxy Studio

Thật ra thì nhân vật Ba Phi trong bộ phim mới này không chiếm quá nhiều phút trên màn ảnh để mọi người phải tốn giấy mực tranh cãi. Chính bé An (giữa) mới là nhân vật nổi bật, được thể hiện một cách hết sức tự nhiên và lôi cuốn bởi tài tử tí hon Huỳnh Hạo Khang. Mới đầu Khang chỉ mong được chọn đóng vai phụ là thằng Cò (phải, Đỗ Kỳ Phong) nhưng đạo diễn đã nhanh chóng nhận ra tài năng và tiềm năng của Khang để đưa cậu vào vai chính. Bùi Lý Bảo Ngọc (trái) trong vai bé Xinh cũng rất dễ thương. Màn 3 đứa nhỏ lội bùn bắt cá thòi lòi có thể nói là cảnh “đáng đồng tiền bát gạo” nhứt trong phim. Coi rồi vẫn muốn coi lại.

Nguồn ảnh: Galaxy Studio

Như nhiều phim Việt hạng khá thời nay, kịch bản và lời thoại của ĐRPN vẫn còn ở mức trung bình. Không đến nỗi quá dở, nhưng cũng chưa thể gọi là xuất sắc. Tuy nhiên ĐRPN vẫn là một nỗ lực đáng kể của các nhà làm phim quốc nội. Sự kiên trì và quyết tâm của phim đoàn được nhìn thấy rõ nhứt có lẽ trong các màn quay ở vùng bùn sình lầy lội. Để có được những thước phim cực kỳ ấn tượng ấy, họ đã mất nhiều ngày đi chân không lội sình. Nữ diễn viên Băng Du (trong hình) thổ lộ trong khi quay, cô sợ nhứt là đạp phải vật gì nguy hiểm. Rất mừng là mọi chuyện đều suôn sẻ.

Ảnh: Facebook Băng Du.

Ngày nay Mạc Can đã già yếu bệnh tật, đi đứng vất vả. Tuy bị khó khăn về nhiều mặt, ông vẫn sống độ lượng với mọi người. Tin vui mới nhất là ông đã được nhận vào Trung Tâm Dưỡng Lão Thị Nghè để được chăm sóc sức khoẻ kỹ lưỡng hơn. Và vui nữa là hồi tháng Tư ông cùng nhà văn Nguyễn Đông Thức (phải) đã ra mắt tập truyện ngắn hai người viết chung, tựa là “Ma Gánh Hát & Ma Bịnh Viện.” Thiệt mừng cho Bác Ba Phi, một người cống hiến cả đời cho nghệ thuật và cho nhân quần. Mến chúc nhà ảo thuật gia và danh hài một thời những năm tháng cuối đời thật thanh thản, nhiều niềm vui và tiếng cười.

Nguồn ảnh: Nguyễn Đông Thức.