Hai trận động đất liên tiếp xảy ra tại Nam California hôm 4 và 5 tháng 7 năm 2019 vừa qua, được mô tả bằng Magnitude (cường độ) và Intensity (sức mạnh). Hai từ này tưởng như đồng nghĩa, nhưng thực ra có những điểm khác biệt.

Magnitude (cường độ) là thước đo thường dùng trong khoa địa chất để mô tả độ lớn của một trận động đất, và cũng được coi là số đo năng lượng thoát ra khi một trận động đất xảy đến.

Thang đo được sử dụng để xác định cường độ là thang đo Richter được phát triển vào năm 1935. Trận động đất tại California hôm 5 tháng 7 đo được 7.1 độ Richter.

Intensity (sức mạnh) là thước đo cũng thường được sử dụng trong địa chất để mô tả mức độ rung lắc khi một trận động đất xảy ra. Nó cũng có thể được coi là thước đo mức độ mạnh của một trận động đất, thường là mức độ thiệt hại gây ra có thể nhìn thấy sau trận động đất đó.

Thang đo sớm nhất được sử dụng để xác định sức mạnh là thang đo Ross-Forel được phát triển vào thế kỷ 19, với số đo từ I đến X. Sau này có thang đo Macroseismic châu Âu có số đo từ I tới XII.

Trận động đất Loma Prieta tại California năm 1989 có sức mạnh ước định tối đa là IX.