Cả tuần lễ qua, thế giới đã theo dõi cuộc họp thượng đỉnh lần thứ 45 của các nước G7 tại Pháp từ ngày 24-26 tháng 8, năm 2019. Ngoài G7, ta còn nghe nói đến G8 và G20 nữa..Có chăng sự khác biệt ở những G này?

Năm 1975, Pháp, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Tây Đức kết hợp thành Group of Six. Đó là những cường quốc không cộng sản hợp lại để thảo luận về những vấn đề kinh tế thời đó là lạm phát và suy thoái sau cuộc cấm vận dầu hỏa của OPEC. Một năm sau, Canada gia nhập khối, tạo thành G7.

Như vậy G7 (Group of Seven) là tập hợp của 7 nước kỹ nghệ hóa, được thành hình hơn 4 thập niên trước, để thảo luận và trao đổi ý kiến về nhiều vấn đề, đặc biệt là kinh tế, an ninh và năng lượng toàn cầu. Năm 1998 Nga gia nhập khối này, biến nó thành G8, nhưng đến năm 2014 thì bị loại ra khỏi khối vì đã sáp nhập Crimea của Ukraine vào nước Nga.

Các cường quốc trong G7 tiêu biểu cho  40% GDP toàn cầu và 10% dân số thế giới.

G20 được thành lập năm 1999, sau cuộc khủng hoảng tài chánh tại Á châu trong  những năm 1997-1998, khởi đầu bằng cuộc họp các Bộ trưởng Kinh tế và Thống đốc các Ngân hàng Trung ương của các nước Argentina, Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Nam Hàn, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ cũng như Liên Âu. Từ sau cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008, G20 được tăng cường lên cấp quốc trưởng.

G7 và G20 có tên gọi và nhiệm vụ tương tự nhau. Nhưng G7 chính yếu là về chính trị, còn G20 là nhóm rộng rãi hơn, tập trung chú trọng vào nền kinh tế toàn cầu, còn được gọi là “Thượng đỉnh về Thị trường Tài chánh và Kinh tế Thế giới”, và tiêu biểu cho 80% GDP toàn cầu

Năm nay, G20 đã họp thượng đỉnh tại Nhật Bản từ ngày 28-29 tháng 6.