Ngày nay, Tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn trước năm 1975 không còn nữa. Duy nhất còn lại cái cầu thang bằng sắt trên sân thượng dẫn tới bãi trực thăng nằm trong Bảo tàng TT Gerald Ford tại thành phố Grand Rapids, tiểu bang Michigan như vật tưởng niệm chiến tranh VN. Tòa Đại sứ Mỹ được phá bỏ năm 1998 và xây lại một Lãnh sự quán khiêm tốn sau khi Hoa Kỳ nối lại bang giao với VN năm 1995.

Toà Đại sứ Mỹ đầu tiên tại số 39 Hàm Nghi Sài Gòn (Nguồn: Manhhaiflicks) 

Qua câu chuyện kể của ông anh người bạn làm việc tại Tập đoàn Dầu khí VN thì sau năm 1975, Tòa Ðại sứ Mỹ tại Sài Gòn được trưng dụng làm tổng hành dinh của tập đoàn này. Mãi cho đến 1995, sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận, VN trả lại Tòa Ðại sứ cho chính quyền Mỹ và nhà thầu Mỹ đã cho phá bỏ để xây Tổng lãnh sự quán tại Sài Gòn. Anh nhớ những ngày đến nhận nhiệm sở tại một địa chỉ từng là cơ quan ngoại giao của Mỹ vào đầu thập niên 1980. Ðó là một khối nhà có kiến trúc thật đẹp và kiên cố, hình thức trang trí bên trong rất cân xứng hoàn hảo; phòng ốc khang trang, hầu hết bàn làm việc vẫn còn nguyên vẹn. Có lần, phòng ban của anh dọn dẹp sơn mới phòng ốc thì phát giác  ở vài ngóc ngách trên tường có gắn máy ghi âm cực nhỏ.

Việc gắn các thiết bị ghi âm trong Tòa Ðại sứ ở các nước là chuyện bình thường. Ngoài công việc xây dựng mối bang giao bên ngoài, bảo vệ an ninh thông tin nội bộ vẫn phải kiểm soát. Vì hầu hết nhân viên ngoại giao đều có thể hoạt động tình báo, có khi làm việc hai mang.

Ðây là Tòa Ðại sứ thứ hai của Hoa Kỳ tại Sài Gòn từ năm 1967, sau khi dời  trụ sở đầu tiên từ số 39 Ðại lộ Hàm Nghi được thành lập và tháng 6/1952 do ông Donald R. Heath làm Ðại sứ Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam.

Xem thêm:   Một chút cảm nhận

Thực ra, bang giao giữa Hoa Kỳ và VN đã hình thành từ thời Pháp thuộc. Lúc đó, miền Nam là thuộc địa trong Liên minh Ðông Dương. Và người Mỹ đã thiết lập ngoại giao với Pháp từ năm 1907 dưới vai trò lãnh sự thông qua một đại lý thương mại có văn phòng đại diện tại Sài Gòn vào năm 1889. Vào thuở đó, “lãnh sự” Mỹ chỉ đơn thuần thúc đẩy việc trao đổi thương mãi với chính quyền Pháp tại xứ thuộc địa. Ðến năm 1950, vai trò lãnh sự được nâng lên một chút nhưng vẫn chưa chính thức bước chân vào bang giao về chính trị và quân sự dưới sự điều hành của ông Tham tán Thương mãi Edmund A. Gullion. Hai năm sau đó, Hoa Kỳ mới chính thức mở rộng ngoại giao trên nhiều lãnh vực, nâng tầm hoạt động lên vai trò của một Tòa Ðại sứ khi Hoa Kỳ bước đầu lên tiếng công nhận chính quyền của vua Bảo Ðại và không công nhận chính quyền VN Dân chủ Cộng hoà do ông Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập vào năm 1945.

Quân cảnh Mỹ đang khám chiếc xe trước cổng Tòa Đại sứ Mỹ (cũ) năm 1965 (Nguồn: Manhhaiflicks)

Về mặt ngoại giao – quân sự, thật ra từ năm 1946, Mỹ không ngăn cản Pháp quay lại Ðông Dương sau khi quân Nhật đầu hàng. Chính quyền Hoa Kỳ không trực tiếp viện trợ cho các lực lượng viễn chinh Pháp trong thời gian đó. Nhưng đến năm 1947, Mỹ đồng ý viện trợ cho nước Pháp 3 tỷ đô la theo kế hoạch Marshall để Pháp tiếp tục mở rộng chiến tranh tại Việt Nam nhưng quân đội viễn chinh Pháp vẫn thua liên miên ở các mặt trận phía Bắc. Từ năm 1950, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ bắt đầu thay đổi kế hoạch chính thức viện trợ quân sự thẳng cho chính quyền Quốc gia VN không thông qua Pháp. Sự mâu thuẫn giữa Pháp và Mỹ bắt đầu lộ rõ.

Chính quyền Pháp lo ngại trước ý định của Mỹ ủng hộ trực tiếp Quốc gia Việt Nam để chính quyền này ly khai khỏi Liên hiệp Pháp, thành lập một quốc gia độc lập. Chính quyền Mỹ nhanh chóng thành lập Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn năm 1952 để thiết lập ngoại giao chính thức với chính quyền Quốc gia VN.

Xem thêm:   Nhớ ôm thợ nhộm

Trận chiến Ðiện Biên Phủ kết thúc, Pháp và Việt Minh ký Hiệp định Geneve chia cắt VN làm hai miền. Quốc trưởng Bảo Ðại còn mải công du trên đất Pháp, chuyện quốc gia đại sự hoàn toàn do Thủ tướng Ngô Ðình Diệm trông coi. Tháng 11/1954, Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ chính thức được bổ nhiệm làm làm Ðại sứ tại Sài Gòn. Chương trình nghị sự của ông Ðại sứ Lowton Collins đề ra sáu điểm:

  1. Viện trợ thẳng cho Chính phủ Sài Gòn không qua tay Pháp.
  2. Xây dựng lại Quân đội quốc gia Việt Nam gồm 15 vạn quân do Mỹ huấn luyện, trang bị.
  3. Bầu cử Quốc hội Việt Nam để hợp pháp hoá chính quyền Sài Gòn.
  4. Ðịnh cư cho số dân miền Bắc di cư và vạch kế hoạch cải cách điền địa.
  5. Thay đổi chế độ thuế khoá, dành ưu tiên cho hàng hoá Mỹ vào miền Nam Việt Nam.
  6. Ðào tạo cán bộ hành chính cho chính quyền Ngô Ðình Diệm.

Tòa Đại sứ thứ hai của Mỹ tại Sài Gòn ở số 4 Thống Nhất (Nguồn: Manhhaiflickrs)

Năm 1957, Elbridge Durbrow được cử làm Ðại sứ Mỹ tại Sài Gòn. Ðược sự trợ giúp của Ðại sứ Mỹ và CIA, Thủ tướng Ngô Ðình Diệm đã phế truất vua Bảo Ðại trong một cuộc trưng cầu dân ý, trở thành Tổng thống. Các cố vấn quân sự Mỹ trong thời gian này sang Sài Gòn giúp chính quyền mới ổn định chính trị và tiến hành chiến tranh chống cộng tại miền Nam. Năm 1963 Henry Cabot Lodge Jr. được chính quyền Mỹ cử làm Ðại sứ đến Sài Gòn. Nhưng 64 ngày sau đó, nhà ngoại giao này đã tạo ra cuộc đảo chính quân sự hạ bệ anh em TT Ngô Ðình Diệm và Ngô Ðình Nhu, chấm dứt nền Ðệ nhất Cộng hoà, chính phủ Ðệ nhị Cộng Hoà do TT Nguyễn Văn Thiệu lãnh đạo được thành lập.

Chiến tranh ngày càng leo thang khắp các vùng miền, thành thị. Các cơ sở quân đội Mỹ và ngoại giao luôn là mục tiêu tấn công. Ngày 30/3/1965, biệt động VC Sài Gòn đã cho nổ bom bên ngoài Tòa Ðại sứ Mỹ ở đường Hàm Nghi. Vụ tấn công diễn ra khi một cảnh sát Việt Nam Cộng Hòa yêu cầu người điều khiển xe không được đậu trước Tòa Ðại sứ nhưng người lái xe đã từ chối và một thành viên khác của VC lái xe dọc theo xe và bắn vào cảnh sát. Sau một thời gian ngắn bắn súng qua lại, chiếc xe chứa 300 pound chất nổ dẻo phát nổ trước Tòa đại sứ, làm chết hai người Mỹ: một nữ nhân viên CIA và một người Mỹ khác; 19 người Việt Nam và một người Philippines phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ cùng với 183 người khác bị thương.

Xem thêm:   Oscar 2024

Sau vụ đánh bom của VC, nhận thấy vị trí của Tòa đại sứ trên đường Hàm Nghi không an toàn, Bộ Ngoại giao Mỹ giao cho kiến trúc sư Adrian Wilson and Associates thiết kế xây Tòa Ðại sứ mới an toàn hơn, có tường rào cao che chắn trên mảnh đất rộng hơn 3 mẫu tây, toạ lạc tại số 4 đường Thống Nhất (nay là Lê Duẫn). Năm 1967, Tòa Ðại sứ Mỹ chính thức dời sang trụ sở mới. Năm này cũng là năm của vị đại sứ lão thành Ensword Bulker nhận nhiệm vụ tại Sài Gòn. Ông có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết sâu rộng về nhiều vấn đề chính trị, xã hội của châu Á. Thời kỳ Bulker làm đại sứ là giai đoạn cuộc chiến diễn ra điên cuồng nhất, ác liệt nhất.

Tuy vậy, Tòa Ðại sứ Mỹ cũng trở thành mục tiêu tấn công của VC trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Một nhóm du kích tấn công Tòa Ðại sứ trong suốt 6 tiếng đồng hồ cho đến khi lực lượng lính dù của Mỹ đổ bộ bằng trực thăng trên mái Tòa Ðại sứ đánh trả và kiểm soát lại được tình hình.

Ðại sứ Bulker cũng là người chứng kiến bước ngoặt lịch sử của Mỹ trong việc ký Hiệp định Paris 1973 về chấm dứt chiến tranh, rút quân Mỹ về nước. Cũng trong năm này, vị Ðại sứ   Graham Martin đến Sài Gòn. Nhưng cuối cùng, ông cũng là người bước lên trực thăng trên tầng thượng của Toà đại sứ để ra Hạm đội 7, về nước năm 1975.

Tòa Đại sứ Mỹ bị VC tấn công năm 1968 (nguồn: Manhhaiflickrs)

TN